Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình tại phiên thảo luận dự Luật Đấu thầu (sửa đổi) ngày 23/5
Qui định rõ để chặn nguy cơ áp dụng tùy tiện hình thức chỉ định thầu
Quốc hội sáng 24/5 thảo luận về dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), trong đó, nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là quy định về trường hợp được chỉ định gói thầu.
Điều 23 của dự thảo luật này quy định, được chỉ định gói thầu dịch vụ tư vấn, thuốc, thiết bị y tế, vật tư y tế... trong trường hợp "cần triển khai ngay để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh, tránh gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe người dân". Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà, quy định này là cần thiết nhưng chưa rõ thế nào là "gói thầu cần triển khai ngay", có thể dẫn đến nguy cơ áp dụng tùy tiện hình thức chỉ định thầu.
Bà Hà nói cụm từ "cần triển khai ngay" được quy định từ Luật Đấu thầu năm 2013 đã gây ra sự lúng túng trong bối cảnh dịch bệnh. Một số đơn vị áp dụng hình thức chỉ định thầu đã bị xác định vi phạm trong việc lựa chọn hình thức đấu thầu. Do đó, đại biểu đề nghị cụ thể hóa khái niệm này.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho rằng quy định chỉ định gói thầu thuốc, vật tư y tế không cụ thể về điều kiện, dễ bị lợi dụng
Tương tự, Điều 23 cũng đề cập "được chỉ định thầu với gói mua sắm thuốc, hóa chất, thiết bị y tế, vật tư y tế để cấp cứu người bệnh theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)". Nhưng Đại biểu Trần Khánh Thu băn khoăn, Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) lại không có quy định nào về vấn đề này. Bà đề nghị quy định rõ hơn thế nào là "trường hợp cấp bách trong y tế, cơ quan nào có thẩm quyền xác định trường cấp bách".
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Hữu Chính đồng tình với ban soạn thảo khi cho áp dụng quy định chỉ định với gói thầu mua thuốc, thiết bị y tế chỉ duy nhất có một hãng sản xuất trên thị trường do yêu cầu giải pháp công nghệ. Tuy nhiên, để tránh bị lạm dụng, đại biểu này kiến nghị quy định chặt chẽ chi tiết tiêu chí, điều kiện áp dụng, hình thức chỉ định thầu. Ông Chính cũng nhất trí với dự thảo về trường hợp được chỉ định thầu, trong đó bổ sung trường hợp gói thầu cung cấp thuốc, vật tư để cấp cứu người bệnh trong trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không đủ.
Cần luật hóa nguyên tắc xác định giá gói thầu
Bà Hà phân tích thêm: vi phạm chủ yếu trong mua sắm, đấu thầu thời gian qua đều bắt nguồn từ giá gói thầu. Tuy nhiên, việc xác định giá theo hướng dẫn tại Thông tư 68 của Bộ Tài chính đang nhiều bất cập. Một trong các phương thức xác định giá gói thầu là sử dụng 3 báo giá. Tuy nhiên, phương pháp này, theo bà Trần Thị Nhị Hà, "không bảo đảm giá hàng hóa là giá thị trường". Bởi đây không phải là giá giao dịch thành công và cạnh tranh. Đại biểu đoàn Hà Nội đề nghị ban soạn thảo cân nhắc quy định nguyên tắc xác định giá gói thầu ngay trong dự thảo, tạo cơ sở pháp lý cho Chính phủ quy định cụ thể.
Làm rõ 'doanh nghiệp Nhà nước nào phải đấu thầu' ?
Theo dự thảo trình Quốc hội, Chính phủ đề xuất chỉ áp dụng đấu thầu chọn nhà đầu tư, dự án với doanh nghiệp Nhà nước. Như vậy, công ty con thuộc doanh nghiệp Nhà nước (có vốn Nhà nước 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng tổng vốn Nhà nước trong dự án trên 500 tỷ đồng) sẽ không phải đấu thầu.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế, đồng tình với phương án này. Theo ông, trong các doanh nghiệp có một phần vốn Nhà nước, lợi ích của nhà đầu tư tư nhân rất lớn. Nhiều tập đoàn tư nhân, công ty mẹ trong các doanh nghiệp Nhà nước cũng thiết kế quy trình đấu thầu phù hợp để chống thất thoát. Tức là nhu cầu tự thân chống thất thoát vốn của các doanh nghiệp nhóm này đã có, không cần thiết quy định tại luật. "Mở rộng đối tượng doanh nghiệp áp dụng theo luật sẽ khiến hoạt động sản xuất kinh doanh kém linh hoạt, ảnh hưởng lợi ích nhà đầu tư, gián tiếp ảnh hưởng lợi ích Nhà nước", ông nói.
Ông Trương Trọng Nghĩa, đại biểu TP HCM, phát biểu tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi)
Ủng hộ quan điểm của ông Phan Đức Hiếu, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) nói không nên cực đoan khi bắt buộc công ty con thuộc doanh nghiệp Nhà nước phải tuân thủ Luật Đấu thầu. Theo ông Nghĩa, cần phân biệt doanh nghiệp Nhà nước và đơn vị có vốn đầu tư của Nhà nước. Chẳng hạn, doanh nghiệp chiếm trên 50% vốn Nhà nước khi đầu tư vào doanh nghiệp khác có thể chỉ chiếm 5-10% vốn tại đơn vị này. "Tỷ lệ vốn Nhà nước thấp mà cũng phải chịu sự chi phối của Luật Đấu thầu là cực đoan, không cần thiết". "Ai tham nhũng tiêu cực đã có các quy định về thanh, kiểm tra. Luật Đấu thầu không thể khắc phục tất cả tham nhũng, tiêu cực", ông Nghĩa nêu quan điểm.
Không đồng tình, ông Nguyễn Hữu Toàn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách, tranh luận. Ông Toàn cho rằng, Luật Đấu thầu là công cụ quản lý, kiểm soát sử dụng tiền ngân sách Nhà nước, các nguồn thu có nguồn gốc từ ngân sách và doanh nghiệp nhà nước.
"Chủ trương của Đảng là không can thiệp vào quyền của doanh nghiệp. Việc đấu thầu này do doanh nghiệp thực hiện, Nhà nước không can thiệp. Không có nghị quyết nào nêu không thực hiện đấu thầu, bởi đây là một công cụ quản lý, được áp dụng không chỉ trong lĩnh vực của Nhà nước", ông nêu.
Cùng quan điểm với đại biểu Toàn, song ông Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) đề nghị Chính phủ đánh giá tác động kỹ hơn với trường hợp doanh nghiệp có vốn Nhà nước nắm giữ đến 50% vốn điều lệ. "Khi doanh nghiệp liên doanh, liên kết với doanh nghiệp khác nhưng tỷ trọng vốn của doanh nghiệp nhà nước thực hiện gói thầu, dự án chưa đến 50% thì được xử lý như thế nào?", ông Tiến đặt vấn đề.
Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa nhận đây là luật khó vì phải giải quyết những vướng mắc và tạo điều kiện cho hoạt động đấu thầu, quản lý Nhà nước.
Làm rõ phương án của Chính phủ, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư cho biết, việc chỉ áp dụng đấu thầu với doanh nghiệp Nhà nước vẫn đảm bảo quản lý chặt sử dụng vốn Nhà nước. Bởi, dự thảo luật quy định, với tất cả hoạt động chọn nhà thầu có dùng vốn ngân sách, doanh nghiệp nhà nước hay không đều phải thực hiện đấu thầu. Mặt khác, doanh nghiệp nhà nước phải có trách nhiệm bảo toàn, sử dụng hiệu quả đồng vốn Nhà nước. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng phương án Chính phủ trình phù hợp với các quan điểm của Trung ương, các luật liên quan. Phương án này cũng tạo thông thoáng, thuận lợi cho đấu thầu của các doanh nghiệp Nhà nước, hiệu quả quản lý của vốn Nhà nước.
Cần qui định cụ thể hơn các hành vi bị cấm trong đấu thầu
Đại biểu Lê Thị Song An (đoàn Long An) nêu ý kiến: Về các hành vi bị cấm, cần làm rõ hơn các hành vi bị cấm như “thông thầu, dàn xếp, thỏa thuận”, “cố ý không cung cấp tài liệu để chứng minh năng lực, kinh nghiệm khi được bên mời thầu yêu cầu làm rõ hồ sơ dự thầu hoặc khi được yêu cầu đối chiếu tài liệu nhằm tạo điều kiện để một bên trúng thầu”.
Đại biểu Lê Thị Song An (Ảnh: Quochoi.vn)
Đại biểu này cho rằng, hiện nay hành vi gian lận trong đấu thầu rất phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, khó nhận biết do chưa có quy định cụ thể. Việc có quy định cụ thể về các hành vi bị cấm sẽ giúp công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu thầu và việc thi hành pháp luật đấu thầu được thi hành công khai, chặt chẽ và minh bạch hơn.
Không bỏ các hình thức, phương thức lựa chọn nhà thầu đã được áp dụng ổn định trong thời gian qua
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không bãi bỏ các hình thức, phương thức lựa chọn nhà thầu đã được áp dụng ổn định trong thời gian qua để tránh các xáo trộn không cần thiết.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội Lê Quang Mạnh
(Ảnh: Quochoi.vn)
Ngoài ra, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý Điều 23 quy định về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt theo hướng giảm một số trường hợp chỉ định thầu; bổ sung quy định rõ, cụ thể hơn về nguyên tắc áp dụng và các trường hợp đặc biệt tại Điều 29 của dự thảo Luật.
Đồng thời, chỉ đạo cơ quan thẩm tra dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, nghiên cứu hoàn thiện quy định của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) về các trường hợp, điều kiện tổ chức đấu thầu, đấu giá quyền sử dụng đất cũng như cơ chế bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư… để bảo đảm tính khả thi, thống nhất và đồng bộ trong hệ thống pháp luật.