Hoàn thiện hành lang pháp lý chặt chẽ đối với các tổ chức tín dụng nhằm bảo đảm lành mạnh, an toàn hệ thống, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
An toàn của hệ thống tổ chức tín dụng phải được đặt lên hàng đầu
Theo Ngân hàng Nhà nước, việc xây dựng Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng, phát triển kinh tế, đổi mới hoạt động ngân hàng theo nội dung nhiệm vụ trọng tâm cơ cấu lại nền kinh tế theo định hướng, quan điểm, mục tiêu của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.
Ngoài ra, tiếp tục duy trì, tạo hành lang pháp lý trong hoạt động xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng sau khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 hết hiệu lực từ ngày 31/12/2023, qua đó còn kịp thời chỉnh sửa, hoàn thiện những quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng hiện đã phát sinh bất cập.
Đồng thời, việc xây dựng Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) cũng góp phần giúp cơ quan quản lý nhà nước tăng cường quản lý hoạt động, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, hạn chế và khắc phục xử lý sự cố khách hàng rút tiền hàng loạt tại tổ chức tín dụng phát sinh trong thời gian gần đây.
Bên cạnh đó, Luật sửa đổi, bổ sung các quy định về phòng ngừa rủi ro, tăng cường hơn nữa việc tự kiểm tra, kiểm soát nội bộ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức tín dụng; xây dựng công cụ để quản lý các tổ chức tín dụng, đặc biệt kiểm soát chặt chẽ nhân sự quản lý, điều hành của tổ chức tín dụng; phát hiện sớm vi phạm và xử lý kịp thời trách nhiệm của các cá nhân quản trị, điều hành tổ chức tín dụng; tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, giám sát, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân; bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động ngân hàng.
Theo khảo sát của VCCI, tỷ lệ doanh nghiệp có thể vay vốn được từ hệ thống các tổ chức tín dụng có xu hướng giảm trong thời gian qua. Nếu như năm 2017 có 49,37% doanh nghiệp tham gia khảo sát tiếp cận được vốn từ các tổ chức tín dụng thì con số này đã liên tục giảm qua các năm. Đơn cử như năm 2021, chỉ còn 35,41%.
Điều đó cho thấy, các chính sách của Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) cần được xây dựng theo hướng thúc đẩy cạnh tranh giữa các tổ chức tín dụng để thu hút khách hàng. Vì thế, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung nội dung về thực trạng, quan điểm và mục tiêu tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng trong hồ sơ đề nghị xây dựng luật.
Cần bổ sung qui định về chính sách giới hạn tăng trưởng tín dụng
Đó là đề nghị của VCCI gửi cơ quan soạn thảo dự luật quan trọng này. Chính sách giới hạn tăng trưởng tín dụng là một trong những chính sách có ảnh hưởng lớn đến hệ thống ngân hàng của Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay, qua rà soát của VCCI, cơ sở pháp lý của chính sách này rất mỏng. Điểm e khoản 2 Điều 59 của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010 quy định “Tuỳ theo tính chất, mức độ rủi ro, Ngân hàng Nhà nước còn áp dụng các biện pháp xử lý sau đây đối với đối tượng thanh tra, giám sát ngân hàng: e) Quyết định giới hạn tăng trưởng tín dụng đối với tổ chức tín dụng trong những trường hợp cần thiết bảo đảm an toàn cho tổ chức tín dụng và hệ thống các tổ chức tín dụng”.
Quy định này không rõ rằng biện pháp giới hạn tăng trưởng tín dụng này sẽ được áp dụng rộng rãi, đại trà cho tất cả các tổ chức tín dụng hàng năm hay chỉ áp dụng cho một số tổ chức tín dụng mà qua thanh tra, giám sát phát hiện có rủi ro cao hoặc có hành vi vi phạm pháp luật. Ngoài quy định trên, qua rà soát của VCCI, hiện không có quy định cụ thể hơn về vấn đề này. Điều này dẫn đến sự không rõ ràng, thậm chí có nguy cơ tùy nghi trong việc phân bổ giới hạn tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại.
Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định về chính sách giới hạn tăng trưởng tín dụng vào dự thảo luật này và trình Quốc hội quyết định.
Siết tín dụng cho doanh nghiệp “sân sau” vay, cấm ngân hàng cho vay lãnh đạo, pháp nhân góp vốn liên quan
Theo Điều 124 của Dự thảo, tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cấp tín dụng đối với những tổ chức, cá nhân là thành viên HĐQT (HĐTV), thành viên ban kiểm soát, tổng giám đốc (giám đốc), phó tổng giám đốc (phó giám đốc) và các chức danh tương đương của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, pháp nhân là cổ đông có người đại diện phần vốn góp là thành viên HĐQT, thành viên ban kiểm soát của tổ chức tín dụng là công ty cổ phần, pháp nhân là thành viên góp vốn, chủ sở hữu của tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn; cha, mẹ, vợ, chồng, con của thành viên HĐQT (HĐTV), thành viên ban kiểm soát, tổng giám đốc (giám đốc), phó tổng giám đốc (phó giám đốc) và các chức danh tương đương.
Điều 126 của Dự thảo luật quy định về giới hạn cấp tín dụng: Tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 10% vốn tự có của ngân hàng; tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng.
Tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 25% vốn tự có của tổ chức tín dụng phi ngân hàng; tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 50% vốn tự có của tổ chức tín dụng phi ngân hàng.
Điều 134 của Dự thảo quy định, công ty con, công ty liên kết của cùng một công ty kiểm soát không được góp vốn, mua cổ phần của nhau. Công ty con, công ty liên kết của một tổ chức tín dụng không được góp vốn, mua cổ phần của chính tổ chức tín dụng đó. Tổ chức tín dụng đang là công ty con, công ty liên kết của công ty kiểm soát không được góp vốn, mua cổ phần của công ty kiểm soát đó.
Một điểm mới rất đáng chú ý đó là Dự thảo quy định một cổ đông là cá nhân không được sở hữu vượt quá 3% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng (hiện là 5%), trong khi tỷ lệ sở hữu đối với cổ đông là tổ chức không quá 10% (quy định hiện tại là 15%). Cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng.
Những quy định trên của Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) cho thấy NHNN muốn quản chặt hơn tình trạng sở hữu chéo và lạm quyền cấp tín dụng cho một nhóm cổ đông tại ngân hàng, đồng thời sẽ siết chặt hơn giới hạn về cho vay và tỷ lệ sở hữu cổ phần của một hoặc một nhóm cổ đông tại ngân hàng.
Những điểm mới trên, nếu được thông qua, sẽ giúp tăng cơ hội sở hữu cổ phần tại ngân hàng của các nhà đầu tư tổ chức, cá nhân. Đặc biệt, sẽ hạn chế được tình trạng sở hữu chéo, chống thao túng, hạn chế việc chi phối và thâu tóm ngân hàng. Các quy định này cũng sẽ chống lạm quyền cấp tín dụng và gia tăng cơ hội tiếp cận vốn ngân hàng cho người dân.
Luật hóa các chính sách xử lý nợ xấu
Một trong những quan tâm hàng đầu của các TCTD đối với dự thảo luật mới đó là vấn đề xử lý tài sản đảm bảo.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng, việc sửa đổi, bổ sung luật các TCTD là hết sức cần thiết nhằm đảm bảo cho hoạt động của các TCTD phát triển an toàn, bền vững thông qua việc lành mạnh hóa tình trạng tài chính và củng cố năng lực hoạt động; xử lý triệt để tình trạng sở hữu chéo, nâng cao yêu cầu quản trị, điều hành, hạn chế lạm dụng quyền cổ đông lớn, quyền quản trị, điều hành để thao túng hoạt động của tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động; tạo lập nền tảng pháp lý cho hoạt động chuyển đổi số của TCTD.
Đặc biệt, trong bối cảnh Nghị quyết 42/2017/QH14 sẽ hết hiệu lực vào ngày 31/12/2023, việc luật hóa các chính sách xử lý nợ xấu có ý nghĩa quan trọng, qua đó tạo được khuôn khổ pháp lý về xử lý nợ xấu của TCTD một cách đồng bộ, có hiệu lực pháp lý cao, áp dụng ổn định, lâu dài.
Nhiều ý kiến góp ý cho thấy, trong quá trình triển khai, việc áp dụng quy định về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu đã gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Do đó, trong dự thảo, Ngân hàng Nhà nước đề xuất thêm phương án điều chỉnh quy định về thứ tự ưu tiên thanh toán theo hướng số tiền thu được từ xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, sau khi trừ chi phí bảo quản, thu giữ và chi phí xử lý tài sản bảo đảm được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ được bảo đảm cho TCTD...
Như vậy, có thể hiểu khi thực hiện việc xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, số tiền thu được từ việc xử lý tài sản sẽ được thanh toán cho các khoản thuế trực tiếp liên quan đến việc chuyển nhượng chính tài sản bảo đảm đó, gồm thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ... sau đó sẽ thanh toán cho nghĩa vụ nợ của bên bảo đảm tại TCTD.
Ông Tạ Quang Đôn - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi) nhìn chung có đổi khác so với trước nhưng cơ bản vẫn được kế thừa từ Bộ luật năm 2010. Dự thảo đã được bổ sung thêm việc luật hóa Nghị quyết 42 nhằm tăng thêm các chế tài pháp lý đảm bảo về xử lý nợ xấu của TCTD một cách hiệu lực, hiệu quả.
Cần rà soát kỹ, xem xét nhiều nội dung liên quan khác
Tại Toạ đàm góp ý Dự thảo Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 8/3/2023, ông Nguyễn Hồng Hải, Phó cục trưởng Cục Đăng ký Quốc gia Giao dịch Bảo đảm (NRAST), Bộ Tư pháp cho rằng, Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng đã có nhiều quy định được sửa đổi, bổ sung tiến bộ hơn so với Luật hiện hành, giải quyết được nhiều vướng mắc cơ bản liên quan đến các hoạt động cấp tín dụng có áp dụng biện pháp bảo đảm và trong xử lý tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu.
Tuy nhiên, những nội dung liên quan trong dự thảo Luật cũng cần tiếp tục được xem xét hoàn thiện hơn. Cần rà soát kỹ để tránh có những khoảng trống pháp lý trong xử lý các vấn đề thuộc hoạt động ngân hàng nói chung, xử lý nợ xấu nói riêng”. Cụ thể ông Hải nêu một số vấn đề sau:
Thứ nhất, thuật ngữ “hoạt động ngân hàng” và “cho vay” tại khoản 12 và khoản 16, Điều 4 Dự thảo Luật còn chưa bao quát được dạng thức cấp tín dụng, bao gồm cấp tín dụng có áp dụng biện pháp bảo đảm và cấp tín dụng không áp dụng biện pháp bảo đảm. Việc giải thích “cho vay” bó hẹp “trong một thời hạn nhất định” và “với nguyên tắc hoàn trả cả gốc và lãi” là chưa bao quát và đang tạo rào cản pháp lý đối với nghĩa vụ trong tương lai và việc thanh toán nợ thông qua việc xử lý tài sản bảo đảm.
Thứ hai, quy định về quyền hoạt động ngân hàng tại khoản 2, Điều 8 chưa bao quát, chưa có cơ chế pháp lý về trường hợp nợ xấu của tổ chức tín dụng được chuyển nhượng cho cá nhân, tổ chức khác không phải là tổ chức tín dụng thì các khoản nợ này có còn thuộc hoạt động ngân hàng hay không? Nếu không còn thuộc hoạt động ngân hàng thì cơ chế xử lý thế nào?
Thứ ba, dự thảo Luật chưa minh thị về hình thức của giao dịch chuyển nhượng quyền đòi nợ có bảo đảm và quyền đòi nợ không có bảo đảm, theo quy định của Bộ luật Dân sự thì hình thức của giao dịch phải quy định trong Luật, điều đó có nghĩa Thông tư của NHNN không được quy định hình thức của giao dịch liên quan đến vấn đề này. Bên cạnh đó, dự thảo Luật chưa có cơ chế bảo đảm tính ổn định, tính kế thừa các giao dịch tín dụng, giao dịch bảo đảm, hiệu lực của đăng ký biện pháp bảo đảm đã được xác lập trong trường hợp có sự thay đổi thông tin về ngân hàng, chi nhánh của Ngân hàng, phòng giao dịch.
Thứ tư, quy định về lãi suất trong hoạt động tín dụng tại khoản 2, Điều 90 còn chưa minh bạch theo quy định của pháp luật nào, có áp dụng mức trần lãi suất của Bộ luật Dân sự hay không khi mà dự thảo Luật vẫn ràng buộc chung chung “theo quy định của pháp luật? “Đây là vấn đề còn chưa có sự thống nhất trong quá trình áp dụng pháp luật. Đề nghị chỉnh lý khoản 2, Điều 90 theo hướng “… theo quy định của pháp luật về ngân hàng”.
Thứ năm, Điều 104 của Dự thảo Luật quy định về nghiệp vụ ủy thác và đại lý, giao đại lý trong hoạt động ngân hàng, nhưng nội dung giải thích hoạt động ngân hàng không quy định rõ cấp tín dụng có áp dụng biện pháp bảo đảm và cấp tín dụng không áp dụng biện pháp bảo đảm nên ủy thác và đại lý gần như không được áp dụng trong bảo đảm khoản nợ tín dụng. Do đó, Dự thảo Luật cần bổ sung cơ chế pháp lý về ủy thác, đại lý trong bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký biện pháp bảo đảm.
Thứ sáu, thu giữ tài sản bảo đảm là một quyền pháp lý không phải là một hành vi pháp lý, do đó, ông Hải nêu quan điểm, dự thảo Luật cần có cơ chế pháp lý linh hoạt cho tổ chức tín dụng thực hiện quyền thu giữ vừa đảm bảo tính kịp thời, an toàn, chi phí thấp vừa phù hợp với tính chất pháp lý của từng loại tài sản bảo đảm và cũng để đảm bảo được tính ổn định của các giao dịch trên thị trường có liên quan đến tài sản bảo đảm.
“Trong đó, để giữ ổn định thị trường, không làm ảnh hưởng đến các lợi ích hợp pháp, chính đáng của các nhà đầu tư khác, việc thu giữ tài sản bảo đảm là vốn góp, cổ phần, chứng khoán tại các công ty đại chúng nên áp dụng thu giữ theo phương thức bên nhận bảo đảm được chuyển giao, thế quyền không phụ thuộc vào ý chí của bên bảo đảm về các quyền pháp lý mà bên bảo đảm được xác lập đối với tài sản bảo đảm”.
Thứ bảy, khoản 3, Điều 131 Dự thảo Luật cần bổ sung cơ chế pháp lý phù hợp hơn, đầy đủ, khả thi hơn về chính sách trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày quyết định xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản, tổ chức tín dụng phải bán, chuyển nhượng hoặc mua lại bất động sản này. Trong đó, phải làm rõ hậu quả pháp lý của việc sau 3 năm tổ chức tín dụng vẫn chưa bán tài sản bảo đảm, lúc đó, tổ chức tín dụng có mất quyền xử lý tài sản bảo đảm hay không? Nếu bán sau thời hạn 3 năm thì giao dịch chuyển nhượng có hợp pháp không?.
Theo ông Hải, dự thảo Luật ghi nhận “mua lại bất động sản” là chưa phù hợp hoặc chưa bao quát với quy định của Bộ luật Dân sự, Nghị định số 21/2021 về việc tổ chức tín dụng có thể thỏa thuận nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế thực hiện nghĩa vụ.
“Đồng thời, căn cứ vào quy định về quyền của bên nhận bảo đảm được quy định trong Bộ luật dân sự, quy định về tài sản bán tại khoản 2, Điều 431 Bộ luật Dân sự “tài sản bán thuộc sở hữu của người bán hoặc người bán có quyền bán” thì để đảm bảo tính kịp thời của xử lý tài sản bảo đảm, ngăn ngừa sự không thiện chí của bên bảo đảm, dự thảo Luật cần quy định cụ thể, trường hợp này tổ chức tín dụng có quyền bán, chuyển nhượng không cần phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu hoặc thủ tục đăng ký biến động khác đối với tài sản bảo đảm cho bên tổ chức tín dụng trước khi xử lý tài sản bảo đảm”, ông Hải nhấn mạnh.