“Sếp lớn” né nghĩa vụ đến tòa, hệ lụy nào cho công tác tranh tụng?

31/07/2018 08:56

(Pháp lý) - Dù được Tòa triệu tập nhưng không ít lãnh đạo các cơ quan, tổ chức không chịu đến tòa theo giấy triệu tập. Ốm, bệnh, đi nước ngoài… là những lý do được người làm chứng, người có quyền nghĩa vụ liên quan viện dẫn tránh nghĩa vụ tới tòa. Không đến tòa theo giấy triệu tập, có làm mất đi tính nghiêm minh của pháp luật? ảnh hưởng tới chất lượng tranh tụng tại Tòa thế nào?

Né tòa bằng mọi lẽ

Trong một vụ án nổi cộm, bức xúc dư luận gần đây, ông Trương Quý Dương, cựu Giám đốc BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình đã vắng mặt trong phiên tòa sơ thẩm vụ tai biến y khoa khiến 8 người chạy thận tử vong. Ông Dương là người đứng đầu BVĐK tỉnh Hòa Bình thời điểm xảy ra tai biến y khoa khiến 8 người chạy thận tử vong. Ông Dương là Giám đốc, đồng thời là người ký toàn bộ hợp đồng lắp đặt thiết bị vật tư y tế, giám sát và nghiệm thu. Lý do ông Dương vắng mặt tại tòa được đưa ra là do ông đang ở nước ngoài.

Trong phiên tòa xét xử vụ PVN góp vốn vào Oceanbank, việc vắng mặt một số đại diện cơ quan tổ chức khiến cho tài liệu chứng cứ liên quan chưa có điều kiện đánh giá, đối chiếu (Ảnh bị cáo Đinh La Thăng, Ninh Văn Quỳnh và một số bị cáo tại phiên tòa).
Trong phiên tòa xét xử vụ PVN góp vốn vào Oceanbank, việc vắng mặt một số đại diện cơ quan tổ chức khiến cho tài liệu chứng cứ liên quan chưa có điều kiện đánh giá, đối chiếu (Ảnh bị cáo Đinh La Thăng, Ninh Văn Quỳnh và một số bị cáo tại phiên tòa).)

Hay một vụ án đình đám khác, một “sếp lớn” cũng không đến Tòa. Trong suốt phiên xét xử đại án Phạm Công Danh giai đoạn 2, ông Trần Bắc Hà (nguyên là Chủ tịch HĐQT, Trưởng Phân ban rủi ro tín dụng ngân hàng BIDV) được HĐXX triệu tập với tư cách người có quyền nghĩa vụ liên quan và người làm chứng. VKS đã hơn 3 lần đề nghị triệu tập, tòa án cũng 2 lần ra lệnh triệu tập Trần Bắc Hà nhưng không được. Ông Trần Bắc Hà và một số lãnh đạo khác của BIDV như Đoàn Ánh Sáng và Trần Lục Lang đều vắng mặt. Đây là những người trực tiếp tham gia, xử lý hồ sơ cho 12 công ty của ông Danh vay 4.700 tỷ đồng.

Kiểm tra các tài liệu liên quan đến sự vắng mặt của ông Trần Bắc Hà, VKS cho rằng ông Trần Bắc Hà bị bệnh năm 2012 nhưng xuất cảnh đi Singapore tái khám bệnh vào ngày 8/1/2018, chỉ trước 1 ngày mở phiên tòa. VKS cho rằng sự vắng mặt của ông Trần Bắc Hà không xuất phát từ lý do bất khả kháng, đề nghị HĐXX dùng mọi biện pháp để triệu tập bằng được. Tại một trang hộ chiếu cho thấy ngày 7/12/2017, ông Trần Bắc Hà xuất cảnh rồi sau đó nhập cảnh vào ngay cửa khẩu La Lay từ Quảng Trị qua tỉnh Salavan (Lào). Trong thời gian cuối năm 2017 đến đầu năm 2018, ông Trần Bắc Hà đi lại giữa Thái Lan và Lào.

Ngày 7/1/2018, ông Trần Bắc Hà tiếp tục đi qua cửa khẩu Vang Tao qua Thái Lan, rồi từ đó đáp chuyến bay từ Bangkok đi Singapore. Trước tình trạng này, đại diện VKS đã hoài nghi rằng ông Trần Bắc Hà viện cớ đi khám bệnh để né tránh lệnh triệu tập của tòa. Do không thể triệu tập, tòa buộc phải sử dụng các lời khai của ông Trần Bắc Hà tại cơ quan điều tra trong suốt quá trình xét xử.

Trước đây, tại phiên xử của đại án Huyền Như, Luật sư cũng đề nghị triệu tập một lãnh đạo cao cấp của Vietinbank. Trước yêu cầu này, đại diện VKS cho rằng đã có những người đại diện ủy quyền hợp pháp và họ sẽ có trách nhiệm trả lời những vấn đề tòa phúc thẩm xét xử liên quan đến Vietinbank, do đó việc triệu tập vị lãnh đạo cao cấp đó là không cần thiết. Phía tòa cho rằng, đề nghị triệu tập trên là không cần thiết vì ngân hàng trên đã có đại diện tại phiên tòa nên không cần triệu tập.

Pháp luật đã đầy đủ nhưng “tùy nghi” ở người thực thi

Theo quy định của BLTTHS 2015 thì khi cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố vụ án, việc phải có mặt theo giấy triệu tập là một nghĩa vụ tố tụng (bắt buộc) đối với những người thuộc diện sau:

Bị can, bị cáo phải có mặt theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát; trong trường hợp vắng mặt không có lý do chính đáng thì có thể bị áp giải; nếu bỏ trốn thì bị truy nã (điều 61).

Luật sư Nguyễn Quang Ngọc: Vắng mặt đại diện của cơ quan, tổ chức tại tòa gây khó cho xác định sự thật vụ án.
Luật sư Nguyễn Quang Ngọc: Vắng mặt đại diện của cơ quan, tổ chức tại tòa gây khó cho xác định sự thật vụ án.)

Người bị hại là người bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản do tội phạm gây ra. Người bị hại phải có mặt theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án; nếu từ chối khai báo mà không có lý do chính đáng thì có thể phải chịu trách nhiệm hình sự (điều 62). Nguyên đơn dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức bị thiệt hại do tội phạm gây ra và có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại. Nguyên đơn dân sự phải có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan điều tra, viện kiểm sát, Tòa án và trình bày trung thực những tình tiết liên quan đến việc đòi bồi thường thiệt hại (điều 62). Trường hợp này luật không có chế tài nếu nguyên đơn dân sự cố tình không đến theo giấy triệu tập. Tuy nhiên, nếu họ không đến thì sẽ bị ảnh hưởng đến chính quyền lợi của họ trong quá trình giải quyết vụ án.

Bị đơn dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức mà pháp luật quy định phải chịu trách nhiệm bồi thường đối với thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra. Bị đơn dân sự phải có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án và trình bày trung thực những tình tiết liên quan đến việc bồi thường thiệt hại (điều 64). Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án phải có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án và trình bày trung thực những tình tiết trực tiếp liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của mình (Điều 65).

Người làm chứng là người nào biết được những tình tiết liên quan đến vụ án đều có thể được triệu tập đến làm chứng. Người làm chứng có nghĩa vụ có mặt theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án; Trong trường hợp cố ý không đến mà không có lý do chính đáng và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc điều tra, truy tố, xét xử thì có thể bị dẫn giải (điều 66). Như vậy, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành thì người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, người làm chứng có nghĩa vụ có mặt theo giấy triệu tập của tòa án. Trường hợp người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan vắng mặt thì tùy trường hợp, Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa hoặc vẫn tiến hành xét xử. Trường hợp xét thấy sự vắng mặt đương sự chỉ gây trở ngại cho việc giải quyết bồi thường thiệt hại thì Hội đồng xét xử có thể tách việc bồi thường để xét xử sau theo quy định của pháp luật; những đối tượng trên có thể bị dẫn giải theo yêu cầu của HĐXX.

Theo Luật sư Nguyễn Quang Ngọc, quy định về quyền và nghĩa vụ đến tòa theo giấy triệu tập đối với những người làm chứng, người liên quan là đầy đủ. Bởi lẽ theo Luật định, người được triệu tập có nghĩa vụ đến tòa trong trường hợp cố ý vắng mặt thì có thể bị dẫn giải. Thực tế, việc yêu cầu một người làm chứng hay người có quyền nghĩa vụ liên quan đến tòa là đề nghị của luật sư. Việc đánh giá, xem xét đề nghị đó là quyết định cuối cùng của hội đồng xét xử. Đồng thời, việc có dẫn giải đối với trường hợp cố tình vắng mặt, cũng do HĐXX quyết định.

Gây khó cho công tác tranh tụng

Một tinh thần mới quan trọng và được đánh giá cao tại BLTTHS 2015 là quy định và yêu cầu tranh tụng trong xét xử. Cụ thể, tranh tụng trong xét xử được bảo đảm (Điều 26). Theo đó trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, Điều tra viên, Kiểm sát viên, người khác có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người bị buộc tội, người bào chữa và người tham gia tố tụng khác đều có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, đánh giá chứng cứ, đưa ra yêu cầu để làm rõ sự thật khách quan của vụ án.

Tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án do Viện kiểm sát chuyển đến Tòa án để xét xử phải đầy đủ và hợp pháp. Phiên tòa xét xử vụ án hình sự phải có mặt đầy đủ những người theo quy định của Bộ luật này, trường hợp vắng mặt phải vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan hoặc trường hợp khác do Bộ luật này quy định. Tòa án có trách nhiệm tạo điều kiện cho Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, những người tham gia tố tụng khác thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ của mình và tranh tụng dân chủ, bình đẳng trước Tòa án.

Mọi chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, áp dụng điểm, khoản, điều của Bộ luật hình sự để xác định tội danh, quyết định hình phạt, mức bồi thường thiệt hại đối với bị cáo, xử lý vật chứng và những tình tiết khác có ý nghĩa giải quyết vụ án đều phải được trình bày, tranh luận, làm rõ tại phiên tòa. Bản án, quyết định của Tòa án phải căn cứ vào kết quả kiểm tra, đánh giá chứng cứ và kết quả tranh tụng tại phiên tòa.

Luật sư Trần Hồng Phúc, người đã tham gia tranh tụng trong vụ PVN góp vốn 800 tỉ vào Ngân hàng Đại Dương cho rằng: Chấp thuận triệu tập một số đại diện cơ quan, tổ chức, cá nhân theo đề nghị của luật sư bào chữa để bảo đảm việc tranh tụng được khách quan, công khai, nhằm xác định sự thật vụ án; Việc HĐXX chưa triệu tập đầy đủ đại diện cơ quan, tổ chức theo đề nghị của luật sư bào chữa (Bộ Tài chính) và có thành phần HĐXX triệu tập nhưng không có mặt (Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Công thương) khiến cho một số tài liệu chứng cứ liên quan chưa có điều kiện đánh giá, đối chiếu công khai tại phiên tòa (đặc biệt có ý nghĩa đối với bị cáo kháng cáo kêu oan);

Luật sư Nguyễn Quang Ngọc đặt vấn đề: Nếu không có đầy đủ những người làm chứng, người liên quan tại tòa thì khó có thể đảm bảo nguyên tắc tranh tụng khi xét xử. Lúc này, tòa án căn cứ vào các lời khai của người làm chứng, người có quyền nghĩa vụ liên quan có trong hồ sơ vụ án để xác định sự thật vụ án. Như vậy là trái với nguyên tắc tranh tụng vì khi đó việc xác định sự thật vụ án lại phụ thuộc vào “án tại hồ sơ”.

Minh Minh

Bạn đang đọc bài viết "“Sếp lớn” né nghĩa vụ đến tòa, hệ lụy nào cho công tác tranh tụng?" tại chuyên mục Bên khung cửa tư pháp. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin