Sau 15 năm thực hiện Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2008) đã tạo hành lang pháp lý cho công tác phòng, chống ma túy, nhưng cũng đã bộc lộ nhiều bất cập, trong đó phát sinh tình trạng các văn bản quy phạm pháp luật về công tác phòng, chống ma túy chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với quy định pháp luật khác.
Luật Phòng, chống ma túy mâu thuẫn với Luật Xử lý vi phạm hành chính
Điều 5 Luật Phòng, chống ma túy quy định: “Cá nhân, tổ chức nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú, đi lại trên lãnh thổ Việt Nam có trách nhiệm tuân thủ các quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật Việt Nam về Phòng, chống ma túy.”
Tuy nhiên, nhận định của Bộ Công an, việc áp dụng các biện pháp xử lý người nước ngoài sử dụng trái phép chất ma túy còn lúng túng. Theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì các biện pháp xử lý hành chính không áp dụng đối với người nước ngoài, dẫn đến tình trạng người nước ngoài nghiện ma túy nhưng không có biện pháp xử lý, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Khoản 1 Điều 27 Luật Phòng, chống ma túy quy định: Trường hợp người nghiện ma túy không tự nguyện cai nghiện thì áp dụng biện pháp cai nghiện ma túy bắt buộc tại cộng đồng theo quyết định của Chủ tịch UBND cấp xã, nhưng Luật Xử lý vi phạm hành chính chưa quy định nội dung này.
Khoản 2 Điều 28 Luật Phòng, chống ma túy quy định việc đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được thực hiện theo quyết định của Chủ tịch UBND cấp huyện, nhưng Luật Xử lý vi phạm hành chính lại quy định TAND cấp huyện mới có thẩm quyền áp dụng đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Cũng tại khoản này của Luật quy định thời hạn cai nghiện bắt buộc là 01 đến 02 năm nhưng khoản 2 Điều 95 Luật Xử lý vi phạm hành chính lại quy định thời gian này là 06 tháng đến 24 tháng.
Điều 29 Luật Phòng, chống ma túy quy định người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi được áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc dành riêng cho họ nhưng Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định người đủ 18 tuổi trở lên mới được áp dụng biện pháp đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Điều 30 Luật Phòng, chống ma túy quy định về lao động, học tập, chữa bệnh để cai nghiện và góp phần đảm bảo đời sống trong thời gian cai nghiện. Tuy nhiên, Điều 95 Luật Xử lý vi phạm hành chính còn có biện pháp “học văn hóa, học nghề” cho người nghiện từ 18 tuổi trở lên.
Điều 32a Luật Phòng, chống ma túy quy định “Người đang cai nghiện ma tuý bắt buộc tại cơ sở cai nghiện mà phạm tội, nếu thời gian bị phạt tù ít hơn thời gian cai nghiện ma túy thì sau khi chấp hành xong hình phạt tù phải tiếp tục cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện bắt buộc; trường hợp phải chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù nhưng cho hưởng án treo thì vẫn phải thực hiện cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện bắt buộc”.
Trong khi đó, Điều 117 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi phạm tội được thực hiện trước hoặc trong thời gian chấp hành biện pháp xử lý hành chính trường hợp bị Toà án xử phạt tù thì người đó được miễn chấp hành phần thời gian còn lại trong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính; nếu hình phạt được áp dụng không phải là hình phạt tù thì người đó có thể phải tiếp tục chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
Điều 33 Luật Phòng, chống ma túy quy định về thời gian quản lý sau cai là 01 đến 02 năm, còn Luật Xử lý vi phạm hành chính không quy định về thời gian quản lý sau cai.
Chỉnh sửa để đồng bộ với pháp luật hình sự, tố tụng hình sự
Điều 3 Luật Phòng, chống ma túy quy định nghiêm cấm các hành vi: “Trồng cây có chứa chất ma túy; sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, bảo quản, mua bán, phân phối, giám định, xử lý, trao đổi, xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, nghiên cứu trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần...”. Tuy nhiên, Điều 259 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định thêm một số hành vi mới như: “Vi phạm quy định về tạm nhập, tái xuất, giao nhận, quản lý, kiểm soát, lưu giữ, cấp phát, cho phép sử dụng chất ma túy, thuốc gây nghiện hoặc thuốc hướng thần”.
Về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn công tác đấu tranh chống tội phạm ma túy của lực lượng phòng, chống tội phạm ma túy của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng: theo quy định tại khoản 3 Điều 13 Luật Phòng, chống ma túy thì “Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Bộ đội biên phòng, lực lượng Cảnh sát biển, cơ quan Hải quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ quan công an, các cơ quan hữu quan khác thực hiện và áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật để phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần tại khu vực hoặc địa bàn quản lý, kiểm soát”.
Tuy nhiên, khoản 1 Điều 164 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 và Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự quy định ngoài các quy định về tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, Bộ đội Biên phòng còn có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra với các tội khác như: trồng cây thuốc phiện, cây cô ca cây cần sa hoặc các loại cây khác chứa chất ma túy; sản xuất trái phép chất ma túy; tàng trữ vận chuyển mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy; tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy.
Bên cạnh đó, một số quy định tại Luật Phòng, chống ma túy đang mâu thuẫn với Luật Đầu tư, Luật Tương trợ tư pháp... Để đáp ứng đầy đủ, kịp thời yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung, công tác Phòng, chống ma túy nói riêng, Bộ Công an cho rằng, cần tiến hành sửa đổi các quy định cho phù hợp.
Theo baophapluat.vn
Nguồn bài viết: http://baophapluat.vn/tu-van-365/sau-15-nam-thuc-hien-luat-phong-chong-ma-tuy-nhieu-quy-dinh-can-duoc-sua-doi-459172.html