(Pháp lý) - Những hành vi sai phạm nghiêm trọng của các đối tượng trong kỳ thi THPT tại các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình vừa qua đã bị khởi tố và điều tra theo các quy định của pháp luật. “Soi xét” vụ việc, một số chuyên gia pháp luật hình sự cho rằng nếu chỉ xem xét hành vi “Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ” của các đối tượng, thì có thể sẽ bỏ lọt tội phạm…
Sai phạm “chấn động” ngành giáo dục
Sai phạm liên quan đến điểm số trong kỳ thi THPT quốc gia được đánh giá là sai phạm nghiêm trọng nhất của ngành giáo dục trong những năm gần đây. Khi điểm thi tại Hà Giang được công bố, các chuyên gia giáo dục giật mình vì thấy tỉnh này có nhiều học sinh đạt trên 27 điểm so với cả nước. Từ đó, Bộ GD&ĐT đã ra quyết định lập đoàn thanh tra, Hội đồng chấm thẩm định rồi làm việc xuyên đêm tại Hà Giang nhằm làm rõ các nghi vấn. Kết quả chấm thẩm định cho thấy, 114 thí sinh với hơn 330 bài thi trắc nghiệm được nâng từ 1 đến 8,75 điểm và có thí sinh được nâng hơn 29 điểm. Đáng chú ý, trong số 114 thí sinh được nâng điểm trên, có không ít con cháu của lãnh đạo, cán bộ Hà Giang và những người công tác trong ngành giáo dục của tỉnh.
Điều tra ban đầu cho thấy, ông Vũ Trọng Lương - Phó phòng Khảo thí Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang là người nhận các tin nhắn chứa thông tin thí sinh rồi can thiệp vào bài thi để nâng điểm, mỗi trường hợp ông Lương chỉ làm trong 6 giây. Hiện ông Lương đã bị bắt để phục vụ công tác điều tra.
Sau tiêu cực trong kỳ thi tốt nghiệp THPT ở Hà Giang, dư luận cũng chỉ ra những điểm bất thường trong điểm thi của thí sinh ở Sơn La. Tổ công tác của Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Công an đã phát hiện hàng loạt dấu hiệu vi phạm khâu chấm thi, sửa chữa bài thi trắc nghiệm của một số thí sinh. Cụ thể: Sao dữ liệu ảnh bài thi trắc nghiệm đã quét ra đĩa CD không đúng thẩm quyền và tự ý đem ra khỏi khu vực bảo quản bài thi. Phòng lưu giữ bài thi, tài liệu thi không có niêm phong; khóa phòng lưu giữ bài thi, tài liệu thi không đúng quy định; các thùng đựng Phiếu trả lời trắc nghiệm niêm phong không đúng quy định; Quy trình nghiệp vụ chấm thi trắc nghiệm không đúng quy định; Máy tính dùng chấm thi không được niêm phong; tại thời điểm kiểm tra, máy tính này đang được sử dụng bình thường tại phòng làm việc của chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD&ĐT Sơn La; Một số phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh có dấu hiệu bị sửa chữa; Việc bàn giao bài thi giữa các Điểm thi với Hội đồng thi Sở GD&ĐT, việc bảo quản bài thi trắc nghiệm tại Hội đồng thi, việc bàn giao bài thi giữa Ban thư ký với Ban làm phách không đảm bảo quy định. Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La Trần Xuân Yến và 4 cán bộ thuộc Hội đồng thi tỉnh này được xác định là những người liên quan đến sai phạm trên và đã bị khởi tố.
Tương tự là ở Hòa Bình, theo PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết: Hiện chưa đầy đủ các thông tin về những sai phạm trong chấm thi ở tỉnh Hòa Bình vì đang phải chờ kết quả điều tra của cơ quan công an. Tuy nhiên, qua thông tin ban đầu, sai phạm ở Hòa Bình cũng rất nghiêm trọng, thậm chí là có gì đó tinh vi và xảo quyệt hơn. Bước đầu, Bộ GD-ĐT và cơ quan công an xác minh có dấu hiệu can thiệp làm thay đổi trên phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh để làm thay đổi kết quả bài thi của thí sinh.
Nếu chỉ xem xét hành vi “Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ” của các đối tượng, có thể sẽ bỏ lọt tội phạm?
Các hành vi can thiệp, sửa điểm, làm sai lệch kết quả thi ở các địa phương như Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình đã gây ảnh hưởng đến uy tín của ngành giáo dục nói riêng và gây bất bình trong dư luận xã hội. Tại Hà Giang, Sơn La, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Giang và Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La đã khởi tố vụ án hình sự “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015 để điều tra và đã khởi tố, bắt tạm giam một số đối tượng có liên quan. Tại Hòa Bình, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố và bắt tạm giam 2 đối tượng là Nguyễn Khắc Tuấn và Đỗ Mạnh Tuấn về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Tuy nhiên, xung quanh sự kiện pháp luật chấn động ngành giáo dục này, hiện các chuyên gia pháp luật có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh vấn đề tội danh. Luật sư Nguyễn An (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng: Trước những thông tin ban đầu về vụ việc, tôi cho rằng có dấu hiệu của Tội giả mạo trong công tác theo Điều 359 của Bộ luật Hình sự. Theo đó, người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu; Làm, cấp giấy tờ giả; Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 359 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội “Giả mạo trong công tác”.
Theo phân tích của Luật sư Nguyễn An, căn cứ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can để điều tra về hành vi gian lận theo tội danh này thì người phạm tội phải thỏa mãn đầy đủ 4 yếu tố cấu thành tội phạm: Mặt khách thể tội phạm, mặt khách quan, mặt chủ quan và chủ thể tội phạm. Trong đó, dấu hiệu về mặt chủ thể là dấu hiệu bắt buộc của tội danh theo Điều 359. Theo đó, người phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan nhà nước do được bổ nhiệm thực hiện công việc được giao (chủ thể đặc biệt) vì động cơ vụ lợi hoặc vì lợi ích vật chất khác có hành vi sửa chữa làm sai lệch giấy tờ, tài liệu…
Còn Luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, tuy chỉ mới là khởi tố để điều tra (sau khởi tố, thì có thể cơ quan công an thay đổi về tội danh –PV) nhưng tôi cho rằng nếu chỉ điều tra và truy tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ đối với các đối tượng thì e rằng sẽ bỏ lọt tội phạm. Việc xử lý theo tội danh “Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ” chỉ xử lý được chính cán bộ nâng điểm, nhưng bỏ lọt nhiều đối tượng khác.
Bộ luật Hình sự quy định, người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ là cấu thành tội nhận hối lộ. Đồng thời, người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ… là cấu thành tội đưa hối lộ.
Cụ thể, người thực hiện nâng điểm, sửa điểm là người có chức vụ, quyền hạn. Việc nâng điểm, chỉnh sửa điểm cho các thí sinh là có động cơ, mục đích rõ ràng, có chọn lựa các thí sinh, hoặc là con em của các lãnh đạo tỉnh, những người qua thân quen, nhờ vả… Về mặt khách quan, không thể nói là không vì lợi ích mà tự nhiên nâng điểm. Như vậy là có yếu tố vụ lợi cho bản thân người nâng điểm và cho những người được nâng điểm. Bản thân người thực hiện hành vi nâng, sửa điểm thi cần bị xử lý và những người có con em được nâng điểm cũng cần bị xử lý.
Theo quan điểm của Luật sư Bùi Đình Ứng thì cần điều tra các phụ huynh, xem xét có các tin nhắn, cuộc gọi nhờ vả và những thỏa thuận về tiền bạc giữa các bên. Những người môi giới, dẫn dắt giữa người nhà phụ huynh và các cán bộ can thiệp điểm thi… Theo Luật sư Bùi Đình Ứng thì còn có dấu hiệu của tội đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ trong các vụ án xảy ra ở 3 tỉnh trên.
Vũ Anh Tuấn