Quyền lợi khi người lao động tham gia đóng BHXH tự nguyện năm 2023

01/10/2023 14:44

Người lao động hỏi: Hiện nay tôi đang làm công việc lao động tự do có thu nhập ổn định và mong muốn tham gia BHXH tư nguyện. Rất mong được tư vấn về quyền lợi khi người lao động tham gia BHXH tự nguyện?

Nguyễn Minh Hưng (Hà Nội)

Luật gia trả lờì: Vấn đề người lao động quan tâm về quyền lợi khi tham gia BHXH tự nguyện, Luật sư Trần Đại Ngọc – Cty Luật TNHH Trần Nguyễn, Đoàn Luật sư Hà Nội tư vấn, cụ thể như sau:

1-1696484670.jpg

Cán bộ BHXH tư vấn về quyền lợi cho NLĐ khi tham gia BHXH tự nguyện

Căn cứ theo Khoản 2 Điều 4 Luật Bảo hiểm xã hội, BHXH tự nguyện gồm 2 chế độ: hưu trí và tử tuất.

Có thế thấy, so với chế độ BHXH bắt buộc thì chế độ BHXH tự nguyện được hưởng ít quyền lợi hơn như: không được hưởng chế độ ốm đauchế độ thai sảnchế độ tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp.

Tuy nhiên, việc tham gia BHXH tự nguyện cũng mang lại nhiều quyền lợi cho người lao động khi về già, chẳng hạn như được nhận lương hưu hàng tháng, được cấp thẻ BHYT miễn phí và hưởng 95% chi phí khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập trong suốt thời gian nhận lương hưu…

1. Hưởng chế độ hưu trí

1.1. Điều kiện hưởng lương hưu

Người lao động được hưởng lương hưu hằng tháng khi tham gia BHXH tự nguyện nếu đáp ứng đủ 2 điều kiện sau:

Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 4 Nghị định 135/2023/NĐ-CP, cụ thể năm 2023 độ tuổi nghỉ hưu của lao động nữ và lao động nam trong điều kiện làm việc bình thường được quy định như sau: Nam đủ 60 tuổi 9 tháng; Nữ đủ 56 tuổi; Có đủ từ 20 năm trở lên đóng BHXH. 

Lưu ý: Nếu người lao động tham gia BHXH tự nguyện đã đủ điều kiện về tuổi nhưng chưa đủ 20 năm thì được tiếp tục đóng bảo hiểm cho đến khi đủ 20 năm để được hưởng lương hưu hàng tháng.

1.2. Mức hưởng lương hưu hàng tháng 

Mức lương hưu hàng tháng của người lao động tham gia BHXH tự nguyện được tính như sau:

Mức lương hưu hàng tháng

=

Tỷ lệ (%) hưởng lương hưu hàng tháng

x

Mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH

Trong đó: Tỷ lệ (%) hưởng lương hưu hàng tháng được xác định như sau:

+ Đối với lao động nam: 45% mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH tương ứng với 20 năm đóng BHXH; Sau đó, cứ mỗi năm đóng BHXH cộng thêm 2%, mức hưởng tối đa bằng 75%.

+ Đối với lao động nữ: 45% mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH tương ứng với 15 năm đóng BHXH;

+ Sau đó, cứ mỗi năm đóng BHXH tính thêm 2%, mức hưởng tối đa bằng 75%.

Lưu ý: Tỷ lệ (%) hưởng lương hưu hàng tháng từ năm 2014 - 2018 và sau năm 2018 ở lao động nam và lao động nữ sẽ có sự khác nhau, cụ thể như sau:

+ Từ 2014 - 2018 cứ mỗi năm đóng BHXH thì người lao động nam cộng thêm 2%, lao động nữ cộng thêm 3%;

+ Sau 2018 cứ mỗi năm đóng BHXH thì lao động nam và nữ đều cộng thêm 2%

2. Hưởng chế độ tử tuất 

2.1.Trợ cấp mai táng

Điều kiện hưởng trợ cấp mai táng: Người tham gia BHXH tự nguyện qua đời thì người thân (người lo mai táng) sẽ được nhận trợ cấp mai táng nếu thuộc một trong những trường hợp sau: Người lao động qua đời đã đóng BHXH từ đủ 60 tháng trở lên; Người lao động qua đời đang hưởng lương hưu.

Mức hưởng trợ cấp mai táng: Mức hưởng trợ cấp mai táng khi tham gia BHXH tự nguyện bằng 10 lần mức lương cơ sở (*).

Mức trợ cấp mai táng

=

10

x

Mức lương cơ sở

(*): Từ ngày 01/07/2023, mức lương cơ sở là 1.800.000 đồng/tháng.

2.2.Trợ cấp tuất

Người tham gia BHXH tự nguyện qua đời thì người thân sẽ không được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng mà chỉ nhận trợ cấp tuất 1 lần.

Điều kiện hưởng trợ cấp tuất 1 lần: Người tham gia BHXH tự nguyện khi qua đời thì người thân (người lo mai táng) sẽ nhận được trợ cấp tuất 1 lần nếu thuộc một trong những trường hợp sau: Người lao động đã mất đang đóng BHXH; Người lao động đã mất đang bảo lưu thời gian đóng BHXH; Người lao động đã mất đang hưởng lương hưu.

Mức trợ cấp tuất 1 lần:

Điều kiện hưởng trợ cấp tuất

Mức hưởng trợ cấp tuất

NLĐ đã mất đang đóng BHXH hoặc đang bảo lưu thời gian đóng BHXH

Mức hưởng trợ cấp tuất 1 lần được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm được tính như sau:

  • 1,5 lần MBQTL tháng đóng BHXH (giai đoạn trước năm 2014)
  • 2 lần MBQTL tháng đóng BHXH (giai đoạn từ 2014 trở đi)

NLĐ đã mất đang hưởng lương hưu

  • Trường hợp qua đời trong 2 tháng đầu hưởng lương hưu thì mức trợ cấp 1 lần bằng 48 tháng lương hưu đang hưởng
  • Trường hợp qua đời sau 2 tháng đầu trở đi, cứ hưởng thêm 1 tháng lương hưu thì mức trợ cấp giảm đi 0,5 tháng lương hưu

Lưu ý: Trường hợp người lao động có thời gian đóng BHXH chưa đủ 1 năm thì: Mức trợ cấp trợ tuất 1 lần bằng số tiền đã đóng; Mức trợ cấp tuất tối đa bằng 2 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH.

Trường hợp người lao động có thời gian đóng BHXH bắt buộc và cả BHXH tự nguyện thì mức hưởng trợ cấp tuất 1 lần tối thiểu bằng 3 tháng mức bình quân tiền lương và thu nhập tháng đóng BHXH.

3. Hưởng trợ cấp BHXH 1 lần

3.1. Điều kiện hưởng BHXH tự nguyện 1 lần

Người tham gia BHXH tự nguyện nếu có yêu cầu thì sẽ được nhận BHXH 1 lần, tuy nhiên phải đảm bảo thuộc một trong các trường sau: Ra nước ngoài để định cư; Người lao động tham gia BHXH tự nguyện sau 1 năm thì không tiếp tục đóng BHXH nhưng chưa đủ 20 năm; Đủ tuổi hưởng lương hưu nhưng chưa đóng BHXH đủ 20 năm và không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện; Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như: bại liệt, ung thư, phong, lao nặng, nhiễm HIV chuyển sang AIDS, xơ gan cổ chướng và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế.

3.2. Mức hưởng BHXH 1 lần

Mức hưởng BHXH 1 lần đối với người lao động tham gia BHXH tự nguyện được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm được tính như sau: 1,5 tháng mức bình quân thu nhập (MBQTN) tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014; 2 tháng mức bình quân thu nhập (MBQTN) tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi;

Cụ thể:

Mức hưởng BHXH 1 lần

=

(1,5 x MBQTN x Thời gian tham gia BHXH trước năm 2014)

+

(2 x MBQTN x Thời gian tham gia BHXH từ năm 2014)

Lưu ý:

+ Trường hợp, người lao động có thời gian đóng BHXH tự nguyện chưa đủ 1 năm thì mức hưởng BHXH bằng số tiền đã đóng, mức tối đa bằng 2 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH.

+ Mức hưởng BHXH 1 lần của người tham gia BHXH tự nguyện không bao gồm số tiền nhà nước đã hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện (trừ trường hợp người tham gia bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng theo quy định của Bộ Y tế).

4. Hưởng chế độ BHYT từ BHXH tự nguyện

Người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí trong suốt quá trình hưởng lương hưu với mức hưởng chi phí khám bệnh, chữa bệnh là 95% tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập.

5. Được bảo lưu thời gian đóng BHXH, tạm dừng và hưởng tiếp lương hưu

5.1. Điều kiện được bảo lưu đóng BHXH tự nguyện

- Người lao động dừng đóng BHXH tự nguyện mà chưa đủ điều kiện để hưởng lương hưu theo quy định hiện hành;

- Người lao động chưa nhận BHXH 1 lần.

5.2. Điều kiện được tạm dừng, hưởng tiếp lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng

Các đối tượng dưới đây sẽ được tạm dừng đóng BHXH tự nguyện, được tiếp tục nhận lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng, cụ thể: Người tham gia BHXH bị dừng hưởng lương, trợ cấp BHXH hàng tháng do bị Tòa án tuyên bố mất tích, sau đó được Tòa hủy quyết định tuyên bố mất tích; Người đang hưởng lương hưu hoặc trợ cấp BHXH hàng tháng bị tạm dừng hưởng do Tòa án tuyên bố mất tích, sau đó Tòa tuyên bố là đã chết (Trường hợp này, người thân không được nhận tiền lương hưu hoặc trợ cấp BHXH hàng tháng); Người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng có thời gian gián đoạn chưa nhận lương hưu, trợ cấp; Người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng qua đời trong thời gian gián đoạn mà chưa nhận lương hưu, trợ cấp (Trường hợp này, người thân của người tham gia BHXH sẽ thay mặt người mất nhận tiền lương hưu và trợ cấp BHXH);

Lưu ý: Số tiền lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng được nhận là số tiền của những tháng chưa nhận, không bao gồm tiền lãi.

TVPL
Bạn đang đọc bài viết "Quyền lợi khi người lao động tham gia đóng BHXH tự nguyện năm 2023" tại chuyên mục Sự kiện - Chính sách. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin