Quy tắc xuất xứ trong RCEP tác động đến dòng vốn FDI vào Việt Nam thế nào?

Nhìn trên tổng thể, trong ngắn hạn, RCEP có thể chưa tác động mạnh đến xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam, vì chúng ta đang khai thác khá tốt thị trường EVFTA, CPTPP. Thế nhưng sẽ tác động mạnh hơn đến luồng vốn FDI vào Việt Nam.

Các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam cũng có sẵn chuỗi cung ứng làm đầu vào, thỏa mãn tiêu chí xuất xứ khi xuất khẩu đi thị trường RCEP rộng lớn

Để đón bắt cơ hội cắt giảm thuế quan trong các FTAs, dòng vốn FDI sẽ chuyển đến những nơi thuận tiện trong đáp ứng các quy tắc xuất xứ.

Điều này liên quan đến các mạng sản xuất và chuỗi cung ứng, nếu nói về những ngành có tính tiêu biểu nhất cho chuỗi cung ứng hay mạng sản xuất, thì đó là da giày, dệt may, điện tử, máy tính, điện thoại thông minh, ô tô… đang làm cho sự vận động của các chuỗi, các mạng sản xuất diễn ra hết sức sôi động trong những năm trở lại đây.

Với Hiệp định RCEP đã tạo điều kiện cho người ta nhìn nhận lại, bổ sung thêm để lựa chọn chuỗi cung ứng, mạng sản xuất tối ưu nhất. Trên thực tế, những ngành này cũng là những ngành phát triển Việt Nam.

Nhưng cũng phải nhấn mạnh mẽ là cơ hội không chỉ ở những ngành nói trên mà còn rất nhiều ngành khác, với tính cạnh tranh quyết liệt hơn, trong sân chơi sân chơi rộng hơn. RCEP có cơ hội với doanh nghiệp Việt Nam thì cũng sẽ có với doanh nghiệp nước ngoài theo con đường đầu tư trực tiếp (FDI) vào các nước thành viên RCEP.

Đối với Việt Nam, nước có khá nhiều FTA thế hệ mới với tầm bao phủ nhiều châu lục như các FTAs ASEAN+1, CPTPP, EVFTA hay các FTA song phương với chính các nước thành viên của RCEP như Nhật Bản (VIJEPA), Hàn Quốc (VKFTA). Khi xuất hiện RCEP vẫn tác động đến sự luân chuyển dòng vốn FDI đáng kể.

Chẳng hạn như Hàn Quốc hay Nhật Bản đều chưa có FTA song phương với Trung Quốc, nên Việt Nam cũng sẽ là điểm đến của dòng vốn FDI của 2 nước này nhằm tối ưu hóa lợi thế cạnh tranh, tối ưu hóa lợi nhuận khi xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc.

Mặt khác, chuỗi cung ứng giữa Việt Nam và Trung Quốc khá đa dạng. Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc chủ yếu các nhóm hàng nguyên phụ liệu dệt may, nguyên phụ liệu da giày; nhóm linh kiện điện thoại; nhóm linh kiện máy vi tính, sản phẩm điện tử…

Vì vậy, các doanh nghiệp đầu tư FDI vào Việt Nam cũng có sẵn chuỗi cung ứng này làm đầu vào, thỏa mãn tiêu chí xuất xứ khi xuất khẩu đi thị trường RCEP rộng lớn, với 2,2 tỷ người dân chiếm 30% dân số thế giới, tổng GDP 26,2 nghìn tỷ USD tương đương 30% GDP toàn cầu và chiếm gần 28% thương mại toàn cầu.

Chúng ta cũng có thể nói chuỗi cung ứng mà Việt Nam đã xây dựng với Hàn Quốc (Việt Nam nhập khẩu từ Hàn Quốc nguyên phụ liệu dệt may, vải; linh kiện điện thoại, linh kiện máy tính và linh kiện các sản phẩm điện tử…) hay chuỗi cung ứng nguyên liệu thủy sản từ Trung Quốc, Nhật Bản, các nước Asean; chuỗi cung ứng nguyên liệu gỗ từ Trung Quốc, các nước ASEAN…

Nhìn trên tổng thể, trong ngắn hạn, RCEP có thể chưa tác động mạnh đến xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam, vì chúng ta đang khai thác khá tốt thị trường EVFTA, CPTPP. Thế nhưng sẽ tác động mạnh hơn đến luồng vốn FDI vào Việt Nam, vì nhiều nước chưa có FTA trực tiếp với Trung Quốc, có thể tận dụng RCEP để tiếp cận với Trung Quốc thông qua FDI với các nước thành viên của Hiệp định này, trong đó có Việt Nam.

Đầu tư FDI vào Việt Nam, doanh nghiệp nước ngoài còn được thừa hưởng chuỗi cung ứng của Việt Nam đã xây dựng khá bền vững và đa dạng với các nước thành viên RCEP, thỏa mãn các tiêu chí xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan.

Hơn thế nữa, do Việt Nam là nước tiên phong trong tham gia các FTAs, nên sự cộng hưởng qua lại giữa RCEP với các FTAs của Việt Nam khá lớn, dẫn đến Việt Nam là một trong những nước thành viên RCEP có độ hấp dẫn FDI nhất.

Theo tapchicongthuong.vn

Nguồn bài viết: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/quy-tac-xuat-xu-trong-rcep-tac-dong-den-dong-von-fdi-vao-viet-nam-the-nao-79948.htm

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin