Quy định về người làm chứng trong Bộ luật Tố tụng Hình sự Cộng hòa Liên bang Đức và một số kinh nghiệm đối với Việt Nam

(Pháp lý). Người làm chứng là một chủ thể tham gia tố tụng có vị trí, vai trò quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án. Do đó, bài viết dưới đây tập trung phân tích, đánh giá quy định pháp luật về người làm chứng trong Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) Cộng hòa Liên bang (CHLB Đức), từ đó đưa ra một số kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc hoàn thiện quy định về người làm chứng.
1-1726030159.jpg

Ảnh minh hoạ

1. Quy định về người làm chứng trong BLTTHS CHLB Đức

CHLB Đức là một đất nước có truyền thống pháp luật lục địa lâu đời, thủ tục tố tụng Hình sự của họ được xây dựng và áp dụng trên mô hình tố tụng thẩm vấn, xét hỏi. Trên cơ sở được xây dựng, hình thành từ những năm đầu thập kỷ 90 của thể kỷ trước, qua quá trình trải dài hoàn thiện, được sửa đổi, bổ sung nhiều lần, cho đến nay BLTTHS của CHLB Đức có thể nói là một Bộ luật đồ sộ, công phu gồm 6 phần với khoảng gần 470 điều quy định cụ thể từng hoạt động, thủ tục trong trình tự tố tụng giải quyết vụ án hình sự của CHLB Đức.

Những quy định về người làm chứng và lấy lời khai của chủ thể này được quy định tại Chương VI trong BLTTHS Đức.

- Về khái niệm người làm chứng:

BLTTHS CHLB Đức không đưa ra khái niệm về người làm chứng. Tuy nhiên, bất kỳ ai cũng có thể là người làm chứng, trừ bị cáo và đồng phạm. Chứng cứ nghe nói lại có thể được thừa nhận nhưng phải được thẩm tra một cách thận trọng. Lệnh triệu tập người làm chứng sẽ xác định hậu quả pháp lý nếu người đó không có mặt (Điều 48 BLTTHS CHLB Đức). Như vậy, tư cách tham gia tố tụng của người làm chứng được xác định dựa trên cơ sở lệnh triệu tập của cơ quan, người có thẩm quyền.

- Về quyền của người làm chứng:

BLTTHS CHLB Đức quy định người làm chứng có các quyền sau:

Quyền từ chối làm chứng, khai báo. Điều 52 BLTTHS CHLB Đức quy định những người sau đây có quyền vì những lý do cá nhân bao gồm: Vợ (hoặc chồng) chưa cưới của bị cáo; vợ (chồng) của bị cáo, ngay cả khi hôn nhân không còn tồn tại nữa; người có hoặc đã có quan hệ trực hệ hoặc quan hệ theo hôn nhân, quan hệ bàng hệ ở hàng thứ ba hoặc có quan hệ theo hôn nhân ở hàng thứ hai với bị can/bị cáo. Nếu người vị thành niên hoặc người đang phải điều trị bệnh tâm thần hoặc có nhược điểm về tâm thần và tình cảm không có sự hiểu biết đầy đủ về tính chất quan trọng của quyền từ chối khai báo của họ, thì việc lấy lời khai chỉ có thể được thực hiện khi họ sẵn sàng khai báo và nếu người đại diện theo luật của họ cũng đồng ý việc lấy lời khai. Nếu người đại diện theo luật chính là bị can/bị cáo, thì anh ta có thể không quyết định thực hiện quyền từ chối khai báo; quy định tương tự cũng sẽ áp dụng đối với cha mẹ, người không phải là bị can/bị cáo, nếu cả cha và mẹ đều có quyền hành động với tư cách là đại diện theo luật. Người có quyền từ chối khai báo, trong trường hợp là người vị thành niên chưa có nhận thức đầy đủ hoặc người vị thành niên hoặc người đang phải điều trị bệnh tâm thần hoặc có nhược điểm về tâm thần và tình cảm không có sự hiểu biết đầy đủ về tính chất quan trọng của quyền từ chối khai báo của họ có người đại diện được ủy quyền quyết định việc thực hiện quyền từ chối khai báo, sẽ được hướng dẫn về các vấn đề liên quan đến quyền của họ trước mỗi lần lấy lời khai. Họ có thể hủy bỏ việc khước từ quyền này trong quá trình lấy lời khai.

Người làm chứng được thông báo về quyền không phải khai báo khi bị thẩm vấn và có thể tự quyết định từ bỏ quyền này, đưa ra chứng cứ. Nếu người làm chứng không được thông báo về quyền này thì lời khai của họ không được thừa nhận là chứng cứ, trừ khi người làm chứng biết quyền này và họ quyết định từ chối khai báo. Quyền từ chối có thể thực hiện vào bất kỳ thời điểm nào và người làm chứng có thể rút lại quyết định của mình trong quá trình thẩm tra, khai báo. Những lời khai đưa ra trong giai đoạn xét xử sau khi đã được cảnh báo trước về quyền từ chối có thể được sử dụng làm chứng cứ. Tuy nhiên, nếu tại Tòa, người làm chứng lại thực hiện quyền từ chối khai báo, thì những lời khai trước đó của người làm chứng với Cảnh sát, Thẩm phán tiền xét xử, giám định viên hay tại một phiên xử trước, không được đọc lên tại Tòa (Điều 252). Pháp luật cấm người đã thẩm vấn người làm chứng vào thời điểm trước đó cung cấp chứng cứ về các vấn đề đã hỏi, ngoại trừ Thẩm phán đã tiến hành thẩm vấn người làm chứng có thể được gọi đến để cung cấp chứng cứ về những điều người làm chứng đó đã khai. Nếu một người làm chứng chỉ từ chối đưa ra chứng cứ tại phiên tòa, thì các lời khai chính thức trước đó của họ được chấp nhận, cho dù họ không được cảnh báo về điều đó trong các cuộc thẩm vấn trước đây. Trong trường hợp này, người đã thẩm vấn người làm chứng có thể được gọi đến Tòa án để cung cấp chứng cứ. Bản sao biên bản các lời khai trước đó của người làm chứng có thể được lên trước Tòa án.

Người làm chứng sẽ được trả một khoản tiền theo quy định của Luật về chi phí cho người làm chứng và các chuyên gia (Điều 71 BLTTHS).

- Người làm chứng có các nghĩa vụ sau đây:

Có mặt theo giấy quyết định triệu tập của Công cố viên hoặc Thẩm phán. Người làm chứng không có mặt (mặc dù đã được triệu tập hợp lệ) sẽ phải chịu trách nhiệm đối với chi phí do việc vắng mặt gây ra. Đồng thời, người đó phải chịu một khoản tiền phạt bắt buộc và nếu tiền phạt không thể thu được, thì lệnh tạm giam bắt buộc sẽ được phê chuẩn. Người làm chứng cũng có thể bị bắt buộc phải ra trước Tòa. Điều 135 sẽ được áp dụng với những sửa đổi phù hợp. Trong trường hợp người làm chứng tiếp tục không có mặt, thì biện pháp cưỡng chế có thể được áp dụng lần thứ hai. Chi phí sẽ không phải trả và biện pháp cưỡng chế sẽ không được áp dụng trong trường hợp người làm chứng đã trình bày lý do vắng mặt của mình một cách đầy đủ và đúng thời hạn. Nếu lời giải thích vắng mặt không được đưa ra đúng thời hạn theo quy định thì chi phí cũng như biện pháp cưỡng chế sẽ chỉ được miễn trừ, nếu chứng minh được rằng, việc giải thích bị chậm không phải do lỗi của người làm chứng. Nếu người làm chứng sau đó giải thích đầy đủ, thì những quyết định đưa ra sẽ được hủy bỏ theo những điều kiện quy định. Việc ban hành những quyết định về các biện pháp như vậy thuộc thẩm quyền của Thẩm phán trong giai đoạn chuẩn bị tố tụng, cũng như Thẩm phán được ủy thác (Điều 51 BLTTHS CHLB Đức).

Người làm chứng có nghĩa vụ khai báo và tuyên thệ, nếu không có lý do hợp pháp mà từ chối khai báo hoặc từ chối tuyên thệ sẽ phải chịu khoản chi phí phát sinh do việc từ chối này. Đồng thời, họ sẽ chịu một khoản tiền mang tính cưỡng chế và nếu tiền phạt không thể thu được, thì việc tạm giam sẽ được áp dụng. Việc tam giam có thể được áp dụng để buộc một người làm chứng phải khai báo; tuy nhiên, việc tạm giam như vậy sẽ không được kéo dài quá thời điểm kết thúc các thủ tục tố tụng cụ thể đó, cũng như không được quá thời hạn 06 tháng. Thẩm phán trong giai đoạn chuẩn bị tố tụng và những Thẩm phán được ủy thác đều có thẩm quyền áp dụng những biện pháp này. Khi những biện pháp này đã được thực hiện, chúng có thể sẽ được lặp lại trong cùng một thủ tục tố tụng hoặc trong những thủ tục tố tụng khác, nếu cùng một tội phạm là đối tượng của những thủ tục tố tụng này (Điều 70 BLTTHS CHLB Đức). Lý do mà người làm chứng trong những trường hợp luật định được từ chối khai báo sẽ phải được chứng minh khi có yêu cầu. Việc khẳng định sau khi tuyên thệ của người làm chứng là cần thiết (Điều 56 BLTTHS CHLB Đức). Người làm chứng có nghĩa vụ pháp lý tuyên thệ khi đưa ra chứng cứ, trừ trường hợp người đó là vị thành niên dưới 16 tuổi, hoặc những người không hiểu hết tầm quan trọng và bản chất lời tuyên thệ (do họ có nhược điểm, khiếm khuyết về trí tuệ, tâm thần). Trong những trường hợp ngoại lệ, Thẩm phán có thể không tiến hành thủ tục tuyên thệ và phải giải thích lý do (Điều 64).

- Về biện pháp bảo về người làm chứng:

Tại Đức, các chương trình bảo vệ người làm chứng đã được áp dụng từ giữa những năm 1980. Chương trình lần đầu tiên được sử dụng ở Hamburg liên quan đến quá trình điều tra các băng đảng xe máy. Trong những năm sau đó, chương trình được thực hiện một cách có hệ thống bởi các tiểu bang khác và Văn phòng Cảnh sát hình sự Liên bang. Năm 1998, Đạo luật Bảo vệ người làm chứng được ban hành, sau đó được sửa đổi, bổ sung năm 2001. Năm 2003 đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện các quy định của Đạo luật cho tất cả các văn phòng bảo vệ người làm chứng ở Đức. Ở CHLB Đức, vào nửa cuối thập niên 90 của thể kỷ trước, nhờ áp dụng những biện pháp bảo vệ người làm chứng mà hiệu quả đấu tranh chống các băng nhóm tội phạm có tính sắc tộc đã tăng lên rõ rệt.

2. Một số kinh nghiệm cho Việt Nam

Qua nghiên cứu người làm chứng trong quy định của BLTTHS CHLB Đức, tác giả đưa ra một số kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc hoàn thiện quy định đối với người làm chứng như sau:

Thứ nhất, quy định về quyền của người làm chứng trong BLTTHS CHLB Đức có những điểm tiến bộ, hợp lý, mà Việt Nam có thể tiếp thu để hoàn thiện quy định của pháp luật tố tụng Hình sự Việt Nam về quyền của người làm chứng. Cụ thể về quyền miễn trừ khai báo của người làm chứng cơ sở xuất phát từ mối quan hệ thân thích giữa người làm chứng với người bị buộc tội, những lời khai của người làm chứng chống lại bản thân họ hoặc người thân thích, người đại diện, gia đình của họ trong quá trình giải quyết vụ án. So sánh với BLTTHS CHLB Đức có thể thấy rằng, BLTTHS năm 2015 của Việt Nam đã quy định quyền miễn trừ khai báo của người làm chứng, nhưng lại không có quy định định cụ thể hóa để hiểu và áp dụng thống nhất quyền này.

Thứ hai, về nghĩa vụ của người làm chứng trong BLTTHS CHLB Đức cũng giống như BLTTHS Việt Nam đều quy định trách nhiệm của người làm chứng phải có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng nhằm cung cấp chứng cứ giúp giải quyết vụ án. Tuy nhiên, điểm mới trong quy định về nghĩa vụ của người làm chứng trong BLTTHS CHLB Đức đó là người làm chứng không có mặt (mặc dù đã được triệu tập hợp lệ) sẽ phải chịu trách nhiệm đối với chi phí do việc vắng mặt gây ra. Đồng thời, người đó phải chịu một khoản tiền phạt bắt buộc và nếu tiền phạt không thể thu được, thì lệnh tạm giam bắt buộc sẽ được phê chuẩn. Trong trường hợp người làm chứng tiếp tục không có mặt, thì biện pháp cưỡng chế có thể được áp dụng lần thứ hai. Người làm chứng nếu không có lý do hợp pháp, mà từ chối khai báo, hoặc từ chối tuyên thệ, sẽ phải chịu khoản chi phí phát sinh do việc từ chối này. Đồng thời, họ sẽ chịu một khoản tiền phạt không thể thu được, thì việc tạm giam sẽ được áp dụng.

Thứ ba, về bảo vệ người làm chứng thì trong tố tụng Hình sự ở nước Đức được quy định thành luật riêng. Tuy nhiên, tác giả nhận thấy trong BLTTHS năm 2015 cũng đã quy định đối với việc bảo vệ người làm chứng khi khai báo các tình tiết liên quan đến vụ án nhưng quy định mới chỉ dừng lại ở mức độ chung, chưa có hướng dẫn cụ thể, chưa tạo ra cơ sở pháp lý rõ ràng cho việc bảo vệ người làm chứng. Vì vậy, trong thời gian tới cần nghiên cứu xây dựng các văn bản hướng dẫn chi tiết liên quan đến bảo người người làm chứng và những người thân thích, gia đình của họ có như vậy, người làm chứng mới tích cực tham gia tố tụng, hỗ trợ cơ quan có thẩm quyền giải quyết đúng đắn, toàn diện vụ án.

---------------------------

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Xuân Hà, Giới thiệu phần các quy định của BLTTHS CHLB Đức, https://vksndtc.gov.vn/thong-tin/thong-tin-khoa-hoc-kiem-sat/gioi-thieu-cac-quy-dinh-chung-cua-bltths-chlb-duc-d16-t7844.html, truy cập ngày 12/8/2024.

2. Nguyễn Thu Quỳ, Người tham gia tố tụng trong pháp luật tố tụng hình sự Đức, https://vksndtc.gov.vn/thong-tin/ve-nguoi-tham-gia-to-tung-trong-phap-luat-to-tung-d12-t7845.html, truy cập ngày 13/8/2024.

3. Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021).

4. Bộ luật Tố tụng Hình sự Đức năm 1987 (sửa đổi năm 2019).

 

TRẦN VĂN MINH (Tòa án quân sự Khu vực Quân khu 7)

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin