Quốc hội thảo luận Luật Đầu tư công và Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam

29/05/2019 05:53

Hôm nay (28/5), Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 7 của kỳ họp thứ 7 với nội dung liên quan đến dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật Lực lượng dự bị động viên và Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

Buổi sáng, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) và thảo luận ở Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật này.

Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này gồm 11 chương, 106 điều, trong đó một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau như tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, B, C; thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; thẩm quyền của Hội đồng Nhân dân trong việc quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án; thời gian trình và phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn; thẩm quyền xem xét, quyết định danh mục dự án kế hoạch đầu tư công trung hạn; thời điểm thông qua dự án Luật.

Buổi chiều, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Lực lượng dự bị động viên; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở Tổ về 2 dự án Luật này.

Dự án Luật Lực lượng dự bị động viên trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến gồm 5 chương, 47 điều, tập trung vào một số vấn đề về tên gọi của Luật; giải thích từ ngữ; nguyên tắc xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên; các hành vi bị nghiêm cấm; về nội dung kế hoạch; về đăng ký, quản lý phương tiện kỹ thuật; về độ tuổi sắp xếp quân nhân dự bị vào đơn vị dự bị động viên trong thời bình; về các trường hợp huy động lực lượng dự bị động viên...

Dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam xin ý kiến Quốc hội gồm 6 chương, 40 điều quy định đầy đủ, cụ thể, rõ ràng, minh bạch về trình tự, thủ tục quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; các trường hợp hạn chế quyền công dân trong hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh.

Dự án luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý, có một số vấn đề tiếp tục cần xin ý kiến Quốc hội, đó là: bố cục của dự thảo Luật; bổ sung quy định về cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; quy định về sử dụng hộ chiếu và hình thức, nội dung của hộ chiếu; điều chỉnh lại các mục của Chương III bảo đảm rõ ràng, minh bạch, thuận lợi cho việc thực hiện; về tên gọi của Luật; về phạm vi điều chỉnh; nguyên tắc xuất cảnh, nhập cảnh; quyền và nghĩa vụ của công dân; giấy tờ xuất nhập cảnh; cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ; cấp hộ chiếu phổ thông và giấy thông hành; về hủy, thu hồi, khôi phục hộ chiếu; điều kiện xuất cảnh, điều kiện nhập cảnh; các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh; trách nhiệm quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam...

Phiên họp sáng 27/5 ngày làm việc thứ 7 của kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV
Phiên họp sáng 27/5 ngày làm việc thứ 7 của kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV)

Trước đó, hôm qua ngày 27/5/2019, theo sự phân công của Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành hành cả ngày về giám sát tối cao thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018.

Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018 và xem videoclip minh họa bằng hình ảnh về nội dung của Báo cáo nêu trên.

Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018. Tại phiên thảo luận, có 32 đại biểu tham gia phát biểu và 01 đại biểu tham gia tranh luận. Theo đó, đa số ý kiến đại biểu đánh giá cao và tán thành với báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018 và ghi nhận, đánh giá cao công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương trong thời gian qua.

Bên cạnh đó, các ý kiến phát biểu của đại biểu đã tập trung vào những vấn đề cụ thể như sau: về những hạn chế, bất cập của chính sách pháp luật về quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai; về việc kiện toàn cơ cấu, tổ chức bộ máy, thực hiện công tác quản lý đất đai; về sự thống nhất giữa quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch đô thị, quy hoạch ngành; việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức BT; việc xác định giá đất để tính tiền bồi thường cho người có đất bị thu hồi; về việc rà soát các dự án treo, quy hoạch treo; về đấu giá quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai; việc giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất; về những vướng mắc khi thực hiện các quy định của pháp luật về giải phóng mặt bằng; về trình tự, thủ tục viêc thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất; về xây dựng dữ liệu quản lý đất đai toàn quốc; vấn đề sử dụng đất nông nghiệp trước và sau cổ phần hóa; về đấu giá quyền sử dụng đất…

Trong quá trình thảo luận, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đã phát biểu làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, đây là một chuyên đề giám sát rất quan trọng của Quốc hội, được đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm. Phiên thảo luận đã diễn ra trong không khí sôi nổi, sâu sắc, trách nhiệm và mang tính xây dựng. Quốc hội ghi nhận những cố gắng của Đoàn giám sát và sự phối hợp tích cực của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương trong quá trình thực hiện giám sát chuyên đề.

Đồng thời, Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định, qua thảo luận các ý kiến đại biểu cho rằng đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước; việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật đã có nhiều chuyển biến tích cực, bước đầu nâng cao hiệu quả sử dụng đất, quản lý đất đai đô thị, hạn chế thất thoát, lãng phí; việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất tại các địa phương dần đi vào nề nếp; việc tuân thủ quy hoạch đô thị và chấp hành pháp luật về đất đai đã có những chuyển biến đáng ghi nhận; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về quy hoạch đô thị, quản lý, sử dụng đất đai được chú trọng; viêc giải quyết khiếu nại, tố cáo được cấp chính quyền quan tâm; các vụ khiếu kiện đông người, phức tạp đã được tập trung chỉ đạo xử lý, giảm dần qua từng năm; hệ thống đô thị khang trang, hiện đại được hình thành tạo ra không gian sống tốt hơn cho người dân…

Để tiếp tục hoàn thiện báo cáo, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đoàn giám sát nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, cụ thể: tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai đô thị; bổ sung thêm ý kiến của đại biểu Quốc hội về những hạn chế, yếu kém trong việc quy hoạch, giao đất, cho thuê đất thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; các phương pháp xác định giá đất cần sát với thị trường; quy định rõ việc sử dụng quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư theo hình thức BT; vấn đề quản lý, sử dụng đất còn để xảy ra tình trạng lấn chiếm, xây dựng công trình, nhà ở trái phép, sử dụng đất sai mục đích; việc khiếu nại, tố cáo và giải quyết tranh chấp đất đai; trách nhiệm của tập thể, cá nhân người đứng đầu và vấn đề phân công, phân cấp quản lý giữa Chính phủ, các Bộ, ngành và chính quyền địa phương.

Trên cơ sở đó, đề nghị Đoàn giám sát, các cơ quan liên quan của Chính phủ hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi có Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018” để trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Theo congly.vn

Nguồn bài viết: https://congly.vn/thoi-su/quoc-hoi-thao-luan-luat-dau-tu-cong-va-luat-xuat-canh-nhap-canh-cua-cong-dan-viet-nam-300436.html

Bạn đang đọc bài viết "Quốc hội thảo luận Luật Đầu tư công và Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin