Quốc hội cho ý kiến Dự án Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi trong năm 2017

15/04/2017 05:57

Ngày 13-14/4, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã tiến hành Phiên họp toàn thể lần thứ 5 dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban.

Tham dự phiên họp có lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao; Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; lãnh đạo Bộ Tư pháp và một số bộ, ngành chủ trì soạn thảo dự án luật.

Trong ngày làm việc đầu tiên, Ủy ban Pháp luật đã nghe và cho ý kiến với đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018; điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017.

 Quang cảnh Phiên họp
Quang cảnh Phiên họp)

Theo Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày, Bộ Tư pháp đã tổ chức nhiều cuộc họp với đại diện các bộ, cơ quan ngang bộ, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội để thảo luận việc lập Đề nghị về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018; đồng thời, tổ chức Đoàn công tác liên ngành, gồm đại diện của các đơn vị xây dựng pháp luật thuộc Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và VPQH, trực tiếp làm việc với một số bộ, cơ quan ngang bộ để đôn đốc, trao đổi, thảo luận về việc lập đề nghị về Chương trình. Chính phủ cũng tổ chức họp 3 phiên để cho ý kiến và biểu quyết thông qua Đề nghị về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, điều chỉnh Chương trình năm 2017.

Từ quá trình chuẩn bị kỹ càng này, Chính phủ xác định sẽ ưu tiên và bố trí đưa vào Chương trình một cách phù hợp các dự án luật, pháp lệnh nhằm tiếp tục thực hiện ba đột phá trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, các Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII). Chính phủ cũng dành ưu tiên với các dự án luật, pháp lệnh sẽ góp phần triển khai thi hành Hiến pháp 2013 và bảo đảm đồng bộ với các luật mới được ban hành.

Theo Tờ trình, các dự án luật, pháp lệnh được ưu tiên đưa vào Chương trình cũng bao gồm dự án cần sớm ban hành để góp phần xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, trong sạch, vững mạnh, liêm chính, quyết liệt hành động, lấy Nhân dân và doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh. Cụ thể, Chính phủ đề nghị đưa 21 dự án luật, pháp lệnh vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018; và bổ sung 11 dự án luật, dự thảo Nghị quyết vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017.

Đối với 5 dự án luật, pháp lệnh được rút khỏi Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, Chính phủ đề nghị bổ sung dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) vào Chương trình năm 2017; bổ sung dự án Luật Công an xã vào Chương trình năm 2018. Đối với các dự án Pháp lệnh Giống cây trồng (sửa đổi), Pháp lệnh Giống vật nuôi (sửa đổi), Chính phủ đề nghị nâng lên thành Luật, và đưa vào Chương trình năm 2018. Đối với dự án Luật về hội, do còn có ý kiến khác nhau về một số vấn đề lớn, quan trọng cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, nên Chính phủ đề xuất chưa bổ sung vào Chương trình năm 2017, cũng như chưa đưa vào Chương trình năm 2018.

Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với các nguyên tắc điều chỉnh Chương trình năm 2017 và lập Chương trình năm 2018 được nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban lưu ý, dù có thể lùi thời gian trình Quốc hội những dự án luật nằm trong Chương trình năm 2017 chưa bảo đảm chất lượng, song phải làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan có liên quan. Với các dự án luật xin bổ sung vào Chương trình năm 2017 và đưa vào Chương trình năm 2018, Thường trực Ủy ban yêu cầu phải có đủ hồ sơ theo đúng quy định Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, và có sự đồng thuận cao giữa cơ quan được giao chủ trì thẩm tra và cơ quan trình dự án. Việc đưa các dự án, dự thảo vào Chương trình phải tính đến quỹ thời gian, nguồn lực, khối lượng công việc thực hiện tại mỗi kỳ họp Quốc hội.

Tại Phiên họp lần này, Ủy ban Pháp luật cũng thẩm tra Dự thảo Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định chi tiết Điều 27, Điều 34 của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về hình thức giám sát và phản biện xã hội; Đề án thành lập các phường Quảng Cư, Quảng Châu, Quảng Thọ, Quảng Vinh thuộc thị xã Sầm Sơn và thành lập thành phố Sầm Sơn thuộc tỉnh Thanh Hoá. Bên cạnh đó, Ủy ban Pháp luật cũng thảo luận, cho ý kiến với dự án Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước (sửa đổi); Thường trực Ủy ban xin ý kiến báo cáo tiếp thu, giải trình dự án Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi); cho ý kiến vào dự thảo báo cáo thẩm ra về dự án Luật tố cáo (sửa đổi).

Theo Noichinh

Bạn đang đọc bài viết "Quốc hội cho ý kiến Dự án Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi trong năm 2017" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin