PVN không đề nghị kê biên tài sản của ông Đinh La Thăng là thiếu sót lớn?

(Pháp lý) - Thực tế cho thấy, trong các vụ án hình sự, có không ít nguyên đơn dân sự là các công ty nhà nước thiếu trách nhiệm trong việc đề nghị kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản của đối tượng (bị can, bị cáo) để bảo đảm việc thu hồi tài sản cho nhà nước. Thực tế này tới đây cần phải chấn chỉnh, cần thiết phải có chế tài, truy trách nhiệm pháp lý những cá nhân, tổ chức thiếu trách nhiệm với tài sản Nhà nước.

Trách nhiệm trong kê biên, đề nghị kê biên còn bị buông lỏng…

Gần đây, nhắc đến trách nhiệm bồi thường dân sự cho PVN của bị cáo Đinh La Thăng, nhiều ý kiến cho rằng mức hình phạt và mức bồi thường của bản án đã thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật trong đấu tranh, phòng ngừa tội phạm. Trong trường hợp các bản án không bị sửa thì qua hai bản án ông Thăng bị buộc phải bồi thường cho PVN 630 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia pháp luật thì khả năng ông Thăng có thể bồi thường không biết được đến đâu, bởi dù bị tuyên buộc bồi thường với số tiền nêu trên song tài liệu được công bố của hai vụ án không thể hiện ông Đinh La Thăng bị kê biên tài sản.

 PVN có thiếu sót lớn khi không đề nghị kê biên tài sản của ông Thăng?
PVN có thiếu sót lớn khi không đề nghị kê biên tài sản của ông Thăng?)

Điều đáng nói là, trong hai vụ án xảy ra ở PVN và PVC khi thực hiện Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, kết luận điều tra cũng như cáo trạng thể hiện quá trình điều tra vụ án, cơ quan điều tra đã kê biên tài sản của nhiều bị cáo. Điển hình là khối tài sản gồm bất động sản, ôtô, tài khoản ngân hàng, chứng khoán của ông Trịnh Xuân Thanh cùng vợ con ông này. Nhiều bị cáo là sếp tại PVC cũng đã nộp hoặc bị tạm giữ hàng chục tỷ đồng. Tại vụ án thứ hai gây thiệt hại 800 tỷ của PVN, cáo trạng cũng thể hiện trong quá trình điều tra cựu kế toán trưởng PVN Ninh Văn Quỳnh đã bị cơ quan điều tra thu giữ hơn 20 tỷ đồng. Số tiền này là kết quả của việc kê biên nhiều tài sản như sổ tiết kiệm, bất động sản, chứng khoán, ngoại tệ, tiền mặt, tài khoản ngân hàng... Nhưng tài sản của người phải bồi thường và chịu trách nhiệm pháp lý gần như cao nhất (ông Đinh La Thăng) lại chưa bị kê biên, phong tỏa???

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Bộ luật Tố tụng Hình sự hiện hành chỉ quy định cơ quan tố tụng có quyền kê biên tài sản của bị can chứ không quy định “nghĩa vụ" làm việc này. Việc kê biên nhằm đảm bảo khắc phục được những thiệt hại mà bị can đó gây ra và thường được cơ quan tố tụng thực hiện khi xác định có hành vi chiếm đoạt tài sản. Vì thế, việc "lựa chọn kê biên tài sản của ai phụ thuộc đánh giá của các cơ quan tố tụng". Việc kê biên tài sản (nếu có) thường được thực hiện ở quá trình điều tra. "Nếu không thì dù bản án sơ thẩm tuyên người phạm tội phải bồi thường số tiền lớn, việc kê biên cũng không được tiến hành. Chờ khi bản án cuối cùng có hiệu lực, chuyển sang giai đoạn thi hành án, cơ quan này mới được kê biên.

Ở một góc nhìn khác, trao đổi với Phóng viên Pháp lý, một kiểm sát viên của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội cho rằng: Điều 63 BLTTHS quy định nguyên đơn dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức bị thiệt hại do tội phạm gây ra và có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại. Nguyên đơn dân sự hoặc người đại diện của họ có quyền: Đề nghị mức bồi thường thiệt hại, biện pháp bảo đảm bồi thường;

Biện pháp bảo đảm bồi thường ở đây được hiểu là đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản để đảm bảo thi hành án. Như vậy để đảm bảo quyền lợi của mình thì nguyên đơn dân sự là các cá nhân, tổ chức được nhận bồi thường phải có trách nhiệm đề nghị, yêu cầu kê biên. Đặc biệt là trong các đại án gần đây, nguyên đơn dân sự hầu hết là cơ quan, đơn vị nhà nước (trong đó có PVN) được giao thẩm quyền quản lý, sử dụng tài sản công thì việc không chủ động đề nghị kê biên khi thấy quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan đơn vị mình bị xâm phạm là bất thường (thậm chí có lúc chính nguyên đơn dân sự trong các đại án từ chối nhận bồi thường, không đề nghị kê biên do nể nang, né tránh - PV)

Do đó, nhiều chuyên gia pháp luật đề nghị tới đây, ngoài quy trách nhiệm pháp lý với cơ quan tiến hành tố tụng thiếu trách nhiệm trong kê biên tài sản để đảm bảo thi hành án thì cũng cần rõ ràng về trách nhiệm pháp lý đặt ra nếu người được giao quản lý, sử dụng tài sản của cơ quan, tổ chức không làm hết trách nhiệm dẫn đến không thu hồi được tài sản cho nhà nước.

Cần ràng buộc trách nhiệm pháp nhân đối với thiệt hại do thành viên, người đại diện gây ra

Một trong những nguyên tắc quan trọng nhất của bồi thường thiệt hại dân sự là thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau thiệt hại của nhà nước và cá nhân, tổ chức trong các đại án gần đây không được xem xét và giải quyết thỏa đáng… Dẫn các ví dụ về trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các đại án gần đây, Luật sư Phạm Quang Biên cho rằng: Việc xác định trách nhiệm của pháp nhân đang có nhiều bất cập khiến cá nhân, tổ chức (là khách hàng) bị rủi ro khi có giao dịch với pháp nhân, người đang công tác tại pháp nhân, đặc biệt là pháp nhân ngân hàng.

Luật sư Phạm Quang Biên trao đổi với PV Pháp lý
Luật sư Phạm Quang Biên trao đổi với PV Pháp lý)

Nhiều trường hợp khách hàng tin vào uy tín, năng lực của pháp nhân mới liên hệ, làm việc và giao dịch với cá nhân tại pháp nhân đó, chứ không làm việc riêng với cá nhân.

Vì vậy khi cá nhân đại diện cho pháp nhân có hành vi chiếm đoạt tài sản của khách hàng thì về trách nhiệm dân sự pháp nhân phải chịu trách nhiệm đầu tiên, sau đó là nghĩa vụ giữa cá nhân đó với chính pháp nhân.

Bất cập ở đây theo Bộ luật Dân sự năm 2005 mà mới đây nhất là Bộ luật Dân sự sửa đổi năm 2015, có hiệu lực ngày 01/01/2017 quy định tại Điều 597 về Bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra. “Điều 597 – Bộ luật Dân sự 2015 “Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật”.

Việc xác định mức độ lỗi của thành viên khi gây thiệt hại là rất quan trọng và là cơ sở để xác định số tiền hoàn trả của thành viên đối với pháp nhân nhưng vấn đề này lại chưa được quy định trong điều luật. Đồng thời, điều này được hiểu là pháp nhân chỉ chịu trách nhiệm do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao. Còn người đó dùng hành vi nào đó mà sử dụng đến thương hiệu, uy tín của pháp nhân nhằm chiếm đoạt tài sản, gây thiệt hại cho người khác thì pháp nhân sẽ không chịu trách nhiệu. Do đó mọi rủi ro khách hàng đều gánh chịu và có yêu cầu bồi thường thì chỉ có quyền yêu cầu cá nhân gây thiệt hại bồi thường. Pháp nhân trong trường hợp này sẽ không liên quan và không chịu bất cứ trách nhiệm gì với khách hàng.

Điều này theo quan điểm của một số chuyên gia pháp luật là không hợp lý bởi pháp nhân khi tuyển dụng và trao quyền cho nhân viên dù thử việc hay chính thức phải chịu trách nhiệm về đạo đức, nhân cách, nhân thân của người đó. Khi khách hàng đến làm việc không thể biết người đó như thế nào mà chỉ biết pháp nhân đó thôi. Lỗi của pháp nhân ở đây là thiếu trách nhiệm dẫn đến hậu quả thiệt hại cho khách hàng.

Quy định pháp luật hiện nay chưa rõ ràng trách nhiệm của các bên. Việc ghi nhận đơn thuần như tại Bộ luật Dân sự, hoàn toàn có thể dẫn đến những cách suy diễn khác nhau. Theo Luật sư Phạm Quang Biên, Luật cần sửa đổi theo hướng bảo vệ quyền và lợi ích của khách hàng khi giao liên hệ, làm việc với cá nhân của pháp nhân đó. “Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra nếu người đó dựa vào tư cách của pháp nhân khi thực hiện công việc, kể cả việc người đó có lỗi hay không có lỗi; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật”.

Chừng nào ta chưa quản được tài sản quan chức thì khó có thể giải quyết thấu đáo vấn đề này (vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng) trong các vụ án tham nhũng. Về mặt xã hội, chúng ta phải định hướng, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và hạn chế thanh toán bằng tiền mặt trong nền kinh tế, góp phần minh bạch hóa các giao dịch kinh tế và phòng, chống tham nhũng. Nên quy định giao dịch có giá trị bắt buộc phải trả qua tài khoản. Thực ra đã từng có những quy định để giải quyết vấn đề này nhưng do thực tế chưa quyết liệt triển khai thực hiện nên chính sách còn ở trên giấy. (Luật sư Nguyễn Quang Ngọc)

Phan Phan

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin