(Pháp lý) - Thảo luận, cho ý kiến về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) tại Kỳ họp thứ tư vừa qua, các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chỉ rõ vấn nạn tham nhũng vẫn diễn biến rất phức tạp, cảnh báo tham nhũng trong công tác cán bộ và xuất hiện thế hệ tham nhũng thứ hai, quan ngại tham nhũng ở cấp tỉnh bị “bỏ lọt”, ít được phát hiện và xử lý... nhiều vụ việc có dấu hiệu hành chính hóa các quan hệ hình sự... Bên cạnh đó, công tác phòng ngừa còn yếu, chưa có cơ chế truy nguồn gốc, tịch thu tài sản bất minh..., dẫn đến giảm hiệu quả PCTN. Trước thực tế đó, nhiều ĐBQH kiến nghị đề xuất nhiều giải pháp để PCTN thực chất và hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Hối lộ bằng hình thức tặng quà diễn biến phức tạp
Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ trong việc thực hiện quy định về nghiêm cấm tặng quà, nhận quà tặng dưới mọi hình thức.
Tuy nhiên theo bà Nga, trong thực tế, việc tặng quà để giải quyết công việc, đặc biệt là hối lộ bằng hình thức tặng quà vẫn còn diễn ra rất phức tạp, dưới nhiều hình thức, nhất là việc lạm dụng phong tục truyền thống của dân tộc trong thăm hỏi, tặng quà nhân dịp lễ, Tết, hiếu, hỉ… Việc nộp lại quà tặng hầu như chỉ được thực hiện sau khi phát hiện có sai phạm.
Qua một số vụ án được đưa ra xét xử gần đây, dư luận rất bức xúc trước việc tặng quà của Ngân hàng OceanBank và chi hoa hồng cho bác sĩ của Công ty Cổ phần VN Pharma… Ủy ban Tư pháp cho rằng đây là vấn đề lớn, liên quan đến đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ và PCTN cần được Chính phủ, Bộ Y tế nghiên cứu, đánh giá để ngăn chặn tình trạng này.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng báo cáo của Chính phủ chưa phản ánh thật đầy đủ thực trạng công tác PCTN năm 2017 và chưa nêu được một số chuyển biến nổi bật của công tác này so với năm 2016. Bà Nga cũng cho rằng báo cáo này cũng chưa chỉ ra được cơ quan, đơn vị, địa phương nào làm tốt và nhất là cơ quan, đơn vị, địa phương nào chưa làm tốt công tác PCTN; chưa đề ra giải pháp mang tính đột phá và lộ trình cụ thể để khắc phục những hạn chế của công tác PCTN đã tồn tại qua nhiều năm...
Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách trên một số lĩnh vực vẫn còn sơ hở, một số văn bản pháp luật quy định chưa rõ ràng, thiếu khả thi, chồng chéo… nhưng chậm được sửa đổi nên chưa kịp thời khắc phục được những bất cập trong quản lý và chưa đủ mạnh để góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng...Còn xử lý chưa nghiêm một số vụ tiêu cực mà dư luận xã hội bức xúc ở một số ngành, địa phương thời gian qua...” - báo cáo của Ủy ban Tư pháp nêu rõ.
Cảnh báo tham nhũng trong công tác cán bộ và xuất hiện thế hệ tham nhũng thứ 2
ĐBQH Nguyễn Mai Bộ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh đã cảnh báo như vậy khi góp ý kiến tại phiên thảo luận hội trường QH chiều ngày 6 tháng 11 về báo cáo công tác PCTN năm 2017.
“Có hay không có tham nhũng trong bổ nhiệm công chức? Nếu có thì báo cáo chưa đầy đủ, còn nếu không thì sao lại đúng quy trình mà người có tài có đức không được bổ nhiệm, người kém lại được và được trao quyền là “quyền hành dân và quyền hành doanh nghiệp”” - ĐB Bộ đặt câu hỏi.
Và ông tự trả lời: “Theo tôi là có, vì theo nguyên lý không có lửa làm sao có khói. Dân gian kết luận nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn trí tuệ hẳn là có lý.
Tôi đồng tình với ĐB Đặng Thuần Phong, nạn chạy chức chạy quyền là một trong sáu bất an của xã hội ta”.
Cũng theo ông Bộ, ngoài vấn nạn bốn vần “ệ” thì quy định về công chức còn thiếu chặt chẽ nên tham nhũng trong công tác cán bộ là có. Mục đích đánh giá cán bộ, công chức không quy định đánh giá bằng quy định pháp luật nên phụ thuộc người đánh giá… Chính điều này dẫn đến tham nhũng trong công tác cán bộ. “Phòng, chống trường hợp này rất khó, vì cả hai đối tượng nhận và đưa đều không bao giờ tự khai báo, mà người thứ ba không có chứng cứ hoặc có mà không đủ” - ông Bộ nói.
Ông Bộ cảnh báo: Nếu không chống tham nhũng trong công tác cán bộ thì hệ quả sẽ tạo ra đội ngũ cán bộ mà Nghị quyết Trung ương 6 đánh giá là “rất đau lòng”, đội ngũ cán bộ yếu kém. Đặc biệt nó sẽ tạo ra thế hệ tham nhũng thứ hai xuất hiện vì khi chạy mất tiền đến khi có quyền thì tính bài thu lại và không cách nào khác là tham nhũng”.
Theo đó, ông Bộ đề nghị phải sửa Luật Cán bộ, công chức, bổ sung quy định phương pháp đánh giá cán bộ, công chức trước khi bổ nhiệm. Cụ thể đưa 2-3 cán bộ nguồn cho một vị trí cần bổ nhiệm, đánh giá tiêu chí của từng cán bộ, cán bộ nào có nhiều tiêu chí đạt hơn thì được bổ nhiệm vào chức vụ mới.
Liên quan tới công tác cán bộ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp nêu rõ: “Có trường hợp bổ nhiệm cả cán bộ có trách nhiệm trong việc làm thua lỗ, thất thoát lớn vốn, tài sản nhà nước (trường hợp bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang; bổ nhiệm lãnh đạo quản lý ở Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa). Ngược lại, cũng có trường hợp lợi dụng việc điều động, điều chuyển công tác để trù dập cán bộ… Thực tế này đang gây bức xúc, bất bình trong dư luận, làm giảm sút lòng tin của nhân dân về công tác phòng chống tham nhũng”.
Quan ngại tham nhũng ở cấp tỉnh ít được phát hiện và xử lý.
Theo Báo cáo về công tác PCTN năm 2017 do Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trình bày, năm 2016, đã xác minh, phát hiện và xử lý 5 trường hợp vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập, bao gồm cả cán bộ cao cấp. Năm 2017, 39 người đứng đầu đã bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm, để xảy ra hành vi tham nhũng, tăng 28 người so với năm 2016.
Trong năm qua, TAND các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 345 vụ án liên quan đến tham nhũng, với 799 bị cáo; đã xét xử sơ thẩm 205 vụ, 433 bị cáo, tăng 5,7% số vụ. Có 8 bị cáo bị tuyên án tử hình, chung thân, tăng 60% so với cùng kỳ năm 2016. Các vụ án, vụ việc tham nhũng gây thiệt hại trên 1.521 tỷ đồng…
Theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp Quốc hội: “Việc tự phát hiện tham nhũng qua công tác thanh tra, kiểm tra vẫn là khâu rất yếu từ nhiều năm nay. Trên toàn quốc phát hiện được 15 vụ với 21 đối tượng qua tự thanh tra, kiểm tra; còn qua khảo sát của Uỷ ban Tư pháp tại 6 tỉnh, thành phố thì chỉ có tỉnh Long An phát hiện được tham nhũng qua công tác tự kiểm tra nội bộ.
Nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân có sai phạm nhưng không bị áp dụng bất kỳ hình thức kỷ luật nào, cá biệt có địa phương qua hoạt động thanh tra kiến nghị xử lý 971 người thì có đến 940 người được “phê bình nghiêm khắc”, “kiểm điểm rút kinh nghiệm”.
Thảo luận ở hội trường về các báo cáo trên, ĐB Hoàng Đức Thắng (tỉnh Quảng Trị) cho rằng hành vi tham nhũng được phát hiện và xử lý thời gian qua chủ yếu là các vụ tham nhũng nhỏ ở cấp xã, huyện, “những con mèo ăn vụng của dân, của nước” hoặc những vụ đặc biệt nghiêm trọng được xã hội quan tâm do cơ quan điều tra T.Ư xét xử. Trong khi đó, dư luận xã hội và nhân dân rất quan ngại về việc tham nhũng cấp tỉnh ít được phát hiện và xử lý.
“Phải chăng chúng ta đang bỏ lọt tham nhũng ở khu vực này hay khi phát hiện thì xử lý theo kiểu khép kín nội bộ, phê bình nghiêm khắc, kiểm điểm rút kinh nghiệm như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nêu? Cử tri đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo công khai và kiên quyết yêu cầu xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật, không để hành chính hóa các quan hệ hình sự, xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu và không thể “giơ cao đánh khẽ”, “rung cây dọa khỉ” mãi được”, ĐB Thắng kiến nghị.
Phải kê khai tài sản 3 đời và ban hành Luật Kê khai tài sản
Tại phiên thảo luận về công tác tư pháp, đấu tranh phòng, chống tội phạm, tham nhũng vào sáng 7/11, Thiếu tướng Sùng Thìn Cò, Phó Tư lệnh Quân khu 2 (đoàn Hà Giang) cho rằng: "Trong vấn đề chống tham nhũng, khi nói về kê khai tài sản thì ít nhất phải khai báo 3 đời và sau đó phải công khai, treo ở các nơi, công chúng nhìn được thì người dân mới giám sát rõ. Tôi đề nghị nếu cần thiết thì làm phiếu thăm dò đối với cán bộ công chức và nhân dân xem ông nào có tham nhũng nhiều nhất thì cho nghỉ đi. Như thế mới có thể làm triệt để được".
Cho rằng trong PCTN thì công khai minh bạch là giải pháp của mọi giải pháp, ĐB Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) đề nghị lập trang thông tin điện tử về kê khai tài sản, cập nhật thông tin kịp thời, bảo đảm minh bạch, công khai chứ không “mật” như hiện nay để tất cả người dân đều được giám sát, phát hiện sớm các dấu hiệu của hành vi tham nhũng, tận dụng được sức mạnh toàn dân trong việc giám sát và phòng ngừa tham nhũng. ĐB Linh cũng cho rằng cần nghiên cứu ban hành Luật Kê khai tài sản nhằm đủ cơ sở pháp lý góp phần quan trọng trong công tác phòng ngừa tham nhũng.
PV