Phiên tòa diễn ra dân chủ, đảm bảo tối đa tính độc lập và tinh thần cải cách tư pháp; là hồi chuông cảnh báo đối với nhiều quan chức có hành vi sai phạm gây thiệt hại nghiêm trọng cho đất nước… Là ý kiến của học giả và những người làm công tác tư pháp.
Hôm nay (8/1), TAND TP Hà Nội sẽ bắt đầu phiên tòa xét xử bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm trong vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng,” “Tham ô tài sản” xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), liên quan đến việc thực hiện Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 và Dự án Vũng Áng-Quảng Trạch.
Quyết liệt, đúng pháp luật
Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận xã hội hết sức quan tâm không chỉ bởi quy mô, mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra, mà còn bởi hầu hết bị cáo đều từng giữ vị trí chủ chốt trong những đơn vị kinh tế quan trọng, thậm chí từng là cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước.
Vụ án được đưa ra xét xử theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng tại Phiên họp Thường trực Ban Chỉ đạo vào cuối tháng 11/2017, đó là phải “tập trung làm cho bằng được,” “phải tích cực, quyết liệt hơn” và "xét xử công minh vụ án Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm bảo đảm theo đúng quy định pháp luật".
Cũng từ phiên họp này, chỉ trong vòng hơn một tháng qua, các cơ quan, ban, ngành chức năng đã tích cực vào cuộc, nhằm đưa Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm ra xét xử. Điều này cho thấy sự vào cuộc rất quyết liệt, khẩn trương, khẳng định quyết tâm cao độ của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị trong cuộc chiến không khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực. Các bị cáo đều bị truy tố trước tòa với khung hình phạt cao nhất của mỗi tội danh. Trong số 22 bị cáo bị đưa ra xét xử có 12 bị cáo bị truy tố về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" theo quy định tại khoản 3 Điều 165 Bộ luật Hình sự năm 1999 (mức hình phạt từ 10 đến 20 năm tù); tám bị cáo bị truy tố về tội "Tham ô tài sản" theo quy định tại khoản 4 Điều 278 Bộ luật Hình sự năm 1999 (mức hình phạt từ 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình).
Đặc biệt trong quá trình điều tra khởi tố vụ án, việc cho thôi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị, đình chỉ sinh hoạt Đảng, sinh hoạt cấp ủy, tạm đình chỉ nhiệm vụ Đại biểu Quốc hội, khởi tố, bắt tạm giam, đưa bị cáo Đinh La Thăng ra xét xử trước tòa; việc không công nhận tư cách Đại biểu Quốc hội, khai trừ khỏi Đảng, khởi tố bị can, phát lệnh truy nã quốc tế, rồi truy tố Trịnh Xuân Thanh để xét xử đồng thời về hai tội danh nói trên với khung hình phạt cao nhất, cho thấy sự quyết liệt trong việc xử lý, giải quyết các vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng. Điều này cũng một lần nữa khẳng định tinh thần thượng tôn pháp luật, không có “vùng cấm” trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực, bất cứ ai có hành vi vi phạm đều bình đẳng trước kỷ luật Đảng và trước pháp luật. Cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng dù khó khăn đến đâu vẫn phải kiên trì, kiên quyết làm cho bằng được nhằm lấy lại niềm tin của nhân dân. Và chắc chắn không có thẻ “kim bài” miễn tội cho bất kỳ ai có hành vi sai phạm, gây tổn hại cho Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Là hồi chuông báo động
Phát biểu trên tờ zing.vn, Giáo sư Carl Thayer (Học viện Quốc phòng Australia) và Tiến sĩ Dennis McCornac (Trường Loyola University Maryland) có chung nhận định, kết quả phiên xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm sẽ là hồi chuông cảnh báo đến nhiều quan chức. Cụ thể, qua khung hình phạt bị truy tố đối với 2 bị cáo Trịnh Xuân Thanh và Đinh La Thăng, Giáo sư Carl Thayer nói: “Ông Trịnh Xuân Thanh chỉ là một trong số 20 bị cáo, và khung án ông này có thể có cả án tử hình. VKSNDTC cũng kết luận rằng, ông Thanh không thành khẩn, đã bỏ trốn để tránh bị bắt, và cản trở cuộc điều tra. Trong khi đó, ông Đinh La Thăng có trách nhiệm liên quan do không quản lý cấp dưới chặt chẽ.
Điều này sẽ là hồi chuông báo động đến tất cả những quan chức cấp cao liên quan đến các vụ gian lận quy mô lớn gây thiệt hại nghiêm trọng cho đất nước. Tuy nhiên, ngay cả những nền kinh tế phát triển nhất cũng không thể loại trừ hoàn toàn các trò gian lận. Nhiều cá nhân đầy tham vọng và sẵn sàng gánh chịu rủi ro, để đổi lại là các lợi ích to lớn mà họ hy vọng nhận được”.
TS Dennis McCornac thì cho rằng: “Những bản án nghiêm khắc có thể khiến một vài cá nhân chột dạ. Đây là điều hiển nhiên đối với vấn nạn tham nhũng ở tràn lan trong lĩnh vực kinh tế và chính trị, mà 2 yếu tố này thường đi liền với nhau. Tuy nhiên, công cuộc chống tham nhũng ở Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức trước mắt, như trò "đập đầu thú" (whac-a-mole), khi ta đập vào chỗ này thì đối tượng sẽ lại nảy lên ở một lỗ tròn khác. Hoặc tôi cũng muốn dùng hình ảnh khác là rắn 9 đầu trong thần thoại Hy Lạp Hydra để so sánh. Cứ mỗi khi ta chặt một đầu của con rắn thì từ chỗ đấy lại mọc ra 2 đầu khác. Có lẽ những cái đầu mới sẽ không mạnh mẽ và to lớn như đầu cũ, nhưng vấn đề là nó có tái hiện. Vấn nạn tham nhũng ở Việt Nam đã bám rễ quá sâu, và những lợi ích tài chính mang lại quá lớn khiến nhiều đối tượng cho rằng rủi ro và tổn thất là không đáng kể, nên họ mới sẵn sàng "nhúng chàm"”.
Đối với chiến dịch chống tham nhũng ở Việt Nam, theo GS Carl Thayer: “Cuộc chiến chống tham nhũng ở Việt Nam đến nay vẫn chỉ mới khám phá ra các đỉnh của tảng băng chìm. Cơ quan điều tra chắc chắn là đã phanh phui ra hàng loạt vụ gian lận quy mô lớn, ước tính đến hàng triệu USD. Nhưng chúng ta vẫn cần phải tiếp tục theo dõi xem liệu nhà chức trách có thể tiếp tục phát hiện và có hành động xử lý những mạng lưới tham nhũng quy mô lớn khác hay không” và TS Dennis McCornac thì tin rằng “phần đông công chúng sẽ ủng hộ nhiệt thành chiến dịch này”.
Mong được 'tranh tụng đúng nghĩa' tại phiên tòa
44 luật sư tham gia phiên tòa xét xử Đinh La Thăng và đồng phạm trong vòng 1 tháng qua đã trải qua quá trình chuẩn bị nghiêm túc với cường độ cao, hầu hết mỗi luật sư đều có thái độ cầu thị nghiêm túc vào kết quả phiên tòa và kỳ vọng lớn vào việc áp dụng những nguyên tắc theo hướng cải cách tư pháp nhằm đảm báo tính dân chủ, công minh của phiên tòa xét xử. Luật sư Nguyễn Huy Thiệp - một trong 3 luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp tại phiên tòa cho bị cáo Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch HĐQT sau này là Hội đồng thành viên Tập đoàn dầu khí Việt Nam - PVN) cho biết, ông kỳ vọng sẽ có sự thay đổi tư duy, quan điểm, phương pháp tranh luận.
"Việc tranh luận và tranh tụng cần được thực hiện theo đúng nghĩa để làm rõ nội dung cáo buộc bị cáo phạm tội", ông nói và hy vọng HĐXX tạo điều kiện để luật sư trình bày hết quan điểm bào chữa. Luật sư cũng mong đại diện VKS sẽ có những phần tranh luận, trả lời xác đáng từng nội dung luật sư đặt ra.
Là một trong năm người bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc PVC) luật sư Nguyễn Văn Quynh cho biết, phiên toà diễn ra trong bối cảnh Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 vừa có hiệu lực (ngày 01/01/2018) sẽ là cơ hội tốt để thực hiện những cải cách tư pháp được nêu tại đây, đặc biệt là nguyên tắc suy đoán vô tội và đảm bảo việc tranh tụng được triệt để.
Luật sư hy vọng phiên tòa sẽ diễn ra dân chủ, cởi mở giống như vụ án Hoa hậu Trương Hồ Phương Nga ông từng tham gia năm 2017. “Tôi kỳ vọng Toà án sẽ có những cách đánh giá khách quan, toàn diện, đúng pháp luật để giải quyết vụ án. Toà sẽ tạo điều kiện cho tất cả những người tham gia tố tụng cũng như báo chí tác nghiệp", ông nói.
Luật sư Đinh Anh Tuấn bào chữa cho bị cáo Phùng Đình Thực (nguyên Tổng giám đốc PVN) chia sẻ, ông Thực là người bị khởi tố cuối cùng mà thời gian đưa vụ án ra xét xử lại quá nhanh, tuy nhiên, ông Thực được tại ngoại nên ông Tuấn có thuận lợi là thường xuyên gặp để nhận thông tin. "Thân chủ của tôi là nhà khoa học, từng hai lần nhận giải thưởng Hồ Chí Minh nên nhìn nhận vấn đề bình tĩnh và nghiên cứu hồ sơ rất kỹ", ông Tuấn nói.
Đảm bảo tối đa quyền tranh tụng
Ở góc độ những người nắm giữ cán cân công lý tại phiên tòa, Thẩm phán Trương Việt Toàn, Phó Chánh tòa Hình sự TAND TP Hà Nội - một trong 5 người thuộc Hội đồng xét xử cho biết đã chuẩn bị tốt mọi điều kiện để phiên tòa diễn ra.
Theo ông Toàn, đây là vụ án lớn được dư luận quan tâm nên bản thân ông và HĐXX thấy trách nhiệm của mình rất lớn. Cũng theo lời vị Thẩm phán, phiên xét xử ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm là một trong những phiên tòa đầu tiên được áp dụng Bộ luật Tố tụng hình sự mới (có hiệu lực từ 01/01/2018).
Về mặt nội dung, Thẩm phán Trương Việt Toàn cho biết một điểm mới của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 là chú trọng, đảm bảo quyền tranh tụng của những người tham gia tố tụng.
"Việc này phù hợp với tinh thần cải cách tư pháp mà Đảng, Nhà nước đề ra, đồng thời đảm bảo quyền con người tốt hơn nữa cho các bị cáo cũng như đảm bảo tối đa nguyên tắc suy đoán vô tội với bị can, bị cáo", Thẩm phán Trương Việt Toàn nói, đồng thời khẳng định HĐXX sẽ đảm bảo tối đa tính độc lập, không chịu sự tác động và can thiệp nào, chỉ tuân thủ theo pháp luật.
Về hình thức xét xử, ông Trương Việt Toàn cũng cho biết phiên tòa sẽ không có vành móng ngựa, đại diện VKSND ngồi đối diện các luật sư. Ngoài ra, các phóng viên đưa tin phiên tòa được bố trí một hội trường riêng để tác nghiệp. Theo ông Toàn, việc này do nguyên nhân khách quan vì số người được triệu tập trong vụ án rất đông trong khi cơ sở vật chất, diện tích phòng xử của Tòa án Hà Nội từ trước đến nay rất hạn chế.
“Vì vậy, chỉ đủ chỗ ngồi cho những người tham gia tố tụng, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Chúng tôi cũng hết sức tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí tác nghiệp tại một phòng hội trường riêng, có kênh dẫn truyền trực tiếp, đảm bảo”, Thẩm phán Trương Việt Toàn khẳng định.
Trước đó, TAND TP Hà Nội cũng thông tin đã hoàn thành công tác chuẩn bị, sắp xếp phòng xét xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm vào ngày 8/1 theo đúng quy định mới.
Có tất cả 44 luật sư tham gia phiên tòa, trong đó có 3 luật sư bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng và 5 luật sư bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh.
Hội đồng xét xử phiên tòa gồm 5 người: 2 Thẩm phán và 3 Hội thẩm nhân dân. Trong đó, Thẩm phán Nguyễn Ngọc Huân làm Chủ tọa phiên tòa. Do tính chất nghiêm trọng của vụ án, TAND TP Hà Nội cũng đã bố trí thêm 01 Thẩm phán dự khuyết, 2 Hội thẩm nhân dân dự khuyết tham dự phiên tòa.
3 Kiểm sát viên gồm: Đào Thịnh Cường (Phó Viện trưởng VKSND TP Hà Nội), Nguyễn Minh Đồng và Nguyễn Mạnh Thường, Kiểm sát viên cao cấp thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự tại phiên tòa. VKSND TP Hà Nội cũng đã bố trí 02 Kiểm sát viên dự khuyết tham gia phiên tòa.
Theo Congly