'Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời': Sự hồ nghi đẹp đẽ

Đây là tác phẩm hư cấu chứa đựng nhiều nhất con người thật của Murakami, cũng là câu chuyện đơn giản nhất mà ông từng kể.

Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời là câu chuyện xoay quanh nhân vật Hajime, từ lúc còn trẻ đến khi trở thành một người đàn ông trung niên thành đạt.

Nhưng từ sâu thẳm bên trong Hajime vẫn luôn mặc cảm vì là con một. Xã hội Nhật Bản khi đó luôn có một định kiến nhất định với chuyện này, như thể đó là dấu hiệu của những bất hòa hay một mái ấm không có hạnh phúc. Trong hoàn cảnh ấy, Hajime đã trở nên vô cùng thân thiết với cô bạn Shimamoto, một cô bé tật nguyền có cùng hoàn cảnh như cậu.

Khi lên trung học, Shimamoto chuyển trường, hai người họ xa nhau. Lúc này, Hajime gặp và yêu Izumi. Song vì ham muốn tình dục tuổi trẻ, Hajime đã làm tổn thương Izumi khi liên tục quan hệ với chị họ của cô. Hai người chia tay, Hajime rời quê hương, bước vào đại học.

Ra trường, anh làm việc ở một nhà xuất bản nhỏ cho đến khi gặp và kết hôn với Yukiko ở tuổi 30 tuổi. Vào tuổi 37, Hajime là một ông chủ có tiếng với chuỗi quán bar nhạc jazz nổi danh tại Aoyama, anh có một gia đình hạnh phúc với Yukiko cùng hai con gái. Nhưng định mệnh thêm một lần nữa trêu đùa đưa anh gặp lại Shimamoto. Từ đây những cảm xúc sâu kín của Hajime như bừng tỉnh sau từng ấy năm tháng ngủ yên.

Tuy nhiên, việc gặp lại Shimamoto đã đặt Hajime trước một lựa chọn: gia đình hiện tại hay cô bạn của một quá khứ đầy nuối tiếc. Cuối cùng, sau một đêm bên nhau và những ái ân đầu tiên, Shimamoto – san đã biến mất hoàn toàn khỏi cuộc đời của Hajime, để lại cho anh vô vàn những câu hỏi không lời giải đáp.

Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời, chứa đựng những tầng sâu suy ngẫm, đi sâu vào góc khuất tâm lý và tâm hồn con người. Murakami có thể viết tác phẩm của mình một cách đơn giản nhưng sức mạnh nội tại và tầm ảnh của nội dung không hề dễ dãi.

 Tác phẩm Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời của tác giả Murakami.
Tác phẩm Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời của tác giả Murakami.)

Câu chuyện buộc độc giả phải day dứt, nghiềm ngẫm từng chi tiết để tìm ra một câu trả lời thỏa đáng với ham muốn tò mò được nuôi dưỡng từ những trang sách đầu tiên. Vì Murakami luôn như thế, chuộng sự kín đáo và những tình tiết mập mờ, khó hiểu, như một gã khách quen sẽ chỉ mê một thứ đồ uống.

Hajime là một kiểu nhân vật đại diện cho thanh niên Nhật Bản thời kỳ ấy. Những kẻ luôn bị ám ảnh, day dứt bởi quá khứ, chết đuối, lạc lối trong hiện tại và cuối cùng bơ vơ, tuyệt vọng khi đứng trước tương lai. Họ sở hữu một lối sống nhàm chán, đều đặn như những vòng lặp, luôn đau đáu tìm kiếm mảnh còn khuyết của mình.

Chúng ta sẽ thấy bản thân phảng phất trong Hajime. Từ khi bé đến lúc trưởng thành đều cũng đã yêu, phủ đầy ham muốn và đề cao tình dục. Nếu nói đây là cuốn tiểu thuyết chứa đựng nhiều nhất con người thật của Murakami thì có lẽ chúng ta phải tự hồ nghi trước. Liệu những tầng sâu nghĩ suy ấy là của ông hay do ông dẫn lối khiến độc giả tự nguyện mở lòng mình.

Trong tuyệt phẩm Thư tình, nhà văn Iwai Shunji có viết "đàn ông, suốt đời chỉ theo đuổi bóng dáng của tình đầu". Về một phương diện nào đó Hajime cũng vậy, dù khi đó gặp Shimamoto – san, cậu trai này đang ở cái tuổi chả biết gì.

Một cái chạm tay ngắn ngủi, chỉ với mười giây nhưng nhớ nhau cả đời, Hajime lưu giữ Shimamoto – san như một hồi ức, ghim sâu vào từng kỷ niệm để nhắc nhở bản thân mình từng một thời yêu ai đến cuồng nhiệt. Trước khi tình dục gõ cửa, ai cũng từng một thời trong sáng ngây thơ.

Đôi khi sẽ là mất cả đời để biết chúng ta thực sự cần gì, sẽ thực sự yêu ai, một sự tồn tại xác đáng, hợp lý để khỏa lấp cho nỗi cô độc cá nhân. Hajime và Shimamoto – san, có duyên nhưng không phận. Họ đến với nhau, chạm vào như thế, trở thành nguồn sống chỉ sau một đêm mưa ngắn ngủi.

Tình yêu đã vượt thành một thứ rất xa, một hiện tượng thuộc về vũ trụ không thể lý giải nổi. Sự biến mất làm người ta khó chịu nhưng nó vẫn cần phải có để tồn tại, như đời cần có sự hồ nghi để nhận thức được chỗ nào đúng sai.

Phía Nam biên giới, không chỉ là nước Mexico với kẻ đang nuôi nấng ảo vọng. Phía Tây mặt trời không chỉ là một chứng bệnh của những người nông dân Xiberi sống trong cảnh ngày đêm không phân cách, đôi khi đó chỉ là hướng đi để người ta mặc sức chọn lựa. Tác phẩm thể hiện một quy luật bất biến, và rồi những câu trả lời sẽ qua đi, còn câu hỏi thì mãi ở lại, ám ảnh tất cả.

Theo Zing

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin