Suốt quãng đời ly hương, thường trực trong Vũ Bằng là nỗi niềm nhớ thương miên viễn dành cho quê hương Bắc Việt.
Năm 1954, hòa trong dòng người di cư từ Bắc vào Nam, có lẽ Vũ Bằng chưa bao giờ nghĩ, đây lại là lần sau chót ông được nhìn thấy quê hương mến yêu và hình bóng người vợ tào khang của mình.
Lời hẹn trở về sau hai năm hiệp thương thống nhất đất nước theo Hiệp định Geneve đã không thành hiện thực. Kiếp sống tha hương và nỗi nhớ miên viễn trong ông cũng từ đây mà bắt đầu.
Suốt những tháng năm ròng rã sống giữa Sài Gòn, dường như chưa lúc nào Vũ Bằng nguôi ngoai nỗi nhớ về xứ Bắc thân yêu. Nỗi nhớ cồn cào được ông gom góp vào những trang văn để rồi từ đó, một trong số những tập bút ký hay nhất trong lịch sử văn học hiện đại Việt Nam đã ra đời: Thương nhớ mười hai.
Nhớ sao nhớ quá thế này!
Bắt đầu khởi bút từ tháng Giêng năm 1960, tuy nhiên, phải đến khoảng những năm 1970 – 1971, tập bút ký này mới được hoàn thành. Mười một năm ròng rã dành để viết nêm hơn ba trăm trang sách cũng là chừng ấy thời gian Vũ Bằng sống với nỗi hoài vọng về một vùng đất thân thuộc nhưng đã trở nên quá xa vời, cách trở.
Đó là Hà Nội. Đó là Bắc Việt. Là nơi đã sinh ra và nuôi ông khôn lớn, ấp ủ cho giấc mộng văn chương, lưu giữ tất cả những gì đẹp đẽ nhất trong quãng đời thanh xuân của ông và cũng là nơi mà những người mà ông thương yêu nhất đang còn ở lại. Ngày tạm biệt tất cả ra đi, có lẽ Vũ Bằng chưa bao giờ nghĩ đó cũng là lần vĩnh biệt.
Ở Thương nhớ mười hai, dường như Vũ Bằng đã cô đọng trong những trang văn cái không gian đặc trưng của xứ Bắc với đầy đủ sắc, thanh, hương và vị. Sự tinh tế của người viết văn cũng được phô bày một cách hoàn hảo nhất trong từng câu chữ hàm súc nhưng chứa đầy tính gợi tả.
Hiếm có một tập bút ký nào có kết cấu đặc biệt như Thương nhớ mười hai. Ngoài phần tự ngôn và đoản văn cuối cùng dành riêng để viết riêng về Tết, mười hai đoản văn còn lại kết nối với nhau thành một cuộc hành trình đi theo chiều dọc thời gian qua mười hai tháng trong năm.
Bước vào Thương nhớ mười hai cũng là bước vào một nỗi nhớ nhung dai dẳng phát khởi từ nỗi niềm của một người con Hà Nội vì thế cuộc mà phải luân lạc nơi quê người. Với Vũ Bằng, cái "lòng người xa nhà y như thể là khúc gỗ bị mối ăn, mục nát từ lúc nào không biết".
Người văn sĩ không giấu diếm nỗi nhớ. Dường như ông chẳng một chút mảy may bận tâm miệng đời cười cợt khi cho rằng đó là sự uỷ mị hay yếu đuối mà lý ra không nên có ở một đấng nam nhi.
Xuyên suốt tác phẩm, có hơn trăm lần Vũ Bằng nhắc đến chữ "nhớ". Ông nhớ gì? "Bất cứ cái gì của Hà Nội cũng nhớ, bất cứ cái gì của Bắc Việt cũng nhớ..."
Ông "mặc cho ngòi bút đưa đi" để rồi trải đầy nỗi nhớ của mình xuống những trang văn. Và bằng chính điều này, có lẽ ông cũng mong muốn sẻ chia và tìm sự đồng cảm nơi những độc giả của mình.
"Ới những người thiên lý tương tư! Nếu bất ngờ những dòng sau đây có lạc vào tay bạn, mà thấy nói được lên một mối hoài cảm của bạn vẫn chất chứa ở bên trong, thế là kẻ viết này lấy làm mãn nguyện lắm rồi."
Xuân này xứ Bắc ra sao nhỉ?
Không phải là ngẫu nhiên mà Vũ Bằng dành hẳn đến bốn trong số mười bốn đoản văn của Thương nhớ mười hai để viết về mùa xuân, về Tết. Từ xưa đến nay, mùa xuân luôn là mùa gợi nên niềm hân hoan và rộn ràng. Những xúc cảm ấy được tạo nên từ sự tươi sáng, sự sinh sôi nảy nở của vạn vật và là tiên khởi cho một chu trình mới của đời sống nhân gian.
Mùa xuân cũng là mùa Tết, dịp phô diễn mọi vẻ tinh tế, thiêng liêng trong nếp sống cổ truyền dân tộc. Đồng thời, cũng là thời điểm gợi lên sự yên ấm, sum họp và đoàn tụ trong tình thân gia đình.
Nhưng trong tâm thế của một kẻ "mang trong mình một lúc tới bảy tám biệt ly", Tết với Vũ Bằng lại là dịp khơi lên một sự hỗn độn. Ông yêu mùa xuân và nhớ về Tết nhiều hơn hết thảy nhưng trớ trêu thay, cũng từ đó mà nỗi nhớ nhung lại càng hằn sâu hơn trong tâm can ông.
Những câu văn ông viết về những mùa xuân "của Hà Nội thân yêu, của Bắc Việt thương yêu" như những tiếng reo hân hoan, dựng lên trước mắt người đọc cả một không gian ngập tràn trong những gam màu tươi sáng nhất, những thanh âm trong trẻo nhất:
“Mùa xuân của tôi - mùa xuân Bắc Việt, mùa xuân của Hà Nội - là mùa xuân có mưa riêu riêu, gió lành lạnh, có tiếng nhạn kêu trong đêm xanh, có tiếng trống chèo vọng lại từ những thôn xóm xa xa có câu hát huê tình của cô gái đẹp như thơ mộng...”
Cứ như thế, Vũ Bằng như mê mải đắm mình trong hồi quang của những mùa xuân quá khứ với tất cả vẻ yêu kiều để rồi khi giật mình quay về giữa hiện tại “kém phần tươi tốt”, cõi lòng người văn sĩ không khỏi dậy nên nỗi ê chề, xót xa.
Bóng hình người cũ
Phảng phất giữa hồi quang đẹp đẽ của ký ức trong Thương nhớ mười hai là bóng dáng của một người phụ nữ. Đó là người vợ, “người bạn chiếu chăn” tên Quỳ được Vũ Bằng dành rất nhiều tình cảm.
Là người đã cùng song hành Vũ Bằng qua biết bao nhiêu gian truân, trắc trở cũng như tạo dựng nên hạnh phúc cho gia đình, người vợ dường như có một tác động rất lớn đến tâm tư, tình cảm và suy nghĩ của ông. Điều này được Vũ Bằng thể hiện một cách rõ ràng qua cách mà ông nhắc nhớ về bà qua cuốn sách.
Nói theo một cách thi vị, nếu Vũ Bằng là người chấp bút cho những trang văn trác tuyệt của Thương nhớ mười hai thì chính vợ ông là người mang đến chất liệu để tạo nên sự trác tuyệt đó.
Sở dĩ Vũ Bằng dành một sự ưu ái lớn lao cho mùa xuân và Tết có lẽ cũng vì đó là dịp mà không gian gia đình hiện diện một cách rõ ràng với tất cả sự yên ấm.
Nhưng sự yên ấm đó không thể vẹn toàn nếu thiếu đi bàn tay chăm chút của người vợ. Vũ Bằng tỏ bày tình yêu với mùa xuân, yêu cái không gian gia đình đầy yên ấm ấy cũng đồng nghĩa với việc tỏ bày tình yêu đến “người bạn chiếu chăn” của mình.
Nhưng cũng như sự ngang trái về nỗi chia cách triền miên với quê hương xứ Bắc, kể từ ngày rời quê hương ra đi cho đến khi nhắm mắt lìa đời, Vũ Bằng không bao giờ có cơ hội gặp lại người vợ mà ông hằng yêu quý. Người đã làm nên những gì tươi đẹp của kiếp sống và là một phần của Bắc Việt mà suốt cuộc đời ông chưa bao giờ nguôi ngoai được nỗi nhớ thương.
Theo Zing