Nợ xấu chuyển từ ngân hàng sang VAMC?

15/10/2016 09:55

(Pháp lý) - Trong những năm qua, việc xử lý nợ xấu ở các ngân hàng đang được tiến hành gấp rút. Để giảm tỷ lệ nợ xấu xuống mức an toàn, các ngân hàng bán lại những khoản nợ này cho Công ty TNHH MTV quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Tuy nhiên, việc xử lý nợ xấu hiện nay diễn ra chậm, bản chất của việc bán nợ sang cho VAMC được xem như chuyển nợ xấu từ nơi này sang nơi khác. Không ít ý kiến ví VAMC như là “túi chứa nợ xấu” chứ không phải là nơi xử lý nợ xấu?

VAMC chậm xử lý nợ xấu đã mua

Luật sư Lê Văn Trung, Công ty Luật hợp danh Đông Nam Á trao đổi với Phóng viên Pháp lý
Luật sư Lê Văn Trung, Công ty Luật hợp danh Đông Nam Á trao đổi với Phóng viên Pháp lý)

Theo thống kê gần nhất được Ngân hàng Nhà nước công bố, đến cuối tháng 6/2016, tỉ lệ nợ xấu toàn hệ thống là 2,58%, giảm so với mức 2,78% vào tháng 5/2016. Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết tiến trình xử lý nợ xấu diễn ra chậm đã ảnh hưởng đến quá trình giảm lãi suất cho vay của ngành Ngân hàng. Số nợ xấu được xử lý trong 6 tháng đầu năm của hệ thống là 59.700 tỉ đồng (giảm 14,55% so với cùng kỳ năm trước), chủ yếu nhờ khách hàng trả nợ gần 31.000 tỉ đồng, còn số nợ xấu bán cho VAMC chỉ đạt 8.880 tỉ đồng. Trong khi đó, ở “kho” chứa nợ xấu là VAMC, tính đến cuối tháng 6/2016 mới xử lý được 32.400 tỉ đồng trong tổng số 241.000 tỉ đồng nợ xấu đã mua, đạt tỉ lệ 13,4%.

Có thể thấy, việc xử lý nợ xấu của các ngân hàng là tương đối chậm bởi vì các tài sản mà các ngân hàng “ôm” như các dự án bất động sản, hàng hóa… đều được định giá khá cao, nhưng nay khi thị trường đi xuống thì các tài sản đảm bảo này đã rớt giá nghiêm trọng. Chính vì vậy, việc bán và xử lý các tài sản đảm bảo này tương đối khó.

Các chuyên gia cho rằng, hiện nay VAMC vẫn mua nợ xấu bằng "giấy” và chưa tìm được đầu ra cho những khoản nợ xấu đã mua. Chính vì thế, đây được ví như hình thức giảm nợ xấu ảo, thực tế nợ xấu không những giảm mà còn tăng thêm vì nợ xấu dồn về VAMC và VAMC không bán được. Đây được xem là cách xử lý nợ xấu theo kiểu lòng vòng, bản chất nợ xấu chỉ chuyển từ ngân hàng sang VAMC.

Đi tìm nguyên nhân

Bình luận về vấn đề này, Luật sư Lê Văn Trung, Công ty Luật hợp danh Đông Nam Á cho rằng thực tế là đang như vậy, VAMC đang là “nơi chứa nợ xấu” chứ không phải là nơi xử lý nợ xấu. Nợ xấu của các tổ chức tín dụng vẫn không ngừng phát sinh, đây là điều tất yếu trong kinh doanh.

Chúng ta đã sinh ra một tổ chức đặc biệt đó là VAMC, tổ chức này có chức năng thu giữ những khoản nợ xấu và nợ xấu này vẫn còn nguyên đó chưa đưa ra được phương hướng xử lý, vì bản thân tổ chức này cũng như những tổ chức khác là muốn xử lý được thì cũng phải thông qua một cơ quan tài phán. Nói cách khác là ta đang đẩy nợ xấu từ nơi này qua nơi khác chứ không phải ta đã giải quyết được gì đối với khối nợ xấu này cả. Tổ chức VAMC là tổ chức đặc biệt nhưng không có chức năng đặc biệt hay quyền hạn đặc biệt cho việc xử lý nợ xấu thì chẳng có ý nghĩa gì, nợ xấu vẫn là nợ xấu mà không có gì thay đổi chẳng qua chỉ là chuyển đối tượng quản lý mà thôi.

Nhiều ý kiến cho rằng hiện nay VAMC trở thành “túi đựng nợ xấu” cho các ngân hàng?
Nhiều ý kiến cho rằng hiện nay VAMC trở thành “túi đựng nợ xấu” cho các ngân hàng?)

Trước đây, tôi từng hy vọng rằng tổ chức VAMC này sẽ được trao những quyền hạn đặc biệt, quyền này sẽ giống như quyền của một số ngân hàng nước ngoài hiện nay là được phép xử lý đối với tài sản thế chấp. Nhưng không, đến nay VAMC mua nợ xấu để đi đòi nợ chứ không phải mua nợ xấu để xử lý nợ xấu này.

Luật sư Vũ Thị Nhinh cũng cho rằng, việc mua lại các khoản nợ xấu này cũng là một hình thức chuyển nợ xấu từ nơi này sang nơi khác, nếu nợ vẫn khó đòi, không đòi được và các món nợ bị chững lại thì đây chỉ là hình thức xử lý nợ xấu theo kiểu lòng vòng, bản chất của nó là chuyển từ ngân hàng này sang một đơn vị xử lý khác chứ thực chất vấn đề nợ xấu vẫn khó mà giải quyết nếu các đơn vị vay không tiến hành trả nợ.

Tuy nhiên, Luật sư Lê Văn Trung phân tích, việc VAMC không được trao quyền hạn đặc biệt để xử lý nợ xấu là do cơ chế chính sách của Việt Nam còn quá chặt chẽ. Ngày 1/7/2016, Chính phủ ban hành Nghị định 69/2016/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ. Nghị định này không quy định về việc chuyển giao tài sản bảo đảm sang cho công ty mua bán nợ. Vì công ty mua bán nợ không phải là tổ chức tín dụng nên không thể nhận thế chấp đối với bất động sản theo Luật Đất đai và không thể đăng ký thay đổi thế chấp đối với bất động sản. Do vậy, khi mua một khoản nợ có bảo đảm bằng bất động sản, công ty mua nợ sẽ trở thành chủ nợ không có bảo đảm.

Về điều kiện đầu tư, theo Điều 20 Luật Các tổ chức tín dụng, chỉ có tổ chức tín dụng nước ngoài mới được tham gia thành lập một tổ chức tín dụng liên doanh hoặc 100% vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Khoản 2, Điều 10 của Nghị định 01/2014/NĐ-CP của Chính phủ thì quy định tiêu chuẩn làm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài trong tổ chức tín dụng Việt Nam như sau: “Là ngân hàng nước ngoài, công ty tài chính nước ngoài, công ty cho thuê tài chính nước ngoài được phép thực hiện hoạt động ngân hàng theo quy định của pháp luật của nước nơi đặt trụ sở chính. Công ty tài chính nước ngoài chỉ được là nhà đầu tư chiến lược tại công ty tài chính Việt Nam. Công ty cho thuê tài chính nước ngoài chỉ được là nhà đầu tư chiến lược tại công ty cho thuê tài chính Việt Nam”.

Các quy định nói trên quá chặt chẽ và không phù hợp với thông lệ quốc tế hiện nay theo hướng cơ cấu các khoản đầu tư nước ngoài thông qua các công ty đầu tư (holding), chứ không trực tiếp đầu tư từ ngân hàng mẹ. Điều này, có thể cho thấy rằng, quá trình xử lý nợ xấu của VAMC cũng như các tổ chức tín dụng thời gian qua vẫn còn nhiều khó khăn, chủ yếu do cơ chế, chính sách về xử lý tài sản bảo đảm còn bất cập, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình xử lý nợ xấu. Quá trình xét xử, thi hành án kéo dài làm việc xử lý nợ xấu chậm. VAMC cần đề ra nhiều biện pháp để giải quyết như bán theo giá thị trường, bán chịu lỗ,…thì bảng cân bằng chính sách sẽ sạch nợ xấu.

Lạc Sơn

Bạn đang đọc bài viết "Nợ xấu chuyển từ ngân hàng sang VAMC?" tại chuyên mục Pháp lý và Kinh doanh. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin