Hội đồng Tư pháp Quốc gia Nigeria (NJC) vừa lên tiếng phản bác lại kết quả của một cuộc khảo sát điều tra được thực hiện bởi Cơ quan Phòng, chống Ma túy và Tội phạm của Liên Hợp quốc (UNODC) và Cục Thống kê Quốc gia (NBC), theo đó, đưa ngành Tư pháp Nigeria vào danh sách Top 2 cơ quan công lập tham nhũng nhất nước này.
Theo báo cáo của UNODC và NBC có tiêu đề: "Tham nhũng ở Nigeria: Hối lộ - kinh nghiệm và phản hồi của công chúng” được công bố tại Thủ đô Abuja ngày 16-8, dịch vụ công là lĩnh vực tham nhũng nhiều nhất của Nigeria, với các cơ quan thực thi pháp luật, đặc biệt trong đó, Cảnh sát và Tư pháp là 2 ngành rất dễ tham nhũng.
NJC, trong một tuyên bố mới đây cho biết, mặc dù chỉ có một vài trường hợp “con sâu làm rầu nồi canh” trong ngành Tư pháp, nhưng cơ quan này luôn chủ động thực hiện những bước cần thiết để kiềm chế các hành vi tham nhũng trong khối cán bộ nhân viên của mình.
Tuyên bố được ký bởi Giám đốc phụ trách Thông tin của NJC Soji Oye. Trong đó, NJC cũng yêu cầu UNODC và NBC chỉ rõ tiêu chuẩn mà 2 tổ chức này dựa vào để đánh giá mức độ hối lộ trong ngành Tư pháp là đứng thứ 2 như trong báo cáo họ đã công bố.
“Ví dụ như, tỷ lệ phần trăm số thẩm phán nhận hối lộ trong tổng số 1.059 thẩm phán làm việc trong cả 2 cơ quan tư pháp của bang và liên bang là bao nhiêu? Tỷ lệ phần trăm quan tòa địa phương bị bắt quả tang nhận hối lộ trong số khoảng 4.000 quan tòa khắp cả nước là bao nhiêu? Cho tới nay, bao nhiêu thẩm phán, quan tòa đã bị bắt giữ hoặc truy tố và kết tội tham nhũng? Chúng tôi băn khoăn về các tiêu chí được các tổ chức vận dụng để đi tới kết luận như trên", tuyên bố của NJC nêu rõ.
NJC cũng cho rằng, báo cáo của UNODC và NBC được đưa ra vào thời điểm không thích hợp, bởi hiện đang là lúc Chánh án của Nigeria và Chủ tịch Hội đồng Tư pháp Quốc gia W.S.N. Onnoghen, GCON, đang dốc toàn lực để dập tắt tham nhũng, tái cơ cấu hệ thống tư pháp, đồng thời đưa hệ thống pháp lý Nigeria trở thành một phần của cuộc sống, tạo cơ sở vững chắc cho tư pháp trong nước.
Ngành Tư pháp cũng kêu gọi công chúng bỏ qua cáo buộc theo kết quả khảo sát của UNODC và NBC bởi đó là điều không chân thực, thiếu căn cứ.
Theo Báo Thanh tra