Những sửa đổi mới quan trọng của Luật Căn cước, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS vừa được Quốc hội thông qua

28/11/2023 12:46

(Pháp lý). Luật Căn cước, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS , là 3 trong số nhiều đạo luật quan trọng, liên quan trực tiếp tới quyền lợi của người dân, được người dân đặc biệt quan tâm. Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV vừa qua, đa số các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua việc sửa đổi bổ sung nhiều qui định mới đáng chú ý của 3 luật này.

1-1701148570.jpg

Quốc hội khoá XV đã thông qua việc sửa đổi Luật Căn cước, Luật Nhà ở  và Luật Kinh doanh bất động sản tại kỳ họp thứ 6

Luật Nhà ở không quy định thời hạn sở hữu chung cư và cho phép Tổng Liên đoàn Lao động VN làm chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội

Việc cho phép Tổng Liên đoàn Lao động VN làm chủ đầu xây dựng nhà ở xã hội có lẽ là điểm nhấn, điểm mới quan trọng nhất trong sửa đổi Luật Nhà ở lần này. Bên cạnh đó, đề xuất quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư đã được thảo luận, lấy ý kiến nhiều lần, đã được cân nhắc kỹ lưỡng. Tuy nhiên Ủy ban Thường vụ Quốc, Chính phủ, đa số ý kiến đại biểu thống nhất chưa nên quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư trong dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi lần này.

Trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua, ông Hoàng Thanh Tùng - chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật - thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi.

2-1701148578.jpg

Ảnh minh họa: Hoàng Hà ( Vietnamnet)

Về quy định Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhiều ý kiến đại biểu tán thành phương án quy định Tổng liên đoàn VN là cơ quan chủ quản dự án.

Có ý kiến cho rằng chỉ nên giao Tổng liên đoàn VN đầu tư dự án nhà ở xã hội mẫu, điển hình. Ý kiến khác cho rằng phương án nào cũng có ưu điểm, do đó đề nghị lấy phiếu đối với từng phương án.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến đa số đại biểu, chỉnh lý dự thảo luật theo hướng quy định Tổng liên đoàn VN là cơ quan chủ quản đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động thuê để bổ sung nguồn lực đầu tư phát triển nhà ở xã hội.

Phát huy vai trò, trách nhiệm của Tổng liên đoàn VN trong việc chăm lo, bảo đảm an sinh xã hội, nhất là quyền có chỗ ở, nâng cao chất lượng cuộc sống cho công nhân, người lao động...

Luật quy định nguồn vốn thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội là nguồn tài chính công đoàn; giới hạn phạm vi thực hiện (tập trung đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động thuê, không đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân) để nâng cao tính khả thi.

Việc cho phép Tổng Liên đoàn Lao động VN làm chủ đầu xây dựng nhà ở xã hội có lẽ là điểm nhấn, điểm mới quan trọng nhất trong sửa đổi Luật Nhà ở lần này.

Về quy định xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp, các ý kiến đại biểu phát biểu về vấn đề này đều tán thành. Đồng thời đề nghị quy định chặt chẽ về quy mô xây dựng nhà lưu trú, các điều kiện về an toàn, vệ sinh môi trường để bảo đảm sức khỏe, môi trường sống của công nhân, người lao động.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo bổ sung dự thảo luật quy định về quy hoạch, bố trí quỹ đất, yêu cầu đối với dự án đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp.

Giao Chính phủ quy định điều kiện bảo đảm an toàn về môi trường, quy mô, tỉ lệ diện tích đất phát triển nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp; cho phép xây dựng các hạ tầng xã hội của khu công nghiệp trong hàng rào khu công nghiệp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tiếp thu ý kiến của đại biểu về đối tượng thuê nhà ở công vụ và nhiều nội dung khác.

Về phát triển nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ của cá nhân để bán, cho thuê mua, cho thuê, có ý kiến cho rằng quy định dự thảo là quá chặt chẽ, khó khả thi.

Đề nghị chỉnh lý theo hướng Nhà nước tập trung quản lý, kiểm soát theo quy hoạch, quy chế quản lý kiến trúc đô thị, cấp phép xây dựng, bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng cháy, chữa cháy hoặc luật chỉ quy định nguyên tắc và giao Chính phủ quy định chi tiết. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý theo hướng quy định phù hợp hơn một số yêu cầu như: không quy định yêu cầu riêng mà dẫn chiếu điều kiện quản lý loại hình nhà ở này đến các yêu cầu về xây dựng nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ của cá nhân do bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành, yêu cầu của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy.

Phân cấp cho ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định về đường giao thông để phương tiện chữa cháy thực hiện nhiệm vụ chữa cháy tại nơi có nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ của cá nhân.

Luật bổ sung quy định điều chỉnh đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ có mục đích hỗn hợp cả bán, cho thuê mua, cho thuê để đáp ứng yêu cầu thực tiễn và giao Chính phủ quy định chi tiết.

Cơ quan thẩm tra cũng cho hay có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư. Cần phân biệt thời hạn sở hữu và thời hạn sử dụng nhà chung cư, đối với đất ở thì ổn định lâu dài, đối với đất dự án nhà ở có thời hạn thì thời hạn sở hữu nhà chung cư được xác định theo thời hạn sử dụng đất được giao thực hiện dự án.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ các nội dung này như dự thảo luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết dự thảo luật không quy định thời hạn sở hữu, mà chỉ quy định thời hạn sử dụng nhà chung cư trên cơ sở kế thừa luật Nhà ở hiện hành.

Khi nhà chung cư hết thời hạn sử dụng, có nguy cơ sập đổ phải phá dỡ, thì giá trị nhà ở không còn nhưng giá trị quyền sử dụng đất ở ổn định lâu dài theo quy định của Luật Đất đai vẫn còn và người dân vẫn được bồi thường, bảo đảm tính thống nhất với Luật Đất đai.

Đề xuất quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư đã được thảo luận, lấy ý kiến nhiều lần, đã được cân nhắc kỹ lưỡng. Ủy ban Thường vụ Quốc, Chính phủ, đa số ý kiến đại biểu thống nhất chưa nên quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư trong dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi lần này.

Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) quy định mức đặt cọc nhà ở không quá 5% giá bán

Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi. Theo báo cáo, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định đối với hoạt động đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư.

3-1701148578.jpg

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi)

Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) hiện đã có các quy định về việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội chỉ bằng nguồn tài chính công đoàn cho công nhân, người lao động thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội thuê.

 “Tuy nhiên, hoạt động đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam là phi lợi nhuận, không phù hợp với khái niệm kinh doanh bất động sản tại khoản 1, điều 3. Do đó, dự thảo Luật không điều chỉnh đối với việc cho công nhân, người lao động thuê nhà ở xã hội do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về nhà ở”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội giải trình.

Có ý kiến cho rằng, quy định trường hợp cá nhân kinh doanh bất động sản với quy mô nhỏ thì không phải thành lập doanh nghiệp kinh doanh bất động sản nhưng phải kê khai nộp thuế như dự thảo Luật là không khả thi, do khó xác định được “quy mô nhỏ”, dễ phát sinh tiêu cực, trốn thuế; đề nghị kinh doanh bất động sản thì đều phải thành lập doanh nghiệp, không phân biệt quy mô.

Trên cơ sở ý kiến đề xuất của Chính phủ, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng Chính phủ quy định chi tiết việc xác định kinh doanh bất động sản quy mô nhỏ.

Về người Việt Nam định cư ở nước ngoài, nhằm bảo đảm đồng bộ với tinh thần của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉnh sửa quy định tại điều 10 và điều 15 theo hướng: người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam theo quy định của pháp luật về quốc tịch có quyền kinh doanh bất động sản, được mua, thuê, thuê mua nhà ở, công trình xây dựng như công dân Việt Nam ở trong nước; giữ chính sách hiện hành đối với người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài mà không phải là công dân Việt Nam theo quy định của pháp luật về quốc tịch.

Đối với quy định đặt cọc trong kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai (khoản 5, điều 23), để bảo đảm thể hiện đúng bản chất của việc đặt cọc, đồng thời hạn chế rủi ro cho bên mua, thuê mua, thường là bên yếu thế, dự thảo Luật được chỉnh lý tại khoản 5, điều 23 như sau: “Chủ đầu tư dự án bất động sản chỉ được thu tiền đặt cọc không quá 5% giá bán, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng từ khách hàng khi nhà ở, công trình xây dựng đã có đủ các điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của Luật này. Thỏa thuận đặt cọc phải ghi rõ giá bán, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng”.

Về thanh toán trong mua bán, thuê mua nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai (điều 25), Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn phương án: “Nếu bên mua, bên thuê mua chưa được cấp giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai thì bên bán, bên cho thuê mua không được thu quá 95% giá trị hợp đồng; giá trị còn lại của hợp đồng được thanh toán khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã cấp giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai cho bên mua, bên thuê mua” nhằm bảo đảm sự ổn định của chính sách hiện hành; khách hàng được giữ lại một phần giá trị hợp đồng trong thời gian chờ được cấp giấy chứng nhận.

Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi bổ sung rõ qui định: “Chủ đầu tư dự án bất động sản chỉ được thu tiền đặt cọc không quá 5% giá bán, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng từ khách hàng khi nhà ở, công trình xây dựng đã có đủ các điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của Luật này”.

Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025, bảo đảm đồng bộ về chính sách với dự thảo Luật Nhà ở.

Luật Căn cước sửa đổi: người dân có phải làm lại căn cước?

Với đa số tán thành, ngày 27.11, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Căn cước. Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.

Một nội dung nhận được nhiều quan tâm là đến thời điểm hiện tại, theo thông tin của Bộ Công an, đã có hơn 80 triệu thẻ căn cước công dân được cấp trên cả nước. Với căn cước công dân này, sau khi luật mới có hiệu lực, người dân có phải làm lại căn cước không?

4-1701148578.jpg

Căn cước công dân đã được cấp trước ngày luật này có hiệu lực thi hành có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ căn cước cũ. ( Ảnh minh hoạ)

Theo quy định của Luật Căn cước mới, căn cước công dân đã được cấp trước ngày luật có hiệu lực thi hành có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ. Cụ thể, căn cước công dân, chứng minh nhân dân hết hạn sử dụng từ ngày 15-1-2024 đến trước ngày 30-6-2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30-6-2024. Cùng với đó, bổ sung quy định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15-1-2024.

Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, căn cước công dân được giữ nguyên giá trị sử dụng; cơ quan nhà nước không được yêu cầu công dân thay đổi, điều chỉnh thông tin về chứng minh nhân dân, căn cước công dân trong giấy tờ đã cấp.

Theo đại diện Bộ Công an căn cước hiện nay được chế tạo bằng công nghệ tiên tiến, có khả năng bảo mật cao, bảo đảm chống lại việc làm giả thẻ. Trong chip điện tử trên căn cước có công nghệ xác thực thông qua đối sánh vân tay hoặc khuôn mặt nhằm xác thực chính xác chủ thẻ.

Theo đó, khi một người sử dụng thiết bị đọc thông tin lưu trữ trong chip điện tử phải được sự đồng ý của chủ thẻ thông qua phương thức xác thực vân tay, khuôn mặt để được quyền truy cập vào ứng dụng đọc, truy xuất dữ liệu, nếu không có thao tác này thì không ai có thể truy cập để lấy thông tin trong thẻ căn cước.

Bên cạnh đó, để khai thác được các thông tin trong chip điện tử phải sử dụng thiết bị chuyên dụng và các thiết bị này phải được Bộ Công an cung cấp mã bảo mật để xác thực, bảo đảm an ninh, an toàn bảo mật thông tin.

Trường hợp các cơ quan nhà nước khác cung cấp thiết bị chuyên dụng để đọc thông tin trong căn cước thì các thiết bị này đều phải được cơ quan chuyên môn của Bộ Công an kiểm tra và cung cấp mã bảo mật.

Theo quy định của Luật Căn cước mới, căn cước công dân đã được cấp trước ngày luật có hiệu lực thi hành có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ. Cụ thể, căn cước công dân, chứng minh nhân dân hết hạn sử dụng từ ngày 15-1-2024 đến trước ngày 30-6-2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30-6-2024. Cùng với đó, bổ sung quy định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15-1-2024

Thành Chung (Tổng hợp)
Bạn đang đọc bài viết "Những sửa đổi mới quan trọng của Luật Căn cước, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS vừa được Quốc hội thông qua" tại chuyên mục Sự kiện - Chính sách. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin