Năm 2015, Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng Công nghệ cao (PC50) Công an TP Hà Nội đã đấu tranh xử lý hàng trăm vụ việc liên quan đến an ninh mạng và tội phạm công nghệ cao. Hàng loạt những chiêu thức, thủ đoạn như gọi điện thoại giả danh; kết bạn qua mạng xã hội rồi lừa đảo, giả chương trình khuyến mãi nạp thẻ… để chiếm đoạt tiền tỉ đã được lực lượng công an bóc trần.
Lừa tiền bằng "điện thoại giả danh"
Thống kê của PC50 cho thấy, trong năm 2015 đơn vị đã tiếp nhận 46 đơn trình báo và công dân trực tiếp đến trình báo bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức gọi điện thoại giả danh. Tổng số tiền bị chiếm đoạt lên tới hơn 30 tỉ đồng.
Thủ đoạn của chúng là gọi điện đến cho các bị hại, giả con cái người thân bị bắt cóc, hoặc dựng kịch bản giả làm nhân viên các nhà mạng, cán bộ Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát… để lấy thông tin cá nhân, số tài khoản và yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản chúng chuẩn bị sẵn rồi chiếm đoạt. Hành vi này gây thiệt hại lớn cho các bị hại và gây bức xúc trong dư luận nhân dân.
Một trong những vụ việc điển hình được PC50 khám phá là vụ triệt xóa ổ nhóm gồm 8 đối tượng người Việt cùng 2 đối tượng người Đài Loan là Lui Chia Ming và Tson Jui Cheng. Trong vòng 1 năm, ổ nhóm này đã thực hiện nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt số tiền lên đến 6 tỉ 590 triệu đồng.
Theo một điều tra viên PC50, các đối tượng đã tinh quái dựng lên một màn kịch lừa đảo "hoàn hảo" từ đầu chí cuối. Khiến cho nhiều bị hại sau khi gửi sạch tiền trong tài khoản cho chúng rồi vẫn còn nghĩ rằng mình đang hợp tác với… cơ quan điều tra!
Đầu tiên chúng gọi đến máy cố định của người dân, xưng danh là nhân viên của "tổng đài VNPT" rồi thông báo họ đang nợ tiền cước điện thoại. Việc thắc mắc chắc chắn sẽ xảy ra, chúng liền hướng dẫn họ khiếu nại bằng cách ấn phím gọi cho "tổng đài".
[caption id="attachment_135284" align="aligncenter" width="410"]
Cán bộ chiến sỹ Phòng PC50 trong một buổi phổ biến kiến thức đấu tranh với tội phạm công nghệ cao.[/caption]
Làm theo hướng dẫn, người dân được thông báo rằng mình đang đứng tên một thuê bao điện thoại khác ở đâu đó, và thuê bao này hiện chưa thanh toán tiền cước. "Tổng đài" ghi nhận những thắc mắc của người dùng và hứa sẽ giúp họ xác minh, nhưng phải cung cấp thông tin cá nhân (như tên tuổi, địa chỉ, số CMND) để đối chiếu. Để chứng minh sự "oan uổng" của mình, nhiều người sốt ruột liền khai "tuốt tuột" mọi thông tin mà chúng yêu cầu. Bước đi đầu tiên trong vụ lừa như thế là xong.
Tiếp theo, chúng cử tên khác trong ổ nhóm gọi điện lại, xưng danh là cán bộ Công an, Viện Kiểm sát hoặc Tòa án ở tỉnh nào đó, rồi thông báo rằng họ bị nghi có liên quan đến hoạt động buôn bán ma túy, rửa tiền, hoặc tham nhũng...
Vì vậy, để phục vụ yêu cầu điều tra, họ phải hợp tác bằng cách khai rõ hiện có những khoản tiền đang gửi ở đâu, yêu cầu rút về nộp cho "cơ quan pháp luật" bằng cách gửi vào tài khoản mà chúng cho sẵn. "Cơ quan pháp luật" sẽ xác minh, nếu không liên quan thì sẽ hoàn trả tiền chỉ trong 1 đến 2 ngày. Trong quá trình "hợp tác điều tra", cấm nói cho ai (kể cả người thân) biết và phải luôn để máy "thông".
Nếu không chịu hợp tác và làm theo hướng dẫn sẽ bị xử lý về hình sự. Để khiến bị hại thực sự lo lắng, chúng đọc đúng mọi thông tin cá nhân và bảo họ cứ việc xác minh số máy gọi đến qua tổng đài 1080. Các nạn nhân đều kiểm tra và tổng đài xác thực đó đúng là số máy của cơ quan nội chính. Kỳ thực, chúng đã sử dụng phần mềm giả lập số điện thoại (giống hệt số máy của các cơ quan chức năng). Vì thế mà nhiều người đã ngoan ngoãn làm theo hướng dẫn. Họ chỉ phát hiện ra việc mình bị lừa khi đã chuyển hết tiền vào tài khoản của bọn chúng.
Năm 2015, PC50 đã làm rõ được 3 vụ cùng 23 đối tượng trong đó có nhiều đối tượng là người Trung Quốc, Đài Loan. Ngoài vụ việc do các tên Lui Chia Ming và Tson Jui Cheng gây ra, gần đây nhất tháng 9-2015 Cơ quan Công an đấu tranh làm rõ ổ nhóm 10 đối tượng do Vũ Văn Lập cầm đầu, câu kết với đối tượng người Trung Quốc lừa đảo số tiền trên 10 tỉ đồng.
Cháu của "ông chú Viettel"
Bên cạnh đó, hành vi giả danh các nhà mạng đăng tin khuyến mãi để lừa nạp thẻ cào điện thoại tiếp tục diễn biến phức tạp. Qua một thời gian trinh sát, PC50 đã lập Chuyên án 179 D đấu tranh làm rõ 11 đối tượng có hành vi lập 117 website giả danh các nhà mạng đăng tin khuyến mãi lừa nạp thẻ "ông chú Viettel". Bằng thủ đoạn này các đối tượng đã chiếm đoạt hơn 2 tỉ 600 triệu đồng.
Tháng 2-2015, Phòng PC50 Công an Hà Nội đã thực hiện Lệnh bắt khẩn cấp 2 đối tượng Bùi Phát Hiến (SN 1994, trú tại Ea Tân, Krông Năng, Đắk Lắk) và Hà Mạnh Thành (SN 1994, trú tại phường Minh Khai, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) về hành vi "Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản" theo Điều 226b Bộ luật Hình sự.
Trước đó, qua điều tra, Cơ quan Công an xác định đầu tháng 9-2014, Hiến lên mạng xã hội tìm hiểu chiêu trò gửi tin nhắn spam trên mạng xã hội Facebook với nội dung mạo danh nhân viên tổng đài, "cháu của ông chú làm ở Viettel"… thông báo chương trình khuyến mãi gấp 10 lần giá trị thẻ nạp cho người dùng thực hiện cú pháp *103 dãy số* mã số thẻ nạp #.
Thực chất, cú pháp này là dịch vụ để khách hàng của Viettel nạp giúp hoặc gửi tặng tiền vào tài khoản của người khác, trong đó dãy số chính là số điện thoại của người được nhận tiền. Bằng thủ đoạn này, trong thời gian từ tháng 9 đến tháng 10-2014, Hiến đã sử dụng dãy số là số điện thoại 01644471695 chiếm đoạt được 34 triệu đồng.
Thấy chiêu lừa này kiếm tiền quá dễ, Hiến tiếp tục mua thêm 10 sim điện thoại khác và rủ Hà Mạnh Thành cùng tham gia làm "cháu ông chú ở Viettel". Hàng ngày, Hiến và Thành ra các quán Internet ở khu vực xung quanh cổng Trường đại học Công nghiệp Hà Nội (quận Bắc Từ Liêm), lên mạng tung tin nhắn rác lừa đảo. Hiến cung cấp mã code để tự động gửi tin nhắn tới nhiều người dùng Facebook khác nhau tại địa chỉ đường dẫn www.notepad.cc/bazbavu89 và số điện thoại để Thành thực hiện theo. Hiến và Thành sử dụng các tài khoản Facebook "cướp" được của người khác để gửi tin nhắn lừa đảo.
Chỉ trong vòng 1 tháng (từ tháng 10 đến tháng 11-2014), với 10 sim điện thoại được sử dụng làm dãy số trong cú pháp soạn tin nhắn, Thành và Hiến đã chiếm đoạt được 70 triệu đồng, trong đó riêng sim điện thoại 0976870573 bọn chúng chiếm đoạt được 23 triệu đồng.
Để chuyển số tiền trong tài khoản các sim điện thoại trên thành tiền mặt chi tiêu, Hiến và Thành đăng tin rao bán các số sim điện thoại trên Facebook với giá bán chỉ từ 30-35% giá trị tài khoản. Ngoài ra, 2 đối tượng còn tạo các tài khoản trên hệ thống www.pay.vtc.vn và www.thecaosieure.com để chuyển đổi giá trị tài khoản chính trên sim sang tiền trong tài khoản trực tuyến, sau đó rút tiền mặt qua tài khoản ngân hàng. Hai "cháu ông chú ở Viettel" này còn hào phóng tặng 2 sim điện thoại có giá trị tài khoản 4-5 triệu đồng chiếm đoạt được cho bạn gái sử dụng.
Tinh vi hơn, khi trò lừa nạp thẻ cào khuyến mại gấp 10 lần bằng cách soạn cú pháp như trên bị lộ tẩy, đầu tháng 12-2014, Bùi Phát Hiến chuyển sang hình thức lừa đảo mới. Hiến sao chép trên mạng Internet cách thức khởi tạo và bộ mã nguồn website với giao diện www.thanhtoanonline.vn, mạo danh các nhà mạng cung cấp dịch vụ viễn thông tung tin chương trình khuyến mãi gấp 10 lần giá trị thẻ nạp khi người dùng nạp thẻ trên website. Hiến mua lại tên miền www.thecaodtx20.net của các đối tượng trên mạng, đăng ký dịch vụ máy chủ ảo (hosting) trên website www.hostinger.vn.
Để thu thập toàn bộ mã số thẻ mà người dùng nạp vào trên website www.thecaodtx20.net, Hiến đăng ký tài khoản cá nhân trên hệ thống trung gian thanh toán trực tuyến www.gamebank.vn. Toàn bộ giá trị mã thẻ nạp được quy đổi ra mệnh giá tiền trên hệ thống gamebank theo tỷ lệ chiết khấu 21% cho công ty chủ quản. Tính đến ngày 15-12-2014, khi website www.thecaodtx20.net bị đóng do hết thời hạn sử dụng miễn phí, Hiến đã chiếm đoạt được trên 56 triệu đồng, trong đó Hiến đã nhận được gần 44 triệu đồng qua hình thức rút tiền mặt tại tài khoản ngân hàng và mua mã thẻ điện thoại trên hệ thống.
Chơi vàng ảo - mất tiền thật
Trong lĩnh vực thương mại điện tử, nổi lên hoạt động kinh doanh vàng tài khoản, ngoại tệ FOREX…vẫn tồn tại trái phép. Phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao C50 Bộ Công an, PC50 đã điều tra đấu tranh làm rõ 2 vụ kinh doanh sàn vàng HGI và IG với số vốn huy động hàng trăm tỉ đồng.
Thông qua công tác nắm tình hình, Cơ quan Công an phát hiện Công ty cổ phần Đầu tư tài chính Hà Nội vàng (HGI) có dấu hiệu kinh doanh vàng trên tài khoản trái phép tại sàn vàng HGI ở Hà Nội và Đà Nẵng.
Tháng 1-2015, PC50 Hà Nội phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an Hà Nội, thực hiện khám xét khẩn cấp tại trụ sở chính của Công ty HGI ở tòa nhà Artex, số 172 Ngọc Khánh, Hà Nội, và Chi nhánh của HGI tại Đà Nẵng ở Tòa nhà Trung tâm Tài chính Dầu khí Đà Nẵng, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng.
Quá trình khám xét, Cơ quan điều tra đã thu giữ 7 máy tính chứa dữ liệu nội bộ, 1 ổ cứng chứa dữ liệu trang web hgi.com.vn và phần mềm MT4 dùng để giao dịch vàng, 4 máy tính xách tay, 13 ổ cứng dữ liệu máy tính cá nhân, 5 máy tính để bàn và 14 thùng tài liệu.
[caption id="attachment_135285" align="aligncenter" width="410"]
Nhóm đối tượng trong đường dây giả danh cán bộ điều tra để lừa đảo chiếm đoạt tài sản bị bắt giữ.[/caption]
Trong số 16 cá nhân tại công ty này bị triệu tập có Phùng Quốc Huy (SN 1985, trú tại thị xã Sơn Tây, Hà Nội), Tổng giám đốc HGI; Nguyễn Thị Phương Thảo (SN 1976, trú tại quận Long Biên, Hà Nội), Chủ tịch HĐQT công ty; Nguyễn Đức Chung (trú tại quận Long Biên, Hà Nội) là người sáng lập ra công ty này và một loạt cổ đông, nhân viên công ty tại Hà Nội và Đà Nẵng.
Cơ quan điều tra xác định Công ty HGI được thành lập vào tháng 5-2009 và hoạt động kinh doanh vàng tài khoản từ năm 2009 đến nay. Công ty này tổ chức sàn giao dịch vàng tài khoản trên website hgi.com.vn, sử dụng phần mềm MT4 được mua của đối tác nước ngoài, sử dụng cho các nhà đầu tư tham gia đầu tư vàng, bạc, dầu và 8 cặp ngoại tệ trên mạng.
Theo dữ liệu Cơ quan điều tra thu giữ được, thời điểm bị triệt phá sàn HGI có hơn 3.000 nạn nhân góp vốn kinh doanh, trong đó có khoảng 300 nhà đầu tư có dấu hiệu bị lừa đảo với số tiền 270 tỉ đồng.
Ngoài ra, trong lĩnh vực an ninh mạng thống kê cho thấy trung bình mỗi tháng xuất hiện hơn 1.000 trang giả mạo Facebook nhằm lấy cắp thông tin tài khoản, lừa tiền người dùng; gần 14 triệu tin nhắn rác được phát tán mỗi ngày; 30% website các ngân hàng có lỗ hổng; có ít nhất gần 4.000 website của các cơ quan doanh nghiệp ở Việt Nam bị hacker xâm nhập chiếm quyền điều khiển. Số lượng các cuộc tấn công mạng vào Việt Nam ngày càng gia tăng.
Theo đánh giá của Phòng PC50 Công an TP Hà Nội, trong năm 2016 tình hình tội phạm có tổ chức, tội phạm hoạt động xuyên quốc gia ở nước ta sẽ còn diễn biến phức tạp. Các tổ chức tội phạm tiếp tục hoạt động với những vỏ bọc đa dạng, phương thức hoạt động và hành vi che giấu tội phạm tinh vi xảo quyệt hơn, gây khó khăn cho công tác phát hiện điều tra.
Dự báo hành vi của tội phạm có tổ chức sử dụng công nghệ cao như xâm nhập trộm cắp phá hoại dữ liệu làm tê liệt hệ thống mạng Internet của các cơ quan doanh nghiệp với mục đích kinh tế và phi kinh tế; sử dụng công nghệ cao trộm cắp tài sản, sử dụng trái phép hoặc làm giả thẻ tín dụng để mua hàng từ nước ngoài rồi chuyển về Việt Nam… sẽ có chiều hướng gia tăng.
Đặc biệt là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hoạt động kinh doanh đa cấp, bán hàng trực tuyến dự báo sẽ tiếp tục nở rộ.
Phòng PC50 cảnh báo người dân cần hết sức lưu ý khi "lên mạng"; đặc biệt là thực hiện các giao dịch mua bán, chuyển tiền, nhận quà tặng… Đồng thời để tránh tội phạm giả danh cán bộ, bắt cóc tống tiền… người dân cũng cần hết sức tỉnh táo khi phát hiện đối tượng lạ đòi kiểm tra chứng minh nhân dân, tài khoản ngân hàng.
Theo Báo Công an Nhân Dân