(Pháp lý) - ĐBQH Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) trong một phiên họp góp ý cho công tác xây dựng pháp luật đã bày tỏ băn khoăn và đề nghị cần có giải pháp để khắc phục tình trạng Luật, Pháp lệnh “chưa đi vào cuộc sống đã lạc hậu”; cần làm rõ trách nhiệm để hạn chế tình trạng này.
Không chỉ riêng đại biểu Hiểu, theo dõi các phiên họp Quốc hội, Phóng viên Pháp lý nhận thấy một số ĐBQH cũng rất trăn trở với công tác này.
“Luật chưa đi vào cuộc sống đã lạc hậu”
Trăn trở về công tác xây dựng pháp luật, ĐB Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) đặt câu hỏi: “Có những quy định cản trở sự phát triển. Nhưng trách nhiệm thuộc về ai hay như thế nào thì lại chưa rõ. Cơ quan tham mưu chính sách hoặc ban hành chính sách chưa phù hợp nhu cầu thì trách nhiệm ra sao?". ĐB cũng bày tỏ lo lắng về công tác tiếp thu và giải trình khi xây dựng các văn bản pháp luật. Theo ĐB: “Có ban soạn thảo giải trình tiếp thu không đầy đủ, chưa quan tâm những trường hợp ý kiến cá biệt, vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau. Có trường hợp ý kiến cá biệt nhưng chứa đựng những chân lý, những phản biện khoa học, cần được lắng nghe. Tôi thấy nhiều ý kiến của kỳ họp này hàm chứa nhiều đóng góp mang tính khoa học, quá trình giải trình đó chính là tìm ra chân lý, để nâng cao chất lượng xây dựng luật”.
“Liệu có quá tải và có đảm bảo chất lượng luật không?”
Vừa qua, Quốc hội đã thảo luận về dự kiến chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2020; điều chỉnh chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2019. Theo một số ĐBQH, khá nhiều luật được ban hành vừa qua thiếu tính ổn định, phải sửa liên tục, đặc biệt quy định trong một số luật còn mang tính khẩu hiệu dẫn đến tình trạng đặc lợi, đặc quyền, lợi ích nhóm… Theo Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự kiến tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019), trình Quốc hội thông qua 10 dự án Luật; cho ý kiến 8 dự án Luật; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội 01 dự án Pháp lệnh (tháng 12/2019). Dự kiến Chương trình năm 2020 sẽ trình Quốc hội thông qua, cho ý kiến 17 dự án Luật và 01 dự thảo Nghị quyết của Quốc hội.
Góp ý vào dự kiến chương trình này, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho biết, bà không tán thành với việc lùi thời gian trình một số dự án Luật có tính cấp bách, cụ thể như Luật Đất đai. Theo ĐB Thúy, để phát triển kinh tế, ổn định xã hội, Quốc hội cần tập trung rà soát, sửa đổi ngay những vấn đề cấp bách, bức thiết qua giám sát tối cao của Quốc hội, ý kiến phản ánh của cử tri và nhiều ĐBQH. Cũng theo ĐB Kim Thúy, bà thấy “lo” khi kỳ họp thứ 8 có tới 18 dự án Luật thông qua và cho ý kiến. “Như vậy, liệu có quá tải và có đảm bảo chất lượng luật không? Lo lắng này là có cơ sở nếu nhớ rằng cả năm 2018 chỉ thông qua và cho ý kiến về 22 dự án Luật” – ĐB Kim Thúy nói.
ĐB Nguyễn Mai Bộ (An Giang), Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cho rằng, thực tiễn xây dựng luật hiện nay có nhiều bất cập, mà bất cập nhất là trong khâu tiếp thu, chỉnh lý luật để trình Quốc hội thông qua. Theo ĐB Mai Bộ, có 4 lý do dẫn đến thực trạng này, trong đó chất lượng thẩm định một số dự án luật chưa tốt, nhất là thái độ tiếp thu của một số ban soạn thảo còn kém, còn vì lợi ích bộ, ngành… Do đó, để nâng cao chất lượng xây dựng luật, cần bố trí đủ thời gian để đại biểu nghiên cứu dự thảo luật, tranh luận đến cùng, và cần có cơ chế hữu hiệu để giám sát việc ban hành nghị định.
Trong khi đó, ĐB Thái Trường Giang (Đoàn Cà Mau) phân tích ở góc độ tầm nhìn lập pháp khi một số Luật ban hành vừa qua thường thiếu tính ổn định, phải sửa liên tục. Theo ĐB này, quy định trong một số luật còn mang tính khẩu hiệu thay vì các quy phạm, quy tắc xử sự chuẩn mực trong thi hành, dẫn đến tình trạng đặc lợi, đặc quyền, lợi ích nhóm.
“Cài cắm các lợi ích nhóm, lợi ích ngành trong xây dựng pháp luật”
Phát biểu gần cuối phiên thảo luận tình hình kinh tế - xã hội diễn trong kì họp vừa qua, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) nhấn mạnh trong phần thảo luận của mình là câu chuyện bất cập, tồn tại trong việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật..
Hiện nay, hệ thống pháp luật của chúng ta nói như nhiều đại biểu là không đồng bộ, không thống nhất. Theo tôi, đây là hệ thống pháp luật nặng về tính chắp vá, pháp luật chạy theo tình hình. Việc chúng ta sửa đổi, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có vẻ hơi dễ dãi… nếu không khắc phục tình trạng này thì tiếp tục rơi vào tình trạng luật khung, luật ống, luật chồng luật, rồi nghị định, thông tư thì có tác động trực tiếp nhiều hơn luật.
“Tôi xin nói một cách rất khách quan là có một xu hướng trong xây dựng pháp luật của chúng ta hiện nay là sự đồng thuận xuôi chiều giữa cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra. Đây là một khâu sơ hở dẫn đến việc cài cắm các lợi ích nhóm, lợi ích ngành trong xây dựng pháp luật. Hiện nay, cử tri đặt vấn đề việc xây dựng pháp luật của chúng ta nặng về lợi ích nhóm, lợi ích ngành”, đại biểu Hồng nhấn mạnh thêm.
Việc lấy ý kiến các đối tượng, các cơ quan chưa đầy đủ, làm giảm chất lượng dự thảo các dự án Luật
Ở một số kỳ họp, nhiều ĐBQH quan tâm đến việc nâng cao chất lượng lấy ý kiến người dân, đóng góp xây dựng luật. ĐB Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) cho rằng, việc lấy ý kiến dự án Luật đã được quy định chặt chẽ. Tuy nhiên, việc lấy ý kiến các đối tượng, các cơ quan, đơn vị còn chưa đầy đủ. Điều đó làm giảm chất lượng dự thảo các dự án Luật, gây mất thời gian thảo luận tranh luận “mà đúng ra phải làm rõ ở giai đoạn soạn thảo Luật, Pháp lệnh”. ĐB đề nghị cần thực hiện nghiêm việc lấy ý kiến theo quy định trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua.
ĐB Phan Anh Khoa (Phú Yên) cho rằng, cần nâng cao chất lượng chuẩn bị luật, pháp lệnh trước khi trình Quốc hội. “Cần tập trung nguồn nhân lực tâm huyết, chuyên môn cao để chuẩn bị hoàn thiện dự án luật trước khi trình Quốc hội, tránh đùn đẩy sang Quốc hội. Quốc hội lại ỷ lại cơ quan soạn thảo nên cứ thế bấm nút thông qua…. Do đó, ĐB đề nghị cần phải thực hiện hiệu quả việc xây dựng Luật, Pháp lệnh, nhất là việc lấy ý kiến các cơ quan chuyên môn, nhà khoa học, chuyên gia, tổ chức nhiều hội nghị để toàn dân cùng tham gia xây dựng pháp luật. ĐB cũng cho rằng, các dự án Luật phải sớm trình Quốc hội để ĐBQH có thời gian tiếp cận, nghiên cứu đóng góp ý kiến vào xây dựng luật. Bên cạnh đó, ĐBQH cũng không ngừng bồi dưỡng nâng cao trình độ để xây dựng pháp luật hiệu quả.
Xây dựng pháp luật vẫn còn tình trạng "nửa đường đổi ý"
Nói trong một hội thảo về những hạn chế trong xây dựng pháp luật, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long thừa nhận, chất lượng một số dự án Luật, Pháp lệnh còn hạn chế; tài liệu, hồ sơ của một số dự án Luật chưa bảo đảm yêu cầu về nội dung, hình thức dẫn đến việc phải rút ra khỏi Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh. Đó là, dự án Luật Dân số, dự án Luật Quản lý phát triển đô thị phải rút ra khỏi Chương trình Kỳ họp thứ Năm; chuyển từ quy trình 2 kỳ họp thành 3 kỳ họp như dự án Luật Tố cáo (sửa đổi), dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Tình trạng xin rút, lùi ra khỏi Chương trình và gửi hồ sơ dự án, dự thảo đến UBTVQH, cơ quan thẩm tra, ĐBQH chậm so với thời gian quy định…
Cho rằng những tồn tại, hạn chế nêu trên “không phải là vấn đề mới”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga chỉ rõ, nếu không cương quyết khắc phục, 10 năm sau những tồn đọng trong công tác xây dựng pháp luật sẽ vẫn y như hiện nay. "Thậm chí, hiện nay còn phát sinh tình trạng, Chính phủ nửa đường đổi ý", bà Nga thẳng thắn.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp và nhiều ĐBQH đều bày tỏ mong muốn Chính phủ đề cao hơn nữa trách nhiệm của mình trong công tác xây dựng pháp luật; chỉ đạo, đôn đốc các bộ bảo đảm chất lượng, đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, trình, ban hành văn bản; khắc phục tình trạng xin rút, xin lùi thời hạn trình các dự án luật, pháp lệnh.
Minh Hải