(Pháp lý) - Đại biểu Nguyễn Mai Bộ: “Cán bộ đã chạy chức sẽ tính bài thu lại bằng cách tham nhũng”
Đó là nhận định của ĐB Nguyễn Mai Bộ khi góp ý vào Báo cáo công tác PCTN. Ông Bộ nêu quan điểm: Tham nhũng trong công tác cán bộ thì cần nhất là chống. Nếu không làm tốt thì hệ quả là tạo ra thế hệ tham nhũng thứ hai. Và khi có quyền thì họ sẽ tính bài thu lại, không cách nào khác là lại tham nhũng.
Trần Thị Quốc Khánh: “Một số cán bộ muốn có vợ bé, bồ nhí để quản tài sản tham nhũng”
“Không cần nói ra thì chắc là tất cả chúng ta đều biết điều này, nếu Chính phủ, Quốc hội không quan tâm thấu đáo, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các cấp không xử lý nghiêm minh thì sẽ trở thành một tiền lệ rất nguy hiểm, dẫn đến vi phạm pháp luật, coi thường phụ nữ, coi phụ nữ chỉ để đáp ứng những dục vọng tầm thường của mình", đại biểu Khánh thẳng thắn góp ý, cảnh báo về vấn nạn tham nhũng hiện nay.
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu: "Nhiều cán bộ lúc đương chức thì chưa thấy, nhưng về hưu lại xuất hiện biệt phủ nguy nga"
Góp ý vào dự Luật PCTN (Sửa đổi), Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) nhận định: Dự thảo luật vẫn còn xa cuộc sống, dù quy định nhiều hình thức, nội dung để phòng ngừa tham nhũng nhưng tính khả thi chưa cao. Trên thực tế, một ông cán bộ địa chính phường có khả năng tham nhũng cao hơn cả một Vụ trưởng, Vụ phó nếu lĩnh vực quản lý của người này không liên quan trực tiếp đến giữ tiền, phân bổ nguồn lực. Vì vậy nên mới có việc, một công chức địa chính xã có thể có đến 4-5 cái nhà, không lạ. Đại biểu Hiểu đề nghị có quy định để cán bộ công chức phải tiếp tục kê khai tài sản trong thời gian 5 năm sau khi về hưu, coi đây là giải pháp để ngăn chặn tương tự như quy định cấm quản lý doanh nghiệp trong lĩnh vực quản lý của cán bộ sau thời gian đảm nhiệm chức vụ. Bởi "nhiều cán bộ lúc đương chức thì chưa thấy, nhưng về hưu lại xuất hiện biệt phủ nguy nga" – đại biểu Ngọ Duy Hiểu bình luận.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa: Bịt lỗ hổng tham nhũng, bán bao nhiêu chổi đót cũng lộ ra
"Nhiều người không cần che giấu tài sản tham nhũng vì họ nghĩ có những người khác tham nhũng còn nặng nề hơn, hoặc họ đã hợp thức hóa tài sản bằng nhiều cách khác nhau nên không cần giấu nữa…
Đại biểu Nghĩa cho rằng:... Bịt lỗ hổng này không khó nếu như lần này Luật PCTN sửa đổi cơ chế bộ máy, phương thức PCTN một cách phù hợp.
Bằng cách nào? Theo tôi, các cơ quan chức năng Việt Nam có đủ khả năng, thậm chí cần thì thuê chuyên gia nước ngoài kiểm chứng được hết. Nghĩa là bán bao nhiêu cây chổi, chạy bao nhiêu cuốc xe ôm đều có thể kiểm chứng. Hơn nữa, không ai vác hàng bao tiền đi chung chi, nên chỉ cần rà soát kỹ ở các ngân hàng là ra các nguồn tài sản ra vào của quan chức. Một trong những điều bất lực hiện nay là rất khó phát hiện tài sản tham nhũng ở nước ngoài, bao gồm tiền ngân hàng ở nước ngoài và tài sản được mua sắm ở nước ngoài. Cho nên luật phải cho phép điều tra xác minh tài sản ở nước ngoài”.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân: “Đưa quan chức đi thăm nhà tù để ngừa tham nhũng”
Tại phiên thảo luận về Luật PCTN (sửa đổi), Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Giám đốc Học viện Cán bộ TP. HCM đề xuất đưa quan chức đi thăm nhà tù để phòng ngừa tham nhũng. Theo vị đại biểu này thì nhà tù là nơi các quan chức bị xử lý, chịu trả giá cho các hành vi tham nhũng. Bởi thế thăm quan nhà tù là một bài học thực tiễn. Chia sẻ về đề xuất này, Bí thư Thành ủy - trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cũng cho biết khi ông học về quản lý nhà nước tại Mỹ thì nội dung tham quan nhà tù cũng đã có trong chương trình học.
PV