Những kiến nghị đáng chú ý của cơ quan tư pháp đúc rút từ công tác điều tra, xét xử các vụ án kinh tế, tham nhũng.

28/07/2021 11:09

(Pháp lý) – Để công tác phòng chống tội phạm kinh tế, chức vụ, tham nhũng…hiệu quả hơn nữa, qua công tác điều tra, xét xử các đại án kinh tế lớn thời gian qua, các cơ quan tư pháp đã nêu ra hàng loạt kiến nghị gửi tới cơ quan chức năng có thẩm quyền. Sau đây Pháp lý xin tổng hợp lại những kiến nghị rất đáng quan tâm đó.

Khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng là một trong nhiều khu đất vàng bị rơi vào tay doanh nghiệp tư nhân do sai phạm của các lãnh đạo Bộ Công thương và UBND TP HCM.

Phải rạch ròi giữa chức năng quản lý với chức năng đại diện vốn nhà nước

Đó là kiến nghị đáng chú ý của Bộ Công an rút ra qua quá trình điều tra các sai phạm của loạt quan chức lãnh đạo ở TP.HCM, có liên quan đến các khu đất “vàng” bị “nhóm lợi ích” dịch chuyển từ tài sản thuộc sở hữu nhà nước sang tay doanh nghiệp tư nhân với giá rẻ mạt.

Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01), nguyên nhân chủ yếu khiến hơn 6.000 m2 đất tại địa chỉ 2-4-6 Hai Bà Trưng (Q1, TP.HCM) rơi vào tay tư nhân xuất phát từ việc quản lý, điều hành vốn nhà nước tại Tổng Công ty Sabeco (trực thuộc Bộ Công thương) còn chịu ảnh hưởng bởi cơ chế “xin - cho” trong quan hệ chỉ đạo, báo cáo, đề xuất.

Quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (theo quy định tại Điều 43. Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp 2014): “Quyết định tổ chức lại, chuyển đổi sở hữu, giải thể, phá sản; Phê duyệt chiến lược, kế hoạch đầu tư phát triển 05 năm và kế hoạch sản xuất, kinh doanh hằng năm của doanh nghiệp; Quyết định chủ trương góp vốn, tăng, giảm vốn góp, chuyển nhượng vốn đầu tư của doanh nghiệp tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên…”

Mặc dù trực tiếp điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng Chủ tịch HĐQT và các thành viên HĐQT (những người đại diện chủ sở hữu trực tiếp 100% phần vốn nhà nước tại Sabeco) phải chịu sự chỉ đạo, chi phối và quyết định gần như tuyệt đối về mọi mặt của Bộ Công thương. Trong khi đó lãnh đạo Bộ Công thương (Cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước) và các đơn vị chuyên môn có chức năng chính là quản lý nhà nước, không bám sát được tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp. “Sự bất hợp lý này dẫn đến Bộ Công thương không quản lý hiệu quả tài sản, dẫn đến làm lãng phí vốn nhà nước”, Bộ Công an kết luận.

Trong vụ án này, cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng bị cáo buộc đã duyệt chủ trương cho Sabeco thoái vốn, khiến 6.000m2 đất “vàng” ở quận 1 vào tay tư nhân gây thiệt hại hơn 3.816 tỷ đồng. Cơ quan điều tra xác định, ông Hoàng biết khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, được sắp xếp giao cho Sabeco đầu tư xây dựng DA trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị, hội thảo… nhưng đã phớt lờ, chỉ đạo lãnh đạo Tổng công ty Sabeco triển khai việc liên doanh, liên kết thành lập Công ty Sabeco Pearl trái với quyết định của Thủ tướng để đầu tư dự án.

Ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng, những người phụ trách Ban quản lý vốn nhà nước tại Sabeco không thể không nghe. Hơn nữa đó còn là thực hiện theo luật (quy định tại 43 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp 2014). Chưa đầy một năm sau khi quyền sở hữu khu đất “vàng” hoàn tất về tay Sabeco Pearl núp dưới hình thức thuê đất dự án, ông Hoàng tiếp tục chỉ đạo Sabeco thoái 26% vốn góp cho Sabeco Pearl và phê duyệt giá khởi điểm để đấu giá là 13.247 đồng/ cổ phần.

Cũng từ “kẽ hở” trên, trong một vụ án khác, với tư cách là Cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Công an Trần Việt Tân không ngần ngại phát Công văn đề nghị Bộ VH-TT&DL và UBND TP HCM để Công ty Bắc Nam 79 của Vũ “Nhôm” thuê lại khu đất “vàng” rộng hơn 5.000 m2, tại địa chỉ 15 Thi Sách (Q1, TP.HCM), hiện đang cho Hãng phim thuê. Kết luận của C01, cho biết, từ các công văn mang tính chỉ đạo của Bộ Công an, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Tín đã phê duyệt cho Công ty Bắc Nam 79 thuê đất trái quy định. Vũ “Nhôm” và đối tác sau đó xây công trình 18 tầng, bán cho hơn 110 khách trong và ngoài nước gây thiệt hại nặng nề cho nhà nước.

Quá trình điều tra các vụ án trên, Bộ Công an đã gửi công văn đến Văn phòng chính phủ, kiến nghị rà soát, chấn chỉnh các quy định của pháp luật về sắp xếp, xử lý tài sản công. C01 cho rằng, phải tách bạch giữa chức năng quản lý nhà nước với chức năng đại diện vốn nhà nước, xóa bỏ cấp trung gian phía trên can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp. Thủ tướng Chính phủ sau đó đã gửi công văn đề nghị các bộ và cơ quan ngang bộ thực hiện kiến nghị này.

Sửa luật để cấm việc “băm nát” gói thầu và phải luật hóa năng lực nhà thầu phụ

Trong Báo cáo gửi tới Thủ tướng Chính phủ (8/2020) về kết quả điều tra vụ án vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng trong đầu tư xây dựng cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, dẫn tới dự án vừa khai thác đã hư hỏng, xảy ra tại Tổng công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), Bộ Công an đã chỉ ra 4 “lỗ hổng” nghiêm trọng.

Vừa hoàn thành đưa vào sử dụng chưa tới 2 năm, tuyến cao tốc ngàn tỉ Đà Nẵng - Quảng Ngãi dài 139,2km đã có tới 291 vị trí bị hư hỏng, gây bức xúc dư luận.

Từ các “lỗ hổng” trong quản lý chất lượng công trình, Bộ Công an kiến nghị Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT rà soát lại các quy định của pháp luật có liên quan trong đầu tư xây dựng (từ khâu đấu thầu, thi công, giám sát, đến thanh quyết toán) để có biện pháp khắc phục bất cập. Đặc biệt trong đấu thầu phải khắc phục triệt để tình trạng chia nhỏ, “băm nát” gói thầu, giao nhiều nhà thầu phụ, thầu thứ cấp không đủ năng lực làm dự án, dẫn đến mất kiểm soát chất lượng.

Đáng chú ý, liên quan đến việc kiểm soát chất lượng công trình, Bộ Công an còn kiến nghị cần phải luật hóa, quy định cụ thể về năng lực, tài chính, nhân sự, máy móc… của nhà thầu phụ và các cá nhân được nhà thầu chính chọn thực hiện thi công, giám sát. Trong đó, các dự án quan trọng của quốc gia cần có quy định, điều kiện tiêu chuẩn cao hơn.

Được biết đến thời điểm này, liên quan đến năng lực của “nhà thầu phụ” pháp luật về đấu thầu vẫn chưa điều chỉnh kể cả về trách nhiệm. Có nghĩa năng lực của nhà thầu phụ nằm ngoài “vùng phủ sóng” và mọi trách nhiệm có liên quan đến gói thầu đều do nhà thầu chính chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư.

Khoản 35, 36, Điều 4 Luật Đấu thầu 2013: “Nhà thầu chính là nhà thầu chịu trách nhiệm tham dự thầu, đứng tên dự thầu và trực tiếp ký, thực hiện hợp đồng nếu được lựa chọn. Nhà thầu chính có thể là nhà thầu độc lập hoặc thành viên của nhà thầu liên danh. Nhà thầu phụ là nhà thầu tham gia thực hiện gói thầu theo hợp đồng được ký với nhà thầu chính”.

Cần văn bản khai thông vướng mắc, tạo điều kiện cho hoạt động xác minh thông tin trong giai đoạn tiền khởi tố vụ án

Từ thực tiễn thực hành quyền công tố, trong quá trình thực hiện tố tụng các vụ án kinh tế, ông Lê Văn Đông – Viện trưởng VKND tỉnh Thanh Hóa cho rằng, quy định của Bộ luật TTHS 2015 và các Nghị định và Thông tư hướng dẫn đang có mâu thuẫn, gây khó khăn, vướng mắc cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu nói chung, thông tin về tiền gửi, tài sản gửi của khách hàng nói riêng trong giai đoạn xác minh, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.

Ông Đông dẫn quy định tại Điều 147 Bộ luật TTHS: “Khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cơ quan có thẩm quyền có quyền tiến hành các hoạt động: Thu thập thông tin, tài liệu, đồ vật từ cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để kiểm tra, xác minh nguồn tin”. Được hiểu là, trong quá trình giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cơ quan có thẩm quyền có quyền tiến hành một số hoạt động, trong đó có hoạt động thu thập thông tin, tài liệu từ cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để kiểm tra, xác minh nguồn tin.

Trong khi đó, quy định tại Nghị định số 70/2000/CP-NĐ của Chính phủ và quy định tại Thông tư số 08/VBHN-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, hướng dẫn: Tổ chức nhận tiền gửi và tài sản gửi của khách hàng chỉ được cung cấp thông tin liên quan đến tiền gửi và tài sản gửi của khách hàng khi có yêu cầu bằng văn của các cơ quan Nhà nước trong quá trình thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Với quy định hiện hành, các NH có quyền lấy lý do chưa có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can nên không cung cấp cho CQĐT thông tin tiền gửi của khách hàng.

Trên thực tế, theo ông Đông có nhiều trường hợp các cơ quan tiến hành tố tụng không cung cấp được tài liệu liên quan đến việc đang tiến hành điều tra, vì vụ việc vẫn đang trong giai đoạn thu thập thông tin, chứng cứ để phục vụ công tác xác minh thông tin, lập chuyên án, phục vụ công tác xác minh, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố và chưa đến giai đoạn khởi tố vụ án, khởi tố bị can nên chưa có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can.

Quy định này gây khó khăn trong công tác thu thập chứng cứ ngay từ giai đoạn xác minh, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, củng cố hồ sơ của CQĐT. Bởi các ngân hàng có quyền viện lý do chưa có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can nên không cung cấp thông tin, tài liệu nói chung, thông tin về tiền gửi, tài sản gửi của khách hàng nói riêng khiến nhiều vụ việc kinh tế, tham nhũng tuy bị phát hiện nhưng lại chậm được đưa ra ánh sáng.

Từ bất cập như trên, kiến nghị liên ngành tư pháp trung ương cần khẩn trương phối hợp để hướng dẫn thống nhất việc áp dụng pháp luật về quá trình xác minh, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố cũng như trong toàn bộ quá trình điều tra, truy tố, xét xử đối với tội phạm về kinh tế, chức vụ, tham nhũng, nhằm đảm bảo cho việc áp dụng pháp luật được thống nhất, qua đó góp phần đấu tranh có hiệu quả đối với các loại tội phạm này.

Cần chế tài trách nhiệm cụ thể để khắc phục tình trạng giám định tư pháp trì trệ

Tại cuộc tọa đàm việc thực hiện giám định tư pháp trong trường hợp cần phối hợp nhiều cơ quan, tổ chức do Uỷ ban Tư pháp tổ chức ngày 21/2/2020, đại diện các cơ quan tố tụng tham gia đã nêu thực trạng về giám định tư pháp, có vụ án gia hạn lần hai, lần ba chỉ để chờ kết luận giám định chứ không phải vì cần thêm thời gian điều tra.

Vướng mắc về giám định tư pháp là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới phần lớn các vụ án về kinh tế có liên quan giám định đều không bảo đảm về thời gian. Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế trưng cầu giám định tư pháp, định giá tài sản trong tố tụng hình sự dẫn con số cụ thể: Năm 2013-2018, trong số 46 vụ án kinh tế thì đã có 8 vụ bị kéo dài thời gian vì lý do giám định.

Vướng mắc về giám định tư pháp là nguyên nhân dẫn tới nhiều vụ án về kinh tế có liên quan giám định đều không bảo đảm về thời gian.

Trong nhiều trường hợp, các cơ quan có chức năng giám định có biểu hiện đùn đẩy, né tránh trách nhiệm giám định mặc dù thuộc lĩnh vực quản lý chuyên môn của mình. Có vụ án “tắc” 21 tháng mới có được kết luận giám định, vì lý do Bộ trưởng Giao thông Vận tải từ chối thực hiện yêu cầu của C03. Ách tắc kéo theo, trong thời gian chờ kết quả giám định, cơ quan tiến hành tố tụng không đánh giá, kết luận được trách nhiệm của các cá nhân liên quan trong vụ án để xử lý theo quy định của pháp luật.

Ở chiều ngược lại, ông Phạm Đức Hưng, Giám định viên Bộ Tài chính cho rằng có lỗi của cơ quan tiến hành tố tụng. Các giám định viên than phiền, có rất nhiều trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng cung cấp tài liệu yêu cầu giám định không đầy đủ, phải vừa giám định, vừa định hướng; hoặc quyết định trưng cầu giám định thường đưa câu hỏi mang tính chung chung… Trong khi đó, giám định viên phải chịu áp lực về tâm lý, nếu để xảy ra sai sót thì phải chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật về “thực thi công vụ”.

Để khắc phục thực trạng trên, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đề nghị xác định rõ hơn trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, cơ quan nào chủ trì, cơ quan nào phối hợp. “Đây là điều kiện tiên quyết bởi đặc thù của giám định là chịu trách nhiệm rất độc lập về kết quả giám định. Nếu quy định rõ sẽ tránh được việc đùn đẩy trách nhiệm”, ông Hiếu nói.

BOX: Theo quy định của Bộ luật TTHS, kết luận giám định là chứng cứ rất quan trọng để đánh giá, kết luận điều tra vụ án. Đặc biệt là đối với tội phạm tham nhũng, kinh tế, cơ quan điều tra khó có chứng cứ trực tiếp, quả tang để chứng minh tội phạm, nếu chỉ dựa vào lời khai thì chưa đủ để kết tội. Vì vậy, kết luận giám định về thiệt hại, nghi vấn trục lợi… chính là những chứng cứ tốt nhất để chứng minh tội phạm…

Vĩ thanh

Các cơ quan tư pháp có vai trò quan trọng trong điều tra, đưa ra ánh sáng và trừng trị nghiêm các quan tham. Nhưng để công tác này hiệu quả hơn nữa, đặc biệt cần chú trọng hơn nữa tới công tác phòng ngừa tham nhũng, qua hoạt động nghiệp vụ, các cơ quan công an, kiểm sát và tòa án đã đúc rút ra nhiều vấn đề và có nhiều kiến nghị quan trọng, như 4 kiến nghị nêu trong bài viết. Rất mong các cơ quan chức năng khẩn trương nghiên cứu, kịp thời sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật còn bất cập, nhằm góp phần giúp công tác phòng chống tham nhũng hiệu quả hơn trong thời gian tới.

VŨ LÊ MINH

Bạn đang đọc bài viết "Những kiến nghị đáng chú ý của cơ quan tư pháp đúc rút từ công tác điều tra, xét xử các vụ án kinh tế, tham nhũng." tại chuyên mục Bên khung cửa tư pháp. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin