Những giải pháp để bảo vệ tài sản doanh nghiệp: Kinh nghiệm từ nước Úc

(Pháp lý) - Tiết kiệm cho doanh nghiệp bằng cắt giảm chính sách, xét xử rút gọn, tăng cường sử dụng các án lệ ở Tòa án, khuyến khích sử dụng trọng tài, hòa giải viên là chuyên gia… Đó là những kinh nghiệm pháp lý mà Úc áp dụng nhằm bảo vệ các quyền tài sản của doanh nghiệp.

Ở Úc, tòa cấp trên ra các án lệ là nguồn luật để đảm bảo công bằng (ảnh minh họa)

Đa dạng cơ chế giải quyết tranh chấp: Ưu tiên hòa giải

Tính khách quan, minh bạch và công bằng trong việc kiện tụng và giải quyết tranh chấp cũng là một yếu tố được coi trọng để bảo đảm các hoạt động kinh tế diễn ra thuận lợi, khuyến khích các chủ thể kinh tế mạnh dạn đầu tư, sản xuất, kinh doanh bằng sự sáng tạo và cạnh tranh lành mạnh.

Các quốc gia khác nhau có những cơ chế giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực kinh tế khác nhau. Tuy nhiên điểm chung là pháp luật của các quốc gia đều có những hình thức đa dạng để giải quyết các tranh chấp phát sinh trong lĩnh vực kinh doanh hướng đến việc bảo đảm quyền sở hữu tài sản, bảo đảm quyền tự do giao kết hợp đồng của các chủ thể tham gia hoạt động kinh doanh. Thông thường, các phương thức giải quyết tranh chấp dân sự và thương mại gồm tố tụng Tòa án và các phương thức giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án (Alternative Dispute Resolution - ADR) như hòa giải, trọng tài.

Thực tiễn cho thấy, giải quyết tranh chấp bằng con đường Tòa án tốn kém về tiền bạc và thời gian. Có những vụ việc kéo dài nhiều năm mới ra được quyết định cuối cùng. Ngoài ra, quy trình tố tụng Tòa án cứng nhắc, các bên phải có mặt tại trụ sở của Tòa án để giải quyết với thời gian biểu không thuận tiện, những quy định này gây khó khăn cho các bên trong quá trình tham gia tố tụng, đặc biệt là đối với các đương sự là các chủ thể kinh doanh. Quyết định của Tòa án là công khai, vì vậy đôi khi không phù hợp với nhu cầu bảo mật của các thương nhân. Vì vậy, ngày càng nhiều các thương nhân lựa chọn các phương thức giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án (ADR) bởi các phương thức này khắc phục được các hạn chế của phương thức giải quyết tranh chấp thông qua Tòa án. Do đó, ngày nay phần lớn các tranh chấp trong lĩnh vực kinh tế được giải quyết bằng phương thức giải quyết ngoài Tòa án.

Đối với phương thức giải quyết ngoài Tòa án, các quốc gia có nhiều hình thức đa dạng khác nhau trong lĩnh vực này. Trong đó, có những quốc gia có những phương thức khá đặc thù. Chẳng hạn, ở Úc, hình thức mời chuyên gia độc lập thẩm định tranh chấp rất được các chủ thể tham gia các hoạt động kinh tế quan tâm. Chuyên gia thẩm định thường là những người có kiến thức và kinh nghiệm hành nghề trong lĩnh vực tranh chấp giữa hai bên thưa kiện. Họ tìm cách nắm bắt thông tin cần thiết quyết định vấn đề thông qua quá trình tìm hiểu và hỏi đáp. Hai bên thưa kiện có toàn quyền quyết định có giải quyết theo nhận định của chuyên gia hay không hoặc có thể thương lượng dựa trên án quyết của chuyên gia để dàn xếp hòa giải.

Với các ưu điểm về thủ tục nhanh gọn, đưa ra các giải pháp giải quyết tranh chấp hợp lý, ở các quốc gia, việc thành lập các trung tâm hòa giải cũng được quan tâm thực hiện. Chẳng hạn, Malaysia có những trung tâm hòa giải ở những lĩnh vực khác nhau như Trung tâm Hòa giải Bảo hiểm, Trung tâm Hòa giải ngân hàng, Ủy ban về tranh chấp liên quan đến người tiêu dùng, Trung tâm Hòa giải của Hội Luật sư và Ủy ban về Quyền tác giả.
Nếu hai bên tranh chấp không thể thương lượng và giàn xếp tranh chấp, họ có thể cân nhắc hình thức trung gian hòa giải (mediation/conciliation). Hình thức giải quyết này hoàn toàn tự nguyện, cho phép chuyên gia trung gian hòa giải (hòa giải viên) trợ giúp hai bên nhìn nhận vấn đề và giúp họ đi tới thỏa thuận giải quyết tranh chấp có lợi cho cả hai bên.

Thực tế cho thấy cách thức giải quyết qua các trung tâm hòa giải rất có hiệu quả, được công chúng sử dụng nhiều. Đây là bài học kinh nghiệm cần được quan tâm, áp dụng cho Việt Nam.

Giảm việc tuyên hủy các quyết định trọng tài

Việc giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài cùng với các phương thức giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án khác đang dần khẳng định vai trò quan trọng trong việc giải quyết tranh chấp thương mại ở Úc. Bằng chứng là 90% các vụ thưa kiện lên các tòa ở Úc đều được giải quyết trước khi chính thức được Tòa án xét xử.

Tố tụng trọng tài đề cao tiếng nói của chuyên gia (ảnh minh họa)

Đồng thời, các Tòa án ở Úc thường có quy trình khuyến khích các bên thưa kiện giải quyết bất đồng bằng hình thức Trọng tài trước khi Tòa án xét xử vụ kiện. Hình thức giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thường ít tốn kém, hiệu quả và nhanh gọn hơn việc tranh tụng trước Tòa án. Đồng thời hình thức này cũng góp phần quan trọng trong việc giảm khối lượng vụ việc mà Tòa án phải giải quyết, giảm gánh nặng quản lý cho hệ thống Tòa án.

Khi hai bên tranh chấp lựa chọn phương thức Trọng tài, việc giải quyết tranh chấp có thể được tiến hành bởi một hoặc nhiều chuyên gia (Hội đồng Trọng tài) trong lĩnh vực liên quan tranh chấp do hai bên tranh chấp nhất trí lựa chọn hoặc do Tòa án chỉ định. Hội đồng Trọng tài có thể đề nghị sự trợ giúp của hệ thống Tòa án trong các vấn đề như thu thập bằng chứng, triệu tập nhân chứng Quyết định trọng tài sẽ phân định thắng thua giữa hai bên tranh chấp và bắt buộc phải được tuân thủ. Quyết định này chỉ có thể được Tòa án xét lại hoặc bác bỏ nếu một trong hai bên tranh chấp chứng minh được quyết định trọng tài vi phạm pháp luật về tố tụng trọng tài.

Tòa án: Phát triển án lệ bằng các phán quyết của tòa cấp trên

Hệ thống Tòa án Úc đóng vai trò chủ đạo trong việc giải quyết tranh chấp kinh doanh. Một trong những nguyên tắc được đặt lên hàng đầu của hệ thống Tòa án Úc là giải quyết tranh chấp một cách “công bằng, nhanh gọn và ít tốn kém” (just, quickand cheap resolution). Với mô hình Tòa án theo hệ thống thông luật, quy trình xét xử của Tòa án Úc mang nhiều tính tranh tụng (adversarial) giữa luật sư của các bên hầu kiện. Cụ thể, Thẩm phán thường không trực tiếp tham gia vào việc xét hỏi hay thẩm vấn mà luật sư đại diện của hai bên sẽ trình bày và tranh luận các lý lẽ lập luận được đưa ra. Thẩm phán chỉ can dự vào cuộc tranh luận của hai bên khi những tranh luận đi quá xa vấn đề pháp lý trọng tâm.

Tòa án cao nhất của Úc cho cả hệ thống Tòa án Liên bang cũng như bang là Tòa án Tối cao . Tòa án tối cao chỉ xét xử các vụ phúc thẩm quan trọng, cần làm rõ cơ sở và nguyên tắc pháp lý để giải quyết. Có thứ tự cấp bậc riêng cho Tòa án thuộc hệ thống Liên bang hay hệ thống bang - hiện có 9 hệ thống Tòa án ở Úc (6 hệ thống của 6 bang, 2 hệ thống của 2 vùng lãnh thổ và 1 hệ thống tòa Liên bang) - và tất cả hệ thống Tòa án này đều có thẩm quyền xét xử tùy theo phạm vi địa lý cũng như phạm vi quyền hạn riêng. Thứ tự cấp bậc thẩm quyền của từng hệ thống Tòa án đặc biệt quan trọng bởi về nguyên tắc quyết định của Tòa án có thẩm quyền cao hơn sẽ tạo thành án lệ bắt buộc Tòa án cấp dưới phải tuân theo.

Khác với các quốc gia theo hệ thống dân luật, ở các quốc gia theo hệ thống thông luật như Úc, nguồn luật không chỉ là văn bản pháp luật mà còn là án lệ được tạo nên bởi các phán quyết của Tòa án. Bởi vậy, ngoài vai trò giải quyết tranh chấp, các Tòa án ở Úc còn đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng pháp luật thông qua án lệ. Điển hình là các Tòa án cấp cao như Tòa án Tối cao và các Tòa Phúc thẩm ở cả hệ thống Tòa án Liên bang và bang thường có những quyết định quan trọng và được chú ý bởi chúng có thể ảnh hưởng, làm rõ hoặc thay đổi các nguyên tắc pháp lý đã định, bắt buộc các Tòa án cấp dưới phải áp dụng và tuân thủ trong việc xét các đơn kiện.

Minh Hải (theo sách Thể chế kinh doanh của 1 số nước trên thế giới)

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin