Những Dự Luật quan trọng nào đối với cộng đồng doanh nghiệp sẽ được Quốc hội cho ý kiến và thông qua?

05/06/2023 11:30

(Pháp lý) – Năm 2023 được dự báo sẽ có nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, ngoài sự kỳ vọng các chính sách điều hành linh hoạt, kịp thời và hiệu quả từ phía Chính phủ để ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, cộng đồng doanh nghiệp còn trông đợi rất nhiều vào các dự án luật dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua. Trong đó có nhiều dự án luật quan trọng có tác động trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp như: Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi),...

anh-1-1674902897.jpg

Quang cảnh kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV diễn ra hồi tháng 11/2022

Luật đấu thầu: Bảo đảm quản lý chặt chẽ, tránh để trục lợi, tiêu cực

Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) được xây dựng trên cơ sở 5 nhóm chính sách trong đề nghị xây dựng Luật đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua, gồm 10 Chương, 98 Điều.

Cụ thể, Dự thảo luật đã sửa đổi về phạm vi điều chỉnh và nguyên tắc áp dụng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đấu thầu, bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu; đơn giản hóa quy trình, thủ tục thực hiện hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, cắt giảm thời gian, chi phí trong hoạt động đấu thầu; hoàn thiện chính sách đấu thầu mua sắm hàng hóa trong nước, sản phẩm đổi mới sáng tạo, mua sắm xanh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước về đấu thầu; phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong hoạt động đấu thầu...

Tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội Khoá XV vừa qua, Dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi đã được Quốc hội cho ý kiến góp ý hoàn thiện.  Theo đó, đa số ý kiến của các đại biểu Quốc hội nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Đấu thầu để tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác đấu thầu, góp phần công khai, minh bạch, tiết kiệm trong chống tiêu cực, sử dụng ngân sách Nhà nước.

Các đại biểu đề nghị đánh giá kỹ tác động của chính sách, sửa đổi, bổ sung tính hiệu quả của các quy định trong Luật; đưa ra nhiều ý kiến về phạm vi, đối tượng điều chỉnh, giải thích từ ngữ, khái niệm, hành vi bị cấm, quy định nhà thầu, nhà đầu tư, đảm bảo cạnh tranh trong đấu thầu, cơ chế đền bù, quy trình thủ tục trong hoạt động đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, các hình thức hợp đồng, thanh tra kiểm tra giám sát trong hoạt động đấu thầu…

Hiện cơ quan soạn thảo đang tiếp tục hoàn thiện dự án Luật và dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 5, tháng 5/2023.

Luật Giá (sửa đổi) và Luật Đấu thầu (sửa đổi) dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khoá XV vào tháng 5 năm 2023 tới đây.

Luật Giá (sửa đổi) sẽ điều chỉnh toàn diện những vấn đề về giá

Luật giá hiện hành được Quốc hội thông qua từ năm 2012 có hiệu lực từ 1/1/2013, đến nay đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên cùng với sự phát triển của kinh tế xã hội cùng với hội nhập quốc tế, Bộ Tài chính đã đánh giá, tổng kết và xuất phát tự thực tiễn đã trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi bổ sung Luật Giá và được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội Khoá XV vừa qua.

Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) kiên trì thực hiện theo nguyên tắc thị trường và có sự quản lý của Nhà nước, phù hợp với chủ trương chung của Đảng và Nhà nước là xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Theo đó, dự thảo củng cố, hoàn thiện 9 nhóm nội dung lớn gồm: Danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá; Phương pháp định giá; Bình ổn giá; Kê khai giá; Hiệp thương giá; Công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường; Điều kiện đối với doanh nghiệp thẩm định giá; Điều kiện đối với thẩm định viên về giá; Hoạt động thẩm định giá của nhà nước.

Tại phiên thảo luận Quốc hội, các đại biểu Quốc hội nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế hiện hành, khắc phục những phân tán trong hệ thống pháp luật về giá, đảm bảo khả thi, đảm bảo cơ sở pháp lý trong lĩnh vực giá để vận hành thông suốt nền kinh tế và hoạt động của các cơ quan, đơn vị.

Các đại biểu cũng tham gia nhiều ý kiến và các điều khoản cụ thể như phạm vi, đối tượng điều chỉnh, giải thích từ ngữ, tính cụ thể, tính thống nhất của dự thảo Luật với các luật khác liên quan.

Góp ý về các nội dung như nguyên tắc quản lý, điều tiết giá của Nhà nước; các hành vi bị cấm; công khai thông tin về giá; thẩm định giá; thẩm quyền của các cơ quan quản lý nhà nước về giá, phân công phân cấp giữa các cơ quan quản lý về giá; tiêu chuẩn của hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá; các trường hợp và biện pháp bình ổn giá, Quỹ bình ổn giá; nguyên tắc, tiêu chí, thẩm quyền, trách nhiệm của xác định danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá; doanh nghiệp thẩm định giá, thẩm định viên về giá, thẩm định giá của Nhà nước, Hội đồng thẩm định giá…

Theo Bộ Tài chính, hiện nay, công tác quản lý giá đang được điều chỉnh bởi Luật Giá và nhiều luật chuyên ngành. Trong Luật Giá (sửa đổi) lần này sẽ bao quát, tổng hợp để đảm bảo công tác quản lý giá được bao quát, tránh chồng chéo giữa Luật Giá và các luật chuyên ngành, nhất là các mặt hàng do Nhà nước định giá. Qua rà soát hiện nay có 52 nhóm mặt hàng do Nhà nước định giá, sẽ rà soát đưa ra khỏi danh sách 14 nhóm mặt hàng, dịch vụ, bổ sung 2 nhóm mặt hàng là sách giáo khoa và hàng hóa, dịch vụ an ninh quốc phòng do nhà nước đặt hàng.

Luật Giá (sửa đổi) sẽ củng cố thêm các quy định và phân cấp, phân quyền, phân định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành nhất là các bộ, ngành, địa phương, tránh chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm trong quản lý giá. Một trong các thay đổi lớn tại dự thảo là đã điều chỉnh thẩm quyền quy định danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá cho Chính phủ nhằm tăng cường tính linh hoạt nhưng vẫn đảm bảo tính chặt chẽ, minh bạch thông qua việc củng cố, quy định rõ về trường hợp, phạm vi, quy trình thực hiện bình ổn giá.

Ngoài ra, đối với công tác thẩm định giá, Luật Giá sửa đổi cũng quy định để đảm bảo tính chuyên nghiệp, rõ ràng hơn, nâng cao trách nhiệm của các doanh nghiệp thẩm định giá và các thẩm định viên về giá theo các lĩnh vực gắn với việc tăng cường điều kiện về thành lập, kinh doanh, hoạt động của doanh nghiệp thẩm định giá; quy định rõ giá trị pháp lý của kết quả thẩm định giá đồng thời quy định trách nhiệm về chuyên môn, nghiệp vụ của doanh nghiệp thẩm định giá, thẩm định viên về giá.

Dự kiến, Luật Giá (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khoá XV vào tháng 5 năm 2023 tới đây cùng với 5 dự án luật khác: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi) và Luật Phòng thủ dân sự.

 

Luật đất đai sửa đổi với nhiều chính sách mới

Là một trong những dự án luật đặc biệt quan trọng tác động trực tiếp đến mọi người dân và doanh nghiệp, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã thể chế các định hướng trong Văn kiện Đại hội Đảng Khóa XIII, các Nghị quyết, kết luận của Đảng, của Quốc hội với nhiều chính sách mới:

Quy định cụ thể quyền và trách nhiệm của Nhà nước; quyền, nghĩa vụ của công dân đối với đất đai: Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã hoàn thiện các chế định về quyền của Nhà nước, xác định trách nhiệm của các cơ quan trong việc quy hoạch, kế hoạch, xác định mục đích, hạn mức và thời hạn sử dụng đất; hoàn thiện các quy định về thu hồi, trưng dụng, giao đất, cho thuê đất và công nhận quyền sử dụng đất; quyết định chính sách tài chính về đất đai; quy định quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất; điều tiết thị trường và nguồn thu từ đất…

Hoàn thiện các quy định về các quyền của người sử dụng đất: Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã bổ sung quy định quyền được thế chấp, cho thuê lại quyền thuê đất trong trường hợp trả tiền thuê đất hàng năm, bán tài sản thuộc sở hữu gắn liền với đất; quyền và nghĩa vụ sử dụng đất để xây dựng công trình ngầm, công trình trên không; các quy định về góp quyền sử dụng đất để xây dựng, chỉnh trang đô thị phục vụ lợi ích chung…

Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất: Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bổ sung, hoàn thiện các quy định về nguyên tắc bảo đảm tính thống nhất với các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất; hệ thống quy hoạch sử dụng đất bảo đảm đồng bộ ba cấp, trong đó quy hoạch sử dụng đất cấp huyện chi tiết đến từng thửa đất; Bổ sung nội dung quy hoạch thể hiện được chỉ tiêu, không gian sử dụng đất; xác định khu vực sử dụng đất cần bảo vệ nghiêm ngặt, khu vực cần giữ ổn định, khu vực phát triển; định hướng phát triển các khu đô thị, khu công nghiệp, khu thương mại dịch vụ; đổi mới về phương pháp lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Về thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư:  Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã quy định cụ thể điều kiện, tiêu chí, các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bảo đảm công khai, minh bạch trong thực thi và giám sát. 

Đa dạng các hình thức bồi thường bằng đất hoặc bằng tiền, bằng nhà ở; giá đất bồi thường theo giá thị trường; công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải thực hiện trước khi thu hồi đất.

Cụ thể hóa nguyên tắc người được tái định cư phải có chỗ ở mới, có thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ thông qua quy định về tiêu chí hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, địa điểm tái định cư…

anh-5-1671689566.jpg

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được lấy ý kiến góp ý các tầng lớp Nhân dân đến hết ngày 15/3/2023, dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6 của Quốc hội vào tháng 10/2023. (ảnh minh hoạ)

Về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất: Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã quy định cụ thể về các trường hợp, điều kiện, tiêu chí giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá, đấu thầu các dự án có sử dụng đất; Quy định cụ thể các trường hợp thuê đất trả tiền một lần, thuê đất trả tiền hàng năm…

Về cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; điều tiết quan hệ giữa Nhà nước - thị trường - xã hội: Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bỏ quy định khung giá đất, quy định cụ thể nguyên tắc định giá đất phù hợp với giá trị thị trường; bảng giá đất được xây dựng định kỳ hàng năm.

Quy định các trường hợp áp dụng bảng giá đất, trong đó áp dụng bảng giá để tính thuế thu nhập khi chuyển quyền sử dụng đất.

Mở rộng thành phần Hội đồng thẩm định giá đất với sự tham gia của đại diện Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức tư vấn và chuyên gia về giá đất để đảm bảo độc lập, khách quan.

Phân cấp thẩm quyền cho UBND cấp huyện quyết định giá đất cụ thể phù hợp với thẩm quyền trong giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng...

Về phát triển quỹ đất, thị trường quyền sử dụng đất: Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bổ sung 01 chương về phát triển quỹ đất với các cơ chế công khai, minh bạch, hiệu quả để Nhà nước tạo quỹ đất, chủ động điều tiết cung - cầu thị trường, đấu giá quyền sử dụng đất…

Về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp; giải quyết những tồn tại hạn chế trong quản lý đất có nguồn gốc nông, lâm trường: Mở rộng hạn mức nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp và giao Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể.

Mở rộng đối tượng được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa là tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp…

Về quản lý, sử dụng đất đa mục đích: Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bổ sung các quy định về quản lý, sử dụng đất ở, đất nông nghiệp kết hợp với thương mại, dịch vụ; đất dự án du lịch có yếu tố tâm linh; đất xây dựng công trình trên không, công trình ngầm, đất hình thành từ lấn biển; quy định về quản lý đất quốc phòng, an ninh kết hợp với kinh tế nhằm phát huy nguồn lực, tiềm năng đất đai.

Về chuyển đổi số và cải cách hành chính: Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã quy định về việc xây dựng, quản lý vận hành hệ thống thông tin, dữ liệu đất đai quốc gia tập trung, thống nhất, đa mục tiêu và kết nối liên thông. Nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai, thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

Thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai: Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bổ sung quy định về kiểm toán, kiểm tra chuyên ngành đất đai, hình thức đối thoại, hòa giải tại Tòa án; Quy định rõ thẩm quyền cơ quan giải quyết tranh chấp đất đai.

Hoàn thiện các cơ chế giám sát trong tổ chức thực thi chính sách, pháp luật ở từng cấp. Làm rõ phạm vi quy định của Luật Đất đai với các Luật khác.

Hiện, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được lấy ý kiến góp ý các tầng lớp Nhân dân đến hết ngày 15/3/2023, trong đó tập trung vào 9 vấn đề trọng tâm: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phát triển quỹ đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; chế độ quản lý, sử dụng các loại đất; phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực; hộ gia đình sử dụng đất.

Theo dự kiến, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thảo luận cho ý kiến lần 2 tại kỳ họp thứ 5 vào tháng 5/2023, thảo luận lần thứ 3 và xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 6 của Quốc hội vào tháng 10/2023.

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ một “cú hích chính sách” giúp tháo gỡ các nút thắt pháp lý đối thị trường BĐS trong thời gian tới.

Sẽ thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 6

Đáng chú ý, cùng với Luật Đất đai (sửa đổi), 2 dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) dự kiến cũng sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6 của Quốc hội vào tháng 10/2023 - đây là 3 dự án luật quan trọng sẽ tác động mạnh mẽ tới người dân, doanh nghiệp cũng như thị trường BĐS, được kỳ vọng sẽ một “cú hích chính sách” giúp tháo gỡ các nút thắt pháp lý nhằm phát triển thị trường BĐS an toàn, lành mạnh, bền vững trong thời gian tới.

Theo đó, Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ tập trung sửa đổi, bổ sung 8 nhóm chính sách lớn: sửa đổi, bổ sung chính sách về sở hữu nhà ở; sửa đổi, bổ sung chính sách về chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; sửa đổi, bổ sung chính sách phát triển nhà ở (bao gồm các loại nhà ở thương mại, tái định cư, nhà ở công vụ, nhà ở của cá nhân, hộ gia đình); sửa đổi, bổ sung chính sách về phát triển nhà ở xã hội; sửa đổi, bổ sung chính sách về cải tạo, xây dựng lại các nhà chung cư cũ; sửa đổi, bổ sung chính sách về tài chính cho phát triển nhà ở;  sửa đổi, bổ sung chính sách về quản lý, sử dụng nhà chung cư; sửa đổi, bổ sung chính sách về quản lý nhà nước về nhà ở.

Với Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) sẽ tập trung sửa đổi, bổ sung 04 nhóm chính sách lớn. Cụ thể, nhóm chính sách chung trong hoạt động kinh doanh bất động sản: sửa đổi, bổ sung quy định hiện hành nhằm làm rõ phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc áp dụng, các loại bất động sản đưa vào kinh doanh…của Luật Kinh doanh bất động sản với các luật khác có liên quan như: Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai…

Nhóm chính sách kinh doanh các loại bất động sản: sửa đổi, bổ sung quy định hiện hành nhằm làm rõ việc kinh doanh bất động sản nhà ở khác với kinh doanh công trình xây dựng, thương mại, dịch vụ nhất là các loại bất động sản mới (căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, căn hộ văn phòng kết hợp lưu trú ngắn hạn…) khác với kinh doanh quyền sử dụng đất và ngược lại; kinh doanh quyền sử dụng đất của các chủ đầu tư dự án bất động sản để kinh doanh theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản khác với việc chuyển nhượng, cho thuê quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai; phân biệt việc chuyển nhượng dự án bất động sản theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản và việc chuyển nhượng dự án theo quy định của Luật Đầu tư 2020.

Nhóm chính sách kinh doanh dịch vụ bất động sản: sửa đổi, bổ sung quy định hiện hành nhằm làm rõ yêu cầu, điều kiện, mô hình, nội dung hoạt động của dịch vụ môi giới, dịch vụ sàn giao dịch bất động sản, quy trình giao dịch qua sàn, quyền và nghĩa vụ của sàn giao dịch bất động sản, cá nhân môi giới…

Nhóm chính sách quản lý hoạt động kinh doanh bất động sản (bao gồm quản lý nhà nước và điều tiết thị trường bất động sản), xây dựng và quản lý khai thác, vận hành hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản): sửa đổi, bổ sung quy định hiện hành nhằm tăng cường công cụ quản lý nhà nước; xác định rõ vai trò, trách nhiệm và mối quan hệ giữa các Bộ, ngành, các cấp trong quản lý hoạt động kinh doanh bất động sản đồng thời nhận diện và đưa ra các biện pháp điều tiết khi thị trường có biến động lớn “phát triển nóng - bong bóng”, “thị trường trầm lắng - đóng băng”…

Hiện, cả 2 dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi và Luật Kinh doanh Bất động sản (BĐS) sửa đổi đang được Bộ Xây dựng tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi của người dân, doanh nghiệp, địa phương và các bộ, ngành liên quan, nhằm sớm hoàn thiện, dự kiến báo cáo tại kỳ họp thứ 5 và thông qua vào kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Theo Nghị quyết số 50/2022/QH15 của Quốc Hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, dự kiến tại kỳ họp thứ thứ 6 (tháng 10/2023), Quốc hội sẽ thông qua 6 luật, gồm: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

 

Nam Kiên (tổng hợp)
Bạn đang đọc bài viết "Những Dự Luật quan trọng nào đối với cộng đồng doanh nghiệp sẽ được Quốc hội cho ý kiến và thông qua?" tại chuyên mục Sự kiện - Chính sách. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin