Những điều doanh nghiệp Việt Nam cần biết từ FTA Việt Nam và Israel

Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Israel đang trong giai đoạn hoàn thành các thủ tục pháp lý để ký kết và triển khai thực hiện. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tìm kiếm và khai thác thị trường mới.
1-1685521347.jpg

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Nir Barkat ký Tuyên bố về việc kết thúc đàm phán FTA Việt Nam - Israel

Israel một trong những đối tác hợp tác thương mại, đầu tư và lao động quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại khu vực

Israel còn là thị trường xuất khẩu đứng thứ 3, là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam tại khu vực Tây Á và được đánh giá là thị trường lớn, tiềm năng tại Tây Á. Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Israel đạt 2,2 tỷ USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Israel đạt 785,7 triệu USD và kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Israel đạt 1,4 tỷ USD. Về vốn đầu tư nước ngoài, Israel xếp thứ 12 trên tổng số 67 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, chủ yếu vào công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ thông tin và nông nghiệp.

Các mặt hàng Israel xuất khẩu sang Việt Nam gồm có máy tính, thiết bị điện tử, phụ tùng, linh kiện bán dẫn, phân bón, máy móc, công cụ và rau củ quả. Trong đó máy tính các thiết bị điện tử và linh kiện chiếm tỷ trọng cao nhất (1.2 tỷ USD, chiếm 85,7% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Israel trong năm 2022). Israel được biết đến là một quốc gia nổi tiếng trong lĩnh vực đổi mới công nghệ, đặc biệt là về máy tính và các thiết bị điện tử, đồng thời sở hữu nhiều công ty công nghệ có giá trị như StoreDot, Mobileye, Cortica… đều là những công ty đi đầu trong lĩnh vực phát triển khoa học công nghệ với các sản phẩm chất lượng cao. Do vậy, máy tính, chíp bán dẫn và các thiết bị điện tử, linh kiện thay thế của Israel đều là những sản phẩm có chất lượng tốt và được biết đến rộng rãi trên toàn cầu nhờ chất lượng và độ tin cậy của chúng. Việc FTA Việt Nam - Israel có hiệu lực sẽ tạo cơ hội để các doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam được tiếp cận các sản phẩm công nghệ chất lượng cao từ quốc gia này với giá thành tốt hơn.

Về nhập khẩu, Israel và khu vực Trung Đông có nhu cầu rất lớn về các mặt hàng nông nghiệp như gia vị (quế, hồi, hạt tiêu…), hải sản (tôm, mực, cá ngừ…), hạt điều, cà phê, các loại thực phẩm đã sơ chế hoặc chế biến sẵn, hàng dệt may và giày dép; các mặt hàng công nghệ như điện thoại, điện thoại di động và phụ tùng. Nhìn chung, nhiều doanh nghiệp Israel vẫn tiếp tục quan tâm tới nhập khẩu các mặt hàng thuộc nhóm lương thực, thực phẩm, gạo, đồ khô (bánh tráng cuốn, bánh đa nem, phồng tôm...), hàng tiêu dùng (dệt may, giày dép....), nông sản, thủy - hải sản các loại, rau củ quả sấy khô, nước giải khát, hàng gia dụng, thiết bị y tế, găng tay các loại, bao bì các loại.... từ Việt Nam và coi Việt Nam là một trong những nguồn cung cấp, nhất là đối với nhóm hàng tiêu dùng, quan trọng tại Châu Á để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ở trong nước.

Israel là cửa ngõ vào UAE, UAE là cửa ngõ đi ra toàn cầu

Việc FTA Việt Nam - Israel có hiệu lực sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc khai thác thị trường Israel nói riêng và nhiều thị trường tại khu vực Trung Đông nói chung. Bà Nguyễn Thị Diễm Hằng - Phó Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam (VCAC) - Phó Chủ tịch HĐQT - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam (Vinanutrifood) cho rằng cơ hội cho nông sản Việt Nam không chỉ dừng lại tại thị trường Israel mà còn mở ra cơ hội hợp tác với khu vực Trung Đông đầy tiềm năng thông qua cửa ngõ các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). “Israel là cửa ngõ vào UAE. UAE là cửa ngõ đi ra toàn cầu. Đến và chạm vào UAE đồng nghĩa với nông sản hàng hóa của Việt Nam có cơ hội đi ra thế giới. Các nhà buôn lớn đều đến UAE, Dubai, đến các chương trình lớn như Gulfood, Expo để giao thương, nhập lượng hàng hóa lớn về đất nước của họ” - Bà Hằng phân tích. Cùng với đó, các doanh nghiệp Việt còn có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang một số thị trường ngách, thị trường tiềm năng như Bangladesh, Pakistan; đồng thời coi các thị trường này là “bàn đạp” để thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ - một trong số những thị trường lớn trên thế giới với hơn 1,4 tỷ dân.

Văn hóa làm việc của các doanh nghiệp Israel cũng là một điểm cộng khiến doanh nghiệp Việt Nam có thể an tâm hợp tác, bởi nhu cầu mua các mặt hàng lương thực, thực phẩm và hàng tiêu dùng Việt Nam của doanh nghiệp Israel khá ổn định. Bên cạnh đó doanh nghiệp Israel làm ăn nghiêm túc, năng động, giao dịch nhanh.

Nhìn chung, cơ hội cho doanh nghiệp Việt tham gia vào sân chơi chung tại thị trường Israel là không nhỏ, tuy nhiên các doanh nghiệp cần lưu ý một số vấn đề như sau: Israel là quốc gia thường xuyên xảy ra xung đột, điều này có thể làm một số doanh nghiệp cảm thấy lo ngại khi đầu tư tại đây.

Israel là thị trường quy củ, bài bản và có tiêu chuẩn cao, khi làm ăn tại Israel doanh nghiệp cần nắm được đầy đủ quy định, tập tục làm ăn của quốc gia và doanh nghiệp đối tác, tránh tâm lý “ăn xổi”. Mặc dù tiêu chuẩn thị trường của Israel không quá khắt khe như Mỹ hay EU nhưng các doanh nghiệp Việt Nam cần xác định vẫn phải đáp ứng các tiêu chuẩn của người mua hàng, đặc biệt khi kinh doanh thực phẩm cần chú ý đến một số tiêu chuẩn đặc thù như Chứng nhận Kosher - tiêu chuẩn về thực phẩm của người Do Thái. Chứng nhận Kosher không phải là yêu cầu pháp lý để nhập khẩu thực phẩm vào Israel, tuy nhiên sản phẩm không theo tiêu chuẩn Kosher có thị phần nhỏ hơn tại Israel. Hầu hết siêu thị, khách sạn từ chối sử dụng sản phẩm không có chứng nhận này.

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin