(Pháp lý) – Tình hình dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, đòi hỏi phải tăng cường kịp thời nhân lực, vật lực chống dịch cho những địa phương có số ca nhiễm rất cao như TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang... 2 tuần gần đây, Chính phủ tiếp tục có nhiều chỉ đạo, hành động quyết liệt đối với công tác phòng, chống dịch COVID–19 của 19 tỉnh thành phía nam.
Trong kết luận tại Hội nghị trực tuyến (ngày 28.7) với các tỉnh, thành phố để triển khai thực hiện Điện của Thường trực Ban Bí thư về công tác phòng, chống dịch COVID-19 , Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Chính phủ chia sẻ với những khó khăn của nhân dân và doanh nghiệp đang gặp phải, nhất là khi thực hiện Chỉ thị 16 (các hoạt động bị han chế, biến động ở mức cao, các cháu học sinh không có kỳ nghỉ trọn vẹn, một bộ phận người dân mất việc, nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động…); sẽ tiếp tục đồng hành và tạo mọi điều kiện để các tỉnh, thành phố ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, nhanh chóng ổn định tình hình, sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường và tiếp tục thực hiện các giải pháp hiệu quả giúp đỡ người dân, doanh nghiệp trong điều kiện cao nhất có thể.
3 ưu tiên khi giãn cách xã hội 19 tỉnh, thành phố phía Nam
Ngày 17/7, tại công văn số 969/TTg-KGVX về việc thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch tại một số địa phương, Thủ tướng Chính phủ đồng ý áp dụng biện pháp giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh, thành phố theo quy định tại Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi tắt là Chỉ thị 16) đối với các địa phương: Cùng với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai đã thực hiện, bổ sung thành phố Cần Thơ và các tỉnh: Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang.
Đáng chú ý, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quán triệt và triển khai quyết liệt chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư tại Điện ngày 21 tháng 7 năm 2021 về tiếp tục tăng cường các biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa trong phòng, chống dịch COVID-19. Có thể áp dụng các biện pháp với mức yêu cầu cao hơn so với Chỉ thị 16.
Trên cơ sở tuân thủ nguyên tắc lãnh đạo, chỉ đạo phải tập trung, thống nhất, chuyên sâu ở tầm quốc gia dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19; căn cứ vào tình hình thực tế, các bộ, ngành, địa phương chủ động, sáng tạo, linh hoạt áp dụng các biện pháp phù hợp với diễn biến dịch bệnh trên địa bàn theo nguyên tắc trong tình hình mới phải có cách tiếp cận mới và các giải pháp quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn; có thể áp dụng các biện pháp với mức yêu cầu cao hơn (theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan) so với Chỉ thị 16 nhằm hạn chế giao lưu, tiếp xúc giữa người với người để nhanh chóng ngăn chặn dịch bệnh lây lan, song phải tăng cường giám sát, kiểm tra việc thực hiện và đẩy mạnh kêu gọi, vận động người dân nâng cao ý thức, tích cực, tự giác thực hiện; cần có biện pháp xử phạt nghiêm minh những cá nhân, tập thể không thực hiện hoặc thực hiện không nghiêm các quy định của Chính phủ, Ban Chỉ đạo và hướng dẫn của Bộ Y tế.
Thành lập “Tổ công tác đặc biệt” phòng, chống COVID-19 tại TPHCM
Ngày 18/7/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký văn bản 970/TTg-KGVX về việc thành lập “Tổ công tác đặc biệt” phòng, chống dịch COVID-19.
Theo đó, để hỗ trợ và phục vụ kịp thời, hiệu quả cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương phía Nam, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng căn cứ chức năng, nhiệm vụ quyền hạn được giao, thành lập ngay “Tổ công tác đặc biệt” phòng, chống COVID-19 của từng Bộ tại Thành phố Hồ Chí Minh, do một đồng chí Thứ trưởng phụ trách trực tiếp để phối hợp chặt chẽ với Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương phía Nam, nhất là các địa phương đang thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg chủ động xử lý, giải quyết ngay những nhiệm vụ phát sinh trong công tác phòng, chống dịch và những vấn đề liên quan.
Tổ công tác đặc biệt hàng ngày báo cáo Bộ trưởng và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và kịp thời đề xuất, kiến nghị đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.
Phải hết sức tránh quan liêu, “xa dân”, triển khai các giải pháp mới quyết liệt, mạnh mẽ, hiệu quả hơn để dập dịch
Hàng loạt nội dung quan trọng được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh trong kết luận tại Hội nghị trực tuyến ngày 28.7 với các tỉnh, thành phố để triển khai thực hiện Điện của Thường trực Ban Bí thư về công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Thủ tướng yêu cầu, lãnh đạo, chỉ đạo phải tập trung, thống nhất, chuyên sâu ở tầm quốc gia; trong tình hình mới phải hết sức tránh quan liêu, “xa dân”, phải có cách tiếp cận mới và triển khai các giải pháp quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn, quán triệt phương châm “rõ, nghiêm, chắc, hiệu quả”…
Các địa phương không tự đặt ra các quy định, thủ tục (như quy định về loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, không thiết yếu) trái với quy định chung, nhất là của pháp luật; những gì chưa hợp lý phát sinh từ thực tiễn cần đề xuất sửa đổi, điều chỉnh tổng thể, hợp lý, phù hợp.
Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc vận chuyển hàng hóa phục vụ người dân…
Để khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc cung ứng, vận chuyển, lưu thông hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm kịp thời phục vụ cho các địa phương, khu dân cư, đáp ứng nhu cầu đời sống người dân trong vùng có dịch COVID-19, ngày 25/7, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký ban hành văn bản số 1015/TTg-CN chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc vận chuyển hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống người dân vùng có dịch COVID-19.
Theo đó, trên cơ sở thống nhất của các Bộ: Giao thông vận tải; Công Thương, Công an, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chỉ đạo: Không thực hiện kiểm tra đối với các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm phục vụ đời sống người dân (đã được dán giấy nhận diện có mã QR Code của ngành Giao thông vận tải) trên các tuyến đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ, đường giao thông liên huyện, giao thông đô thị trên phạm vi cả nước.
Việc kiểm tra đối với các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống người dân nêu trên chỉ được thực hiện tại các điểm giao nhận hàng hóa, bảo đảm tuân thủ đầy đủ yêu cầu phòng chống dịch.
Đặc biệt quan tâm chăm lo đầy đủ đời sống, chăm sóc y tế cho người dân
Ngày 27/7, khi đi kiểm tra công tác phòng chống dịch thực tế tại TP HCM và một phần ở các tỉnh lân cận gồm Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Phó TT Vũ Đức Đam quán triệt và chấn chỉnh: Do dịch đã nhiễm rất rộng, ngấm rất sâu ở khu vực TPHCM nên Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cần có những biện pháp đặc biệt.
Thứ nhất là khu vực này phải thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt để giảm lây lan. Đối với những vùng còn an toàn, nguy cơ chưa cao, phải giữ cho bằng được. Giống như một khu rừng đang cháy, còn chỗ nào lửa chưa lan đến thì phải giữ bằng được.
Thứ hai là cả chính quyền đoàn thể và các tổ chức làm thiện nguyện cùng tham gia chăm lo đời sống hằng ngày cho người dân. Lực lượng làm thiện nguyện giống như lực lượng xung kích chống dịch, phải được tổ chức, phát phù hiệu, tiêm vaccine vì họ sẽ là người len lỏi tới tận mọi ngóc ngách để đưa lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm cũng như các trợ giúp khác đối với người dân đang trong khu cách ly, phong tỏa.
Chỉ đạo Bộ Tài chính khẩn trương đề xuất chính sách phù hợp hỗ trợ doanh nghiệp
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, về sản xuất công nghiệp trọng tâm là rất an toàn. Bắc Giang, Bắc Ninh là mô hình tốt nhưng không thể mang nguyên mô hình này áp nguyên cho TPHCM, “ba tại chỗ” ở TPHCM cũng phải khác, từng tỉnh cũng khác.
Nguyên lý cần đảm bảo là khi sản xuất phải giãn cách ở bên trong, giảm mật độ công nhân, phân ca, phân kíp để nếu có ca nhiễm thì chỉ một bộ phận nhỏ bị, và có thể cách ly ngay; đồng thời đảm bảo linh hoạt từng nơi, không áp dụng cứng nhắc.
Ngày 30/7, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã đồng ý đề xuất của Bộ Tài chính về sự cần thiết bổ sung các giải pháp tiếp theo để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chịu tác động của dịch Covid-19. Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các Bộ, cơ quan liên quan, trên cơ sở nghị quyết của Quốc hội tại kỳ họp thứ nhất khóa XV, khẩn trương hoàn thiện đề xuất ban hành (các) văn bản pháp luật phù hợp theo trình tự thủ tục rút gọn về các giải pháp tiếp theo hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chịu tác động của dịch Covid-19 theo đúng quy định và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10-8-2021 để trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định.
Trong đó, cần tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ các giải pháp chính sách hỗ trợ đã thực hiện vừa qua, trên cơ sở đó, xác định sự cần thiết phải điều chỉnh, bổ sung về đối tượng thụ hưởng, nội dung chính sách, thời hạn thực hiện... bảo đảm các chính sách phát huy hiệu quả cao nhất, hỗ trợ kịp thời cho người dân, doanh nghiệp…
Chỉ đạo Bộ Y tế triển khai các giải pháp theo định hướng mới, nhất là trong điều trị và phân bổ, tổ chức tiêm vaccine.
Cụ thể, giao Bộ Y tế chỉ đạo, hướng dẫn xử lý quá tải tại các cơ sở y tế trong tiếp nhận, cách ly, điều trị người nhiễm vi rut SARS-CoV-2, quan trọng nhất là thu dung, nghiên cứu phân loại nhanh F0 theo tình trạng bệnh (rất nhẹ, nhẹ, nặng, rất nặng, cấp cứu…) để có biện pháp quản lý, điều trị khoa học, phù hợp với năng lực cách ly và tập trung nguồn lực điều trị cho các đối tượng theo hướng phân loại người nhiễm thành các tầng điều trị một cách khoa học, hợp lý, sát thực tế (3 tầng hoặc 3 tầng 5 lớp… phải thống nhất khái niệm để khi thực hiện không lúng túng) và có trung tâm điều phối thống nhất (ví dụ: nhẹ, rất nhẹ có thể điều trị ở tuyến xã, huyện hoặc nghiên cứu hướng dẫn cách ly tại gia đình một cách chu đáo, an toàn cho nhân dân yên tâm; nặng, rất nặng thì chuyển lên tuyến trên; cấp cứu tại trung tâm…).
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan phải luôn lưu ý đối với việc nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước, cần phải dành sự quan tâm đặc biệt để nhanh nhất, sớm nhất có thể sản xuất được vaccine trong nước; trình tự, thủ tục hành chính có thể rút gọn tối đa, nhưng phải đặt tính mạng, sức khỏe của người dân lên trên hết, trước hết và phải bảo đảm các nguyên tắc, quy định về pháp lý, khoa học và thực tiễn.
Phân bổ kịp thời, hợp lý lượng vaccine đã có, tập trung cho các địa bàn, đối tượng ưu tiên, có nguy cơ cao và hướng dẫn, đôn đốc việc tiêm vaccine theo đúng kế hoạch, bảo đảm an toàn, hiệu quả...
Chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19 của TPHCM được tổ chức tại các cơ sở tiêm chủng cố định (bệnh viện, phòng khám, trung tâm y tế, trạm y tế và cơ sở tiêm chủng khác) và nhiều điểm tiêm chủng lưu động tại các khu dân cư.
Tại các khu phong toả, chính quyền địa phương căn cứ số lượng người dân để bố trí các điểm tiêm chủng cố định hoặc lưu động phù hợp, tránh để người dân đi chuyển đến các khu vực khác khi tham gia tiêm chủng.
Tuyệt đối không để người dân di chuyển khỏi tỉnh, thành có dịch để về quê và phải đảm bảo an sinh cho họ.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, và trước tình hình lượng người lớn dịch chuyển khỏi một số tỉnh thành phía Nam trong thời gian giãn cách, ngày 31/7, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 1063/CĐ-TTg về phòng, chống dịch COVID-19.
Công điện nêu rõ, các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg phải thực hiện nghiêm, nhất quán theo phương châm chỉ có thể thực hiện cao hơn, sớm hơn phù hợp theo tình hình thực tiễn tại địa phương. Tuyên truyền rộng rãi, kiểm soát nghiêm ngặt và thực hiện ngay các biện pháp hỗ trợ cần thiết về đời sống, y tế để người dân an tâm “ai ở đâu ở đấy”. Tuyệt đối không để người dân di chuyển khỏi tỉnh, thành phố nơi cư trú từ sau ngày 31 tháng 7 năm 2021 tới khi hết giãn cách (trừ những người được chính quyền cho phép).
Đánh giá về chỉ đạo này, nhiều chuyên gia cho rằng, giải pháp cấm di chuyển từ vùng dịch chắc chắn sẽ giúp xử lý một lúc bốn vấn đề: Trước hết là vấn đề dịch bệnh lây lan. Hàng nghìn, hàng vạn người rời khỏi vùng dịch về quê, nguy cơ mang theo dịch bệnh; Thứ hai là vấn đề rủi ro, cực nhọc của hàng ngàn, hàng vạn người dân di tản về quê; Thứ ba là vấn đề khó khăn, tiến thoái lưỡng nan của các địa phương; Thứ tư là vấn đề tâm trạng xã hội.
Tuy nhiên, giải pháp này đòi hỏi phải xử lý được hai vấn đề sẽ được đặt ra ngay lập tức: An toàn dịch bệnh cho những người bị cấm di chuyển về quê; An sinh cho những người này.
Đây trước hết là trách nhiệm của các chính quyền địa phương nơi dịch đang bùng phát. Nhưng sự trợ giúp của chính quyền Trung ương là rất cần thiết. Bởi vì rằng, chính quyền địa phương chắc chắn sẽ khó có đủ nguồn lực…
Chỉ đạo điều động, chi viện ngay nhân lực y tế cho các địa phương đang có nhiều ca lây nhiễm, bệnh nặng
Ngày 1.8.2021, Văn phòng Chính phủ đã ban hành văn bản hỏa tốc số 5258/VPCP-KGVX gửi Bộ trưởng Bộ Y tế và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc tăng cường nhân lực y tế phục vụ phòng chống dịch COVID-19. Theo đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế chủ động, khẩn trương hơn nữa trong việc chỉ đạo tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực điều trị, hồi sức cấp cứu trên phạm vi cả nước; căn cứ yêu cầu và khả năng đáp ứng chung trên bình diện toàn quốc, triển khai ngay phương án điều động, chi viện kịp thời cho các địa phương đang có nhiều ca lây nhiễm, bệnh nặng.
Văn bản nêu rõ, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, đòi hỏi phải tăng cường kịp thời nhân lực chống dịch, đặc biệt là các bác sĩ, điều dưỡng viên điều trị, hồi sức cấp cứu cho các địa phương có số ca nhiễm rất cao như: Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang,… Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có ý kiến chỉ đạo:
Bộ trưởng Bộ Y tế chủ động, khẩn trương hơn nữa trong việc chỉ đạo tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực điều trị, hồi sức cấp cứu trên phạm vi cả nước; căn cứ yêu cầu và khả năng đáp ứng chung trên bình diện toàn quốc, triển khai ngay phương án điều động, chi viện kịp thời cho các địa phương đang có nhiều ca lây nhiễm, bệnh nặng.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan y tế địa phương nâng cao năng lực, tham gia lực lượng chi viện theo sự điều động của Bộ trưởng Bộ Y tế./.
Sáng 1/8, tại thị xã Sơn Tây (Hà Nội), Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 5D, Bộ Quốc phòng đã tổ chức lễ ra quân, lên đường làm nhiệm vụ điều trị bệnh nhân COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương.
Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 5D trực thuộc Tổng cục Hậu cần (Bộ Quốc phòng) được thành lập lâm thời có quy mô 500 giường bệnh, biên chế 130 CBNVCS, do BV Quân y 105 chủ trì, phối hợp với Quân khu 7, Viện Y học cổ truyền Quân đội và một số đơn vị triển khai xây dựng tại ký túc xá ĐHQG TP Hồ Chí Minh, TP. Dĩ An (tỉnh Bình Dương).
Nam Kiên (tổng hợp)