Phải có đủ tiền kí quĩ trong tài khoản khi đặt lệnh giao dịch mua cổ phiếu từ 2/11/2024
Quy định về tiền ký quỹ khi giao dịch mua cổ phiếu
Theo Thông tư 68/2024/TT-BTC của Bộ Tài chính, có hiệu lực từ ngày 2/11/2024, nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện giao dịch mua cổ phiếu tại Việt Nam phải có đủ tiền ký quỹ trong tài khoản. Các công ty chứng khoán sẽ đánh giá rủi ro thanh toán của nhà đầu tư và xác định mức tiền phải có trước khi đặt lệnh. Quy định này nhằm hạn chế các rủi ro trong thanh toán và đảm bảo tính an toàn của các giao dịch chứng khoán, đồng thời đặt trách nhiệm kiểm soát rủi ro lên công ty chứng khoán và ngân hàng lưu ký.
Trong trường hợp không đủ tiền thanh toán, công ty chứng khoán sẽ thực hiện các biện pháp xử lý bằng cách chuyển quyền sở hữu hoặc bán cổ phiếu để hoàn trả khoản thiếu.
Quy định mới về mức lãi suất từ ngày 20/11/2024
- Thông tư 46/2024/TT-NHNN về quy định về việc áp dụng lãi suất đối với tiền gửi bằng đô la Mỹ của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Điều 3 về lãi suất, nêu rõ: "Tổ chức tín dụng áp dụng lãi suất tiền gửi bằng đô la Mỹ không vượt quá mức lãi suất tối đa do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định trong từng thời kỳ đối với tiền gửi của tổ chức và tiền gửi của cá nhân.
Ảnh minh họa
Lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đô la Mỹ quy định tại Thông tư này bao gồm các khoản chi khuyến mại dưới mọi hình thức, áp dụng đối với phương thức trả lãi cuối kỳ và các phương thức trả lãi khác được quy đổi theo phương thức trả lãi cuối kỳ.
Tổ chức tín dụng niêm yết công khai lãi suất tiền gửi bằng đô la Mỹ tại địa điểm giao dịch hợp pháp thuộc mạng lưới hoạt động của tổ chức tín dụng và đăng tải trên trang thông tin điện tử (nếu có) của tổ chức tín dụng. Tổ chức tín dụng khi nhận tiền gửi không được thực hiện khuyến mại dưới mọi hình thức (bằng tiền, lãi suất và các hình thức khác) không đúng với quy định của pháp luật".
- Thông tư 47/2024/TT-NHNN ban hành ngày 30/9/2024 sửa đổi khoản 3 Điều 3 Thông tư số 04/2022/TT-NHNN ngày 16/6/2022 về việc sửa đổi hình thức tiền gửi rút trước hạn từ chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và trái phiếu do tổ chức tín dụng phát hành thành "chứng chỉ tiền gửi do tổ chức tín dụng phát hành".
- Thông tư 48/2024/TT-NHNN ban hành ngày 30/9/2024 Quy định về việc áp dụng lãi suất đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; trong đó nêu rõ lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam: Không vượt quá lãi suất tối đa với tiền gửi không kỳ hạn, có kỳ hạn dưới 1 tháng, có kỳ hạn từ 1 - dưới 6 tháng trong từng thời kỳ và từng loại hình tổ chức tín dụng.
9 chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã từ ngày 1/11/2024
Nghị định 113/2024/NĐ-CP nêu rõ 9 chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã từ ngày 1/11/2024.
Cụ thể, Nhà nước có chính sách hỗ trợ pháp triển tổ hợp tác, hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã gồm: Chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; Chính sách hỗ trợ thông tin; Chính sách hỗ trợ xây dựng mạng lưới cung cấp dịch vụ tư vấn; Chính sách hỗ trợ nhân rộng mô hình hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động hiệu quả;
Chính sách hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; Chính sách hỗ trợ tiếp cận và nghiên cứu thị trường; Chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trang thiết bị; Chính sách hỗ trợ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; Chính sách hỗ trợ tư vấn tài chính và đánh giá rủi ro.
Trong đó, điều kiện để được hỗ trợ tại Điều 6 Nghị định 113/2024/NĐ-CP gồm: Không trong thời gian thi hành quyết định xử lý vi phạm hành chính do vi phạm hành vi bị cấm; không trong thời gian chấp hành bản án hình sự của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; Đáp ứng một trong các tiêu chí tại thời điểm nộp đơn đăng ký.
Các tiêu chí gồm: Số lượng thành viên tăng trong 2 năm liên tiếp liền kề năm nộp đơn, tỷ lệ giao dịch nội bộ tăng trong năm trước liền kề năm nộp đơn, tỷ lệ trích lập quỹ chung không chia cao hơn so với mức tối thiểu trong năm trước liền kề với năm nộp đơn…
Những qui định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Tư pháp
Ngày 18/9, Chính phủ ban hành Nghị định số 117/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã... có hiệu lực từ ngày 15/11/2024.
Cụ thể bổ sung trường hợp không chứng thực đầy đủ chữ ký của tất cả những người đã ký trong văn bản yêu cầu chứng thực chữ ký; cộng tác viên dịch thuật không đăng ký lại chữ ký mẫu khi có thay đổi sẽ bị phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng.
Với hành vi vi phạm về chứng thực hợp đồng, giao dịch, khoản 32 điều 1 nghị định 117/2024/NĐ-CP sửa đổi biện pháp khắc phục hậu quả là phải nộp lại bản chính giấy tờ, văn bản bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung trừ trường hợp bản chính đã bị tịch thu tang vật.Luật sư bị phạt đến 30 triệu đồng nếu xúc phạm người có thẩm quyền tiến hành tố tụng
Liên quan đến hành vi vi phạm quy định đối với hoạt động hành nghề luật sư, so với Nghị định 82/2020, nghị định 117 mới bổ sung quy định phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Như vậy, luật sư trong quá trình hành nghề nếu có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng như điều tra viên, cán bộ điều tra... sẽ bị phạt đến 30 triệu đồng.
Đây cũng là nội dung đã được quy định tại điều 15 Pháp lệnh 02/2022/UBTVQH15 xử phạt VPHC đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.