Nhận hơn 19 tỷ đồng "lại quả" từ Hà Văn Thắm, Lọc hóa dầu Bình Sơn kẹt 2.700 tỷ tại Oceanbank

30/04/2018 10:10

Ông Vũ Mạnh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn vừa bị bắt tạm giam là một trong 4 lãnh đạo của doanh nghiệp này đã nhận 19,36 tỷ đồng tiền lãi ngoài mà Hà Văn Thắm đã sai người đem đến. Chỉ vì lợi ích cá nhân, mà Công ty Lọc hoá dầu Bình Sơn bị kẹt hơn 2.734 tỷ đồng tại Oceanbank hơn 2 năm vẫn chưa đáo hạn.

Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn vẫn còn một khoản tiền 2.734,6 tỷ đồng gửi tại Oceanbank - Chi nhánh Quảng Ngãi đang tạm dừng giao dịch (Ảnh minh họa)
Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn vẫn còn một khoản tiền 2.734,6 tỷ đồng gửi tại Oceanbank - Chi nhánh Quảng Ngãi đang tạm dừng giao dịch (Ảnh minh họa))

Sợi dây Oceanbank - Bình Sơn

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C46) đang tiến hành điều tra vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) và Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank) theo Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 55/C46-P11 ngày 13.9.2017.

Đây là vụ án thuộc diện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

Căn cứ kết quả điều tra vụ án, ngày 27.4.2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra các Quyết định khởi tố bị can số 60/C46-P11; Lệnh bắt bị can để tạm giam số 18/C46-P11 và Lệnh khám xét số 23/C46-P11 đối với Vũ Mạnh Tùng, sinh năm 1974, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” theo Điều 355 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Hiện nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tập trung lực lượng làm rõ hành vi của bị can Vũ Mạnh Tùng và mở rộng điều tra đối với những đối tượng liên quan, thu hồi tài sản cho Nhà nước.

 

 Ông Vũ Mạnh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn mới đây đã bị khởi tố, bắt tạm giam (Ảnh: I.T)
Ông Vũ Mạnh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn mới đây đã bị khởi tố, bắt tạm giam (Ảnh: I.T))

Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2017 đã kiểm toán của Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn, tại ngày 31.12.2017, Bình Sơn có khoản tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn hơn 7,36 tỷ đồng và các khoản tương đương tiền gồm 2.734,62 tỷ đồng là tiền gửi có kỳ hạn 3 tháng tại Oceanbank - Chi nhánh Quảng Ngãi đang tạm dừng giao dịch. Ban Tổng Giám đốc Bình Sơn đánh giá khoản tiền này sẽ được giao dịch trở lại trong tương lai khi có những quy định cụ thể của Ngân hàng Nhà nước.

Trước đó, vào ngày 31.12.2015, Công ty Bình Sơn ghi nhận số tiền 419,5 triệu đồng tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn và 3.431,3 tỷ đồng là tiền gửi có kỳ hạn 3 tháng tại Oceanbank - Chi nhánh Quảng Ngãi bị tạm dừng giao dịch. Tới thời điểm ngày 31.12.2016, trong khi số tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn bị tạm dừng giao dịch tăng lên 6,32 tỷ đồng thì số tiền gửi có kỳ hạn 3 tháng tại Oceanbank - Chi nhánh Quảng Ngãi bị tạm dừng giao dịch lại giảm xuống còn 2.734,62 tỷ đồng.

Về khoản đầu tư tài chính ngắn hạn. Nếu như ở thời điểm ngày 31.12.2014, Công ty Bình Sơn có số tiền 2 tỷ đồng là tiền gửi kỳ hạn 12 tháng tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) - Chi nhánh Quảng Ngãi thì tới ngày cuối cùng của các năm 2015, 2016 và 2017, Bình Sơn đều cho biết số đầu tư ngắn hạn đến ngày đáo hạn này đang bị tạm dừng giao dịch. Ban Tổng Giám đốc đánh giá khoản tiền này sẽ được giao dịch trở lại trong tương lai khi có những quy định cụ thể của Ngân hàng Nhà nước.

 

 Nhiều khoản tiền gửi của Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn vào Oceanbank đang tạm ngừng giao dịch
Nhiều khoản tiền gửi của Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn vào Oceanbank đang tạm ngừng giao dịch)

Một chi tiết đáng chú ý trong vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) và Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank) là vào tháng 9.2017, khi vụ OceanBank xử Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn và đồng phạm đang được TAND TP. Hà Nội xét xử sơ thẩm, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố 3 vụ án hình sự, trong đó có vụ Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR).

Quá trình điều tra vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã xác định: Thực hiện chủ trương, chỉ đạo của Hà Văn Thắm - Chủ tịch Hội đồng quản trị OceanBank về việc chi trả lãi ngoài huy động vốn cho khách hàng gửi tiền trên toàn hệ thống OceanBank; trong thời gian từ năm 2010 đến ngày 31.11.2014, tổng số tiền OceanBank đã chi trả lãi ngoài cho các khách hàng gửi tiền là hơn 1.576 đồng, trong đó chi Công ty TNHH MTV Lọc dầu Bình Sơn (BSR): 19,36 tỷ đồng.

 

 Ông Vũ Mạnh Tùng từng khẳng định, không nhận bất cứ khoản tiền chi lãi ngoài từ bị cáo Nguyễn Minh Thu cũng như OceanBank (Ảnh: I.T)
Ông Vũ Mạnh Tùng từng khẳng định, không nhận bất cứ khoản tiền chi lãi ngoài từ bị cáo Nguyễn Minh Thu cũng như OceanBank (Ảnh: I.T))

Tại phiên tòa sơ thẩm, HĐXX đã triệu tập bổ sung 4 người đến từ Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn gồm: Nguyễn Hoài Giang (Chủ tịch HĐQT); Đinh Văn Ngọc (Tổng Giám đốc); Vũ Mạnh Tùng (Phó Tổng giám đốc) và Phạm Xuân Quang (Kế toán trưởng).

Trong quá trình xét xử, bị cáo Nguyễn Minh Thu khai nhận, giai đoạn làm Tổng giám đốc Oceanbank (từ tháng 1.2011) đã thực hiện chi trực tiếp cho các khách hàng. Trong đó, đã chi khoảng 19 tỷ đồng “chăm sóc khách hàng” cho các lãnh đạo Lọc hóa dầu Bình Sơn. Cụ thể ông Giang nhận mỗi lần từ 500 triêu – 1 tỷ đồng, khoảng 7 – 8 lần; ông Tùng khoảng 4 lần từ 500 triệu – 1 tỷ đồng; ông Quang khoảng 300-500 triệu đồng...

Tuy nhiên, đối chất tại tòa, ông Phạm Xuân Quang cho biết, thời điểm cao nhất, Lọc hóa dầu Bình Sơn gửi vào Oceanbank khoảng 1.100 tỷ đồng. Ông Quang khẳng định: “Không nhận được đồng nào lãi suất ngoài” và cho rằng: “Lời khai của bị cáo Nguyễn Minh Thu chỉ là lời khai một phía”.

Ông Vũ Mạnh Tùng, Phó tổng giám đốc Bình Sơn (phụ trách mảng tài chính kế toán- kế hoạch) cũng khẳng định, không nhận bất cứ khoản tiền chi lãi ngoài từ Nguyễn Minh Thu cũng như OceanBank.

Vướng chân ở Ethanol Dung Quất

Dù công bố kết quả sản xuất kinh doanh năm 2017 với kết quả khả quan khi tổng doanh thu năm 2017 đạt 82.133 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 8.110 tỷ đồng, tăng 72% so với năm 2016. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 23%, tỷ suất lợi nhuận sau thuế/doanh thu (ROS) đạt 9,5%.

Song trong báo táo tài chính năm 2017 của Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn, Công ty kiểm toán Deloitte vẫn đưa ra ý kiến ngoại trừ với dự án Ethanol Dung Quất.

Cụ thể, công ty kiểm toán không thể thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp về các điều chỉnh có thể phát sinh liên quan tới sự kiện Thanh tra Chính phủ kết luận một số tồn tại trong quá trình đầu tư Nhà máy Nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất, việc Công ty CP Nhiên liệu sinh học dầu khí Miền Trung tạm ghi tăng nguyên giá các tài sản của dự án này số tiền 1.790 tỷ VND và giá trị quyết toán Nhà máy Nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất. Do đó, không thể xác định liệu báo cáo tài chính hợp nhất kèm theo có cần thiết phải điều chỉnh hay không.

 

 Một góc dự án Nhà máy Nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất
Một góc dự án Nhà máy Nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất)

Trước đó, theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ tại văn bản số 3129 ngày 24.11.2016 cho thấy: Dự án Ethanol Dung Quất do Công ty CP Nhiên liệu sinh học dầu khí Miền Trung (Công ty con của Công ty Bình Sơn) làm chủ đầu tư.

Cổ đông góp vốn đến thời điểm tháng 10.2014 gồm Công ty TNHH MTV Lọc hoá dầu Bình Sơn: 599 tỷ đồng, chiếm 61%; PV Oil: 380 tỷ đồng, chiếm 38,75%; Tổng CTCP Dịch vụ tổng hợp Dầu khí (Petrosetco): 2,45 tỷ đồng, chiếm 0,25%.

Tổng mức đầu tư được phê duyệt là hơn 1.800 tỷ đồng nhưng đã tăng vốn lên hơn 2.100 tỷ đồng. Đơn vị được chỉ định thầu thực hiện dự án là Tổng công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật và xây lắp dầu khí (PTSC) cũng chưa có kinh nghiệm nên dự án bị chậm tiến độ, tăng chi phí cho chủ đầu tư.

Chi phí khấu hao tài sản cố định và chi phí vốn vay tăng dẫn đến tăng giá thành sản phẩm. Thị trường tiêu thụ xăng E5 tại nước ta còn thấp, do đó việc tiêu thụ hạn chế, nhà máy chỉ hoạt động cầm chừng, thậm chí không vận hành nhưng vẫn phát sinh nhiều chi phí. Năm 2014, nhà máy lỗ khoảng 164 tỷ đồng.

Theo Danviet

Bạn đang đọc bài viết "Nhận hơn 19 tỷ đồng "lại quả" từ Hà Văn Thắm, Lọc hóa dầu Bình Sơn kẹt 2.700 tỷ tại Oceanbank" tại chuyên mục Hồ sơ phá án. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin