Nhận diện những chiêu thức thủ đoạn doanh nghiệp thường sử dụng để trục lợi chính sách và kiến nghị giải pháp ngăn chặn.

21/11/2022 09:24

(Pháp lý). Có thể khẳng định một điều mọi chính sách kinh tế của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đề ra đều hướng tới người dân và doanh nghiệp, đều nhằm mục đích hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, an toàn và công bằng. Tuy nhiên, thực tế vẫn tồn tại một số doanh nghiệp không chịu chấp pháp làm ăn chân chính, chỉ nhăm nhăm lợi dụng những kẽ hở chính sách hoặc lợi dụng chính sách ưu đãi để thu lợi bất chính. Nhận diện rõ được những chiêu thức thủ đoạn này sẽ giúp cơ quan chức năng đưa ra những giải pháp ngăn chặn, tạo sự minh bạch, công bằng trong đầu tư kinh doanh.

anh-1-1653967421.jpg
Doanh nghiệp làm ăn không chân chính thường dùng mọi chiêu thức thủ đoạn tinh vi để trục lợi. (ảnh minh hoạ)

Nhận diện những chiêu thức, thủ đoạn mà doanh nghiệp thường dùng để trục lợi chính sách.

Tháng 5.2022, Báo Tiền Phong đã đăng tải loạt bài điều tra gây chấn động về đường dây nhập siêu xe biếu tặng có dấu hiệu lách luật trốn thuế, trục lợi.

Theo quy định hiện hành, kinh doanh ô tô nhập khẩu là ngành kinh doanh có điều kiện đi kèm với các quy định rất chặt chẽ. Để được nhập khẩu ô tô, đơn vị, doanh nghiệp phải đáp ứng đầy đủ điều kiện theo quy định tại Nghị định 116/2017/NĐ-CP, như điều kiện về cơ sở bảo hành bảo dưỡng; đơn vị nhập khẩu phải được ủy quyền của nhà sản xuất gốc thực hiện lệnh triệu hồi ô tô ở Việt Nam…

 

anh-2-1653967456.jpg
Nhiều "siêu xe" trị giá hàng chục tỷ đồng núp dưới danh nghĩa quà biếu, quà tặng vào Việt Nam (ảnh internet)

Vì thế, chỉ có các nhà sản xuất lắp ráp và phân phối ô tô chính hãng mới thực hiện được còn đối với các tổ chức hoặc cá nhân không thể nhập xe ô tô về như hàng hóa thông thường. Tuy nhiên, để có thể nhập khẩu đơn lẻ được ô tô, một số cá nhân tổ chức đã lách quy định pháp luật để nhập khẩu những chiếc "siêu xe" trị giá hàng chục tỷ đồng núp dưới danh nghĩa quà biếu, quà tặng.

Bên cạnh đó, mặc dù nhập khẩu ô tô được biếu tặng vẫn phải nộp đủ các loại thuế như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp… tuy nhiên, để có thể gia tăng tối đa lợi nhuận theo nhận định của nhiều chuyên gia, khi nhập khẩu ô tô được biếu tặng các đối tượng này thường kê khai giá trị xe thấp hơn nhiều so với thực tế so với trị giá thực nhằm giảm tối đa số thuế phải nộp. Với chiêu thức này, nếu một đơn vị nhập khẩu xe núp bóng biếu tặng thông quan trót lọt có thể thu lợi hàng tỷ đồng từ việc chênh lệch tiền thuế, gây thất thu ngân sách.

Mặc dù vụ việc mà báo tiền phong phanh phui đang được cơ quan chức năng khẩn trương kiểm tra, xác minh làm rõ và xử lý các cá nhân tổ chức nếu phát hiện có sai phạm. Tuy nhiên, qua vụ việc này chúng tôi thấy rằng, không chỉ riêng việc quản lý nhập khẩu ô tô hiện nay, mà còn rất nhiều lĩnh vực khác cũng đang tồn tại nhiều hạn chế trong chính sách pháp luật tạo điều kiện cho một số cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng để trục lợi bằng nhiều chiêu thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp:

1. Đủ mọi chiêu thức thủ đoạn tinh vi để gian lận thương mại, trục lợi, trốn thuế trong hoạt động xuất nhập khẩu. Cụ thể, một số doanh nghiệp làm ăn không chân chính lợi dụng sự thông thoáng trong thông quan điện tử tại các cửa khẩu để khai sai về tên hàng, số lượng, chủng loại, mã số hàng hóa… nhằm mục đích gian lận, giảm số thuế nhập khẩu phải nộp đối với hàng hoá thông quan.

Điều này có thể thấy rõ quan số liệu của Tổng Cục Hải quan, theo số liệu mới nhất của Tổng Cục Hải quan, từ đầu năm 2022 đến 15/4, toàn ngành Hải quan thực hiện kiểm tra sau thông quan 386 cuộc; tổng số tiền ấn định thuế và xử phạt vi phạm hành chính là 105,50 tỷ đồng, đã thực thu vào ngân sách 64,08 tỷ đồng, trong năm 2021 đã thực hiện kiểm tra sau thông quan 1.802 cuộc, trong đó có 423 cuộc tại trụ sở người khai hải quan, 1.379 cuộc tại trụ sở cơ quan hải quan. Tổng số tiền ấn định thuế và xử phạt vi phạm hành chính là 859,03 tỉ đồng.

Có nhiều doanh nghiệp một số phương thức, cách thức, thủ đoạn gian lận xuất xứ như: lợi dụng ưu đãi thuế quan của Việt Nam được hưởng đối với các nước ký kết hiệp định thương mại, các doanh nghiệp nhập hàng từ các nước khác, rồi đóng mác “Made in Vietnam” sau đó xuất khẩu để hưởng lợi. Hoặc hàng hóa được đặt sản xuất ở nước ngoài trước khi nhập khẩu về Việt Nam, nhưng các thông tin về nhãn hiệu, địa chỉ trụ sở được ghi sẵn bằng tiếng Việt và dòng chữ “Made in Vietnam” hoặc “sản xuất tại Việt Nam” trên sản phẩm, bao bì sản phẩm để lừa dối người tiêu dùng…

Đáng chú ý có trường hợp doanh nghiệp lợi dụng chính sách hoàn thuế GTGT đối với hàng hoá xuất khẩu cố tình giả mạo hồ sơ chiếm đoạt tiền hoàn thuế, điển hình như vụ án hơn 70 doanh nghiệp trong đó có một số doanh nghiệp liên quan đến Thuduc House chiếm đoạt hàng trăm tỉ đồng tiền hoàn thuế hồi đầu năm 2020.

2. Lợi dụng đấu giá đất công để gây nhiễu loạn thị trường để trục lợi, là một trong những thủ đoạn điển hình mà chúng tôi thấy khi theo dõi diễn biến thị trường BĐS những năm gần đây.

Trước tiên cần khẳng định, chính sách đấu giá quyền sử dụng đất là chính sách tiến bộ trên nguyên tắc cạnh tranh lành mạnh giữa những người tham gia đấu giá, góp phần tạo lập sự ổn định, sự minh bạch, công bằng xã hội trong hoạt động giao đất, cho thuê đất, đảm bảo lợi ích của Nhà nước và lợi ích của người sử dụng đất. Đồng thời giúp Nhà nước huy động được tối đa nguồn thu cho ngân sách, tạo vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, thời gian qua xuất hiện tình trạng một số cá nhân, tổ chức đã lợi dụng việc tham gia các cuộc đấu giá quyền sử dụng đất tại một số địa phương nhằm mục đích gây nhiễu loạn thị trường để trục lợi.

Theo đó, có trường hợp lợi dụng việc tham gia đấu giá dùng các thủ đoạn bắt tay nhau để dìm giá, mua rẻ tài sản của nhà nước nhằm mục đích đầu cơ, trục lợi. Minh chứng điển hình là vụ án vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản 49.000 m2 tại dự án xây dựng HTKT đất phía Đông Nam thôn Cổ Dương (xã Tiên Dương, huyện Đông Anh), liên quan đến bà Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch HĐQT Vimedimex và 7 bị can mà Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hà Nội khởi tố hồi cuối năm 2021.

 

anh-3-1653967456.jpg
Lợi dụng đấu giá đất công để gây nhiễu loạn thị trường để trục lợi (ảnh minh hoạ)

Cơ quan điều tra xác định các đối tượng đã sử thủ đoạn vây thầu, tức là cho tất cả các công ty con, cá nhân đi đấu thầu, đồng thời thông đồng với cán bộ của ban quản lý cùng với công ty thẩm định giá can thiệp để điều chỉnh trị giá khu đất xuống thấp hơn giá trị thực từ 500 tỷ hạ xuống còn 300 tỷ đồng để thắng thầu và bán với giá gấp nhiều lần gây thất thoát ngân sách 200 tỷ đồng.

Đáng nói, có trường hợp tham gia để thổi giá với giá rất cao, thậm chí cao gấp nhiều lần sau đó bỏ cọc và chấp nhận chịu phạt nhằm mục tiêu cạnh tranh với các doanh nghiệp đối thủ, không muốn cho đối thủ có được mảnh đất hoặc nhằm đẩy giá đất thị trường lên cao tạo tình trạng sốt đất ảo và thu lợi từ mảnh đất mà cá đối tượng này đang lắm giữ...

3. Cấu kết công - tư để trục lơi, một trong những thủ đoạn thường được sử dụng nhất không thể không kể đến đó chính là thông đồng móc ngoặc giữa doanh nghiệp với những quan chức có thẩm quyền nhằm gian lận trong đấu thầu, chỉ định thầu; cổ phần hoá, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước… để trục lợi, thâu tóm đất công. Điều này có thể nhận thấy rõ qua hàng loạt các vụ án tham nhũng liên quan đến đấu thầu mua sắm vật tư, thiết bị y ngành y tế như vụ "thổi giá" kit test của Công ty Việt Á, vụ CDC Hà Nội, vụ thiết bị y tế Bệnh viện Bạch mai; hay hàng loạt các vụ “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” như vụ Sabeco, vụ 8 - 12 Lê Duẩn, TP.HCM, vụ 43ha đất Bình Dương…

Trên đây chỉ là một số những chiêu thức, thủ đoạn các doanh nghiệp làm ăn không chân chính thường dùng mà chúng tôi nhận nhiện được qua theo dõi những vụ việc, vụ án kinh tế nổi cộm trong gian qua. Chắc chắn còn nhiều chiêu thức thủ đoạn khác tinh vi, phức tạp khác mà doanh nghiệp sử dụng nhằm trục lợi từ những chính sách kinh tế, tạo ra sự cạnh tranh thiếu công bằng, gây thất thoát ngân sách sách nhà nước.

Nguyên nhân từ đâu?

Thực tiễn cho thấy, để cá nhân, doanh nghiệp làm ăn không chân chính có thể qua mắt được các cơ quan chức năng, thực hiện trót lọt những hành vi tinh vi, phức tạp nhằm trục lợi có thể kể đến nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, theo nhận định chủ quan của chúng tôi, trong đó nổi lên một số nguyên nhân chủ yếu sau:

1. Từ những tồn tại, hạn chế trong chính sách pháp luật kinh tế. Cụ thể, nhiều văn bản quy phạm pháp luật thực tế chưa đáp theo kịp sự phát triển với tốc độ nhanh chóng của nền kinh tế thị trường. Đặc biệt, hệ thống pháp luật về quản lý kinh tế chưa thực sự hoàn thiện, thiếu sự đồng bộ và còn nhiều sơ hở, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng lợi dụng để thực hiện hành vi sai phạm.

2. Công tác quản lý doanh nghiệp hiện nay của các cơ quan chức năng chuyên môn như cơ quan thuế, hải quan, tài chính, kế hoạch đầu tư… có nơi, có lúc vẫn chưa thực sự chặt chẽ, chưa nắm bắt, đánh giá chưa đúng thực trạng hoạt động của doanh nghiệp là nguyên nhân tạo ra “kẽ hở” cho các doanh nghiệp lợi dụng thực hiện những hành vi vi phạm nhằm thu lợi bất chính như thông thầu, gian lận, trốn thuế…

Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra của các ban ngành nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vi phạm pháp luật chưa được quan tâm đúng mức, có trường hợp một số cán bộ còn thông đồng, cấu kết tiếp tay cho các sai phạm.

3. Công tác tuyên truyền, phổ biến chế độ, chính sách pháp luật của các cơ quan có thẩm quyền chưa đi vào chiều sâu, còn mang nặng tính hình thức. Trong khi đó, khi kinh doanh các doanh nghiệp sẽ tìm mọi cách để có được lợi nhuận tối đa thậm chí một số doanh nghiệp có thể bất chấp cả việc vi phạm pháp luật…

Kiến nghị

Thiết nghĩ, mọi chính sách kinh tế của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đề ra đều hướng tới người dân và doanh nghiệp, đều nhằm mục đích hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, an toàn và công bằng. Tuy nhiên, nếu không có sự giám sát chặt chẽ, thực thi nghiêm chỉnh sẽ rất dễ xảy ra tiêu cực, trục lợi  chính sách. Điều này không những làm thất thoát tài sản nhà nước mà còn tạo ra sự cạnh tranh thiếu công bằng giữa các doanh nghiệp làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, an toàn và công bằng.

Do đó, để chính sách kinh tế không bị các doanh nghiệp làm ăn không chân chính trục lợi, theo chúng tôi, các cơ quan chức năng cần thực hiện tốt một giải pháp sau đây:

1. Hoàn thiện hành lang pháp lý và chính sách kinh tế để các quy định của pháp luật và các chính sách kinh tế của Nhà nước, đảm bảo khoa học, chặt chẽ, không tồn tại những kẽ hở, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng lợi dụng để trục lợi.

2. Đối với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tiếp tục củng cố, kiện toàn các cơ quan chức năng, chuyên môn như cơ quan thuế, hải quan, tài chính, kế hoạch đầu tư… để quản lý thật tốt hoạt động của doanh nghiệp. Đặc biệt cần có cơ chế kiểm soát quyền lực của quan chức, cán bộ để tránh tình trạng thông đồng, cấu kết với doanh nghiệp tiếp tay cho các sai phạm. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra các doanh nghiệp kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm hành vi vi phạm nhằm thu lợi bất chính như thông thầu, gian lận, trốn thuế…

3. Cần có những chế tài hành chính, hình sự đủ mạnh để răn đe và xử nghiêm hành vi trục lợi từ chính sách. Xử lý nghiêm cán bộ thoái hóa biến chất tiếp tay cho sai phạm.

4. Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật một cách sâu, rộng đến các tầng lớp nhân dân nhất là các doanh nghiệp thấy rõ tính nguy hại của việc trục lợi chính sách và tích cực tố giác, đấu tranh lên án những trường hợp cố tình vi phạm…

Đinh Chiến – Văn Thư
Bạn đang đọc bài viết "Nhận diện những chiêu thức thủ đoạn doanh nghiệp thường sử dụng để trục lợi chính sách và kiến nghị giải pháp ngăn chặn." tại chuyên mục Pháp lý và Kinh doanh. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin