Nhà báo Bùi Lan Anh: “Để có được những thước phim điều tra chân thực, đôi khi Nhà báo phải trả cả bằng máu”

(Pháp lý) - Lặn xuống biển để trực tiếp thực hiện phóng sự về tình trạng xả thải của doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường, bị truy đuổi trong quá trình lấy những thước phim chân thực về doanh nghiệp xả thải trộm; phải nhận những tin nhắn, cuộc gọi đe dọa khi thực hiện điều tra về môi trường… Đó là những kí ức khó quên của Nhà báo Bùi Lan Anh (Đài truyền hình kỹ thuật số VTC) khi làm phóng sự điều tra về môi trường.

Bùi Lan Anh được biến đến là nhà báo có nhiều phóng sự điều tra gây tiếng vang về vấn đề môi trường.
Bùi Lan Anh được biến đến là nhà báo có nhiều phóng sự điều tra gây tiếng vang về vấn đề môi trường.)

Học báo in nhưng bén duyên với điều tra trên báo hình

Nhà báo Bùi Lan Anh được biết đến với hàng loạt phóng sự điều tra về môi trường chân thực, sâu sắc. Cũng bởi sự chân thực từ những phóng sự mà chị cùng ê kíp thực hiện nên khi các phóng sự được phát sóng thu hút sự quan tâm của xã hội và giải quyết được nhiều vấn đề tồn tại của xã hội. Quá trình thực hiện các phóng sự, chị còn nhận được nhiều giải thưởng báo chí như Giải B giải báo chí Quốc gia với tác phẩm “Đánh bùn ra biển”; Giải Bạc cho phóng sự "Truy tìm thủ phạm gây ô nhiễm biển miền Trung" tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 2016, Giải A Phóng sự "Xẻ thịt Phú Quốc" Hội báo toàn quốc – giải thưởng về môi trường…

Lan Anh học báo in tại Học viện Báo chí tuyên truyền nhưng sau đó lại thành công trong lĩnh vực truyền hình. Kể về hành trình đến với báo hình, Lan Anh nói: Tôi đã thử vài loại hình báo chí, mỗi loại hình 1 thời gian ngắn, cho đến khi thấy trên VTC đăng tuyển phóng viên. Khi ấy tôi chỉ nghĩ, mình muốn thử sức với 1 loại hình báo chí mới. Tôi quyết định thi tuyển và trúng tuyển. Ban đầu tôi tự học và tham gia các lớp đào tạo kỹ năng truyền hình như sử dụng hình ảnh, âm thanh, kỹ thuật dựng...

“Là một cử nhân báo viết vừa tốt nghiệp, tôi thậm chí còn không biết cầm 1 cái Mic truyền hình như thế nào cho đúng nhưng khi vào VTC tôi đã được dìu dắt bởi những nhà báo truyền hình giỏi và có tâm. Đó là người tận tình, "cầm tay chỉ việc" cho từng phóng viên tập sự như chúng tôi khi mới bước vào nghề. Từ những cụm hình, câu hình, trục, cảnh, bối cảnh, đến từng frame hình ảnh được dựng trên bàn dựng, tư duy của báo hình... tôi đều được sếp và cũng là thầy của mình tận tình chỉ dạy. Khi tôi thực hiện các phóng sự trong các sự kiện nóng, những thành công của tôi đều có dấu ấn của người thầy, các anh chị đi trước ở VTC, đồng nghiệp…

Nhà báo Lan Anh tâm sự: Tôi nghĩ làm các chương trình truyền hình có chất lượng trong bối cảnh truyền thông đa phương tiện như hiện nay, đòi hỏi sự cố gắng, nỗ lực nhiều hơn của mỗi phóng viên. Làm báo điều tra thì muôn vàn khó khăn nhưng khi đối diện với những khó khăn, sự kiện nóng, tôi không có nhiều thời gian để phân vân: Nên hay không nên làm. Lúc đó, mục tiêu chính là khám phá điều gì đang diễn ra, và cần phải tìm thấy câu trả lời. Chỉ sau khi thực hiện xong, phát sóng, áp lực lúc đó mới bắt đầu đến, lúc đó nghĩ lại, đúng là có chút băn khoăn. Khi người ta có thời gian lắng lại, mới có thể nghĩ và do dự. Nhưng như nhiều nhà báo khác, khi đã say nghề, người ta thường không nghĩ nhiều. Khi gắn bó với truyền hình lâu, bạn sẽ cảm thấy yêu cái nghề này. Vì những hình ảnh mà bạn có, khi đến với khán giả, được khán giả đón nhận, bạn sẽ cảm thấy rất vui sướng, có phần tự hào, vì những gì bạn chứng kiến, bạn "kể" được với mọi người bằng hình ảnh...”.

Dấn thân để làm điều tra về môi trường

Trong hành trình dấn thân điều tra, kí ức của nhà báo Lan Anh còn in dấu nhiều kỉ niệm. Chị chia sẻ: Trong sự nghiệp của tôi, có nhiều chuyến công tác đáng nhớ, nhưng đáng nhớ nhất là lần đi công tác thực hiện điều tra liên quan đến vụ việc cá chết trên biển miền Trung liên quan đến Formosa vào tháng 4/2016. Cho đến nay, đó là sự kiện nóng nhất, phức tạp nhất căng thẳng nhất mà tôi và ekip của mình thực hiện vào thời điểm đó. Đó là sự kiện mà một ekip phóng viên trẻ lần đầu tiên phải đối mặt với những áp lực của công việc làm báo điều tra. Ekip của tôi khi tiếp cận các thông tin từ hiện trường, phản ánh của người dân, đến khi lặn xuống biển ghi hình ảnh về cống thải của doanh nghiệp, hay ghi lại phỏng vấn thách thức của ông Chu Xuân Phàm… là những thông tin mở màn cho cả xã hội vào cuộc, lên tiếng và tìm ra nguyên nhân cá chết trên biển miền Trung.

Khi thực hiện điều tra, Lan Anh bị truy đuổi. Cô tâm sự, để có được những thước phim điều tra chân thực nhà báo phải trả cả bằng máu…

Có rất nhiều kỷ niệm khi đi tác nghiệp liên quan đến sự kiện này. Thế nhưng, có lẽ đáng nhớ nhất chính là cảm giác khi mà chúng tôi đến với bãi biển ở Quảng Trạch, Quảng Bình. Khi mà dọc bãi biển chất đầy những xác cá. Khi chúng tôi cùng với ngư dân, đi nhặt cá trên bờ. Nỗi xót xa của người dân khi biển bị ô nhiễm, khi cá chết, khi kế mưu sinh bị ảnh hưởng và cuộc sống hoang mang vô định. Người dân khóc, phóng viên khóc. Hà Tĩnh, miền Trung cũng là quê hương của tôi. Những gì diễn ra trên biển thời điểm đó, khiến nhiều người dân Việt cảm thấy đau lòng. Đó cũng là một trong những lý do khiến chúng tôi tập trung tìm hiểu bằng được nguyên nhân của vụ việc. Khi tiếp cận với cống xả thải, tận mắt chứng kiến những dòng nước thải ra từ đường ống, khi chúng tôi đưa toàn bộ tư liệu đó đi hỏi những người có trách nhiệm của Formosa, điều nhận lại được chính là câu nói về sự lựa chọn “Chọn cá hay chọn thép” của ông Chu Xuân Phàm (Ban lãnh đạo công ty Formosa khi ấy). Mọi chuyện sau đó, như các bạn đã biết, thúc đẩy lực lượng chức năng vào cuộc, Chính phủ, Bộ TNMT, lực lượng chức năng điều tra gấp rút và đã tìm được nguyên nhân. Cảm giác đi đầu là cảm giác hạnh phúc của mỗi PV. Tuy nhiên, với mỗi PV truyền hình thì việc hợp đồng tác chiến với ekip của mình vô cùng quan trọng. Formosa cũng là sự kiện mà chúng tôi "đốt đuốc đi đầu”. Nhiều áp lực, nhiều căng thẳng nhưng chúng tôi vẫn hay đùa với nhau, với truyền hình thì “hình là máu”, vì vậy, phải có được hình ảnh, bảo vệ hình ảnh và sử dụng hình ảnh để truyền tải thông điệp đến khán giả.

Những hình ảnh đầu tiên luôn là những hình ảnh ấn tượng và mang lại cảm giác hạnh phúc.

image002Nhiều người nói tôi là người thích tự mình tìm kiếm các câu chuyện mở màn. Bản thân tôi khi làm phóng viên, lại yêu thích mảng điều tra, dù là mảng khó, thì việc tiếp cận và có những thông tin đầu tiên luôn là khát khao của một người làm báo. Thực tế, cảm giác mở màn cho các sự kiện, tạo hiệu ứng, để dư luận xã hội vào cuộc khiến thông tin của nhà báo có sức nặng hơn, giải quyết được những vấn đề mà thông tin, sự kiện, vấn đề đặt ra.

Ngay trong sự kiện Vĩnh Tân, chúng tôi cũng là những người đầu tiên khảo sát hiện trường đáy biển, phát hiện ra sự khác biệt giữa những khẳng định của lực lượng chức năng và hiện trường tác nghiệp thực tế đáy biển Vĩnh Tân. Từ đó, dư luận xã hội đồng thuận lên tiếng, phản đối dự án đe dọa môi trường tại Bình Thuận, phương án khác nhận chìm đổ thải cũng đã được lựa chọn. Hay bản thân sự kiện bắt quả tang xả thải cũng là “phát súng” mở màn cho sự vào cuộc của lực lượng chức năng xử lý vấn đề môi trường trên kênh Bắc Hưng Hải. Hay cảm giác mở màn cho những câu chuyện diễn ra ở các đặc khu, như đặc khu Phú Quốc. Cảm giác đi đầu là cảm giác hạnh phúc của mỗi phóng viên. Tuy nhiên, với mỗi phóng viên truyền hình thì việc hợp đồng tác chiến với ekip của mình vô cùng quan trọng. Phải có được hình ảnh, bảo vệ hình ảnh và sử dụng hình ảnh để truyền tải thông điệp đến khán giả. Những hình ảnh đầu tiên luôn là những hình ảnh ấn tượng và mang lại cảm giác hạnh phúc.

Vấn đề của xã hội được giải quyết… là hạnh phúc của người làm báo

Nói về những mong mỏi trong nghề nghiệp, Lan Anh chia sẻ: Sau khi tác nghiệp, điều mà tôi quan tâm nhất là việc xử lý của lực lượng chức năng đối với sai phạm của doanh nghiệp và những biện pháp khắc phục, xử lý kiểm soát môi trường của khu vực đó. Tôi vẫn tiếp tục theo dõi thông tin xử lý của Cục cảnh sát môi trường và Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trong nhiều vụ việc, chúng tôi khi có hình ảnh thường liên hệ với lực lượng chức năng để có thêm các thông tin và để lực lượng chức năng có thêm chứng cứ để xử lý. Các nạn nhân hay là những đối tượng chịu tác động thường vẫn giữ mối liên hệ chặt chẽ với phóng viên, để khi có sự kiện diễn ra chúng tôi vẫn nắm được thông tin.

Nhiều người nhận xét, nhà báo Lan Anh là đỉnh trong điều tra và phản ánh những vấn đề trong lĩnh vực môi trường. Lan Anh khiêm tốn: “Tôi không thể nói mình ở "đỉnh" được. Những thành công trong sự nghiệp làm báo với tôi còn quá khiêm tốn so với các anh chị đồng nghiệp. Tuy nhiên, làm điều tra, như nhiều phóng viên khác, tôi cũng có nhiều trăn trở. Mảng điều tra là mảng nguy hiểm, đòi hỏi sự dấn thân, nhưng cũng là mảng mà nhiều phóng viên, nhà báo thích tham gia và lựa chọn để theo đuổi. Vì khi làm điều tra, tức là mình góp phần vào việc bóc tách những mảng tối, những góc khuất của những sự vụ trong cuộc sống mà người dân, dư luận hay lực lượng chức năng đều mong muốn tìm được câu trả lời tận gốc của vấn đề. Khi làm điều tra, nhà báo góp phần công sức của mình vào việc khám phá những vấn đề nóng, hấp dẫn. Với tính cách thích khám phá những điều mới lạ, thích làm những công việc mạo hiểm nên tôi thích mảng này. Tất nhiên, là cũng phải thực sự biết hi sinh, đối mặt với những khó khăn, gian khổ khi làm điều tra… Tôi nhận được vô vàn tin nhắn, cuộc gọi đe dọa. Thậm chí, có lúc phải xác định đánh đổi bằng cả máu của mình. Nhưng bù lại, những vụ việc đó được sáng tỏ, người dân biết thông tin, lực lượng chức năng có thêm cơ sở điều tra, và mình góp phần làm cho xã hội tốt đẹp hơn…

Ngô Minh Hải

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin