Nguyên Trưởng phòng kinh doanh ngân hàng Đông Á Nguyễn Huỳnh Đăng được xác định là đã giúp sức cho Trần Phương Bình trong việc kinh doanh ngoại hối gây thiệt hại cho DongA Bank 385 tỉ đồng.
Theo dự kiến, ngày 27/11, TAND TP.HCM sẽ mở phiên tòa xét xử 26 bị cáo trong vụ án Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng Đông Á (DongABank).
Liên quan tới vụ án này, ngày 28/12/2012, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can Nguyễn Huỳnh Đăng - nguyên Trưởng phòng kinh doanh DongABank về tội cố ý làm trái quy định nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Sau khi khởi tố, Đăng bỏ trốn khỏi địa phương nên cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã quyết định ra lệnh truy nã đối với bị can Nguyễn Huỳnh Đăng, khi nào bắt được sẽ xử lý sau.
Theo hồ sơ của cơ quan công an, đối tượng Nguyễn Huỳnh Đăng, 47 tuổi, sinh tại Thừa Thiên Huế; nơi đăng ký HKTT: 521/64C Cách mạng Tháng 8, phường 13, quận 10, TP.HCM; chỗ ở: B20 đường số 30 Trần Não, phường Bình An, quận 2, TP.HCM.
Nguyễn Huỳnh Đăng bị khởi tố về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại Điều 165 Bộ luật Hình sự năm 1999. Bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay đối tượng đang bị truy nã đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất. Sau khi bắt hoặc tiếp nhận đối tượng truy nã phải báo ngay cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (Phòng 10, C46); Địa chỉ: số 47 Phạm Văn Đồng, Cầu Giấy, Hà Nội; Điện thoại: 069.2322621.
Được biết, từ năm 2001 đến năm 2005, DongABank đã thực hiện mở các tài khoản giao dịch USD tại ngân hàng UOB (Singapore) để kinh doanh ngoại hối tại thị trường quốc tế.
Trần Phương Bình - cựu TGĐ, Phó Chủ tịch HĐQT, chủ tịch Hội đồng tín dụng DongABank đã chỉ đạo trực tiếp phòng kinh doanh DongABank do Nguyễn Huỳnh Đăng - Trưởng phòng, Nguyễn Thị Ái Lan và Nguyễn Thị Kim Loan (là nhân viên Phòng Kinh doanh) thực hiện các giao dịch với ngân hàng UOB thông qua kênh liên lạc là màn hình, thể hiện dưới dạng lệnh kinh doanh (lệnh Deal).
Nội dung lệnh Deal thể hiện việc DongABank mua của ngân hàng UOB loại ngoại tệ nào, số lượng bao nhiêu, phải thanh toán cho đối tác những loại tiền gì, số lượng như thế nào.
Hoạt động kinh doanh này kéo dài từ năm 2001 - 2003 diễn ra bình thường. Đến năm 2003 - 2005, việc kinh doanh thường xuyên thua lỗ theo các lệnh Deal đã đặt. Trần Phương Bình chỉ đạo phòng kinh doanh của DongABank liên hệ, thỏa thuận với ngân hàng UOB cho kéo dài thời hạn thanh toán số tiền lỗ này bằng việc gia hạn các lệnh Deal còn dư nợ. Đề nghị này được ngân hàng UOB chấp thuận vì lý do đang có 15,5 triệu USD tiền gửi có kỳ hạn và hơn 4,7 triệu USD ký quỹ tại chính ngân hàng UOB.
Để che giấu hành vi trả nợ trong hoạt động kinh doanh ngoại hối, Trần Phương Bình chỉ đạo cấp dưới lập 15 phiếu thu nhập ngoại tệ mặt khống từ ngân hàng UOB với tổng số tiền là 20,9 triệu USD nội dung thể hiện là DongABank đã rút, nhập ngoại tệ mặt đưa tiền vào kho quỹ.
Tương tự Trần Phương Bình chỉ đạo cấp dưới lập, ký và hạch toán khống chứng từ nhập ngoại tệ từ ngân hàng Banca Adamas (Thụy Sỹ) với số tiền 3 triệu USD.
Với chiêu thức này, Trần Phương Bình đã chỉ đạo Đăng cùng cấp dưới lập các chứng từ khống để bù âm quỹ, gây thiệt hại cho DongABank 385 tỉ đồng.
Theo doisongphapluat.com
Nguồn bài viết: http://www.doisongphapluat.com/tin-tuc/nguyen-truong-phong-kinh-doanh-ngan-hang-dong-a-tiep-tuc-bi-truy-na-a250131.html