Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc: Xử lý Đảng viên vi phạm kinh tế và những lưu ý để không “hành chính hóa” hoặc “hình sự hóa”

(Pháp lý) - Một cán bộ Đảng viên khi có vi phạm pháp luật thì trước hết phải bị xử lý về mặt Đảng. Sau đó có thể là kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể và các hình thức xử lý của pháp luật mà nghiêm trọng nhất là truy cứu TNHS.

Phóng viên Pháp lý đã có cuộc trao đổi với ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ để cùng phân tích vấn đề thông qua một số vụ việc cụ thể dựa trên cơ sở các quy định của pháp luật.

Phóng viên: Thưa ông, với những kết luận của UBKTTƯ về vi phạm, khuyết điểm của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, ngày 8/8 vừa qua, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã quyết định miễn nhiệm chức vụ Ủy viên

Ban cán sự đảng Bộ Công thương đối với bà Hồ Thị Kim Thoa, đồng thời mới đây, Thủ tướng cũng đã có quyết định miễn chức Thứ trưởng đối với bà này.

Có thể nói, người dân hết sức tán thành với những quyết định nghiêm khắc này của Ban Bí thư Trung ương Đảng và quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, dư luận cũng còn nhiều băn khoăn rằng, sau khi xử lý kỷ luật Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa về mặt Đảng, công tác, thì tới đây liệu còn có các quy trình xử lý về mặt pháp luật đối với bà Thoa hay không? Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Thang Văn Phúc: Việc xử lý một cán bộ Đảng viên có vi phạm cần tuân thủ các nguyên tắc được quy định trong Hướng dẫn số 09-HD/UBKTTW ngày 06/6/2013 của Ủy ban kiểm tra trung ương về thực hiện một số điều của Quy định số 18-QĐ/TW ngày 30/3/2013 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật Đảng viên vi phạm.

Theo đó, kỷ luật đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể và các hình thức xử lý của pháp luật. Đảng viên bị thi hành kỷ luật về Đảng thì cấp ủy quản lý đảng viên đó phải kịp thời chỉ đạo tổ chức nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội có thẩm quyền, trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật về Đảng, phải xem xét, xử lý kỷ luật về hành chính, đoàn thể (nếu có) theo quy định của cơ quan nhà nước và điều lệ của đoàn thể. Đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự, không “xử lý nội bộ”. Cấp ủy, Ban Thường vụ cấp ủy và Ủy ban Kiểm tra từ cấp huyện trở lên khi phát hiện đảng viên vi phạm đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải chuyển hồ sơ sang cơ quan pháp luật có thẩm quyền để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật, không được giữ lại để chỉ xử lý về kỷ luật đảng.

 Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc trao đổi với Phóng viên Pháp lý
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc trao đổi với Phóng viên Pháp lý)

Khi đảng viên vi phạm pháp luật đang bị cơ quan pháp luật có thẩm quyền thụ lý theo quy định của pháp luật thì tổ chức đảng quản lý đảng viên không được can thiệp để đảng viên chỉ bị xử lý kỷ luật về Đảng, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc xử lý về chính quyền.

Trên tinh thần đó, tôi cho rằng đối với vụ việc nữ Thứ trưởng Bộ Công thương, nếu các sai phạm của bà trong thời gian làm lãnh đạo DN mà có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì cũng phải bị xử lý về mặt pháp luật. Để làm được điều này đòi hỏi phải có sự vào cuộc điều tra một cách thận trọng, khách quan, rõ ràng từ các cơ quan chức năng trong đó quan trọng nhất là cơ quan điều tra của Bộ Công an. Nhưng trước hết cần phải kỷ luật về mặt Đảng (Ban Bí thư đã làm) rồi xử lý về mặt chính quyền – miễn nhiệm chức danh Thứ trưởng Bộ Công thương đối với bà Thoa và việc này do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Phóng viên: Kết luận của UBKTTƯ xác định: bà Hồ Thị Kim Thoa có nhiều vi phạm, khuyết điểm trong việc xử lý số tiền lãi vay được ngân hàng cho miễn 6,7 tỷ đồng; thực hiện không đúng quy định trong quá trình Điện Quang hợp tác đầu tư tại lô đất số 12 Tôn Đản – TPHCM và xử lý không đúng khoản thu 30 tỷ đồng từ việc chuyển nhượng khu đất này; chuyển nhượng cổ phần không đúng, mua cổ phần vượt mức quy định trong quá trình CPH Điện Quang...

Chỉ dựa vào kết luận này rõ ràng chưa thể chỉ “đích danh” các hành vi vi phạm pháp luật cụ thể của bà Hồ Thị Kim Thoa. Nhưng chí ít, nội dung nói trên đã cho thấy các hành vi của bà Hồ Thị Kim Thoa có dấu hiệu vi phạm pháp luật về CPH DNNN và các văn bản pháp luật điều chỉnh các lĩnh vực liên quan đến CPH DNNN như chứng khoán, đất đai…để cơ quan chức năng cần phải tiếp tục quy trình điều tra, xử lý về mặt pháp luật. Vậy, cơ quan chức năng cần phải điều tra làm rõ những gì, để có thể chỉ “đích danh” vi phạm pháp luật cụ thể của bà Thoa trong quá trình CPH Điện Quang từ đó mới có chế tài xử lý về mặt pháp luật, thưa ông?

Ông Thang Văn Phúc: Có hay không hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của DNNN mà mình được giao quản lý? Có hay không việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ vì tư lợi; Có hay không việc lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản? Có hay không việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế để tư lợi… là điểm mấu chốt các cơ quan chức năng cần làm rõ.

Để làm được điều đó, việc điều tra cần chi tiết hóa và toàn diện hóa những sai phạm mà UBKTTƯ đã kết luận:

Vi phạm của bà Hồ Thị Kim Thoa trong việc xử lý 6,7 tỷ đồng tiền lãi vay được ngân hàng miễn là vi phạm gì? Vi phạm như thế nào? 6,7 tỷ đồng đó đã được bà Thoa xử lý ra sao?

Thực hiện không đúng quy định trong quá trình Điện Quang hợp tác đầu tư tại lô đất số 12 Tôn Đản – TPHCM và xử lý không đúng khoản thu 30 tỷ đồng từ việc chuyển nhượng khu đất này: Cụ thể thực hiện như thế nào? Không đúng so với quy định nào của pháp luật? Khoản thu 30 tỷ đã được xử lý ra sao và hiện ở đâu?

Chuyển nhượng cổ phần không đúng, mua cổ phần vượt mức quy định trong quá trình cổ phần hóa Điện Quang: Vậy việc chuyển nhượng cổ phần đã diễn ra như thế nào? Không đúng so với quy định pháp luật nào? Số lượng cổ phần đã chuyển nhượng không đúng là bao nhiêu? Bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng gồm những ai? Có bao nhiêu cổ phần đã mua vượt mức quy định? Vì sao lại mua được số cổ phần đó? Mua từ những bên nào?...

Ngoài những nội dung đã được UBKTTƯ kết luận, nếu cơ quan điều tra vào cuộc cũng cần mở rộng điều tra triệt để mọi “khuất tất” có thể xảy ra trong quá trình CPH DN Điện Quang.

Phóng viên: Một hành vi vi phạm pháp luật có thể là vi phạm hành chính, vi phạm pháp luật kinh tế, dân sự, nhưng cũng có thể là hành vi phạm tội hình sự. Giả sử khi cơ quan điều tra vào cuộc thì cần lưu ý những gì để không “hành chính hóa” hoặc “hình sự hóa” các vi phạm đã xảy ra trong quá trình bà Hồ Thị Kim Thoa thực hiện CPH Điện Quang, xin ông cho biết ý kiến của mình?

Ông Thang Văn Phúc: Có những hành vi vi phạm pháp luật chỉ được quy định là vi phạm hành chính, chưa bị quy định là tội phạm thì chỉ cần căn cứ vào các văn bản pháp luật chứa đựng hành vi đó để xác định. Nhưng cũng có những hành vi vừa là vi phạm hành chính, vừa được BLHS quy định là tội phạm thì ranh giới giữa chúng chính là tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm pháp luật mà thể hiện phổ biến nhất là ranh giới về mức độ hậu quả, thiệt hại gây ra như giá trị tài sản bị chiếm đoạt, bị tham ô, bị thất thoát…

Cho nên mới cần phải chi tiết hóa các sai phạm của bà Hồ Thị Kim Thoa mà UBKTTƯ đã kết luận thành từng hành vi vi phạm cụ thể gắn với các con số cụ thể về giá trị tài sản bị thiệt hại, bị thất thoát, bị chiếm đoạt hoặc vụ lợi (nếu có). Từ đó đối chiếu mỗi trường hợp với các văn bản pháp luật xem hành vi đó vi phạm quy định gì? trong văn bản pháp luật nào?

Vi phạm đến đâu thì xử lý đến đó, nếu có hành vi vi phạm hành chính thì chỉ xử phạt hành chính, nếu có hành vi phạm tội thì phải truy cứu TNHS.

Phóng viên: Việc CPH Điện Quang được thực hiện từ 2005 và các sai phạm của bà Hồ Thị Kim Thoa diễn ra trong thời gian bà làm lãnh đạo DN này là từ 1/2004 – 5/2010. Theo ông, cần lưu ý gì về căn cứ pháp lý để xem xét các vi phạm pháp luật của bà Thoa? Bên cạnh đó, vấn đề thời hiệu xử phạt vi phạm có phải là “bước cản” đối với việc xử lý pháp luật các vi phạm của bà Thoa hay không?

Ông Thang Văn Phúc: Một nguyên tắc pháp luật bất di bất dịch cần phải tuân thủ là vi phạm pháp luật xảy ra ở thời điểm nào thì phải áp dụng văn bản pháp luật đang có hiệu lực tại thời điểm đó để xử lý.
Giai đoạn 2004 – 2010, pháp luật về CPH DNNN có Nghị định số 187/2004/NĐ-CP về chuyển công ty nhà nước thành công ty cổ phần; sau đó là Nghị định số 109/2007/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần.

 Trụ sở Công ty CP Bóng đèn Điện Quang
Trụ sở Công ty CP Bóng đèn Điện Quang)

Các lĩnh vực liên quan có Luật Đất đai 2003; có Nghị định số 36/2007/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán; Nghị định số 85/2010/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán và đặc biệt là có BLHS 1999 sửa đổi, bổ sung 2009 cùng nhiều văn bản pháp luật khác có liên quan cần được rà soát để áp dụng cho đúng.

Vấn đề thời hiệu tuy “có vẻ” gây khó cho công tác xử lý vi phạm phạm luật nhưng cũng cần phải tuân thủ, bởi quy định về thời hiệu được đặt ra là để nâng cao trách nhiệm của các cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc phát hiện, điều tra và xử lý các hành vi vi phạm.

Thời hiệu truy cứu TNHS là 5 năm, 10 năm, 15 năm, 20 năm tương ứng đối với các tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Trong khi đó thời hiệu xử phạt hành chính là ít hơn rất nhiều, có những trường hợp chỉ 1 năm, 2 năm. Cả Nghị định số 36/2007 và Nghị định số 85/2010 đều quy định “Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán là 02 năm, kể từ ngày vi phạm. Nếu quá thời hạn nêu trên thì không bị xử phạt nhưng vẫn có thể bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Nghị định này”.

Nhìn chung, việc đầu tiên như tôi đã nói ở trên, vẫn phải là điều tra làm rõ mọi hành vi vi phạm cụ thể của bà Hồ Thị Kim Thoa trong giai đoạn CPH Điện Quang, sau đó đối chiếu với các văn bản pháp luật đang có hiệu lực tại thời điểm đó để chỉ đích danh vi phạm là gì? Vi phạm hành chính hay tội phạm và là tội gì? Khi đã xác định được đích danh vi phạm, tội phạm cụ thể rồi thì mới xét xem còn thời hiệu để xử lý hay không?

Phóng viên: Một nguyên Ủy viên UBKTTƯ cho biết, thực tế cũng đã có một số vụ việc mà cán bộ Đảng viên vi phạm có dấu hiệu của tội phạm, sau khi bị xử lý kỷ luật về mặt Đảng thì UBKTTƯ chuyển hồ sơ đề nghị cơ quan điều tra vào cuộc để xử lý về mặt hình sự và kết quả đã đạt được sự đồng thuận rất lớn từ nhân dân.

Trên tinh thần đó, có thể thấy dư luận cũng đang rất trông chờ vụ việc của bà Kim Thoa sẽ được xử lý triệt để, minh bạch về mặt pháp luật. Cá nhân ông có suy nghĩ hay trăn trở gì về vấn đề này hay không, thưa ông?

Ông Thang Văn Phúc: Mong mỏi của nhân dân, của dư luận là hoàn toàn chính đáng và dễ hiểu. Đảng đã khẳng định kỷ luật đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể và các hình thức xử lý của pháp luật; Nhà nước cũng đã khẳng định mọi người phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt nam nữ, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội, thì tôi tin rằng Đảng và Nhà nước sẽ làm được. Chúng ra hãy cùng tin tưởng và hy vọng như vậy.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông rất nhiều!

Hương Lan (thực hiện)

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin