Trung tướng Trần Văn Độ: Luật “vênh” khiến tố tụng án tham nhũng đã phức tạp lại càng khó khăn!

06/01/2017 22:00

(Pháp lý) - “Quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta là rõ ràng, nhưng hiệu lực và hiệu quả trong một số vụ việc cụ thể còn chưa đáp ứng được yêu cầu và mong mỏi của người dân. Một nguyên nhân lớn đó là Luật “vênh” khiến tố tụng án tham nhũng đã phức tạp lại càng khó khăn” – nguyên Phó Chánh án TANDTC, Trung tướng Trần Văn Độ đã chia sẻ với Phóng viên Pháp lý khi nói về công tác đấu tranh với tội phạm tham nhũng năm 2016.

 Trung tướng Trần Văn Độ trả lời phỏng vấn Phóng viên Pháp lý
Trung tướng Trần Văn Độ trả lời phỏng vấn Phóng viên Pháp lý)

Nhiều khó khăn trong tố tụng án tham nhũng

Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về tình hình tham nhũng, chống tham nhũng qua những vụ việc cụ thể năm 2016?

Trung tướng Trần Văn Độ: Với tôi thì các vụ án tham nhũng từ nhỏ đến lớn đều phức tạp, đặc biệt trong các vụ án lớn thì lại càng phức tạp. Bởi lẽ người có hành vi phạm tội tham nhũng là người có chức vụ quyền hạn nên đấu tranh phát hiện ra hành vi tham nhũng của họ rất khó khăn. Thực tế hiện nay, tham nhũng tràn lan mà phát hiện, xử lý không nhiều. Do những kẻ tham nhũng có thủ đoạn tinh vi để chiếm đoạt tài sản Nhà nước. Ngay cả thanh tra, kiểm toán cũng khó phát hiện ra tham nhũng.

Nhiều vụ án tham nhũng phức tạp vì người tham nhũng có quan hệ, tức là có cấp trên và cấp dưới. Chúng ta có quy định, nếu cơ quan đơn vị xảy ra tham nhũng thì người đứng đầu cơ quan đó phải chịu trách nhiệm liên đới. Nhưng tâm lý tự nhiên là không ai muốn mình có nhược điểm, không ai muốn liên đới trách nhiệm vì tham nhũng dù họ không tham nhũng. Bởi vậy họ sẽ bao che, không chịu phát hiện hoặc phát hiện thì xử lý nội bộ.

Người tham nhũng ngoài quan hệ trong ngành thì còn có quan hệ liên ngành nên tình trạng chạy tội không ít. Đó cũng là tâm lý thông thường, khi dính đến pháp luật thì họ muốn tận dụng các quan hệ của mình để giảm tội cho mình. Vì tất cả những điều đó, nên đấu tranh với tham nhũng, đặc biệt là phát hiện án tham nhũng cực kì khó.

Tôi lấy ví dụ trong vụ Trịnh Xuân Thanh, ông ta làm thiệt hại cho nhà nước rất nhiều khi làm ở PVC nhưng công danh sự nghiệp vẫn lên vù vù. Thanh được điều làm PCT tỉnh Hậu Giang rồi còn trúng cử ĐBQH. Để có được con đường “quan lộ” thênh thang như vậy, Thanh phải xây dựng được mối quan hệ rất rộng, không loại trừ những mối quan hệ ấy được xây dựng bằng đồng tiền tham nhũng. Tố tụng trong vụ án của Trịnh Xuân Thanh rất khó khăn, không chỉ bởi Thanh đã bỏ trốn mà còn do quan hệ phức tạp Thanh xây dựng khi còn đương chức.

Theo ông, trong tố tụng án tham nhũng hiện nay, khâu nào khó và yếu nhất và vì sao?

Theo tôi phát hiện tham nhũng là khó nhất. Sau giai đoạn này, nếu đã khởi tố vụ án thì có thể nhanh hay chậm thì tội phạm cũng không thể bị bỏ qua. Cũng có những vụ án, sau xét xử mức án có thể nặng hay nhẹ nhưng tội phạm tham nhũng vẫn bị xử.

Tôi chỉ mong sao chúng ta phát hiện được tham nhũng để xử lý, điều tra được nhiều và triệt để.

Ngoài những lý do khách quan là tội phạm tham nhũng phức tạp như tôi nói ở trên, thì theo tôi, khó phát hiện tham nhũng vì cơ chế trong Luật vênh nhau. Bởi vậy, trong các vụ án đã được phát hiện, hầu hết do quần chúng, nhân dân, báo chí nhưng rất ít vụ do các cơ quan có nhiệm vụ PCTN như Thanh tra hay kiểm toán phát hiện.

Xin ông cho ví dụ cụ thể về những hạn chế trong cơ chế (cụ thể là quy định của Luật vênh nhau – PV) khiến phát hiện và xử lý án tham nhũng khó và không kịp thời?

Luật về tố tụng để phát hiện tội phạm tham nhũng “vênh” với luật chuyên ngành về phòng chống tham nhũng.

Cụ thể, theo Luật Tố tụng Hình sự thì khi phát hiện dấu hiệu tội phạm thì khởi tố, điều tra và có quyền áp dụng các biện pháp tư pháp đối với người bị khởi tố, điều tra. Tuy nhiên trong Luật PCTN thì các Cơ quan kiểm toán, cơ quan thanh tra phải làm đến cùng để đưa ra kết luận, họp lên họp xuống rồi mới chuyển cho Cơ quan tiến hành tố tụng để khởi tố, điều tra, truy tố.

Thanh tra và kiểm toán không có thủ tục tố tụng tư pháp độc lập, khách quan. Họ chỉ thực hiện các biện pháp hành chính, nghiệp vụ thậm chí giữa đoàn thanh tra và cơ quan tổ chức còn ngồi lại với nhau để trao đổi, thống nhất với đối tượng thanh tra về kết luận thanh tra.

Họ không có quyền áp dụng các biện pháp tư pháp như tạm giữ, tạm giam hay phong tỏa tài sản để tài sản tham nhũng không bị biến báo, thất thoát. Chính vì vậy mới dẫn đến nhiều vụ việc gây bức xúc dư luận trong thời gian qua.

Vụ Dương Chí Dũng, Trịnh Xuân Thanh, Trịnh Văn Thảo là những vụ án mà vì quá trình thanh tra, kiểm tra kéo dài mới dẫn đến tình trạng tội phạm bỏ trốn. Nếu ngay khi phát hiện thấy dấu hiệu về những sai phạm của Dương Chí Dũng, Trịnh Xuân Thanh, Trịnh Văn Thảo mà các cơ quan thanh tra chuyển sang cơ quan tố tụng luôn thì có lẽ Trịnh Xuân Thanh không thể bỏ trốn, tài sản nhà nước bị thất thoát có thể được thu hồi phần nào.

Một hậu quả khác của việc “vênh luật” là khi phát hiện tài sản có dấu hiệu bất minh, nhưng từ quá trình thanh tra, kiểm toán đến khi chuyển cơ quan điều tra, do thời gian kéo dài nên tài sản đã được đối tượng tẩu tán.

Với kinh nghiệm của một chuyên gia pháp luật, theo ông, làm thế nào để hạn chế tội phạm tham nhũng bỏ trốn và tài sản tham nhũng tẩu tán?

Rõ ràng, nếu có một biện pháp ngăn chặn trong tư pháp ngay từ đầu thì đã không có chuyện tội phạm tham nhũng trốn nã. Tiếp đến nếu áp dụng biện pháp kê biên tài sản thì tài sản tham nhũng cũng không bị biến báo, tẩu tán bằng các con đường như buôn bán, tặng cho. Thậm chí nếu có các biện pháp tư pháp thì những tài sản đã chuyển đi rồi nhưng nếu chứng minh được rằng đó là tài sản tham nhũng thì nhà nước vẫn có thể thu hồi.

Cũng chính bởi vậy nên nhiều năm qua, tôi đã có ý kiến đề nghị thành lập một Ủy ban điều tra độc lập có sức mạnh chống tham nhũng. Cơ quan này có thẩm quyền về tố tụng, tư pháp để phát hiện, điều tra và chuyển hồ sơ cho viện kiểm sát truy tố. Theo nghiên cứu của tôi, nhiều nước trên thế giới đã có tổ chức này và đạt được nhiều hiệu quả. Người đứng đầu cơ quan này là người có thẩm quyền rất cao trong bộ máy nhà nước, có đủ uy tín để lãnh đạo, xử lý tội phạm tham nhũng.

Trách nhiệm nặng nề của các cơ quan tố tụng

Sau điều tra là truy tố xét xử án tham nhũng, ông nhận thấy công tác này hiện nay được thực hiện ra sao?

Khó khăn nhất là giai đoạn điều tra, nếu đã điều tra ra thì truy tố xét xử tham nhũng sẽ đơn giản hơn. Bởi nếu cơ quan điều tra kết luận có tội thì không thể né tránh được.

Mặc dù trong dư luận vẫn có thông tin án nặng, án nhẹ nhưng tham nhũng vẫn bị xử. Cũng có dư luận cho rằng quá trình điều tra, truy tố, xét xử án tham nhũng chậm bởi vụ án tham nhũng phức tạp cần phải thận trọng, khách quan.

Tuy nhiên thời gian qua, có hiện tượng trong một số vụ án mà bị cáo được chuyển đổi tội danh để giảm mức hình phạt cho tội phạm tham nhũng?

Theo tôi là có việc chuyển đổi tội danh. Nhưng không loại trừ đó là do khách quan hoặc do hạn chế của việc chứng minh tội phạm. Trong rất nhiều vụ án tôi biết, tham nhũng bị đưa ra ánh sáng vì người đưa hối lộ đi tố cáo người nhận hối lộ. Thế nhưng nếu xét xử thẳng tội danh nhận hối lộ thì chắc chắn người nhận hối lộ sẽ bị xử lý. Chính vì vậy họ chọn cách khác để khuyến khích tố cáo tham nhũng.

Hoặc cũng thuộc về vấn đề chứng minh tội phạm của cơ quan điều tra. Nếu không chứng minh được rõ ràng thì Tòa cũng chịu. Vấn đề lớn nhất là người điều tra, người truy tố có hoàn thành trách nhiệm của mình trước pháp luật và người dân hay không.

Tôi lấy ví dụ, trong vụ án Phạm Công Danh, Danh có khai đưa một khoản tiền lớn cho Hà Văn Thắm để quan hệ. Tuy nhiên thông tin này không được làm rõ ràng... Đó cũng là vấn đề chứng minh của các cơ quan tố tụng.

Phải có cơ chế giám sát đồng tiền

Theo ông, làm thế nào để chứng minh, cũng như có hướng xử lý những lời khai về những khoản tiền nghi hối lộ, tham nhũng lớn trong các vụ án gần đây các bị cáo khai họ đã đưa tiền cho người này, người kia…?

Làm thế nào để từ những vụ án nhỏ rồi mở rộng điều tra tham nhũng lớn cũng là vấn đề khó khăn, thử thách đối với ngành tư pháp. Còn việc chứng minh những khoản tiền bất minh dựa trên những lời khai lại càng khó bởi cả xã hội đang tiêu tiền mặt. Ta không thể dựa trên lời khai rồi bắt bớ, khám xét vì còn liên quan ðến quyền con ngýời, quyền công dân...

Để khắc phục vấn đề này, ta phải có cơ chế mới giám sát đồng tiền. Tôi không nói đến việc tiêu tiền hằng ngày, nhưng nếu mua nhà, mua xe, mua chứng khoán, mua bất động sản… thì phải thông qua tài khoản.

Trong năm 2016 còn có những vụ việc khởi tố, xét xử một số cán bộ trong cơ quan bảo vệ pháp luật. Ông nghĩ gì về điều này?

Năm qua, ngành Tòa án, Thi hành án, Kiểm lâm, Thanh tra đều có cán bộ dính đến án tham nhũng. Tham nhũng ở cơ quan nào cũng có, nhưng có lẽ sẽ rất nguy hiểm nếu xảy ra trong cơ quan tư pháp. Tôi đã nhấn mạnh nhiều lần về chế độ chính sách với thẩm phán nhưng cũng chưa được xem xét.

“Nói phải đi đôi với làm”

Ông có nhận xét gì giữa thực tế và quyết tâm trong đấu tranh với án tham nhũng trong năm 2016, còn những vấn đề gì mà ông băn khoăn?

Tình hình thực thi pháp luật khiến tôi rất băn khoăn.Vừa rồi tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng, kết quả cho thấy nhiều địa phương không có tham nhũng...

Tuy nhiên, chỉ điểm qua vài vụ mà dư luận bức xúc như vụ việc vỡ đường ống nước sông Đà, vụ việc ở Bộ Công thương... theo tôi, đều là những hành vi nguy hiểm cho xã hội bởi mức độ tác động, thiệt hại. Theo tôi cần khởi tố. Những trường hợp đó, phải có trách nhiệm hình sự, nhưng đến nay chưa có.

Tuấn Anh (thực hiện)

Bạn đang đọc bài viết "Trung tướng Trần Văn Độ: Luật “vênh” khiến tố tụng án tham nhũng đã phức tạp lại càng khó khăn!" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin