(Pháp lý) - Tình hình tội phạm kinh tế trong lĩnh vực Ngân hàng phát sinh, phát triển do nhiều nguyên nhân khác nhau, có những nguyên nhân khách quan như do cơ chế, chính sách pháp luật…, song lại có những nguyên nhân chủ quan do công tác quản lý cán bộ, chính sách tín dụng của mỗi Ngân hàng.. còn nhiều sơ hở thiếu sót đã tạo điều kiện cho tội phạm kinh tế trong lĩnh vực này phát triển.
“Tìm ra các nguyên nhân để đưa ra các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm kinh tế trong lĩnh vực ngân hàng là một nhiệm vụ không chỉ của ngành ngân hàng mà còn của lực lượng công an nhân dân…”, đó là quan điểm của Trung tướng, GS. TS Nguyễn Xuân Yêm – Giám đốc Học viện Cảnh sát Nhân dân.
Các nguyên nhân thuộc về ngành ngân hàng
Bàn về nguyên nhân của tội phạm kinh tế xảy ra trong lĩnh vực ngân hàng, Trung tướng, GS. TS Nguyễn Xuân Yêm cho biết: Bản thân ngành ngân hàng có nhiều chậm trễ trong việc tham mưu đề xuất ban hành sửa đổi, bổ sung các chính sách có liên quan đến hoạt động của ngành ngân hàng như bảo lãnh, thế chấp, cầm cố, phát mãi tài sản thế chấp… Hoạt động của các ngân hàng trong điều kiện hành lang pháp lý vừa chưa thật kín kẽ, vừa chưa ổn định, một số chủ trương chính sách của ngành ngân hàng lại luôn bị thay đổi. Nhiều vấn đề thực tế đã xảy ra nhưng lại chưa được quy định, bổ sung kịp thời, có những quy định của Nhà nước, Chính phủ thì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam còn chậm hướng dẫn để các ngân hàng thương mại thực hiện do vậy ít nhiều cũng đã tác động đến quá trình phát sinh, phát triển tội phạm.
Ở các đại án kinh tế xảy ra tại một số ngân hàng thời gian qua, người cầm đầu thường là lãnh đạo của ngân hàng. Nguyên nhân chủ yếu là do hệ thống quản trị, kiểm soát, kiểm toán nội bộ của một số ngân hàng nói chung còn yếu, dẫn đến sơ hở trong quản lý, điều hành, chưa phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời, chậm hoặc không phát hiện được các hành vi vi phạm, tiêu cực, tham nhũng. Một số ngân hàng thì hoạt động thiếu công khai, minh bạch hoặc bị thao túng, chi phối bởi các cổ đông lớn, đặc biệt là trong việc cho vay, đầu tư tài chính phục vụ cho các công ty con của cổ đông lớn hoặc đáp ứng cho lợi ích riêng của cổ đông lớn và người có liên quan.
Một số cán bộ, nhân viên ngành ngân hàng trình độ năng lực, hiểu biết pháp luật còn bất cập so với yêu cầu, nhiệm vụ. Một số người đã bị thoái hóa biến chất, lợi dụng việc được giao quản lý tài sản của Nhà nước, của tập thể đã dùng các thủ đoạn nghiệp vụ về kế toán, tài chính, cố ý làm trái các quy định của Nhà nước sử dụng cho mục đích cá nhân như xây dựng nhà cửa, buôn bán kinh doanh bất động sản, đánh đề, đánh bạc hoặc cho vay lấy lãi suất cao hơn khi giá cả thị trường thay đổi hoặc đối tượng vay không thanh toán được, bỏ trốn thì cán bộ nhân viên ngân hàng không hoàn trả được vốn cho ngân hàng.
Một số cán bộ thoái hóa khác lại cố ý làm trái các quy định của pháp luật Ngân hàng, không kiểm tra, thẩm định tài sản thế chấp, bỏ qua các nguyên tắc, chế độ quản lý kinh tế tài chính, thủ tục điều kiện thế chấp tài sản, bảo lãnh vay vốn cũng như kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay… thông đồng với đối tượng vay xây dựng các phương án sản xuất kinh doanh thiếu tính khả thi, nâng khống giá trị tài sản thế chấp lên nhiều lần hoặc đảo nợ để nhận quà cáp biếu xén, đòi phần trăm số tiền vay được, tạo kẽ hở cho bọn tội phạm lợi dụng chiếm đoạt vốn vay của ngân hàng.
Năng lực quản lý, điều hành của một số cán bộ lãnh đạo ngân hàng còn nhiều hạn chế, chưa theo kịp với sự phát triển nhiều mặt hoạt động nghiệp vụ ngân hàng do vậy một số quyết sách của họ thường mang tính phong trào dưới sự chỉ đạo của chính quyền địa phương trong từng giai đoạn phát triển kinh tế. Cơ chế tuyển chọn, bố trí sử dụng cán bộ thiếu chặt chẽ đôi khi còn mang tính cơ cấu, thân quen hơn là khả năng trình độ thực sự. Ở một số ngân hàng thương mại cổ phần đã xảy ra tình trạng mất đoàn kết nội bộ kéo dài, hoặc mang tính chất “gia đình trị”, Hội đồng quản trị coi ngân hàng cổ phần là ngân hàng của riêng mình nên đã cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế, độc quyền chi phối định đoạt mọi hoạt động của ngân hàng để phục vụ cho việc làm ăn kinh doanh của một nhóm cổ đông và thành viên Hội đồng quản trị. Ban điều hành ở một số ngân hàng thương mại cổ phần do thiếu kiến thức về nghiệp vụ ngân hàng, không quản lý điều hành được quá trình kinh doanh dẫn đến mạo hiểm và sai lầm trong các quyết định cho đối tượng vay, gây tổn thất nghiêm trọng tài sản của nhà nước, của tập thể. Một số ngân hàng thương mại cổ phần khác kinh doanh không có hiệu quả, thậm chí thua lỗ, nợ quá hạn, nợ khó đòi và những thất thoát trong kinh doanh tiền tệ gấp nhiều lần vốn pháp định nhưng vẫn chi phí cho quảng cáo, chi tiền lương, tiền thưởng, ứng lãi cho cổ đông, chi cho cố vấn và chuyên gia nước ngoài cao.
Trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quản lý và kinh doanh thiếu sự phối hợp giữa Ngân hàng thương mại Trung ương với chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cụ thể là sự phối kết hợp chưa được thống nhất, xuyên suốt và ăn ý giữa cơ quan quản lý kinh doanh với cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt là vấn đề quản lý, sử dụng cán bộ cốt cán, chính vì vậy đã tạo kẽ hở cho một số cán bộ thoái hóa biến chất của một số chi nhánh ngân hàng thương mại lợi dụng để lẩn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và ngân hàng ngành dọc cấp trên, dấn sâu vào con đường sai phạm.
Công tác thanh tra, kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các chi nhánh ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc phòng ngừa, ngăn chặn tiêu cực trong hoạt động tín dụng của các ngân hàng thương mại tuy đã có nhiều tiến bộ nhưng chưa đạt được yêu cầu thực tế đòi hỏi, còn nhiều thiếu sót và kém hiệu quả. Mặc dù qua thanh tra đã phát hiện nhiều vi phạm nhưng không kiên quyết, triệt để và chủ động xử lý trong phạm vi cho phép, rất ít vụ việc được chuyển cho cơ quan công an để điều tra xử lý theo pháp luật đã làm cho tình trạng tái phạm vẫn tiếp tục diễn ra, thậm chí những vi phạm sau thanh tra còn trầm trọng và gây nguy hiểm nhiều hơn.
Cán bộ thanh tra năng lực còn yếu, quan hệ làm việc chưa có quy chế cụ thể, sự phối hợp trong nội bộ chưa chặt chẽ. Sự phối kết hợp giữa thanh tra ngân hàng với thanh tra nhà nước và các cơ quan bảo vệ pháp luật đang gặp nhiều khó khăn và lúng túng, chưa có sự phối hợp thống nhất đồng bộ.
Cuối cùng nhưng cũng không kém phần quan trọng, theo GS. TS Nguyễn Xuân Yêm, đó là vai trò của Trung tâm phòng ngừa rủi ro của Ngân hàng Nhà nước chưa thực sự phát huy được tác dụng đúng như tên gọi và chức năng nhiệm vụ của nó. Các Ngân hàng thương mại trong quá trình thẩm định, xác minh khách hàng vay (nhất là các doanh nghiệp) chỉ biết tự tìm hiểu, đánh giá về khách hàng thông qua các nguồn tin khác nhau, ít được thông tin cần thiết từ Trung tâm phòng ngừa rủi ro. Nguyên nhân chính của tình trạng này một phần là do các ngân hàng thương mại không cung cấp thông tin cho Trung tâm vì cố giữ độc quyền về khách hàng, mặt khác những thông tin đã được cung cấp đôi khi thiếu chính xác, không cập nhật dẫn đến những rủi ro thất thoát là điều không tránh khỏi.
Các nguyên nhân thuộc về lực lượng Công an và các cơ quan bảo vệ pháp luật
Tội phạm kinh tế xảy ra trong lĩnh vực ngân hàng thời gian qua có một phần trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân, trong đó có lực lượng Cảnh sát kinh tế và An ninh kinh tế.
Trung tướng Nguyễn Xuân Yêm chia sẻ: Thực tế mô hình tổ chức của công tác điều tra tội phạm, trình độ năng lực của một số cán bộ Công an được phân công quản lý địa bàn ngân hàng chưa theo kịp với cơ chế thị trường mở cửa. Nhiều cán bộ công an năng lực còn hạn chế, trình độ nhận thức về pháp luật, nghiệp vụ, ngoại ngữ… chưa cao, cá biệt có trường hợp gây cản trở phiền hà cho hoạt động của ngành ngân hàng hoặc vi phạm các quy định của pháp luật và ngành Công an như lợi dụng hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự nhằm mục đích tư lợi.
Việc phân công phân cấp quản lý địa bàn nói chung, trong lĩnh vực Ngân hàng nói riêng giữa lực lượng Cảnh sát kinh tế và an ninh kinh tế từ Trung ương đến địa phương vẫn còn chưa thật khoa học nên ở nhiều nơi, nhiều chỗ còn trùng lặp, chồng chéo, bỏ sót địa bàn, bỏ lọt tội phạm kinh tế.
Công tác phối kết hợp giữa lực lượng Công an với Thanh tra Ngân hàng Nhà nước còn nhiều hạn chế. Trong khi những vụ việc vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động ngân hàng ngày càng có chiều hướng gia tăng thì phương pháp và biện pháp xử lý của các cơ quan bảo vệ pháp luật chưa được nghiêm minh, không phát hiện hoặc chậm phát hiện các vi phạm hình sự trong ngành ngân hàng. Nhiều khi không phân biệt được vi phạm hình sự với quan hệ kinh tế, hoặc hình sự hóa các quan hệ kinh tế - dân sự qua hoạt động vay trả giữa ngân hàng và đối tượng vay, hoặc dân sự hóa các hành vi tội phạm. Mối quan hệ phối hợp giữa ngành công an và các ngân hàng trong xử lý các vụ việc xảy ra còn nhiều hạn chế dẫn đến các đối tượng vay không trả nợ được càng lợi dụng chây ì, một số khác thì chiếm dụng vốn vay rồi bỏ trốn gây thất thoát nghiêm trọng tài sản của Nhà nước, tập thể.
Phòng chống tội phạm kinh tế trong lĩnh vực ngân hàng: cần nhiều giải pháp đồng bộ
Để phòng ngừa và chống tội phạm kinh tế trong lĩnh vực ngân hàng, GS. TS Nguyễn Xuân Yêm cho rằng cần đảm bảo thực hiện một cách đồng bộ và hệ thống nhiều giải pháp, trong đó có những giải pháp quan trọng sau đây:
Thứ nhất, rà soát và hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh tiền tệ tín dụng phù hợp với hành lang pháp lý chung, phù hợp với điều kiện của nền kinh tế thị trường là một trong những biện pháp mang tính phòng ngừa chung, góp phần hạn chế và ngăn chặn tiêu cực, rủi ro trong hoạt động ngân hàng.
Thứ hai, Chính phủ chỉ thị ngành Ngân hàng cùng các ngành chức năng hữu quan cần phải kiên quyết xử lý các tồn đọng cũ về nợ quá hạn, nợ khó đòi, làm lành mạnh hóa tài chính của các ngân hàng thương mại.
Thứ ba, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra của Thanh tra Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với hoạt động tín dụng ngân hàng.
Thứ tư, điều chỉnh cơ cấu phân bổ vốn đầu tư và pháp chế hóa cơ chế đầu tư về phương diện trách nhiệm: Hiện nay trong hệ thống ngân hàng thương mại đang hoạt động mặc dù thực hiện theo cơ chế tự hạch toán kinh doanh nhưng là ngân hàng thương mại XNCH nên các ngân hàng còn phải thực hiện cơ chế phân bổ vốn đầu tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Chính cơ chế phân bổ đã dẫn đến tình trạng cơ quan phân bổ đầu tư sai, ngân hàng cho vay gánh chịu hậu quả vì thất thoát vốn (vốn của ngân hàng) nhưng cơ quan phân bổ đầu tư lại không cùng chịu trách nhiệm. Như vậy, một số hoạt động của ngân hàng thương mại trong cơ chế thị trường vẫn mang tính bao cấp xin – cho.
Thứ năm, tăng cường bộ máy tổ chức và tuyển chọn, bố trí cán bộ ngành ngân hàng. Con người là nhân tố nội lực quyết định sự phát triển của các ngân hàng. Để đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ ngân hàng đủ kiến thức và đạo đức nghề nghiệp thì cần có cơ chế kiểm soát dân chủ thực sự từ khi tuyển dụng, đào tạo, bố trí cán bộ cho phù hợp với khả năng, trình độ. Cần có chính sách khuyến khích động viên những cán bộ giỏi, đồng thời kiên quyết điều chuyển những cán bộ yếu kém có những biểu hiện kinh tế bất minh, liên quan trực tiếp đến tiền, quỹ, quyết định cho vay, tín dụng…kết hợp tốt giữa đạo đức và tài của cán bộ tín dụng. Bố trí cán bộ tín dụng phải có tiêu chuẩn rõ ràng, đủ năng lực làm việc. Về thu nhập của cán bộ tín dụng cũng nên cố gắng sao cho không bị lệ thuộc quá nhiều vào kết quả kinh doanh. Đối với những cán bộ có hành vi sai phạm thì kiên quyết xử lý làm bài học giáo dục những người khác khi họ có ý định vi phạm.
Thứ sáu, tăng cường hệ thống kiểm soát nội bộ của tổ chức tín dụng ngân hàng nhằm giảm bớt các sai phạm, khả năng tổn thất, nguy cơ mất khả năng thanh toán, đổ vỡ của hệ thống ngân hàng. Đặc biệt hệ thống kiểm soát nội bộ này phải thật sự độc lập và kìm chế đối trọng với quyền hạn của người đứng đầu ngân hàng và các cổ đông lớn của ngân hàng.
Thứ bảy, hạn chế tình trạng “hình sự hóa và dân sự hóa” các quan hệ kinh tế.
Thứ tám, về phía lực lượng Công an nhân dân phải tiến hành công tác điều tra cơ bản về từng ngân hàng, trong đó phải nắm được những nội dung sau: Hệ thống tổ chức và nhiệm vụ của các ngân hàng; Các chế độ chính sách trong hoạt động ngân hàng và những vấn đề liên quan; Danh sách cán bộ, công nhân viên theo các phòng, các khâu, các bộ phận; Hoạt động kinh tế, đặc biệt nắm cho được những khoản vay đến hạn chưa trả hoặc khó có khả năng thanh toán, có những dấu hiệu phạm tội thì xác minh điều tra làm rõ; Những vụ việc tiêu cực xảy ra trong ngân hàng mà nội bộ ngành ngân hàng hoặc các cơ quan khác đang thanh tra, kiểm tra để tham mưu chỉ đạo cho ngành ngân hàng kịp thời chấn chỉnh những sơ hở, kịp thời bổ sung quy chế, chế độ cho chặt chẽ và giúp Ngân hàng làm đúng pháp luật. Cũng thông qua đó để phát hiện đấu tranh, phòng ngừa tội phạm. Thường xuyên bổ sung định kỳ những tài liệu mới thu thập được.
Cơ quan công an cần nâng cao công tác phát hiện điều tra các vụ phạm tội kinh tế trong lĩnh vực ngân hàng (lừa đảo, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; tham ô, cố ý làm trái; đưa và nhận hối lộ…). Khi phát hiện và tiến hành điều tra các vụ phạm tội kinh tế trong ngân hàng phải hết sức tránh dùng biện pháp công khai như kiểm tra sổ sách hoặc dùng giấy giới thiệu xác minh sẽ bị lộ ý đồ điều tra, đối tượng sẽ tìm cách hợp pháp hóa hồ sơ chứng từ hoặc bỏ trốn gây khó khăn cho công tác điều tra sau này.
Cơ quan công an cũng cần phối hợp với các cơ quan Thanh tra, Kiểm toán, Giám định. Những vụ việc liên quan đến hoạt động ngân hàng, bọn tội phạm thường hợp thức hóa việc phạm tội của mình bằng các chứng từ cầm cố tài sản có sự thẩm định của ngân hàng hoặc giả mạo, sửa chữa các loại giấy tờ, chứng từ với thủ đoạn rất tinh vi, phải thông qua các hoạt động như thanh tra, kiểm toán hoặc giám định mới có thể phát hiện ra được. Do vậy, khi điều tra các vụ án trong lĩnh vực này, cán bộ công an nhân dân cần chú ý kết hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trên để phân tích và phát hiện những sai phạm trong các hợp đồng hồ sơ vay vốn, trong giá trị tài sản thế chấp…
“Có thể nói, phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm kinh tế trong lĩnh vực ngân hàng là công việc thường xuyên, phức tạp đòi hỏi phải có môt cơ chế phù hợp đồng bộ, sáng tạo, nhạy bén của cơ quan Công an, sự phối hợp đồng bộ của các đơn vị chức năng liên quan”, Trung tướng, GS. TS Nguyễn Xuân Yêm nhấn mạnh.
Lan Hương (thực hiện)