Nghiên cứu, giải quyết những vấn đề phát sinh khi cải cách tiền lương, bãi bỏ mức lương cơ sở

(Pháp lý) - Kể từ ngày 1/7/2024, theo Nghị quyết 27-NQ/TW, chính sách tiền lương sẽ được cải cách theo hướng bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương (tồn tại từ năm 2004), và thay vào đó là chế độ tiền lương mới trả theo vị trí việc làm, theo chức danh lãnh đạo, quản lý… Tuy nhiên, để việc cải cách chính sách tiền lương được thực hiện đúng thời hạn và thuận lợi trong thực tế thì còn một số vấn đề đòi hỏi các cơ quan chức năng cần tiếp tục sớm nghiên cứu, làm rõ.
1-1711612091.jpg

Ảnh minh hoạ

Một số vấn đề phát sinh khi bỏ mức lương cơ sở

Tại báo cáo các đại biểu Quốc hội chuyên trách về một số vấn đề lớn trong tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật BHXH sửa đổi, Ủy ban Xã hội phân tích rõ tác động của việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương đến quy định trong dự thảo Luật.

Cơ quan thẩm tra cho biết khi Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật đã chưa tính đến thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương, nên chưa dự liệu hết được tác động của việc thay đổi này đến các quy định có liên quan trong dự thảo Luật.

Theo tinh thần Nghị quyết số 27 của Trung ương, khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương sẽ "bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay, xây dựng chế độ tiền lương mới, theo đó mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới". Như vậy, từ ngày 1/7, khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương sẽ phát sinh một số vấn đề liên quan đến dự thảo Luật.

Thứ nhất, do bãi bỏ “mức lương cơ sở” nên không còn căn cứ thực hiện được việc điều chỉnh tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu; không còn căn cứ để tính hưởng một số chế độ bảo hiểm xã hội (một số khoản trợ cấp bảo hiểm xã hội dựa trên mức lương cơ sở) và một số chế độ quy định ở các luật khác trong các lĩnh vực như khen thưởng; bảo hiểm y tế; chế độ đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; huy động dân quân tự vệ; lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở...

2-1711611999.jpg

Ủy ban Xã hội  của Quốc hội chỉ rõ một số vấn đề phát sinh khi cải cách tiền lương, bãi bỏ mức lương cơ sở (ảnh Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 5)

Thứ hai, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của nhóm đối tượng thực hiện tiền lương do Nhà nước quy định sẽ tăng lên so với hiện hành dẫn đến tiền đóng bảo hiểm xã hội cũng tăng lên đáng kể, điều này sẽ làm tăng phần chi ngân sách nhà nước đóng cho những đối tượng này.

Thứ ba là phát sinh chênh lệch khá lớn về lương hưu giữa người nghỉ hưu trước và sau ngày 1-7-2024 nếu không thực hiện điều chỉnh cho đối tượng nghỉ hưu trước thời điểm này khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương.

Từ thực tế những tác động này, Thường trực Ủy ban Xã hội nhận định còn nhiều vấn đề Chính phủ cần phải làm rõ.

Cụ thể, một là cần làm rõ căn cứ để tính quy đổi thành mức tiền tuyệt đối khi chuyển xếp lương mới (bỏ “mức lương cơ sở” và hệ số), mức sàn an sinh xã hội tối thiểu và căn cứ tính ?

Vấn đề cần làm rõ tiếp theo là căn cứ để tính và điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với mức lương cơ sở khi thực hiện chính sách cải cách tiền lương; kinh phí từ ngân sách Nhà nước phát sinh khi điều chỉnh trợ cấp người có công với cách mạng, trợ cấp bảo trợ xã hội, chuẩn nghèo theo chính sách cải cách tiền lương;

Ba là cơ cấu tiền lương làm căn cứ để đóng bảo hiểm xã hội đối với các đối tượng thực hiện tiền lương do Nhà nước quy định có bao gồm các khoản phụ cấp và nếu có thì là các loại phụ cấp nào?

Bốn là, trường hợp thực hiện điều chỉnh tăng thêm nhằm xử lý chênh lệch lương hưu cho cả người thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định đã nghỉ hưu trước 1/7/2024 và người thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định nghỉ hưu trước năm 1995, người nghỉ hưu có mức lương hưu thấp sẽ phát sinh chi từ quỹ bảo hiểm xã hội ở mức nào và mức độ ảnh hưởng đến khả năng cân đối quỹ hưu trí, tử tuất (cả trong ngắn hạn và dài hạn);

Năm là, những vấn đề phát sinh cụ thể về lương hưu, các chế độ trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng đối với lượng vũ trang (công an, quân đội) do nhóm đối tượng này có những đặc thù khác với khu vực dân sự (hệ số lương 1,8; tuổi nghỉ hưu thấp hơn...) và biện pháp xử lý;

Sáu là, việc xử lý phát sinh chênh lệch lớn về lương hưu giữa các đối tượng liên quan trực tiếp đến điều chỉnh, tác động tới các đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương này (theo Luật hiện hành thì tính theo bình quân tiền lương của 5, 6, 8, 10, 15 và 20 năm cuối trước khi nghỉ hưu) cho giai đoạn trước 1/7/2024;

Vn đề thứ bảy là cần rà soát đầy đủ và báo cáo, đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung, bao gồm cả việc quy định việc thay thế “mức lương cơ sở” hiện hữu trong nhiều văn bản luật, nghị định, thông tư có liên quan (trong đó có các chế độ trợ cấp được tính theo “mức lương cơ sở”).

Cho biết về tiến trình xây dựng các văn bản hướng dẫn chuẩn bị cho triển khai cải cách tiền lương từ 1/7, theo bà Nguyễn Bích Thu, quyền Vụ trưởng Vụ Tiền lương (Bộ Nội vụ), Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan để xây dựng các văn bản của cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, hoàn thành các văn bản, triển khai chế độ tiền lương mới.

Bà Thu cho biết sẽ có Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chế độ tiền lương mới đối với cán bộ công chức, viên chức các cơ quan thuộc Quốc hội, HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, Tòa án, Kiểm sát, Kiểm toán Nhà nước. Còn ở các cơ quan Đảng sẽ có Quyết định của Ban Bí thư về chế độ tiền lương mới đối với các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội. Cùng với đó, Bộ Nội vụ sẽ có trên 10 thông tư hướng dẫn triển khai thực hiện và sẽ hết sức cố gắng, đảm bảo tiến độ theo kế hoạch Thủ tướng ban hành.

Cần xác định một mức sàn lương hưu tối thiểu đáp ứng nhu cầu cuộc sống

Mức tăng lương hưu sau cải cách tiền lương cũng là vấn đề nhận được nhiều quan tâm của các chuyên gia, đại biểu quốc hội, người dân. Liên quan đến vấn đề này, Bộ LĐ-TB&XH đã đưa ra phương án đề xuất tăng thêm 15%.

Tuy nhiên, mới đây khi góp ý về vấn đề tăng lương hưu, Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ LĐ-TB&XH tính toán lại các mức điều chỉnh phù hợp hơn. Bởi nếu thực hiện theo các phương án tăng như đề xuất, thì vượt quá khả năng cân đối của ngân sách Nhà nước giao đến hơn 7.400 tỷ đồng trong nửa cuối năm 2024.

Mặc dù vậy, thông tin về vấn đề điều chỉnh lương hưu tại phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH ông Đào Ngọc Dung, vẫn giữ quan điểm là việc điều chỉnh mức lương hưu không thấp hơn 50% so với mức tăng cải cách tiền lương của cán bộ công chức, viên chức (lương công chức, viên chức dự kiến tăng hơn 30%). Việc này để đảm bảo hài hòa, cân đối, không để người nghỉ hưu bị đẩy xa hơn khi cải cách tiền lương.

3-1711611999.png

Mức tăng lương hưu sau cải cách tiền lương cũng là vấn đề nhận được nhiều quan tâm (ảnh minh hoạ)

Băn khoăn khi mức trợ cấp hưu trí chưa đảm bảo nguyên tắc an sinh xã hội, không đảm bảo mức sống tối thiểu, phát biểu cho ý kiến dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)  tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 5 ngày 27/4, đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) đề nghị nên cân nhắc lùi thông qua dự án luật này từ kỳ họp thứ 7 sang kỳ họp thứ 8, tức là sau thời điểm thực hiện cải cách tiền lương từ 1/7. Bởi sau thời điểm này sẽ có nhiều vấn đề tác động, thay đổi, tránh vừa thông qua luật lại phải sửa ngay.

Theo đại biểu Ma Thị Thúy, nếu chỉ thay đổi hình thức mà không có thay đổi về chính sách thì cần phải cân nhắc kỹ. Mức hưu trí phải cao hơn trợ cấp xã hội, nếu trợ cấp 500 nghìn thì mức hưu trí phải 750 nghìn/tháng.  Bà Thúy đề nghị ban soạn thảo xem xét, đánh giá, báo cáo rõ hơn để Quốc hội xem xét quyết định.

Theo TS.Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), phương pháp tính lương hưu của chúng ta hiện nay là phương pháp dòng chảy, tức là chi phí để trả cho người hưởng hiện hành thực chất là dựa trên mức đóng của người đang tham gia bảo hiểm xã hội hôm nay. Khi điều chỉnh tăng lương thì đồng nghĩa với mức đóng bảo hiểm xã hội của những người đang tham gia hiện hành cũng sẽ tăng lên. Đây chính là nguồn đầu vào của quỹ hưu trí.

Bà Hương cho rằng bản chất của lương hưu là tổng tiền đóng của hôm nay sẽ dùng để chi trả cho những người đang hưởng lương hưu ở thời điểm hiện tại. Do đó, khi Chính phủ quyết định tăng lương vào ngày 1/7 cần điều chỉnh mức tăng cho người về hưu phù hợp, đảm bảo một mức hợp lý so với mức tăng của công chức. Đặc biệt, cần chú ý đến nhóm có mức lương hưu thấp. Theo bà Hương, cần xác định một mức sàn lương hưu tối thiểu đáp ứng nhu cầu đời sống. Nếu lương hưu thấp hơn mức này, Nhà nước cần điều chỉnh bằng số tiền tuyệt đối thay vì tăng theo tỉ lệ % để bù đắp cho họ…

Xuân Trường (tổng hợp)

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin