Các đối tượng thường sử dụng rất nhiều chiêu thức, thủ đoạn tinh vi để che giấu xoá dấu vết hành vi nhận hối lộ.
Gia tăng quan chức bị khởi tố tội nhận hối lộ
Tính từ đầu năm 2022 đến nay, các cơ quan chức năng đã phát hiện 523 vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ, tăng 40,97%, trong đó khởi tố 501 vụ với 1.211 bị can. Trong đó có không ít vụ án cơ quan chức năng đã khởi tố, điều tra, xử lý cán bộ về hành vi “Nhận hối lộ” - hành vi có thể xảy ra rất nhiều trong các vụ án tham nhũng, nhưng thường rất khó phát hiện.
Một số vụ án có quan chức bị khởi tố tội nhận hối lộ thời gian gần đây có thể kể đến như:
Vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và Công ty cổ phần Tiến Bộ Quốc Tế (AIC).
Liên quan đến vụ án này, quá trình điều tra vụ án xảy ra tại Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Đồng Nai, CQĐT Bộ Công an đã lần lượt khởi tố, bắt tạm giam hơn 10 bị can. Đặc biệt, ngày 19/10 mới đây, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã khởi tố 2 cựu lãnh đạo tỉnh này để điều tra về tội nhận hối lộ gồm ông Đinh Quốc Thái - cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai và ông Trần Đình Thành - cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai.
Cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai - Trần Đình Thành (bên trái) và cựu Chủ tịch Đồng Nai - Đinh Quốc Thái vừa cơ quan Công an bị khởi tố điều tra về hành vi nhận hối lộ trong vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.
Trước đó, hồi tháng 4/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố 9 bị can cùng về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Trong các bị can có ông Phan Huy Anh Vũ, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai (thời điểm khởi tố là Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai) và bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty AIC.
Kết quả điều tra ban đầu, Công an xác định dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt điều chỉnh đầu tư tại Quyết định số 1872/QĐ-UBND ngày 21-7-2010 với tổng mức đầu tư 1.904 tỉ đồng, giao Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai làm chủ đầu tư.
Quá trình thực hiện, các bị can đã thông đồng, nâng khống giá trị trang thiết bị trong điều chỉnh tổng mức đầu tư và giá gói thầu, thông thầu, gian lận trong đấu thầu tại dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Hành vi trên nhằm giúp Công ty AIC trúng thầu 12 gói thầu với tổng giá trị 476,87 tỉ đồng, gây thiệt hại tài sản Nhà nước, bước đầu xác định là 152 tỉ đồng.
Vụ án “Nhận hối lộ” xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao
Đây là một trong nhưng vụ án đưa nhận hối lộ đặc biệt nghiêm trọng, trong đó có nhiều cán bộ cấp cao của nhiều bộ ngành đã bị khởi tố điều tra về hành vi nhận hối lộ.
Mới đây nhất, ngày 04/10, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, ra Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét chỗ ở đối với 3 bị can: Nguyễn Hồng Hà (nguyên cán bộ Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka, Nhật Bản) về tội "Nhận hối lộ"; Nguyễn Lê Ngọc Anh (nguyên cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia) về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" và Hoàng Anh Kiếm về tội "Đưa hối lộ".
13/22 bị can bị khởi tố trong vụ án “Nhận hối lộ” xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao
Trước đó, Cơ quan điều tra đã khởi tố Nguyễn Quang Linh (trợ lý của Phó thủ tướng); Nguyễn Thanh Hải (Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế, Văn phòng Chính phủ) và nhiều quan chức của Bộ Ngoại giao, cán bộ của Bộ Y tế và Bộ Giao thông vận tải, cựu lãnh đạo và cán bộ của Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an để điều tra về tội "Nhận hối lộ" quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự.
Đến nay đã có tất cả 22 bị can bị khởi tố trong vụ án này, vụ án đang được cơ quan Công an tiếp tục điều tra làm rõ.
Vụ án “thổi giá” kít xét nghiệm Covid-19 Việt Á
Đây là một trong vụ án đặc biệt lớn, gây chấn động dư luận, liên quan trách nhiệm hàng loạt bộ ngành và CDC các địa phương. Đáng chú ý, theo thông tin công bố của cơ quan điều tra, số tiền mà Công ty Việt Á chi “hoa hồng” cho đối tác là lãnh đạo các Bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố trong quá trình cung cấp sản phẩm lên tới gần 800 tỉ đồng.
Ngày 31/12/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định bổ sung Quyết định khởi tố vụ án về các tội Đưa hối lộ, Nhận hối lộ và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, đồng thời ra các quyết định, thủ tục tố tụng.
Đến nay, Bộ Công an đã khởi tố 28 bị can trong đó nhiều đối tượng bị khởi tố về tội “Nhận hối lộ”. Đặc biệt cũng liên quan đến vụ án này, Công an 21 địa phương khởi tố 24 vụ/63 bị can với nhiều tội danh khác nhau.
Hiện, vụ án đang được C03 Bộ Công an tiếp tục điều tra mở rộng theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, trong vụ án này, không loại trừ khả năng sẽ có thêm đối tượng liên quan sẽ bị khởi tố, xử lý về hành vi “Đưa – Nhận hối lộ” nếu cơ quan chức năng thu thập thêm được thông tin, tài liệu, chứng cứ… vững chắc để chứng minh được hành vi này.
Vụ án “”bảo kê buôn lậu xăng dầu xảy ra tai tại Cảnh sát Biển và Biên phòng
Liên quan đến vụ án này có đến 14 sĩ quan quân đội đã bị xử lý về tội “Nhận hối lộ”, trong đó có 2 sĩ quan cấp tướng gồm cựu Thiếu tướng Lê Xuân Thanh, cựu Tư lệnh Cảnh sát biển Vùng 3 và cựu Thiếu tướng Lê Văn Minh, cựu Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4.
Tại phiên xét xử sơ thẩm hồi tháng 7 vừa qua, HĐXX đã tuyên phạt cựu đại tá Nguyễn Thế Anh, cựu Phó cục trưởng Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội biên phòng (BĐBP), cựu Phó chánh văn phòng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, cựu Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Kiên Giang, mức án chung thân; cựu thiếu tướng Lê Văn Minh mức án 15 năm tù; cựu thiếu tướng Lê Xuân Thanh mức án 12 năm tù; 9 bị cáo còn lại nhận mức án từ 2 năm 6 tháng tù cho hưởng án treo đến 16 năm tù cùng về tội “Nhận hối lộ”.
Và nhiều vụ án khác…
Đáng lưu ý, hành vi nhận hối lộ không chỉ bị phát hiện và xử lý trong các vụ án tham nhũng, chức vụ ở các lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai; xây dựng cơ bản; đầu tư công, quản lý tài sản công; tài chính, ngân hàng; y tế, giáo dục… mà ngay cả trong hoạt động tư pháp, trong các cơ quan chống tham nhũng, tiêu cực cũng phát hiện không ít cán bộ có hành vi nhận hối lộ.
Điển hình như mới đây nhất là hôm 19/10, Cục điều tra hình sự, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thực hiện lệnh bắt giữ Vi Đức Ninh (Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) để điều tra về hành vi "Nhận hối lộ". Đồng thời Công an tỉnh Bắc Giang cũng bắt khẩn cấp một nguyên cán bộ của Cục Cảnh sát hình sự (C02), Bộ Công an để điều tra nghi vấn môi giới hối lộ.
Trước đó, đã có rất nhiều các vụ án khác, cơ quan chức năng đã chứng minh và xử lý được nhiều đối tượng về hành vi đưa nhận hối lộ. Điển hình như trong vụ án Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”), Phan Văn Anh Vũ đã phải trả giá bằng mức án 7 năm 6 tháng tù cho hành vi “Đưa hối lộ”; Nguyễn Duy Linh, cựu phó tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo trả giá bằng 14 năm tù cho hành vi nhận hối lộ và Hồ Hữu Hòa (SN 1984, trú tại thị trấn Cầu Giát, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) bị tuyên phạt 2 năm 7 tháng 25 ngày tù với hành “Môi giới hối lộ”…
Nhận diện những thủ đoạn nhận hối lộ tinh vi của quan chức
Hành vi nhận hối lộ được quy định tại Điều 354, Bộ luật Hình sự. Theo đó, nhận hối lộ là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.
Nghiên cứu các vụ án đã xử lý được hành vi nhận hối lộ của một số quan chức thời gian qua, chúng tôi nhận thấy các đối tượng thường có rất nhiều chiêu thức, thủ đoạn rất tinh vi để che giấu hành vi phạm tội và ít khi để lại dấu vết, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc phát hiện xử lý.
Lập nhiều tài khoản ngân hàng, chuyển lòng vòng hòng xoá dấu vết.
Là một trong những thủ đoạn phổ biến được các đối tượng sử dụng để thực hiện hành vi đưa nhận hối lộ trọng thời đại công nghệ phát triển như ngày nay, có thể thấy rõ nét nhất trong đại án Việt Á.
Theo đó, để tránh cho các quan chức bị phát hiện việc nhận tiền hối lộ, Phan Quốc Việt chỉ đạo các đối tượng chuyển tiền qua tài khoản phụ của Công ty Việt Á, sau đó tiếp tục chuyển vào tài khoản cá nhân của em ruột Hồ Thị Thanh Thủy, vợ Phan Quốc Việt để chuyển cho các nhân viên phụ trách vùng của Công ty Việt Á. Sau khi nhận được chuyển khoản, các nhân viên phụ trách vùng rút tiền mặt rồi đưa cho các cá nhân trong cơ sở y tế công.
Số tiền này chủ yếu được quyết toán cá nhân, không đưa vào sổ sách kế toán theo dõi, kê khai, báo cáo thuế theo quy định. Cùng với đó, toàn bộ hoạt động kinh doanh của các Công ty thuộc hệ thống Công ty Việt Á sử dụng 2 hệ thống phần mềm, sổ sách.
Các đối tượng trong vụ án “thổi giá” kít xét nghiệm Covid-19 Việt Á đã sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, biến hoá khôn lường nhằm che giấu hành vi đưa nhận hối lộ
Bên cạnh đó, các đối tượng chủ động đối phó bằng việc sử dụng hệ thống quản trị mạng bảo mật rất cao, thành lập phòng IT với trên 10 chuyên gia để bảo mật thông tin, cũng như nhanh chóng xóa dữ liệu điện tử khi bị phát hiện, kiểm tra và bàn bạc, thống nhất khai báo nếu cơ quan điều tra triệu tập… gây nhiều khó khăn trong công tác thu thập dữ liệu điện tử và điều tra, xác minh của cơ quan điều tra.
Chuyển tiền hối lộ thông qua các kênh riêng biệt.
Chiêu thức này được các đối tượng trong vụ án buôn lậu xăng dầu sử dụng rất tinh vi, mang tính khá chuyên sâu nghiệp vụ. Theo đó, các đối tượng hối lộ nhưng không gặp trực tiếp, mà quy định với nhau như là một điểm “hộp thư chết” và giao tiền bí mật. Một người đưa tiền đến địa điểm bí mật để người khác đến nhận, hoặc đưa những tài khoản thông nhau, ví dụ cho người này lập các tài khoản, ở bên cạnh gửi tiền là có tài khoản rút tiền ra, thủ đoạn rất tinh vi.
Điển hình như trong vụ án “”bảo kê buôn lậu xăng dầu xảy ra tại Cảnh sát Biển và Biên phòng, để đưa tiền hối hộ cho các đối tượng, Phan Thanh Hữu và các tướng lĩnh này bàn bạc và thống nhất nhờ Phan Lê Hoàng Anh (con trai Hữu) hàng tháng chuyển cho người thân của họ – như một kênh giao dịch riêng biệt.
Ngoài ra, Phan Hữu còn chỉ đạo cho Nguyễn Hữu Tứ liên hệ gặp Ngô Văn Thụy (cựu Đội trưởng Đội 3, Cục điều tra chống buôn lậu - Tổng Cục hải quan) để hối lộ. Ngoài việc đưa phong bì đựng tiền mặt cho Thuỵ, Tứ còn lập một tài khoản ngân hàng do Tứ đứng tên và chuyển tiền vào đó, sau đó Tứ đưa thẻ ATM tài khoản đồng thời cung cấp mật khẩu cho Thuỵ chủ động rút tiền.
Chuyển tiền hối lộ núp bóng những giao dịch dân sự, kinh tế.
Đây là một thủ đoạn được nhiều đối tượng sử dụng hòng che mắt cơ quan chức năng. Theo đó, trong vụ Việt Á, Phan Quốc Việt còn chỉ đạo chuyển khoản tiền lại quả cho các cá nhân từ tài khoản của em vợ mình đến số tài khoản theo chỉ định của các cá nhân trong cơ sở y tế đều ghi nội dung dưới dạng “thanh toán tiền mua hàng”, “nhờ thanh toán tiền mua hàng”.
Hay như trong vụ buôn lậu xăng dầu, sau khi biết ông Phan Thanh Hữu bị bắt vào tháng 2/2021, nhóm cựu sĩ quan biên phòng bàn bạc thống nhất hợp thức hóa tiền hối lộ hàng tháng thành tiền trả nợ để đối phó cơ quan điều tra.
Núp bóng dưới dạng quà tặng.
Điều này thấy rõ trong vụ án đánh bạc nghìn tỷ ở Phú Thọ của Phan Sào Nam và cá đồng phạm. Theo đó, trong quá trình bị điều tra, Nguyễn Văn Dương khai đã cho tướng Phan Văn Vĩnh chiếc đồng hồ Rolex trị giá 7.000 USD, 27 tỷ đồng, 1,75 triệu USD; chi cho C50 đúng 850 triệu đồng và một phần mềm diệt virút trị giá 30.000 USD; chi cho tướng Nguyễn Thanh Hóa 22 tỷ đồng; chi khoảng 10 tỷ đồng tiền rượu cho các bữa tiệc của Tổng cục Cảnh sát.
Khai với cơ quan điều tra, bị cáo Phan Văn Vĩnh chỉ thừa nhận cầm của Dương áo sơ mi, thuốc bổ gan, rượu… nhưng không nhận tiền. Do đó, cơ quan điều tra chỉ khẳng định việc Dương cho C50 bộ phần mềm và 700 triệu đồng. Ngoài ra, chưa có căn cứ làm rõ việc tướng Vĩnh, tướng Hóa nhận tiền từ Nguyễn Văn Dương…
Kết mở
Mặc dù, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng thời gian qua đã đạt được nhiều thành tựu, nhiều vụ án lớn đã bị phát hiện, xử lý. Trong đó, số lượng các vụ án xử lý được quan chức về hành vi nhận hối lộ ngày càng nhiều.
Tuy nhiên, vẫn còn có những vụ án tham nhũng, tiêu cực có tình tiết đưa và nhận hối lộ nhưng chưa đủ căn cứ để đưa ra truy tố, xử lý. Hay, có những vụ án có nhiều tình tiết khiến dư luận hoài nghi có dấu hiệu của hành vi đưa và nhận hối lộ nhưng quá trình điều tra, truy tố, xét xử cũng không chứng minh được. Đặc biệt, lâu nay, người ta nói nhiều đến chạy chức, chạy quyền bằng nhiều hình thức khác nhau nhưng thực chất đều là hình thức của hối lộ, nhưng rất ít khi được phát hiện và xử lý…
Do đó, chúng tôi cho rằng, trong thời gian tới, để cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thành công hơn nữa, toàn diện hơn nữa thì cần phải xử lý triệt để được loại tội phạm này.
Để làm được điều đó, chúng ta phải xác định đã có tham nhũng, tiêu cực thì không thể loại trừ hành vi phạm tội đưa - nhận hối lộ; khi tiến hành điều tra, xử lý vụ án về tham nhũng, chức vụ cần tiến hành đồng thời việc điều tra hành vi đưa - nhận hối lộ. Nếu phát hiện có dấu hiệu phạm tội phải quyết liệt, kiên trì điều tra, chứng minh tội phạm và xử lý nghiêm minh, đúng người đúng tội, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, tránh bỏ lọt tội phạm.
Song song với đó, cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật về PCTN, TC. Trong đó, hoàn thiện các quy định về kê khai tài sản cán bộ công chức, tăng cường cơ chế giám sát của xã hội; bổ sung quy định về xử lý tài sản không rõ nguồn gốc hoặc không giải trình hợp lý; sớm nghiên cứu để có cơ chế xử lý hình sự được hành vi làm giàu bất chính, nhận quà biếu, đặc biệt cần ban hành luật đăng ký tài sản… những quy định này sẽ làm cho cán bộ, công chức tham nhũng sẽ không thể che giấu tài sản bất minh từ đó sẽ không dám nhận hối lộ.