Ngành nông nghiệp huyện Thạch Thất (Hà Nội): Nỗ lực thích ứng với trạng thái “bình thường mới”.

Huyện Thạch Thất (Hà Nội) đã và đang thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch và phát triển kinh tế, không để đứt gẫy vùng sản xuất theo chủ trương, phương án áp dụng giãn cách xã hội theo ba vùng "đỏ," "vàng," "xanh" của TP. Hà Nội. Theo đó, huyện  đã khôi phục, bắt nhịp lại sản xuất, kinh doanh, hướng tới trạng thái "bình thường mới”.

Huyện khuyến khích sử dụng máy móc sẵn có để phục vụ sản xuất nông nghiệp; đồng thời có biện pháp hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch, đảm bảo không để ùn ứ nông sản, ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống của người dân.

11-1638166640.jpg
 

Ngày 5/9, Ủy ban Nhân dân huyện Thạch Thất ban hành văn bản số 10/PA-UBND về việc cho phép một số xã thuộc "vùng xanh" được hoạt động trở lại một số ngành nghề thì nhiều hộ dân ở đây đã mở rộng quy mô hơn. Luôn xác định sản xuất nông nghiệp là điểm tựa. huyện đã triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất, phát triển ngành nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi giá trị để phát triển bền vững.

Với hướng đi này, huyện đã hình thành một số mô hình sản xuất nông nghiệp chuyên canh quy mô lớn theo hướng hàng hóa, hiện đang cho thu nhập trung bình từ 330 - 445 triệu đồng/ha/năm và được liên kết tiêu thụ tới các siêu thị, nhà hàng, bếp ăn tập thể trên địa bàn TP. Hà Nội. Trang trại Hoa Viên tại xã Yên Trung và Yên Bình là một ví dụ. Hàng trăm hécta đất đồi đã được quy hoạch, đầu tư trồng cây dược liệu, cây lâu năm và các loại rau... theo hướng sản xuất hữu cơ. Đáng chú ý, quy trình sản xuất nông nghiệp của Hoa Viên luôn bảo đảm sạch, nguồn giống cây trồng chuẩn không có đột biến gene. Tất cả đều hướng đến mục tiêu để người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm an toàn, tốt cho sức khỏe.

Thời gian vừa qua, huyện Thạch Thất cũng đẩy mạnh chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi từ những vùng trũng, khó canh tác sang mô hình trang trại, gia trại cho hiệu quả kinh tế cao. Theo ông Hoàng Chí Lượng – Trưởng phòng kinh tế huyện Thạch Thất: “Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã góp phần quan trọng thay đổi tư duy của các hộ sản xuất, kinh doanh, trọng điểm là các tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa, nhỏ và hộ gia đình. Cũng nhờ chuyển dịch cơ cấu đã tạo điều kiện cho các chủ thể có cơ hội phát huy tiềm năng, lợi thế. Trên cơ sở những kết quả bước đầu này, huyện đang tích cực khuyến khích các chủ thể tham gia chương trình OCOP để có thể tham gia các thị trường trong và ngoài nước”.

12-1638166640.jpg
 

Theo đó, thực hiện nhiệm vụ “kép” vừa phòng, chống dịch vừa chỉ đạo triển khai đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ chính trị, 9 tháng đầu năm, toàn huyện đã đạt kết quả toàn diện trên các lĩnh vực: tổng giá trị sản xuất trên địa bàn đạt 67,2% Kế hoạch năm và tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2020; tổng thu ngân sách nhà nước đạt 69% dự toán năm Thành phố giao, đạt 67% huyện giao và bằng 147% so với cùng kỳ năm trước. Trong sản xuất nông nghiệp, vấn đề về cơ giới hóa cũng được ứng dụng và đẩy mạnh để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

Vấn đề áp dụng tiến bộ khoa học cộng nghệ trong trồng trọt, chăn nuôi, các mô hình sản xuất, nuôi trồng ứng dụng công nghệ đã cho năng suất, chất lượng cao và ngày càng phát triển, đem lại hiệu quả rõ nét. Nhiều cơ sở sản xuất trên địa bàn đã đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới công nghệ, thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội trong tình hình mới. Đặc biệt, huyện đã chỉ đạo thực hiện 2 mô hình sản xuất lúa theo chuỗi, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ và sử dụng dịch vụ phòng trừ dịch hại bảo vệ thực vật bằng công nghệ tại xã Dị Nậu 50 ha và xã Hương Ngải 50 ha.

Qua đó, bước đầu đã cho thấy hiệu quả hơn so với phun thuốc bảo vệ thực vật bằng phương pháp thủ công, trừ được sâu bệnh dịch hại kịp thời, bù đắp được thiếu hụt lao động trong sản xuất nông nghiệp, quản lý được vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Việc phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung không những tạo thuận lợi cho người dân trong việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất mà còn cao gấp 5-7 lần so với cấy lúa. Phong trào sản xuất trên không chỉ giúp thay đổi thói quen sinh hoạt, bảo vệ môi trường của bà con mà còn giúp nâng chất lượng nông thôn mới (NTM) của địa phương này lên tầm cao mới. Huyện Thạch Thất sẽ tiếp tục phát triển nông nghiệp theo quy hoạch đã được phê duyệt; đồng thời, thực hiện thí điểm xây dựng vùng nông nghiệp sử dụng công nghệ cao tại các xã: Yên Bình, Yên Trung, Tiến Xuân, Đại Đồng...

Bên cạnh đó, huyện tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện chuyển đổi 367ha diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang sản xuất rau, hoa, cây dược liệu, cây ăn quả và thủy sản, nâng cao hiệu quả giá trị sản xuất trên đơn vị canh tác. Thời gian tới Thạch Thất sẽ đẩy mạnh phát triển mô hình “Mỗi xã một sản phẩm” dựa trên lợi thế, thế mạnh của mỗi địa phương; thực hiện chuyển mạnh lao động nông nghiệp sang các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề nông thôn, góp phần tăng năng suất lao động tại địa phương, đặt mục tiêu đến năm 2025 thu nhập bình quân trên địa bàn đạt 120 triệu đồng/người. Với hướng đi này, “vùng xanh” Thạch Thất đang thích ứng có hiệu quả trong trạng thái “bình thường mới”, trở thành một trong những địa phương không để đứt gãy sản xuất, kinh doanh nhưng vẫn bảo đảm phòng chống dịch.

Đăng Bao

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin