(Pháp lý) - Thời gian gần đây, nhiều cán bộ, đảng viên sai phạm nghiêm trọng bị truy cứu trách nhiệm kỉ luật. Trong quy trình xử lý cán bộ của Đảng thì đây được coi là trách nhiệm pháp lý được truy cứu đầu tiên, sau đó là những trách nhiệm pháp lý khác (nếu có) khi đảng viên vi phạm các quy định của Đảng và vi phạm pháp luật.
Quy định của Đảng về xử lý cán bộ vi phạm
Ngày 19/12/2017, Ban Chấp hành Trung ương có Quyết định 105-QĐ/TW về phân cấp quản lý cán bộ, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ. Theo đó, quản lý cán bộ gồm: Tuyển chọn, bố trí, phân công, điều động, luân chuyển cán bộ và phân cấp quản lý cán bộ; đánh giá cán bộ; Quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; Bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; miễn nhiệm cán bộ; Khen thưởng, kỷ luật cán bộ; Thực hiện chế độ, chính sách cán bộ.; Kiểm tra, giám sát công tác cán bộ; giải quyết khiếu nại, tố cáo về công tác cán bộ và cán bộ. Trong Quyết định 105 đã phân cấp rõ cán bộ cấp nào thuộc diện quản lý của Bộ Chính trị và Ban bí thư.
Tiếp đó, Bộ Chính trị có Quy định 102 - QĐ/TW về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm. Theo đó, quy định về nguyên tắc xử lý khi đảng viên vi phạm: Tất cả đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng. Đảng viên ở bất cứ cương vị nào, nếu vi phạm kỷ luật của Đảng đều phải được xem xét, xử lý kỷ luật nghiêm minh, kịp thời”. Việc thi hành kỷ luật đảng viên vi phạm phải thực hiện đúng phương hướng, phương châm, nguyên tắc, thủ tục và thẩm quyền theo quy định của Điều lệ Đảng, quy định, hướng dẫn của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Khi xem xét, xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, phải căn cứ vào nội dung, tính chất, mức độ, tác hại, nguyên nhân vi phạm, các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ, thái độ tiếp thu phê bình và sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, vi phạm, hậu quả đã gây ra, mục tiêu, yêu cầu của việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng.
Trong xử lý kỷ luật, phải kết hợp xem xét kết quả tự phê bình và phê bình với kết quả thẩm tra, xác minh của tổ chức đảng để bảo đảm kết luận dân chủ, khách quan, trung thực, đầy đủ, chính xác. Cần làm rõ nguyên nhân, phân biệt sai lầm, khuyết điểm của đảng viên do trình độ, năng lực hoặc động cơ vì lợi ích chung hay vì lợi ích cá nhân, cục bộ mà cố ý làm trái; vi phạm nhất thời hay có hệ thống; đã được giáo dục, nhắc nhở, ngăn chặn nhưng vẫn làm trái; ý thức tự phê bình và phê bình kém, không tự giác nhận lỗi, không bồi hoàn vật chất đầy đủ, kịp thời; có hành vi đối phó, gây khó khăn, trở ngại cho việc kiểm tra; phân biệt đảng viên khởi xướng, tổ chức, quyết định với đảng viên bị xúi giục, lôi kéo, đồng tình làm sai.
Quy định cũng nêu rõ hình thức kỷ luật: Đối với đảng viên chính thức gồm: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ; đối với đảng viên dự bị: Khiển trách, cảnh cáo. Quy định cũng nêu rõ và nhấn mạnh: Đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự, không "xử lý nội bộ"; bị tòa án tuyên phạt từ hình phạt cải tạo không giam giữ trở lên thì phải khai trừ; nếu bị xử phạt bằng hình phạt thấp hơn cải tạo không giam giữ hoặc được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, bị xử phạt hành chính thì tùy nội dung, mức độ, tính chất, tác hại, nguyên nhân vi phạm và các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ mà xem xét, thi hành kỷ luật đảng một cách thích hợp.
Kỷ luật đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể và các hình thức xử lý của pháp luật. Đảng viên bị thi hành kỷ luật về Đảng thì cấp ủy quản lý đảng viên đó phải kịp thời chỉ đạo hoặc đề nghị ngay các tổ chức nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội có thẩm quyền, trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật về Đảng, phải xem xét, xử lý kỷ luật về hành chính, đoàn thể (nếu có) theo quy định của cơ quan nhà nước và điều lệ của đoàn thể…
Quy định cũng nêu nguyên tắc: Không được luân chuyển, bổ nhiệm, phong, thăng quân hàm; phong, tặng, công nhận các danh hiệu của Đảng và Nhà nước đối với đảng viên đang được tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật.
Quy định xử lý kỉ luật trên đã thể hiện rất rõ quan điểm của Đảng trong việc xử lý cán bộ. Đặc biệt là việc xử lý cán bộ không có vùng cấm. Và việc truy cứu đến cùng các loại trách nhiệm pháp lý (gồm trách nhiệm hình sự, dân sự, hành chính, bồi thường) theo các quy định pháp luật liên quan.
Nhiều cán bộ vi phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng bị xử lý kỉ luật
Kết quả quản lý, kiểm tra và xử lý cán bộ vi phạm của Đảng được người dân rất quan tâm. Tại phiên họp thứ 16 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đưa ra thông tin Bộ Chính trị, Ban Bí thư, UB Kiểm tra TƯ đã kỷ luật đối với 1 tổ chức đảng, 13 đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, cả đương chức và đã nghỉ hưu. Tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã thi hành kỷ luật Đảng và xử lý hình sự trên 70 cán bộ, đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Cơ quan thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị thu hồi, xử lý 61.392 tỷ đồng và 142 ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật, hành chính 692 tập thể và nhiều cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xem xét xử lý 46 vụ, 73 đối tượng.
Về 13 đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (cả đương chức và nghỉ hưu) bị kỷ luật mới đây nhất, trong đó, có 3 nguyên Thứ trưởng và 4 Thứ trưởng, gồm: Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Quân ủy Trung ương, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng bị Bộ Chính trị kỷ luật cách các chức vụ: Ủy viên Đảng uỷ Quân sự Trung ương nhiệm kỳ 2005-2010; Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Quân chủng Hải quân nhiệm kỳ 2005-2010 vào ngày 21/6.
Trong thời gian giữ cương vị Phó Bí thư Đảng uỷ, Tư lệnh Quân chủng Hải quân, ông Hiến chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng của Ban Thường vụ Đảng uỷ Quân chủng Hải quân trong triển khai, tổ chức thực hiện Nghị quyết của Ban Thường vụ Đảng uỷ trong công tác quản lý, sử dụng đất quốc phòng do Quân chủng Hải quân quản lý. Ngoài ra, ông Hiến còn chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Quân chủng Hải quân và trách nhiệm cá nhân về vi phạm, khuyết điểm như thực hiện không đúng thẩm quyền, vi phạm các quy định pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng đối với 10 khu đất quốc phòng.
Ông Hiến cũng vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc của Đảng uỷ Quân chủng Hải quân, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu trách nhiệm kiểm tra, giám sát trong công tác quản lý, sử dụng các khu đất quốc phòng. Các cơ quan chức năng đã xem xét, xác định vi phạm, khuyết điểm của ông Nguyễn Văn Hiến là rất nghiêm trọng, làm thiệt hại lớn về tiền, tài sản của Nhà nước và Quân đội, để một số cán bộ, đảng viên trong Quân chủng Hải quân bị khởi tố, điều tra và xử lý hình sự, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, Quân đội và cá nhân ông. Căn cứ Quy định số 102 của Bộ Chính trị khoá 12 về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả các vi phạm; xét quá trình công tác, những đóng góp cho Quân chủng Hải quân, cho Quân đội và đất nước của ông Nguyễn Văn Hiến, Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật ông Hiến bằng hình thức cách chức các chức vụ. Đồng thời, Bộ Chính trị yêu cầu cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật về chính quyền đối với ông Nguyễn Văn Hiến tương ứng với kỷ luật Đảng theo quy định.
Nguyên Thứ trưởng GTVT Nguyễn Hồng Trường bị truy trách nhiệm kỉ luật vì có vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp thuộc Bộ GTVT gây thất thoát lớn tiền và tài sản của Nhà nước. Những vi phạm của ông Trường gây thiệt hại có thể định lượng được. Đó là ông Trường chịu trách nhiệm cá nhân về ký các quyết định phê duyệt giá trị doanh nghiệp, phương án cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại nhiều doanh nghiệp, đơn vị thuộc Bộ GTVT, đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa, cho cổ phần hóa,… không đúng thẩm quyền, vi phạm các quy định của pháp luật về cổ phần hóa, quản lý vốn tại các doanh nghiệp; đồng ý cho Tổng Công ty Hàng không Việt Nam thực hiện một số hoạt động không đúng với quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2013 và các quy định của Chính phủ; thiếu kiểm tra, để các doanh nghiệp được phân công phụ trách vi phạm, khuyết điểm gây thất thoát tài sản của nhà nước. Ban Bí thư xác định vi phạm, khuyết điểm của ông Trường là nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, ngành GTVT và cá nhân ông Trường.
Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật nguyên Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường bằng hình thức cách chức Ủy viên Ban cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải nhiệm kỳ 2011 - 2016, 2016 - 2021. Ban Bí thư yêu cầu cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật về hành chính đối với nguyên Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đồng bộ với xử lý kỷ luật về Đảng. Cũng liên quan đến vụ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp thuộc Bộ GTVT, 2 Thứ trưởng đương chức của Bộ GTVT: Nguyễn Ngọc Đông và Nguyễn Nhật bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật khiển trách tại kỳ họp 37. Thứ trưởng Nguyễn Văn Công bị kỷ luật cảnh cáo.
Ngoài 7 Thứ trưởng và nguyên Thứ trưởng, còn có 1 nguyên Phó Thủ tướng, 1 nguyên Chính ủy, 1 nguyên Phó Tư lệnh, 1 Tư lệnh, 1 Chủ tịch tỉnh và 1 nguyên Chủ tịch tỉnh bị kỷ luật trong nửa năm. Cụ thể, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh bị Bộ Chính trị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo vào ngày 19/7. Cùng với án kỷ luật này, ông Ninh còn bị Bộ Chính trị yêu cầu cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật về hành chính. Ông Ninh bị kỷ luật vì có những vi phạm, khuyết điểm trong việc quyết định chủ trương thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại một số DN thuộc Bộ GTVT.
Phó đô đốc Nguyễn Văn Tình, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Quân ủy Trung ương, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chính ủy Quân chủng Hải quân bị Ban Bí thư kỷ luật cảnh cáo vào ngày 19/6 vì có những vi phạm, khuyết điểm trong công tác quản lý, sử dụng đất quốc phòng. Liên quan đến những vi phạm, khuyết điểm trong công tác quản lý, sử dụng đất quốc phòng, Chuẩn Đô đốc Lê Văn Đạo, nguyên Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân cũng bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật cảnh cáo.
Nếu chỉ có trách nhiệm kỉ luật…
Trao đổi với Phóng viên Pháp lý, ông Nguyễn Đình Hương (nguyên Phó Ban Tổ chức Trung ương) nêu quan điểm: Thời gian vừa qua, Đảng đã kỉ luật rất nhiều cán bộ cấp cao nhưng tôi cảm giác các hình thức kỉ luật còn nhẹ. Các Nghị quyết của Trung ương đều nêu việc làm gương của cán bộ lãnh đạo. Theo tôi, cần làm gương cả trong công tác kỉ luật cán bộ. Điều đó cũng có nghĩa rằng, cán bộ cấp cao vi phạm thì càng cần bị xử lý nghiêm minh.
Ông Hương cũng cho rằng, cán bộ sai phạm trong quản lý gây thiệt hại hầu hết các thiệt hại là về kinh tế, hàng chục hàng trăm tỉ đồng đã thất thoát…. Thất thoát nhiều như vậy thì ít nhất là kỉ luật mất chức và khai trừ khỏi Đảng mới là nghiêm minh. Nếu chỉ kỉ luật cảnh cáo, cách chức thì cán bộ không sợ. Đồng thời, những vi phạm của các cán bộ, đảng viên trên đều liên quan đến các hoạt động quản lý sử dụng các nguồn lực như đất đai, công sản của Nhà nước. Thiệt hại về kinh tế có thể nhìn thấy rõ ràng khi các cán bộ, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm. Nếu chỉ có trách nhiệm kỉ luật về Đảng, mà không thể khắc phục những thiệt hại về kinh tế cho Nhân dân, Nhà nước, thì chưa đủ răn đe các quan chức khác. Bởi vậy thiết nghĩ, sau khi kỉ luật Đảng nghiêm minh, cán bộ sai phạm phải bị xem xét xử lý và truy các trách nhiệm pháp lý khác để đảm bảo sự răn đe của pháp luật, khôi phục các lợi ích cho Nhà nước.
Còn nhớ, tại Hội nghị lần thứ 9 (cuối năm 2018), Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét thi hành kỷ luật ông Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM bằng hình thức cách chức Ủy viên Trung ương Đảng khoá XII; Phó Bí thư thường trực Thành ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM nhiệm kỳ 2015-2020, vì đã có những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng. Ông Cang đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để lĩnh vực được phân công phụ trách có nhiều vi phạm pháp luật, gây thiệt hại lớn cho ngân sách Đảng bộ TP.HCM. Ngoài ra, trong thời gian là Ủy viên UBND TP, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, ông Cang đã vi phạm quy định pháp luật về đất đai và quản lý đầu tư xây dựng trong việc ký quyết định phê duyệt dự án và ký tắt hợp đồng dự án đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Trong số đó, điển hình là vụ Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận (gọi tắt là Công ty Tân Thuận - 100% vốn trực thuộc Thành ủy TP.HCM) chuyển nhượng khu đất hơn 32ha (tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) cho Công ty Quốc Cường Gia Lai. Ông Cang còn vi phạm các quy định pháp luật trong việc quyết định chủ trương hợp tác kinh doanh, chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các doanh nghiệp thuộc Thành ủy, chấp thuận chủ trương để người đại diện phần vốn của Thành ủy biểu quyết phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược tại doanh nghiệp. UBKT Trung ương kết luận những vi phạm của ông Cang là rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội, làm ảnh hưởng lớn đến uy tín của Thành ủy, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật. Đến nay, ông Cang mới chỉ phải chịu trách nhiệm kỷ luật về Đảng. Đã hơn 7 tháng trôi qua, việc xử lý những cá nhân như ông Cang khiến dư luận chưa yên và người dân chưa phục.
Phan Phan