Muốn xác minh thiệt hại về tinh thần, cần có giấy tờ gì?

Với 6 chương, 32 điều, dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) đang được Bộ Tư pháp đưa ra lấy ý kiến rộng rãi quy định cụ thể về thiệt hại được bồi thường, thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường, trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ…

[caption id="attachment_187270" align="aligncenter" width="410"]Ảnh minh họa Ảnh minh họa[/caption]

Dự thảo nói trên quy định chi tiết các loại giấy tờ cụ thể đối với từng loại thiệt hại mà cơ quan giải quyết bồi thường phải căn cứ vào đó để tiến hành xác minh thiệt hại. Trong đó, đáng chú ý việc xác minh thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút được thực hiện căn cứ vào một hoặc một số loại giấy tờ liên quan đến: việc trả tiền lương, tiền công; việc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội của người bị thiệt hại; thu nhập của cá nhân, tổ chức.

Việc xác minh thiệt hại về vật chất do người bị thiệt hại chết và thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm được thực hiện căn cứ vào một hoặc một số loại giấy tờ liên quan đến: việc khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; tình trạng mất khả năng lao động của người bị thiệt hại; việc có người thường xuyên chăm sóc người bị thiệt hại; việc thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng; việc người bị thiệt hại chết; giấy tờ liên quan đến việc giám định thiệt hại.

Việc xác minh thiệt hại về tinh thần được thực hiện căn cứ vào một hoặc một số loại giấy tờ liên quan đến: việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn, biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính, biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; việc bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án hoặc bị áp dụng các biện pháp ngăn chặn trong hoạt động tố tụng hình sự; việc người bị thiệt hại chết; mức độ sức khỏe bị tổn hại; việc kỷ luật buộc thôi việc; giấy tờ liên quan đến việc giám định thiệt hại.

Việc xác minh thiệt hại là các chi phí khác được bồi thường được thực hiện căn cứ vào một hoặc một số loại giấy tờ liên quan đến: việc thuê phòng nghỉ, đi lại, in ấn tài liệu, gửi đơn thư; thuê người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại; việc thăm gặp thân nhân của người bị tạm giữ, người tạm giam, người chấp hành hình phạt tù trong tố tụng hình sự.

Dự thảo cũng quy định cách thức xác minh thiệt hại, quy định chi tiết các trường hợp được yêu cầu người yêu cầu bồi thường, cá nhân, tổ chức khác có liên quan cung cấp tài liệu, chứng cứ; Quy định chi tiết các trường hợp phải tiến hành định giá tài sản, giám định thiệt hại và bảo đảm kinh phí để định giá tài sản, giám định thiệt hại; Quy định chi tiết các trường hợp được lấy ý kiến của các cá nhân, tổ chức về thiệt hại, mức bồi thường và có thể lấy ý kiến đối với cá nhân, tổ chức nào. Đồng thời, quy định trách nhiệm trả lời của các cá nhân, tổ chức được lấy ý kiến; Quy định chi tiết về các trường hợp và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước, cơ quan tài chính có thẩm quyền tham gia vào việc xác minh thiệt hại theo đề nghị của cơ quan giải quyết bồi thường; Quy định chi tiết nội dung chính của báo cáo xác minh thiệt hại.

Riêng vấn đề phục hồi danh dự, dự thảo Nghị định quy định chi tiết các vấn đề, các nội dung sau: nội dung chính của Thông báo bằng văn bản về chủ động phục hồi danh dự, thời hạn và các phương thức thể hiện ý kiến của người bị thiệt hại (Điều 18); thành phần tham gia buổi trực tiếp xin lỗi và cải chính công khai; trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại; nội dung chính của bài trình bày trực tiếp xin lỗi và cải chính công khai; trình tự, thủ tục tiến hành việc xin lỗi và cải chính công khai và trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc bảo đảm an ninh, trật tự cho buổi trực tiếp xin lỗi và cải chính công khai (Điều 19); trách nhiệm của các cơ quan quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại trong việc đăng báo xin lỗi và cải chính công khai; nội dung chính của bài đăng báo xin lỗi và cải chính công khai; trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại, của cơ quan báo chí và của Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc niêm yết các số báo đăng báo xin lỗi và cải chính công khai (Điều 20).

Ngoài việc quy định chi tiết, đầy đủ những vấn đề mà Luật TNBTCNN giao Chính phủ, đảm bảo thống nhất, đồng bộ với quy định của Luật và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, Bộ Tư pháp cũng xác định các quy định của dự thảo Nghị định phải cụ thể, chi tiết, bảo đảm tính khả thi của Nghị định khi có hiệu lực thi hành.

Theo Bao Phapluat

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin