Một số vấn đề cần lưu ý khi kí kết và thực thi hợp đồng chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine tại Việt Nam

20/08/2021 22:13

(Pháp Lý) - Chuyển giao công nghệ là chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt một phần hoặc toàn bộ công nghệ từ bên chuyển giao công nghệ cho bên nhận công nghệ. Trong bối cảnh các quốc gia đang gấp rút trong cuộc “chạy đua” vaccine ngừa Covid-19, việc ký kết các hợp đồng chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine là một nhu cầu cấp thiết nhằm cung ứng đủ nguồn vaccine , tạo hệ miễn dịch cộng đồng. Việt Nam cũng là một trong số các quốc gia có nhu cầu đó . Để việc kí kết và thực thi hợp đồng đạt hiệu quả và mục đích của các bên, khuyến cáo các chủ thể hợp đồng chuyển giao công nghệ luôn phải đảm bảo tuân thủ đúng luật và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Cuộc “chạy đua” sản xuất vaccine ngừa Covid-19 toàn cầu 

Dịch Covid-19 bùng phát tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) từ tháng 12/2019, sau đó lan truyền nhanh chóng ra nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Ngày 11/3/2020, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chính thức công bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu. Các nhà khoa học trên thế giới đã và đang tập trung tìm ra các giải pháp để khống chế, chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh và vaccine được xem là một giải pháp trọng yếu trong việc phòng ngừa dịch bệnh. Theo thống kê của WHO, trên thế giới hiện có hàng trăm dự án nghiên cứu và phát triển vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 với hàng chục quốc gia đang tham gia, tạo thành cuộc “chạy đua" toàn cầu.

Tại Nga, công tác nghiên cứu điều chế vaccine ngừa Covid-19 được đẩy mạnh từ tháng 3/2020, với hai đầu tầu nghiên cứu là Viện nghiên cứu dịch tễ học và vi trùng học quốc gia mang tên Gamalei và Trung tâm nghiên cứu virus sinh học và công nghệ sinh học quốc gia (Vector). Chỉ sau 5 tháng nghiên cứu với kết quả thử nghiệm vaccine cho thấy sự phát huy hiệu quả, có độ an toàn cao và khả năng miễn dịch kéo dài đến 2 năm, tháng 8/2020, Bộ y tế Nga cấp phép cho vaccine phòng ngừa Covid-19 có tên gọi “SPUTNIK-V”. Điều này đã đưa Nga trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấp phép cho vaccine ngừa Covid-19.

Ở Mỹ, giữa lúc các bệnh viện quá tải vì Covid-19, hàng chục triệu người thất nghiệp, nền kinh tế lao dốc và trường học khó có thể tái mở cửa, đồng ý đề xuất của Bộ Y tế, vào tháng 5/2020, Chính quyền nước này đã phát động Chiến dịch thần tốc (Warp Speed) có ngân sách là hơn 18 tỉ USD, để hỗ trợ tìm ra vaccine trước tháng 10/2020. Chiến dịch này được đánh giá là vô cùng tham vọng do một loại vaccine mới thường mất nhiều năm để phát triển.

image001-1629210598.jpg

Các quốc gia đang gấp rút “chạy đua” sản xuất vaccine Covid-19.

Trong cuộc đua nghiên cứu và phát triển vaccine Covid-19, Việt Nam cũng chứng tỏ năng lực tự cường trong việc bảo vệ người dân trước đại dịch. Từ tháng 3/2020, trước diễn biến phức tạp khó lường của dịch Covid-19, Bộ Y tế đã khảo sát tính sẵn sàng của các đơn vị sản xuất vaccine trong nước và đề nghị các đơn vị đề xuất phương án nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng Covid-19. Tính đến nay, Việt Nam có 4 nhà sản xuất đang nghiên cứu vaccine Covid-19 theo các hướng công nghệ khác nhau là: Công ty TNHH Một thành viên vaccine và sinh phẩm số 1 (VABIOTECH), Viện vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC), Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế (POLYVAC), Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Dược NANOGEN.

BOX: Đầu tháng 8 vừa qua Vingroup của Việt Nam cũng đã nhận chuyển giao độc quyền công nghệ sản xuất vaccine Covid-19 từ đối tác Arcturus Therapeutics của Mỹ . Với công nghệ mới, Vingroup dự kiến sẽ xuất xưởng những lô vaccine đầu tiên vào đầu năm 2022. Năng lực sản xuất 200 triệu liều mỗi năm.

Song song với quy trình sản xuất trong nước, nhiều hợp đồng chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine giữa các quốc gia trên thế giới và Việt Nam đã và đang được ký kết. Những thỏa thuận như vậy được xem là con đường nhanh nhất để phát triển sản phẩm và nhanh chóng phân bổ nguồn vaccine, tạo ra hệ miễn dịch cộng đồng. Điều này sẽ giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền truy cập vào công nghệ và bí quyết sản xuất của bên chuyển giao công nghệ. 

Một số lưu ý khi kí kết và thực thi hợp đồng

Hợp đồng chuyển giao công nghệ quốc tế là kết quả của một quá trình đàm phán, thương lượng giữa các bên để đạt được sự nhất trí trong giao thương quốc tế. Tuy nhiên, việc ký kết hợp đồng đôi khi cũng gặp nhiều rắc rối do hệ thống pháp luật khác nhau và bất đồng trong ngôn ngữ, văn hóa kinh doanh. Để tránh xảy ra tranh chấp, các bên cần chú ý một số vấn đề khi ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ quốc tế.

Vấn đề xác định chủ thể ký kết hợp đồng, chủ thể ký kết một hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế có thể là một cá nhân hoặc một pháp nhân. Tuy nhiên, tư cách chủ thể của các đối tượng này sẽ không tuân theo luật điều chỉnh hợp đồng, mà tuân theo luật của nước mà pháp nhân mang quốc tịch. Điều này dựa trên nguyên tắc chủ quyền quốc gia. Một chủ thể mang quốc tịch một quốc gia, trước hết phải tuân thủ pháp luật nước mình về tư cách chủ thể. Pháp luật một quốc gia khác không thể điều chỉnh tư cách chủ thể của cá nhân hoặc pháp nhân mang quốc tịch nước khác. 

Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 của Việt Nam thì năng lực hành vi dân sự và năng lực pháp luật dân sự của một cá nhân được quy định tại mục I Chương III còn năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân được quy định tại Điều 86 của Bộ luật này. Vì vậy, khi ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, cần thiết phải làm rõ tư cách chủ thể của các bên. Nếu một bên không có tư cách chủ thể, có khả năng cao hợp đồng mua bán đó sẽ bị vô hiệu.

Ví dụ: đối với các chủ thể thực hiện hợp đồng mua bán vaccine, phía bên Việt Nam là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech) cùng Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) còn phía bên Nhật Bản là Công ty Shionogi Nhật Bản, đây đều là những công ty có tư cách pháp nhân, được thành lập hợp pháp với cơ cấu tổ chức chặt chẽ; có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác; tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình và nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.

Tương tự khi ký kết hợp đồng với bên Nga, phía Việt Nam là Công ty DS-Bio, Công ty TNHH MTV vắc-xin và sinh phẩm số 1 (Vabiotech) là một doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Bộ Y tế - Việt Nam, được thành lập từ năm 2000, tiền thân là Công ty Vắc xin và Sinh phẩm số 1 trực thuộc Viện dịch tễ Trung ương (NIHE). Còn đối tác là Quỹ Đầu tư trực tiếp của Liên bang Nga là một cơ quan trực thuộc của Nhà nước. Hiện các bên đã ký thỏa thuận bảo mật để tiếp cận hồ sơ vaccine và công nghệ.

Không chỉ các đơn vị trực thuộc Nhà nước, Tập đoàn Vingroup cũng là một “mạnh thường quân” trong việc hỗ trợ hàng trăm tỉ đồng cho hệ thống y tế trong bối cảnh dịch bệnh. Theo điều lệ của Tập đoàn, đơn vị này được thành lập theo hình thức công ty cổ phần, có tư cách pháp nhân theo quy định của Luật Doanh nghiệp và pháp luật hiện hành. Ở phía đối tác ký kết là Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Arcturus Therapeutics (Mỹ) nhận chuyển giao độc quyền công nghệ sản xuất vaccine phòng Covid-19. 

Arcturus Therapeutics (Mỹ) là đơn vị nghiên cứu phát triển vaccine phòng Covid-19 theo công nghệ mRNA – một trong những công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay. Theo thoả thuận Arcturus sẽ cấp giấy phép độc quyền và Công ty CP Công nghệ Sinh học VinBioCare (công ty thành viên của Vingroup) sẽ tiến hành sản xuất vaccine phòng Covid-19 có tên VBC-COV19-154 (dựa trên sáng chế vaccine ARCT-154 của Arcturus). Đồng thời, Arcturus sẽ tiến hành chuyển giao cho VinBioCare quy trình sản xuất, bao gồm: Bí quyết công nghệ; Đào tạo, chuyển giao, thực hành và kiểm định sản phẩm; cung cấp nguyên liệu đầu vào theo công nghệ độc quyền của Arcturus. Tiến độ chuyển giao dự kiến từ đầu tháng 8/2021.

14-1629210718.jpg

Các nhà khoa học của Arcturus Therapeutics (Mỹ) nghiên cứu vaccine trong phòng thí nghiệm. Ảnh: Vingroup cung cấp.

Vấn đề xác định thẩm quyền ký kết hợp đồng, một cá nhân có thể tự mình hoặc ủy quyền hợp pháp cho cá nhân khác giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Nhưng một pháp nhân không thể tự mình, mà phải thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân đó thực hiện hành vi ký kết. Một vấn đề quan trọng cần lưu ý để hợp đồng không bị vô hiệu là xác định cá nhân đó có thẩm quyền ký kết hợp đồng hay không. 

Theo pháp luật Việt Nam, người đại diện theo pháp luật có thẩm quyền ký kết hợp đồng hoặc ủy quyền cho người khác thực hiện hành vi này thông qua giấy ủy quyền hoặc Điều lệ công ty. Nhưng không phải quốc gia nào cũng có qui định tương tự như luật Việt Nam. Vương quốc Anh theo hệ thống thông luật, nên không có quy định cụ thể về ủy quyền. Tuy nhiên, các án lệ tại Anh công nhận sự ủy quyền mặc nhiên, tức là một C.E.O khi thực hiện nhiệm vụ điều hành công ty thì có quyền thực hiện những hành vi mà một C.E.O thông thường cần làm, nên có thể không cần giấy ủy quyền. 

Việc ký kết giữa một bên là doanh nghiệp của Việt Nam và bên kia là đối tác nước ngoài trong hợp đồng chuyển giao công nghệ vaccine cần phải được xem xét kỹ lưỡng yếu tố thẩm quyền ký kết hợp đồng để hạn chế đến mức thấp nhất việc sai thẩm quyền. 

Đối với ngôn ngữ sử dụng trong hợp đồng chuyển giao công nghệ vaccine, theo khoản 2 Điều 22 Luật chuyển giao công nghệ năm 2017 quy định ngôn ngữ trong hợp đồng chuyển giao công nghệ do các bên thoả thuận; trường hợp cần giao dịch tại Việt Nam thì phải có hợp đồng bằng tiếng Việt. Hợp đồng bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài có giá trị như nhau.

Hợp đồng chuyển giao công nghệ quốc tế thường được ký kết giữa các bên tới từ các quốc gia khác nhau với ngôn ngữ khác nhau. Mỗi ngôn ngữ có thể dẫn đến cách hiểu khác nhau hoặc hiểu sai, nên tốt nhất các bên có thể sử dụng chung một ngôn ngữ. Nếu không muốn sử dụng chung một ngôn ngữ, hai bên cần ghi nhận thêm điều khoản số lượng các bản hợp đồng và giá trị pháp lý. Ví dụ: “Hợp đồng được lập thành 02 bản: 01 bản Tiếng Việt và 01 bản Tiếng Anh. Hai bản này có giá trị pháp lý tương đương. Khi có tranh chấp thì sử dụng bản Tiếng Anh để giải quyết”.

Về hình thức hợp đồng chuyển giao cũng là vấn đề cần lưu ý. Theo khoản 1 Điều 22 Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017 thì việc giao kết hợp đồng chuyển giao công nghệ phải được lập thành văn bản hoặc hình thức khác được coi là giao dịch bằng văn bản theo quy định của Bộ luật Dân sự. Văn bản hợp đồng phải được các bên ký, đóng dấu (nếu có); ký, đóng dấu giáp lai (nếu có) vào các trang của hợp đồng, phụ lục hợp đồng.

Nếu có sai phạm về hình thức, Tòa án Việt Nam hoặc Trọng tài tại Việt Nam có thể tuyên hợp đồng vô hiệu. Phương án tốt nhất khi giao kết hợp đồng chuyển giao công nghệ quốc tế là nên soạn thảo hợp đồng bằng văn bản vì các nội dung sẽ được thể hiện rõ ràng, tiện lợi cho việc giải quyết tranh chấp sau này.

image003-1629210797.jpg
 

Việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine là một vấn đề đang gây tranh luận trong nhiều hội nghị quốc tế hiện nay. Vấn đề này đã được thảo luận ở Hội đồng TRIPS và sau đó là Đại Hội đồng WTO. Đề xuất của Ấn Độ và Nam Phi (đề xuất về việc miễn trừ tạm thời nghĩa vụ bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm và công nghệ y tế để ứng phó với đại dịch Covid-19 cho đến khi thế giới đạt được tình trạng miễn dịch cộng đồng), đã nhận được các phản ứng trái chiều từ các nước thành viên WTO với hai luồng ý kiến chính. 

Bên ủng hộ, khoảng hơn 100 nước thành viên WTO trong đó có Việt Nam và các tổ chức quốc tế liên chính phủ, tổ chức phi chính phủ, cho rằng miễn trừ một số nghĩa vụ trong Hiệp định TRIPS là phương án toàn diện nhất hiện nay so với việc thực hiện cấp phép bắt buộc và các linh hoạt khác trong TRIPS, trong khi không làm giảm động lực sáng tạo vì các cơ sở nghiên cứu vắc xin đã nhận được nguồn tài trợ rất lớn cho việc phát triển vắc xin của họ, đồng thời thế giới đã từng chứng kiến hậu quả khi không áp dụng đề xuất miễn trừ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với thuốc điều trị HIV/AIDS trước đây. Bên phản đối, gồm một số nước phát triển như Hoa Kỳ, Canada, Thụy Sỹ, các nước châu Âu như Đức, Anh đưa ra các ý kiến ngược lại.

Liên quan đến hợp đồng chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine giữa các đối tác quốc tế với Việt Nam, việc bảo mật thông tin giữa các bên cần được hết sức chú trọng (ngoại trừ các bên có thỏa thuận khác). Theo đó, khoản 2 Điều 387 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Trường hợp một bên nhận được thông tin bí mật của bên kia trong quá trình giao kết hợp đồng thì có trách nhiệm bảo mật thông tin và không được sử dụng thông tin đó cho mục đích riêng của mình hoặc cho mục đích trái pháp luật khác. Theo quy định này, nghĩa vụ bảo mật thông tin là một loại nghĩa vụ pháp lý độc lập mà các bên cần phải tuân thủ, nếu một trong hai bên vi phạm thỏa thuận.

Liên quan đến hợp đồng chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine giữa các đối tác quốc tế với Việt Nam, việc bảo mật thông tin giữa các bên cần được hết sức chú trọng (ngoại trừ các bên có thỏa thuận khác).

Đặc điểm của hợp đồng chuyển giao công nghệ sẽ khác nhau tùy thuộc vào mục đích của cả bên nhận công nghệ và bên nắm giữ công nghệ. Để đảm bảo nguồn cung cấp vaccine và phương pháp điều trị Covid-19 đầy đủ và kịp thời, các tổ chức toàn cầu khuyến nghị nên để chuyển giao công nghệ sản xuất trở thành một “quy trình mở” để bất cứ quốc gia nào cũng có khả năng được tiếp cận. 

Tuy nhiên, một số quan điểm, đặc biệt là từ các doanh nghiệp sản xuất vaccine cho rằng đề xuất này không khuyến khích sáng tạo và cũng không giải quyết được vấn đề tiếp cận vaccien trên toàn cầu, bởi vì khó khăn thực chất trong sản xuất vaccine chất lượng tốt nằm ở việc thiếu nguồn cung cấp nguyên liệu, nhân lực có trình độ cao, cơ sở vật chất hiện đại và quy trình công nghệ  để sản xuất chứ không chỉ là rào cản về sở hữu trí tuệ đối với vaccine Covid-19. 

Để minh chứng cho luận điểm này, tập đoàn Pfizer đã chia sẻ công khai toàn bộ quy trình sản xuất vắc xin Covid-19 của họ. Theo đánh giá của giới khoa học, muốn thực hiện được toàn bộ quy trình này cần một nguồn cung nguyên liệu đầy đủ và trình độ, cơ sở vật chất ở mức tiên tiến vì có nhiều công nghệ mới với các nước đang phát triển, như công nghệ sản xuất vắc xin mRNA.

Đặc điểm của hợp đồng chuyển giao công nghệ sẽ khác nhau tùy thuộc vào mục đích của cả bên nhận công nghệ và bên nắm giữ công nghệ. Để đảm bảo nguồn cung cấp vaccine và phương pháp điều trị Covid-19 đầy đủ và kịp thời, các tổ chức toàn cầu khuyến nghị nên để chuyển giao công nghệ sản xuất trở thành một “quy trình mở” để bất cứ quốc gia nào cũng có khả năng được tiếp cận. 

Vũ Thủy
 

Bạn đang đọc bài viết "Một số vấn đề cần lưu ý khi kí kết và thực thi hợp đồng chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine tại Việt Nam" tại chuyên mục Kinh nghiệm pháp lý. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin