Mạng lưới liêm chính tư pháp toàn cầu: Sáng kiến cho các vấn đề nổi cộm của tư pháp

03/08/2018 10:39

Tư pháp có vai trò ngày càng quan trọng đối với các hoạt động chính trị, xã hội và kinh tế. Để hoạt động tư pháp đúng đắn thì yêu cầu về liêm chính được đặt ra hàng đầu. Mạng lưới liêm chính tư pháp toàn cầu được thành lập với nhiều giải pháp hữu hiệu cho các vấn đề của tư pháp…

Hướng đến chống tham nhũng trong lĩnh vực tư pháp

Điều 11 của Công ước Liên Hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC) nhấn mạnh vai trò quan trọng của hệ thống tư pháp trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng và để thực hiện vai trò này một cách hiệu quả, chính các cơ quan tư pháp phải trong sạch, thẩm phán, cán bộ Tòa án phải liêm chính. Theo đó, Công ước đòi hỏi các quốc gia thành viên có những giải pháp để tăng cường liêm chính của cán bộ trong hệ thống tư pháp và thực hiện các biện pháp để phòng ngừa tham nhũng trong hệ thống.

Quan tòa muốn độc lập thì phải liêm chính và giỏi chuyên môn (trong ảnh: Phó Chánh án TANDTC Lê Hồng Quang trao quyết định bổ nhiệm cho các Thẩm phán cao cấp)
Quan tòa muốn độc lập thì phải liêm chính và giỏi chuyên môn (trong ảnh: Phó Chánh án TANDTC Lê Hồng Quang trao quyết định bổ nhiệm cho các Thẩm phán cao cấp))

Nhằm hỗ trợ các quốc gia và hệ thống tư pháp của họ thực hiện đầy đủ Điều 11 của UNCAC, phù hợp với các nguyên tắc ứng xử tư pháp Bang-ga-lo, Dự án liêm chính tư pháp lên kế hoạch thiết lập một Mạng lưới liêm chính tư pháp toàn cầu, bao gồm các quan chức cao cấp của bộ máy tư pháp trên toàn thế giới, nhằm tập hợp, chia sẻ những kiến thức chuyên môn của các thẩm phán và kinh nghiệm của các quốc gia và hiệp hội khu vực trong hoạt động này.

Để thiết lập Mạng lưới liêm chính tư pháp toàn cầu, coi đây như là một trụ cột cơ bản của dự án liêm chính tư pháp, Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp quốc (UNODC) đã tổ chức 07 cuộc họp cấp chuyên gia tại các khu vực, với sự tham dự của các quan chức cấp cao của hệ thống tư pháp của các quốc gia, để xác định các ưu tiên toàn cầu về liêm chính tư pháp, phòng, chống tham nhũng và tham vấn, thảo luận các vấn đề có liên quan đến việc ra mắt Mạng lưới.

Mạng lưới liêm chính tư pháp toàn cầu được ra mắt vào ngày 9/4/2018 tại trụ sở Liên Hợp quốc (Thủ đô Viên, Cộng hòa Áo), sau gần hai năm chuẩn bị. Lễ ra mắt có sự tham dự của 350 thẩm phán cao cấp và các chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực tư pháp, trong đó có 35 Chánh án, đến từ 106 quốc gia, 40 hiệp hội tư pháp và các tổ chức có liên quan khác. Mục tiêu của Mạng lưới là tạo ra một diễn đàn cho các thẩm phán trên toàn thế giới chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau và cùng tham gia phát triển các công cụ, các bộ hướng dẫn tiên tiến để tăng cường liêm chính và ngăn ngừa tham nhũng trong hệ thống tư pháp.

Có thể tìm thấy nhiều giải pháp cho những vấn đề còn tồn tại của nền tư pháp thông qua các tài liệu và hướng dẫn cũng như kinh nghiệm của các nước thành viên thuộc mạng lưới. Mạng lưới này hoạt động nhằm thúc đẩy trao đổi về thực tiễn và bài học kinh nghiệm về những thách thức và các vấn đề đang nổi lên liên quan đến liêm chính tư pháp và công tác phòng, chống tham nhũng thông qua các cuộc gặp gỡ thường xuyên của Mạng lưới liêm chính tư pháp toàn cầu, thiết lập một cơ sở dữ liệu tài nguyên liên quan và tham vấn định kỳ thông qua các nền tảng trực tuyến; Phát triển các công cụ, chẳng hạn như sổ tay hướng dẫn và các chương trình đào tạo thực tế, phù hợp với hệ thống pháp luật có liên quan, có tính đến yếu tố văn hóa pháp lý và những thách thức của các quốc gia; Cung cấp dịch vụ tư vấn, đào tạo và các hỗ trợ nhằm tăng cường năng lực liên quan đến liêm chính tư pháp của hệ thống tư pháp ở cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế; Hỗ trợ các hệ thống tư pháp trong việc đánh giá các rủi ro của liêm chính trong quy trình tư pháp hình sự và đề ra các giải pháp hiệu quả để giải quyết những rủi ro đó; Tư vấn soạn thảo luật, việc xây dựng và thực hiện Bộ quy tắc ứng xử của thẩm phán và cán bộ tòa án và phát triển các chương trình đào tạo và thành lập các cơ chế giám sát trách nhiệm và hiệu quả.

Tìm giải pháp cho nhiều vấn đề của tư pháp

Vai trò của thẩm phán trong hệ thống tư pháp là rất quan trọng. Tài liệu của Mạng lưới khẳng định: Thẩm phán thực hiện chức năng xét xử. Những yêu cầu đặt ra cho thẩm phán đó là sự liêm chính, tính khách quan và độc lập cũng như sự chuyên cần thực hiện các chức năng của thẩm phán . Thẩm phán được trông đợi sẽ thực hiện công việc của họ trong phạm vi thẩm quyền và đối xử với các đương sự, nhân chứng và luật sư bằng thái độ lịch thiệp và tôn trọng.
Thẩm phán cũng được trông đợi sẽ cư xử trung thực và đúng mực trong khi thực hiện nhiệm vụ cũng như trong đời sống cá nhân để truyền tải sự tin tưởng và lòng tin trong cộng đồng, ứng xử thận trọng để tránh hành vi hạ thấp nhiệm vụ cao cả của họ. Kỷ luật tư pháp từ lâu đã tồn tại dưới nhiều hình thức. Tuy nhiên, tính liên quan về kinh tế, xã hội và chính trị của chức năng tư pháp đã thúc đẩy các sáng kiến ở cấp quốc tế cũng như quốc gia, nhằm khớp nối một cách chi tiết các giá trị nói trên và thúc đẩy việc thực hiện các giá trị trong thực tế.

 Việt Nam đã và đang tham gia các hoạt động của mạng lưới quan trọng này [trong ảnh: Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền (người ngoài cùng bên trái) trong một phiên họp]
Việt Nam đã và đang tham gia các hoạt động của mạng lưới quan trọng này [trong ảnh: Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền (người ngoài cùng bên trái) trong một phiên họp])

Mạng lưới này khuyến cáo các Quốc gia xây dựng bộ quy tắc ứng xử thẩm phán. Việc xây dựng các bộ quy tắc ứng xử cần được áp dụng phương pháp tiếp cận có nhiều người tham gia, có tính đến việc các nguyên tắc ứng xử đạo đức cần phải phản ánh các tiêu chuẩn đạo đức, nội dung và thách thức mà môi trường đem lại. Việc tuân thủ và quyền sở hữu đối với bộ quy tắc này quan hệ chặt chẽ với nhau, do đó nếu đạt được nhiều hơn quyền sở hữu thông qua việc lấy ý kiến thì việc tuân thủ bộ quy tắc cũng có khả năng được thực hiện tốt hơn. Phương pháp tiếp cận có sự tham gia nhiều bên trong quá trình xây dựng các bộ quy tắc ứng xử cũng cần bao gồm các bên liên quan bên ngoài để đảm bảo rằng các nguyên tắc đạo đức phản ánh “sự trông đợi của khách hàng".

Để phát huy hiệu quả của bộ quy tắc, thì các chuyên gia cũng khuyến cáo cần thiết lập một hệ thống tuyên truyền, phổ biến bộ quy tắc và đảm bảo rằng tất cả những người công tác trong lĩnh vực tư pháp được biết về bộ quy tắc; Thiết lập một chương trình đạo đức nghề nghiệp cho những người công tác trong lĩnh vực tư pháp; Thiết lập một bộ phận có chức năng tư vấn nơi thẩm phán có thể nhận được hướng dẫn cụ thể về thái độ ứng xử. Thông báo các nguyên tắc cho những người sử dụng tòa án nói chung. Tạo ra một hệ thống phản hồi của nhân dân để đảm bảo rằng khi có thẩm phán vi phạm, người dân và người liên quan dễ dàng gửi đơn khiếu nại các đến cơ quan có thẩm quyền. Ngoài ra, đảm bảo những người khiếu nại được thông báo về kết quả cuối cùng của đơn khiếu nại của mình.

Khuyến nghị tòa án minh bạch và tiệm cận với công lý

Tiếp cận công lý liên quan tới việc thực thi các quyền pháp lý và quyền con người. Bất cứ xã hội nào luôn có những người yếu thế cần trợ giúp pháp lý. Bởi vậy, trách nhiệm của nhà nước là cung cấp trợ giúp pháp lý và hỗ trợ cho người dân, nhất là người nghèo và người chịu thiệt thòi, để tất cả mọi người có thể được đối xử bình đẳng theo pháp luật và được pháp luật bảo vệ.

Mạng lưới liêm chính toàn cầu cho rằng cần có trợ giúp pháp lý cho người nghèo. Bằng việc có Luật sư bào chữa công trong các vụ án hình sự và các cơ quan luật sư bào chữa công do chính phủ tài trợ; Hỗ trợ chi phí để giúp họ lựa chọn luật sư bào chữa tư nhân mà họ muốn; Phiên dịch do nhà nước trả phí để giải quyết những rào cản ngôn ngữ.

 Hội thảo: “Liêm chính tư pháp – Các tiêu chuẩn quốc tế và pháp luật của Việt Nam”
Hội thảo: “Liêm chính tư pháp – Các tiêu chuẩn quốc tế và pháp luật của Việt Nam”)

Mạng lưới còn khuyến nghị về sự minh bạch: Minh bạch xét xử là một giá trị quan trọng thường được nói gọn là “không những công lý phải được thực thi, mà công lý phải được nhìn thấy là đã được thực thi”. Minh bạch xét xử cũng được công nhận là một nguyên tắc quan trọng trong các tài liệu nhân quyền quốc tế, trong đó xác định quyền được xét xử công khai và thông báo công khai về bản án là một trong những nền tảng của quyền được xét xử công bằng. Để minh bạch, tòa án phải đảm bảo rằng người dân và giới truyền thông có thể tham dự phiên tòa, nhưng quan trọng không kém là phải luôn sẵn sàng để người dân tiếp cận với các tài liệu tòa án, nhất là bản án và những quyết định khác, cũng như các thông tin hành chính liên quan đến tòa án.

Cung cấp thông tin đầy đủ và dễ hiểu về các thủ tục tòa án và cách thức tiếp cận với thông tin này và phổ biến tới tất cả công dân;· Hỗ trợ trong các thủ tục ban đầu, các mẫu chuẩn và các phần để trống dễ sử dụng, sách giới thiệu vắn tắt, v.v…; Liên hệ với luật gia và luật sư tranh tụng, cho phép kiểm tra hồ sơ, nghi thức của các phiên xét xử của tòa án v.v…; Công bố thường xuyên các quyết định của tòa án cho những người hành nghề luật và cho công chúng (bài viết trên báo, bản tin tòa án, trang web, cơ sở dữ liệu, các bộ sưu tập bản án, bình luận pháp luật, v.v…); Mời phóng viên tới các cuộc họp báo, và thông cáo báo chí, bố trí người phát ngôn báo chí của tòa án; và Tổ chức hội thảo, hội nghị các thẩm phán, mời đại diện của các cộng đồng xã hội, kinh doanh, phóng viên, chuyên gia về các chủ đề thảo luận.

Những tài liệu và khuyến cáo của Mạng lưới có ý nghĩa quan trọng với nền tư pháp đang hoàn thiện tại Việt Nam. Hệ thống tài liệu của mạng lưới này có bằng Tiếng Việt và có thể được tiếp cận dễ dàng qua mạng Internet. Là nước tích cực tham gia mạng lưới, Việt Nam đã và đang tiếp thu, học hỏi nhiều chính sách, khuyến cáo tiến bộ của mạng lưới áp dụng vào tình hình Việt Nam.

Mạng lưới liêm chính tư pháp toàn cầu được ra mắt vào ngày 9/4/2018 tại trụ sở Liên Hợp quốc (Thủ đô Viên, Cộng hòa Áo), sau gần hai năm chuẩn bị. Lễ ra mắt có sự tham dự của 350 thẩm phán cao cấp và các chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực tư pháp, trong đó có 35 Chánh án, đến từ 106 quốc gia, 40 hiệp hội tư pháp và các tổ chức có liên quan khác. Mục tiêu của Mạng lưới là tạo ra một diễn đàn cho các thẩm phán trên toàn thế giới chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau và cùng tham gia phát triển các công cụ, các bộ hướng dẫn tiên tiến để tăng cường liêm chính và ngăn ngừa tham nhũng trong hệ thống tư pháp.

Minh Minh (Theo “Hướng dẫn tăng cường năng lực và liêm chính tư pháp của UNODC”)

 

Bạn đang đọc bài viết "Mạng lưới liêm chính tư pháp toàn cầu: Sáng kiến cho các vấn đề nổi cộm của tư pháp" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin