Số lượng tiền giả ngày càng lớn

Là loại “hàng hóa” siêu lợi nhuận, sản xuất ở nước ngoài nên tình hình buôn bán, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả ngày càng diễn biến phức tạp với các thủ đoạn càng tinh vi, khó phòng chống, triệt tận gốc. Nhiều năm qua, Lạng Sơn là một trong những điểm nóng về tiền giả. Mới đây, BĐBP Lạng Sơn bắt giữ vụ vận chuyển 600 triệu đồng tiền giả qua biên giới cho thấy loại tội phạm này ngày càng liều lĩnh, số lượng tiền giả ngày càng lớn.

 Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.)

Số lượng tiền giả vận chuyển ngày càng cao

Nếu như trong 10 năm (2006-2016), lực lượng biên phòng Lai Châu chỉ phát hiện, bắt giữ 5 vụ, 9 đối tượng, tang vật thu giữ gồm 12.800 NDT giả, 4,6 triệu đồng tiền Việt Nam giả, vận động được 10 hộ gia đình giao nộp 4,3 triệu đồng tiền giả do bán hàng cho các đối tượng người Trung Quốc, khởi tố 1 vụ, 4 đối tượng, các vụ còn lại đã bàn giao cho công an điều tra theo thẩm quyền, thì một vụ bắt giữ vận chuyển tiền giả của BĐBP Lạng Sơn đã là 600 triệu đồng. Những năm qua, tiền giả chủ yếu được vận chuyển qua biên giới tỉnh Lạng Sơn với số lượng tiền rất lớn.

Ngày 12/6/2016, Nguyễn Văn Biên (SN 1981, ở xã Thành Tâm, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) đã mang 20 triệu đồng tiền thật sang Trung Quốc mua hơn 100 triệu đồng tiền Việt Nam giả. Khi quay trở lại Việt Nam thì Biên bị Tổ công tác phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh Lạng Sơn phối hợp với Trạm Biên phòng Cửa khẩu Cốc Nam, xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng phát hiện, bắt giữ. Tang vật thu giữ gồm hơn 100 triệu đồng tiền Việt Nam giả, loại mệnh giá 200.000 đồng/tờ, có số sê ri trên tờ tiền trùng khớp nhau. Theo thống kê từ đầu năm đến tháng 8/2016, chỉ riêng Công an tỉnh Lạng Sơn đã phát hiện, bắt giữ 9 vụ, 11 đối tượng, thu giữ trên 1 tỷ đồng tiền Việt Nam giả và 3.000 USD giả.

Mới đây, 15h ngày 22/10/2016, tại khu vực mốc 1.107 thuộc địa phận huyện Cao Lộc, Tổ công tác Đồn Biên phòng (BP) Cửa khẩu quốc tế (CKQT) Hữu Nghị phối hợp với lực lượng Phòng chống Ma túy và Tội phạm (PCMT&TP), BĐBP Lạng Sơn đã bắt quả tang Nguyễn Đăng Tùng (SN 1984, thường trú tại xã Việt Hùng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) vượt biên trái phép, vận chuyển số lượng lớn tiền Việt Nam giả từ Trung Quốc vào Việt Nam. Trong túi xách của Tùng có 2.500 tờ tiền giả loại mệnh giá 200.000 đồng và 200 tờ loại mệnh giá 500.000 đồng, với tổng số tiền 600 triệu đồng Việt Nam giả với nhiều sê ri trùng nhau. Hiện Đồn BP CKQT Hữu Nghị đã bàn giao đối tượng cùng tang vật cho Công an tỉnh Lạng Sơn tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án.

Thủ đoạn ngày càng tinh vi

Theo báo cáo của Cục Hải quan Lạng Sơn, nếu 1 vụ vận chuyển, tiêu thụ tiền giả trót lọt, các đối tượng có thể thu lãi đến 70% giá trị số tiền giả, bởi mua ở biên giới chỉ 20-30 nghìn đồng tiền thật/100 ngàn tiền giả... Hiện giá mua tiền giả tại khu vực biên giới gồm Lũng Vài, Lũng Nghịu (Trung Quốc) từ 15% - 30% giá trị tiền thật, mua ở sâu trong nội địa Trung Quốc giá từ 10-15%. Không chỉ lợi nhuận cao, tiền giả lại gọn nhẹ, dễ cất giấu và vận chuyển hơn các loại hàng hóa khác… nên nhiều đối tượng đã tham gia vào buôn bán, vận chuyển thuê tiền giả. Tội phạm vận chuyển tiêu thụ tiền giả hoạt động ngày càng tinh vi.

Để vận chuyển tiền giả từ nước ngoài về Việt Nam, các đối tượng đã không từ bất cứ thủ đoạn nào… Các đầu nậu không xuất đầu lộ diện mà chủ yếu thuê người vận chuyển với tiền công cao. Do hám lợi nên các đối tượng vận chuyển thuê đã phải vào tù dù chỉ kiếm được vài triệu đồng. Ngày 29/9/2015, tại khu vực đối diện cây xăng Tân Thanh, thuộc khu I, xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng, lực lượng trinh sát Đồn BP Tân Thanh đã mật phục và bắt quả tang Nguyễn Tiến Đạt (SN 1992, trú tại xã Thống Nhất, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) cất giấu trong người 69,2 triệu Việt Nam đồng tiền giả, loại mệnh giá 200 nghìn đồng, có số sê ri trùng nhau được bọc kín trong túi giấy ni lông. Tại Đồn BP Tân Thanh, Đạt thừa nhận toàn bộ số tiền trên là tiền giả do Đạt nhận vận chuyển thuê cho một người khác từ Pò Chài, Trung Quốc về Việt Nam để lấy 2 triệu đồng tiền công.

Ngoài ra, một số đối tượng nội tỉnh liên kết với các đối tượng ở ngoại biên, nhất là những người Việt lấy chồng người Trung Quốc, lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin liên lạc, hệ thống đường biên dài, phức tạp để tổ chức, hình thành các đường dây buôn bán, vận chuyển tiền giả. Phương thức thủ đoạn chủ yếu là vận chuyển qua các đường mòn, khu vực hai bên cánh gà cửa khẩu và găm, trộn, vùi trên các xe hàng XNK qua các cửa khẩu. Việc đấu tranh phòng chống gặp nhiều khó khăn do đối tượng sản xuất tiền giả ở sâu trong lãnh thổ Trung Quốc.

Sau khi vận chuyển tiền giả trót lọt vào nội địa, các đối tượng lưu hành tiền giả đã sử dụng tiền giả đi mua bán hàng hóa để đổi lấy tiền thật. Một số đối tượng ở các tỉnh nội địa lên làm ăn buôn bán ở khu vực biên giới mua hàng hóa của đồng bào khi thanh toán đan xen giữa tiền thật và tiền giả để che mắt bà con. Nạn nhân chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số cư trú dọc biên giới, thiếu sự hiểu biết để phân biệt giữa tiền giả và tiền thật. Đối tượng thường lợi dụng đêm tối, lúc vắng người, thông qua trao đổi, mua bán hàng hóa là gia súc, nông sản để lừa gạt tiêu thụ tiền giả. Đối tượng tiêu thụ tiền giả hầu hết là người nghèo, khi bị bắt, xử lý rất khó khăn bởi bà con tiếc của, tỏ thái độ không hợp tác.

Để tiếp tục đấu tranh hiệu quả với tội phạm tiền giả cần có sự phối hợp đồng bộ, nhiều biện pháp. Bên cạnh đó cần tích cực tuyên truyền trong nhân dân về phương thức, thủ đoạn của tội phạm tiền giả, cách nhận biết tiền giả, hậu quả và tác hại của việc mua bán, vận chuyển và lưu hành tiền giả, nhằm nâng cao ý thức cảnh giác, tham gia tố giác tội phạm.

Theo Bao Phapluat

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin