Meta, công ty mẹ của Facebook, sa thải 11.000 người.
Từ cuối năm 2022, Công ty Meta bắt đầu sa thải khoảng 11.000 lao động tức 13% lực lượng lao động bị mất việc làm và đây được cho là vụ cắt giảm nhân sự quy mô lớn nhất khởi đầu cho làn sóng sa thải lao động ngành công nghệ Mỹ.
Xếp thứ hai là Amazon, công ty đã bắt đầu kế hoạch sa thải khoảng 10.000 nhân viên (tương đương 3% lực lượng lao động).
Tháng 2/2023, Yahoo là cái tên mới nhất công bố kế hoạch sa thải hàng loạt 1.600 nhân viên chiếm 20% lực lượng lao động. Trước đó, một loạt tập đoàn lớn như Alphabet - công ty mẹ Google; Microsoft; Disney; Zoom và Dell Technologies... đã thông báo cắt giảm hàng nghìn việc làm.
Trước thực trạng kinh tế thế giới còn nhiều biến động, kế hoạch cắt giảm nhân sự trên quy mô lớn chắc chắn sẽ ảnh hưởng cuộc sống của nhiều NLĐ.
Khi bị sa thải, nhân viên Meta nhận được khoản bồi thường bằng 16 tuần lương cơ bản và cộng thêm hai tuần lương với mỗi năm làm việc. Không may mắn như những nhân viên Meta, tại Twitter – CEO Elon Musk có thông báo hỗ trợ cho nhân viên bị nghỉ việc 3 tháng trợ cấp thôi việc. Còn những công ty khác hiện vẫn chưa tiết lộ những chính sách cụ thể đối với NLĐ bị sa thải, tuy nhiên với quy mô có sức ảnh hưởng quốc tế như Twitter, Amazon hay Shopee…
Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp của nước này tăng lên 3,7% từ mức 3,5% vào những tháng cuối năm 2022. Nghịch lý này do các công ty Mỹ đang sa thải hàng loạt lao động, đặc biệt trong ngành công nghệ. Các ông lớn “Big Tech” của Mỹ như Meta (Facebook), Amazon, Twitter đều tham gia vào làn sóng “đại sa thải” của các công ty hiện nay.
Đạo luật WARN của Mỹ qui định thế nào về vấn đề sa thải lao động ?
Đạo luật WARN là một đạo luật liên bang của Hoa kỳ ra đời từ năm 1998 với mục đích yêu cầu người sử dụng lao động phải thông báo trước cho người lao động về việc đóng cửa hoặc sa thải nhân viên nhằm mục đích bảo về quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trước nguy cơ mất việc làm.
Về nguyên tắc, Đạo luật WARN sẽ được kích hoạt trong trường hợp NSDLĐ tiến hành sa thải hàng loạt (NSDLĐ sử dụng từ 100 NLĐ làm việc toàn thời gian trở lên, không tính đến những NLĐ có thời gian làm việc dưới 06 tháng hoặc thời giờ làm việc trung bình dưới 20 giờ/tuần). Sa thải hàng loạt được hiểu là khi có ít nhất 50 NLĐ bị sa thải trong khoảng thời gian 30 ngày và số NLĐ bị sa thải chiếm ít nhất 1/3 tổng số lao động của NSDLĐ; hoặc có từ 500 NLĐ (không cần chiếm ít nhất 1/3 tổng số lao động) bị sa thải trong khoảng thời gian 30 ngày; hoặc trong trường hợp sa thải từ 50 NLĐ trở lên trong vòng 03 ngày, phải thực hiện thông báo cho NLĐ ít nhất 60 ngày trước khi chính thức sa thải.
Nếu vi phạm nghĩa vụ về thời hạn thông báo trước nói trên, NSDLĐ phải trả cho NLĐ một khoản tiền tương đương với tiền lương mà NLĐ đáng lẽ được hưởng (backpay) và các khoản phúc lợi tương ứng với số ngày mà NSDLĐ không báo trước (tối đa 60 ngày). Bên cạnh đó, NSDLĐ vi phạm còn có thể bị phạt dân sự lên đến 500 USD cho mỗi ngày vi phạm đối với mỗi NLĐ.
Do WARN là một đạo luật liên bang nên các bang khác nhau của Hoa Kỳ có thể ban hành các đạo luật WARN của bang để phù hợp với pháp luật của từng bang.
Góc nhìn pháp lý về một số vụ sa thải NLĐ hàng loạt
Tại Hoa Kỳ, hầu hết NLĐ làm việc dưới dạng hợp đồng “at-will” có nghĩa là NSDLĐ có thể tùy ý điều chỉnh, thay đổi các điều khoản của HĐLĐ mà không cần phải thông báo trước hay được sự chấp thuận của NLĐ (ví dụ như giảm tiền lương, phúc lợi, thay đổi thời giờ làm việc,...). Quan trọng hơn, NSDLĐ sẽ được quyền chấm dứt HĐLĐ với NLĐ đó vào bất cứ lúc nào và vì bất kỳ lý do gì mà không phải chịu trách nhiệm pháp lý, ngoại trừ một số trường hợp nếu việc chấm dứt có liên quan đến phân biệt sắc tộc, tôn giáo, giới tính, v.v...
Với việc sa thải NLĐ đột ngột của ông chủ Tesla, Elon Musk đang đối mặt với vụ kiện tập thể về vi phạm luật Lao động của Liên bang và California. Đây không phải lần đầu tiên công ty của Musk bị kiện với cáo buộc sa thải nhân viên đột ngột.
Đối với vụ việc của Twitter, vì California là bang đặt trụ sở chính của Twitter nên đạo luật WARN của bang California có thể sẽ được áp dụng (“California WARN”)
California WARN quy định rằng người sử dụng lao động phải thông báo trước 60 ngày bằng văn bản cho người lao động trước khi tiến hành các biện pháp cắt giảm từ 100 người lao động trở lên. Hành động sa thải hàng loạt được định nghĩa là sa thải số lượng nhân viên bằng ít nhất 33% tổng lực lượng lao động mà người sử dụng lao động sở hữu. Nếu vi phạm quy định này, Twitter sẽ phải đối mặt với điều khoản phạt 500 đô la Mỹ với mỗi ngày vi phạm.
Một trong những quy định cơ bản của California WARN là việc nếu một doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng với 50 người lao động trở lên trong một ngày thì doanh nghiệp đó phải thông báo trước tối thiểu 60 ngày hoặc trả lương cho người lao động trong 60 ngày.
Trao đổi với PV Pháp lý về tác động của các quy định trong WARN đến việc sa thải hàng loạt nhân viên Twitter của tỷ phú Elon Musk. Luật sư Thanh Hà, Cty Luật TNHH Quốc Tế TNTP và các cộng sự cho rằng: Theo Luật lao động Hoa Kỳ, quan hệ lao động tự nguyện (at-will employment) có nội dung quy định về việc người lao động và người sử dụng lao động tại toàn bộ các bang thuộc lãnh thổ Hoa Kỳ (ngoại trừ bang Montana) đều có quyền chấm dứt quan hệ lao động một cách bình đẳng mà không phải chịu bất cứ ràng buộc về mặt pháp lý nào (ngoại trừ các hành vi chấm dứt hợp đồng lao động vi phạm điều cấm của pháp luật).
Luật sư Thanh Hà cho biết quan hệ lao động tự nguyện tại Hoa Kỳ quy định rất rõ về việc NLĐ và NSDLĐ tại Hoa Kỳ có quyền tự do tương đương trong mối quan hệ lao động. Bất cứ NLĐ nào cũng có quyền tự do làm việc, nếu muốn, họ hoàn toàn có quyền đơn phương nghỉ việc mà thậm chí không cần phải thông báo cho người sử dụng lao động, hoặc thậm chí không cần đến bất cứ lý do nào.
Có thể thấy, các nhân viên tại Twitter cũng hoàn toàn có quyền nghỉ việc bất cứ thời điểm nào họ muốn mà không gặp bất cứ hạn chế hay cần bất cứ lý do nào. Elon Musk cũng không có cách nào ngăn cản các nhân viên muốn nghỉ việc tại Twitter, ngay cả khi việc người đó nghỉ việc có khả năng gây thiệt hại đến Twitter vì người lao động làm việc trên tinh thần tự nguyện sẽ không phải chịu bất cứ ràng buộc nào.
Từ góc nhìn này, có thể thấy Elon Musk hay những nhân viên của Twitter đều có những quyền và lợi ích tương đương, tuy dư luận đang phê phán hành vi của Elon Musk gây thiệt hại đến quyền lợi của NLĐ. Nhưng nếu nhìn ở một góc độ khác thì Elon Musk đơn giản là sử dụng đúng quyền của mình một khách khôn ngoan, và những nhân viên của Twitter cũng đã được pháp luật trao cho những quyền tương đương, thậm chí lợi thế hơn so với ông chủ của mình, tuy nhiên có thể họ lại không biết cách sử dụng hoặc không muốn sử dụng chúng một cách hiệu quả.
Luật sư Thanh Hà cho rằng mối quan hệ lao động giữa Elon Musk và các nhân viên của Twitter, cũng như mối quan hệ lao động giữa NLĐ và NSDLĐ trên khắp lãnh thổ Hoa Kỳ đã được pháp luật nước này xác lập là một cuộc chơi bình đẳng. Bất cứ bên nào trong cuộc chơi cũng đều có những quyền lợi và nghĩa vụ như nhau, và không có sự bất công giữa các bên dưới góc độ pháp luật. Tuy nhiên, cũng như mọi cuộc chơi, những người có lợi nhiều hơn trong mối quan hệ lao động luôn là những người biết tận dụng quyền lợi được pháp luật trao cho một cách hiệu quả.