“Lách” luật, lừa đảo trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp, cần xử lý hình sự

(Pháp lý) - Trái phiếu doanh nghiệp ( TPDN) là loại chứng khoán có kỳ hạn từ 1 năm trở lên do doanh nghiệp phát hành, xác nhận nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi và các nghĩa vụ khác của doanh nghiệp đối với nhà đầu tư. Mấy năm gần đây, TPDN là kênh đầu tư hấp dẫn với mức sinh lời tương đối cao, nên việc giao dịch cũng có các quy định nghiêm ngặt để ổn định thị trường, hạn chế thấp nhất rủi ro cho nhà đầu tư. 

Trong thời gian qua, thị trường TPDN có tốc độ tăng trưởng nhanh. Sau gần 8 tháng triển khai các quy định mới tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP của Chính phủ về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế, thị trường TPDN vẫn duy trì đà tăng trưởng. Khối lượng phát hành TPDN riêng lẻ 7 tháng đầu năm tăng 17% so với cùng kỳ năm 2020.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, trên thị trường xuất hiện hiện tượng “lách luật”, một số công ty chứng khoán chào mời, phân phối trái phiếu doanh nghiệp không đúng đối tượng; một số doanh nghiệp, nhất là DN bất động sản phát hành trái phiếu với lãi suất cao; chất lượng tài sản đảm bảo của trái phiếu hạn chế do chủ yếu là các dự án đầu tư, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu của doanh nghiệp bất động sản, có sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân nhỏ, lẻ. ..

11-1631868158.jpg
 Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp cao sẽ đi kèm với rủi ro cao.

“Lách luật” và một số khuyến cáo với nhà đầu tư

Theo quy định pháp luật hiện nay, nhà đầu tư tham gia mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp. Quy định này sẽ góp phần giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phát triển an toàn khi “tiêu chuẩn nhà đầu tư” được nâng lên. Nhà đầu tư cá nhân với kiến thức về thị trường, khả năng phân tích, đánh giá doanh nghiệp, phương án phát hành, tài sản đảm bảo, cũng như khả năng gánh chịu rủi ro (nếu có) sẽ tạo nên thị trường lành mạnh. 

Việc xác nhận nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là yêu cầu bắt buộc với các giao dịch mua TPDN và có hiệu lực trong vòng 1 năm kể từ thời điểm được xác nhận. Tuy nhiên trên thực tế đã xuất hiện hiện hiện tượng “lách luật” để trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp nhằm tham gia mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Việc này sẽ dẫn đến những rủi ro nhất định cho nhà đầu tư nếu DN phát hành trái phiếu gặp vấn đề về “sức khỏe”. Tuy nhiên, thị trường cũng có hiện tượng “lách” quy định hay cụ thể là bằng cách nào đó, một số đơn vị đã có động thái để “hỗ trợ” nhà đầu tư không đủ chuẩn (tài sản - tiền) theo quy định để tham gia mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ. Chính vì vậy, không ít nhà đầu tư thua thiệt, gặp rủi ro mà không biết kêu ai. 

Bộ Tài chính cho rằng, bên cạnh tác động tích cực giúp DN huy động vốn cho sản xuất, kinh doanh, thị trường TPDN riêng lẻ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Một số DN, nhất là DN bất động sản, phát hành TPDN với lãi suất cao. Chất lượng tài sản bảo đảm của trái phiếu hạn chế (chủ yếu là dự án đầu tư, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu của DN bất động sản). Đặc biệt, có sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân nhỏ, lẻ…

Theo Ủy ban Chứng khoán, thị trường đang xuất hiện tình trạng “lách luật”. Xuất hiện một số tổ chức cung cấp dịch vụ trung gian chào mời và phân phối TPDN, khi chưa đủ điều kiện là nhà đầu tư chuyên nghiệp. Vì vậy, cơ quan quản lý hiện đã tăng cường nhiều biện pháp giám sát các tổ chức kinh doanh chứng khoán trong việc tư vấn và chào bán TPDN riêng lẻ ra thị trường.

Theo quy định tại Điều 11 Luật Chứng khoán 2019 cũng như các quy định hiện hành liên quan, chỉ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được mua và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp. Quy định này là để bảo vệ các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ, không có kinh nghiệm. Bởi, việc mua trái phiếu riêng lẻ nhưng không đủ năng lực đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; không phân tích được rủi ro; không nắm rõ điều kiện, điều khoản của trái phiếu (nhầm tưởng là được công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại bảo lãnh, trong khi các tổ chức này chỉ cung cấp và hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành trái phiếu)... sẽ gây ra rủi ro cho nhà đầu tư.

Bên cạnh các tác động tích cực giúp các doanh nghiệp huy động vốn cho sản xuất, kinh doanh, thị trường TPDN riêng lẻ cũng tiềm ẩn một số rủi ro như: Một số doanh nghiệp, nhất là DN bất động sản phát hành trái phiếu với lãi suất cao; chất lượng tài sản đảm bảo của trái phiếu hạn chế do chủ yếu là các dự án đầu tư, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu của doanh nghiệp bất động sản, có sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân nhỏ, lẻ. Ngoài ra, rủi ro TPND có thể tăng cao, khi nhiều doanh nghiệp phải rời bỏ thị trường vì tác động của dịch COVID-19.

Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp huy động vốn trái phiếu riêng lẻ theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm, cơ quan quản lý Nhà nước không cấp phép phát hành. Tuy nhiên, trong số doanh nghiệp phát hành trái phiếu vẫn có doanh nghiệp có quy mô nhỏ nhưng huy động vốn với khối lượng lớn, lãi suất cao, doanh nghiệp phát hành trái phiếu không có tài sản đảm bảo hoặc chất lượng tài sản đảm bảo kém. Đối với các trường hợp doanh nghiệp có tình hình tài chính yếu kém, khi huy động vốn trái phiếu với khối lượng lớn, lãi suất cao, chính các doanh nghiệp phát hành sẽ gặp rủi ro nếu hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn và sẽ không trả được nợ gốc, lãi trái phiếu cho nhà đầu tư.

Một ví dụ mới đây gây chú ý trên thị trường TPDN khi Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Công nghiệp – CTCP (Becamex IDC, mã BCM - sàn HOSE) có kế hoạch phát hành trái phiếu với tổng mệnh giá trái phiếu phát hành tối đa là 2.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, điều đáng nói là kế hoạch phát hành trái phiếu của Becamex IDC được thực hiện sau khi công ty này kết thúc nửa đầu năm tài chính 2021 với quy mô nợ phải trả ghi nhận ở mức 31.948 tỷ đồng - giá trị nợ phải trả theo đó lớn hơn 2 lần vốn chủ sở hữu. Dù thực tế, doanh thu của doanh nghiệp tuy có giảm nhưng lợi nhuận vẫn tăng, song điều này vẫn khiến nhiều người nghi ngại về sự rủi ro đến từ những TPDN kiểu này. Ngoài ví dụ trên thực tế không hiếm các ví dụ khác.

Trong khuyến nghị mới đây, Bộ Tài chính cho rằng, với tính chất rủi ro cao hơn, TPDN phát hành riêng lẻ chỉ phù hợp với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, là đối tượng nhà đầu tư có khả năng phân tích, đánh giá rủi ro, có năng lực tài chính và dám chấp nhận rủi ro khi quyết định mua trái phiếu. Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và các nghị định về phát hành TPDN đã quy định rõ, chỉ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được mua và giao dịch TPDN phát hành riêng lẻ. Theo đó, nếu không đủ điều kiện để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, nhà đầu tư nên cân nhắc các quy định về điều kiện, tài liệu chứng minh và các quy định về xử phạt vi phạm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

“Nhà đầu tư cần hết sức lưu ý là lãi suất cao sẽ đi kèm với rủi ro cao; do đó phải hết sức thận trọng đánh giá kỹ về các rủi ro trước khi quyết định mua trái phiếu; không mua trái phiếu thông qua chào mời của các tổ chức cung cấp dịch vụ (công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại) khi chưa tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành và các điều kiện, điều khoản của trái phiếu. Trái phiếu cần được đánh giá, phân tích trên các khía cạnh về lĩnh vực hoạt động, doanh nghiệp phát hành, tình hình tài chính, mục đích sử dụng vốn, chất lượng tài sản đảm bảo cũng như các điều kiện, điều khoản của trái phiếu”, Bộ Tài chính khuyến cáo. Theo đó, cơ quan này khẳng định, lãi suất cao sẽ đi kèm với rủi ro cao và rủi ro của trái phiếu cũng có thể là rủi ro của doanh nghiệp phát hành.
Cũng theo cơ quan này, nhà đầu tư cần lưu ý việc các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán phân phối TPDN không có nghĩa là các tổ chức này đảm bảo an toàn cho việc mua trái phiếu. Các tổ chức này chỉ là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành mà không chịu trách nhiệm về việc doanh nghiệp có hoàn trả gốc và lãi trái phiếu khi đến hạn hay không. Rủi ro của trái phiếu vẫn là rủi ro của doanh nghiệp phát hành.

Đặc biệt, một số chuyên gia luật khuyến cáo các nhà đầu tư:  trong trường hợp “lách” quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp bằng hình thức mua trái phiếu thông qua các hợp đồng đầu tư với công ty chứng khoán, nhà đầu tư sẽ không phải là chủ sở hữu trái phiếu và không được bảo đảm các quyền lợi đối với trái phiếu theo các cam kết của doanh nghiệp phát hành. Vì vậy, tuân thủ pháp luật và nắm rõ thông tin về trái phiếu trước khi đầu tư là cách duy nhất để hạn chế rủi ro cho các nhà đầu tư cá nhân khi tham gia thị trường TPDN.

Cần tăng cường thanh kiểm tra và chuyển xử lý hình sự đối với sai phạm.

Hiện nay, cơ quan quản lý đang hoàn thiện Nghị định sửa đổi, bổ sung từ Nghị định 156/2020; trong đó, sửa đổi, bổ sung hành vi trong hoạt động chào bán, phát hành chứng khoán riêng lẻ để mô tả phù hợp hơn với quy định tại Nghị định 155 và Nghị định 153 về hoạt động chào bán, phát hành riêng lẻ.

Theo quy định tại Nghị định 153/2020/NĐ-CP, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ quản lý, giám sát công ty chứng khoán trong việc cung cấp dịch vụ tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ.  Trên cơ sở đó, Ủy ban Chứng khoán sẽ tiếp nhận và xử lý các vi phạm trong hoạt động chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường theo quy định.

Đồng thời, các cơ quan quản lý cũng sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền thông tin tới nhà đầu tư, các tổ chức phát hành… trong việc tuân thủ các quy định về cung cấp và giao dịch TPDN, đặc biệt là TPDN riêng lẻ. 

Ngày 1-9, Bộ Tài chính cho biết nhằm tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã ký công văn gửi Ủy ban Chứng khoán nhà nước; Vụ Tài chính ngân hàng yêu cầu triển khai một số nhiệm vụ liên quan. Theo Bộ Tài chính, thời gian qua, trái phiếu doanh nghiệp đã trở thành một kênh huy động vốn lớn và quan trọng trên thị trường. Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực đối với các doanh nghiệp, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cũng bộc lộ nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và có nguy cơ gây mất an ninh, an toàn nền tài chính quốc gia.

Chính vì vậy, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã yêu cầu các đơn vị nêu trên triển khai các quy định mới về phát hành trái phiếu doanh nghiệp tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31-12-2020 của Chính phủ. Bên cạnh đó, nghiên cứu, tiếp tục hoàn thiện các quy định về quản lý, giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Trong đó tập trung xây dựng các biện pháp thanh tra, giám sát, thắt chặt việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ không có tài sản đảm bảo hoặc chất lượng tài sản đảm bảo và uy tín của doanh nghiệp phát hành thấp nhằm hướng tới thị trường minh bạch, an toàn và hạn chế rủi ro.

Bô trưởng Bộ Tài chính cũng giao Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình phát hành và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Đặc biệt lưu ý việc phát hành của các doanh nghiệp nhỏ lẻ, mới thành lập, hoạt động trong các lĩnh vực có tính rủi ro cao, có kết quả kinh doanh không rõ ràng, thực chất.

image002-1631868192.jpg
 Nếu phát hiện các hành vi lừa đảo, có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư thì khẩn trương chuyển cơ quan công an xử lý theo quy định.

Đồng thời, tập trung rà soát, kiểm tra phát hiện các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm, lách quy định của pháp luật trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc yêu cầu, trường hợp phát hiện các hành vi lừa đảo, có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư thì khẩn trương chuyển cơ quan công an xử lý theo quy định của pháp luật.

Để tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc yêu cầu các đơn vị liên quan nếu phát hiện các hành vi lừa đảo, có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư thì khẩn trương chuyển cơ quan công an xử lý theo quy định.

Thay lời kết

Để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển ổn định, an toàn, bền vững, thiết nghĩ cần sớm xây dựng hệ thống thông tin tập trung, cập nhật, dễ tra cứu về các lô phát hành, thông tin tổ chức phát hành. Hiện tại đã có chuyên trang thông tin trái phiếu doanh nghiệp nhưng thông tin vẫn hạn chế và thiếu hệ thống, khó tra cứu. Đặc biệt hơn, thị trường thứ cấp trái phiếu doanh nghiệp cũng phải đẩy mạnh phát triển thông qua các yêu cầu về niêm yết trái phiếu tập trung, xếp hạng tín nhiệm trái phiếu”. Một việc cũng rất quan trọng là khẩn trương hoàn thiện các qui định pháp luật liên quan đến lĩnh vực này, cần xác định rõ về việc đảm bảo khả năng trả nợ của trái phiếu doanh nghiệp có bảo đảm. Quy trình này cần như thế nào? Nếu doanh nghiệp dùng tài sản của mình để đảm bảo cho nghĩa vụ trả nợ của doanh nghiệp thì cơ chế kiểm soát, quản lý như thế nào đối với tài sản này? Vì vậy, pháp luật cần có những quy định cụ thể điều chỉnh đối với nội dung này mới tăng tính hấp dẫn của phương thức huy động vốn của doanh nghiệp so với các phương thức huy động vốn khác.

Và việc cuối cùng cũng rất quan trọng là để hoạt động TPDN thực sự minh bạch, an toàn, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, cần thiết chuyển ngay cơ quan điều tra xử lý theo pháp luật hình sự để răn đe đối tượng vi phạm và bảo vệ các nhà đầu tư đúng luật.

4 tội danh hình sự trong lĩnh vực chứng khoán: 1, Tội Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán. Tội danh này có hình thức xử phạt bao gồm phạt tiền (đến 2 tỷ đồng), cải tạo không giam giữ hoặc tù với thời hạn lên đến 5 năm, tùy vào mức độ gây thiện hại, số tiền thu lợi bất chính, hoặc tái phạm.; 2, Tội Sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán: hình phạt đối với tội danh này tùy theo số tiền thu lợi bất chính, số tiền gây thiệt hại cho nhà đầu tư, vi phạm có tổ chức hoặc tái phạm, mức phạt có thể lên đến 5 tỷ đồng hoặc phạt tù đến 7 năm;  3, Tội Thao túng giá chứng khoán : hình phạt đối với tội danh này tùy theo số tiền thu lợi bất chính, số tiền gây thiệt hại cho nhà đầu tư, vi phạm có tổ chức hoặc tái phạm, người phạm tội có thể chịu mức phạt tiền lên đến 4 tỷ đồng hoặc phạt tù đến 7 năm;  4, Tội Làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán: tùy theo số tiền thu lợi bất chính, mức gây thiệt hại cho nhà đầu tư, vi phạm có tổ chức hoặc tái phạm nguy hiểm có thể bị phạt tiền đến 5 tỷ đồng hoặc phạt đến 7 năm. 

Phúc Trang
 

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin