Kinh nghiệm về thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng

Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Tư pháp và bảo vệ người tiêu dùng Liên bang Cộng hòa Liên ban Đức, Quỹ Hợp tác quốc tế Liên bang Đức về pháp luật tại Berlin tổ chức Hội thảo trực tuyến “Kinh nghiệm của CHLB Đức về thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng - bài học cho Việt Nam”.

Hội thảo là hoạt động được 2 bên nhất trí bổ sung trong khuôn khổ Kế hoạch hợp tác 3 năm giai đoạn 2019-2022 giữa Bộ Tư pháp hai nước nhằm thực hiện Tuyên bố chung về đối thoại Nhà nước pháp quyền giữa hai Chính phủ ký năm 2008.

Các đại biểu chủ trì Hội thảo

Tham nhũng là một vấn đề thời sự, có ảnh hướng lớn tới sự ổn định và phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. Ở bình diện quốc tế, nhận thức rõ hậu quả to lớn mà những hành vi tham nhũng và tội phạm về tham nhũng gây ra, các nước đã có sự chung tay, hợp tác để đối phó với những thách thức của tham nhũng và thúc đẩy sự liêm chính trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, trong đó có việc Liên Hợp Quốc thông qua Công ước về chống tham nhũng vào ngày 31/10/2003 (Việt Nam phê chuẩn ngày 03/07/2009).

Với nỗ lực của mình, các cơ quan có thẩm quyền ở Việt Nam trong thời gian qua đã không ngừng hoàn thiện pháp luật; thực hiện nhiều biện pháp để phòng ngừa, xử lý các hành vi tham nhũng nói chung và nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng nói riêng. Tuy nhiên, phát hiện, xử lý nghiêm hành vi tham nhũng và thu hồi triệt để tài sản tham nhũng hoặc các tài sản có được từ hành vi tham nhũng luôn là thách thức của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Theo quy định pháp luật Việt Nam, việc thu hồi tài sản tham nhũng do nhiều chủ thể thực hiện (Kiểm toán nhà nước; cơ quan Thanh tra; các cơ quan tiến hành tố tụng; cơ quan thi hành án dân sự...) với các biện pháp khác nhau như: xác minh, truy tìm, truy thu, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, thẩm định giá, bán đấu giá tài sản... Song, trên thực tế, hiệu quả thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng thời gian qua còn chưa đáp ứng được yêu cầu của cải cách tư pháp. Tình trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có những vướng mắc của hệ thống pháp luật, cơ chế hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp; những khó khăn trong công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan. Vì vậy, với mong muốn được chia sẻ kinh nghiệm từ CHLB Đức về thu hồi tài sản tham nhũng, Thứ trưởng mong muốn các đại biểu, các nhà khoa học, các chuyên gia của Đức và Việt Nam tích cực trao đổi, nêu những kinh nghiệm, sáng kiến, khuyến nghị để góp phần nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng ở Việt Nam. Trên tinh thần đó, các đại biểu tham dự Hội thảo đã tập trung thảo luận về các vấn đề chính như: những vướng mắc, bất cập của pháp luật Việt Nam về thu hồi tài sản tham nhũng và định hướng hoàn thiện; pháp luật Đức và châu Âu về thi hành án dân sự, thu hồi tài sản trong vụ án tham nhũng và những vướng mắc trên thực tiễn; cơ chế phối hợp giữa cơ quan thi hành án với các cơ quan, tổ chức cá nhân trong thu hồi tài sản tham nhũng…

Theo noichinh.vn

Nguồn bài viết: http://noichinh.vn/cong-tac-phong-chong-tham-nhung/202005/kinh-nghiem-ve-thu-hoi-tai-san-trong-cac-vu-an-tham-nhung-308089/

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin