Kiểm tra, giám sát kê khai tài sản, ngăn chặn tham nhũng

03/06/2017 09:58

Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Quy định số 85-QĐ/TW ngày 23-5-2017 về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý đã được đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hoan nghênh, kỳ vọng vào tinh thần quyết tâm của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng.

Quy định cho thấy, trong cuộc đấu tranh phức tạp, cam go này không có “vùng cấm”, bất kể ai vi phạm đều bị xử lý nghiêm minh, dù ở cương vị nào. Đây cũng là một trong những giải pháp, nhằm thực hiện quyết liệt, có hiệu quả Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, góp phần làm trong sạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước.

Quy định của Bộ Chính trị nêu rõ, mục đích kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản là nhằm thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của Đảng, Nhà nước về kê khai tài sản; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý các khuyết điểm, vi phạm trong kê khai tài sản; góp phần phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng. Nội dung là kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về kê khai tài sản, biến động tài sản hằng năm thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, của vợ, hoặc chồng và con chưa thành niên của cán bộ đó.

Phiên họp thứ 11 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng
Phiên họp thứ 11 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng)

Bộ Chính trị, Ban Bí thư trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác này. Chủ thể kiểm tra là Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Chủ thể giám sát là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và chi bộ nơi cán bộ đang sinh hoạt. Công tác kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản được tiến hành khi có kế hoạch, yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; kiến nghị, phản ánh, tố cáo có căn cứ về việc kê khai tài sản không trung thực; cán bộ có dấu hiệu vi phạm quy định của Đảng và Nhà nước về kê khai tài sản,...

Việc kê khai tài sản đã được quy định trong Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng năm 2012. Trong đó nêu rõ, việc kê khai tài sản được thực hiện hằng năm tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người có nghĩa vụ kê khai tài sản làm việc và được hoàn thành chậm nhất vào ngày 31-12. Người có nghĩa vụ kê khai phải ghi rõ những thay đổi về tài sản so với lần kê khai trước đó. Bản kê khai tài sản của người có nghĩa vụ kê khai phải được công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó thường xuyên làm việc.

Ngày 17-7-2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 78/2013/NĐ-CP về minh bạch tài sản, thu nhập, trong đó nêu rõ mục đích của việc làm này là để cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền biết được tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai, nhằm minh bạch tài sản, thu nhập của người đó; phục vụ cho công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức, góp phần phòng ngừa và ngăn chặn hành vi tham nhũng. Người có nghĩa vụ kê khai tự kê khai các thông tin theo quy định và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực, đầy đủ đối với nội dung kê khai.

Chỉ thị số 33-CT/TW, ngày 3-1-2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản, chỉ rõ: “Trong thời gian vừa qua, việc kê khai tài sản vẫn còn mang tính hình thức; việc công khai bản kê khai tài sản chưa được thực hiện nghiêm túc; các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền chưa chủ động tiến hành xác minh tài sản của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thuộc diện phải kê khai; công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định về kê khai tài sản còn hạn chế”. Trên thực tế, hiếm thấy cán bộ nào bị xử lý khi vi phạm hoặc không trung thực trong kê khai tài sản. Không ít cán bộ giàu lên nhanh chóng một cách thiếu bình thường, sở hữu khối tài sản có giá trị lớn, như đất, nhà ở những vị trí đắc địa, ô-tô đắt tiền, số lượng lớn cổ phiếu,... giá trị lên đến hàng trăm tỷ đồng, thậm chí cao hơn, gây bức xúc trong nhân dân, nhưng không được giải trình thỏa đáng, công tâm, minh bạch.

Chúng ta đang ra sức phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi công dân đều có quyền khát vọng và làm giàu chính đáng. Cán bộ, đảng viên dù công tác ở lĩnh vực nào, nắm giữ cương vị lãnh đạo nào cũng có quyền như thế và đó là việc làm đáng khích lệ. Song, vấn đề xã hội nhức nhối là sự biến động về tài sản và nguồn gốc tài sản tăng thêm của một số cán bộ lãnh đạo, quản lý với những dấu hiệu không bình thường, trong đó có những trường hợp thực chất là do lạm dụng quyền lực, lợi ích nhóm, tham nhũng mà có - thực trạng đã được Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng nêu rõ: “Tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước”.

Đấu tranh, ngăn chặn căn bệnh tham nhũng, Đảng ta đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị, chỉ đạo quyết liệt, quyết tâm đẩy lùi tình trạng bức xúc này và không ít cán bộ vi phạm đã bị xử lý nghiêm minh. Nguyên Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền dù đã về hưu vẫn phải nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo từ Ban Bí thư do vi phạm khuyết điểm trong việc thực hiện chế độ, chính sách nhà ở, đất ở và trong công tác cán bộ. Nếu thực hiện tốt việc kê khai tài sản, hoặc công tác kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản được làm nghiêm, thì những vi phạm nêu trên của ông Trần Văn Truyền sẽ sớm được phát hiện và xử lý.

Gần đây, dư luận cũng băn khoăn về khối lượng tài sản “khủng” của một số cán bộ là thứ trưởng, người đứng đầu chính quyền địa phương mà báo chí phản ánh; việc giải trình của những người liên quan đều cho rằng đã thực hiện kê khai tài sản đầy đủ, đúng quy định. Song, nhiều ý kiến chưa đồng tình và đề nghị các cơ quan chức năng cần kiểm tra để làm rõ nguồn gốc số tài sản đó. Nếu là tài sản chính đáng, thì minh oan cho cán bộ đó, nếu không chính đáng thì phải điều tra, xử lý đúng pháp luật.

Đối với trường hợp Thứ trưởng Công thương Hồ Thị Kim Thoa, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì, phối hợp Ban Tổ chức Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Ban cán sự đảng: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Thanh tra Chính phủ khẩn trương kiểm tra, thanh tra, xem xét, kết luận những nội dung mà các báo đã nêu và những vấn đề khác có liên quan, sớm báo cáo kết quả với Ban Bí thư.

Đồng chí Tổng Bí thư yêu cầu Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, rà soát các quy định của pháp luật có liên quan để sớm sửa đổi hoặc kiến nghị việc sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện các quy định, khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý; lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phòng, chống thất thoát tài sản của Nhà nước, ngăn ngừa tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong quá trình thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng chỉ rõ: “Thực hiện nghiêm việc kê khai tài sản, thu nhập theo quy định; xây dựng và hoàn thiện cơ chế giải trình và giám sát việc tăng giảm tài sản của cán bộ, đảng viên. Cơ quan đề xuất đề bạt, bổ nhiệm cán bộ phải tiến hành thẩm định, xác minh, đánh giá tính trung thực của việc kê khai tài sản, thu nhập và công khai theo quy định”.

Việc Bộ Chính trị ban hành Quy định về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, thể hiện tinh thần nêu gương và yêu cầu nêu gương đối với cán bộ cấp cao trong công tác kê khai và kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản. Để thực hiện có hiệu quả công việc khó, phức tạp, nhạy cảm này, cần sự thống nhất, đồng thuận cao trong toàn Đảng mà trước hết là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Khi được kiểm tra, giám sát, cán bộ có nghĩa vụ kê khai tài sản phải báo cáo đầy đủ, trung thực, kịp thời việc kê khai tài sản; giải trình, cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan,...

Quá trình kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản, các cơ quan liên quan cần phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, bài bản, thường xuyên, để nâng cao chất lượng kiểm tra, giám sát; có cơ chế phát huy vai trò đồng hành của báo chí để phát hiện, phản ánh những việc làm chưa đúng, chưa trung thực của cán bộ. Tăng cường sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân đối với cán bộ và công tác cán bộ, nhất là trong việc kê khai tài sản.

Xử lý nghiêm những cơ quan, cá nhân chậm tổ chức kê khai; không kê khai, kê khai không trung thực; không giải trình được nguồn gốc tài sản tăng thêm; không tổ chức công khai bản kê khai; không chủ động xác minh hoặc không xử lý kịp thời những vi phạm quy định về kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản. Đồng thời, sớm bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy định của Đảng, Nhà nước, để có chế tài cụ thể trong xử lý vi phạm đối với việc kê khai tài sản không trung thực, không đúng quy định, hoặc tẩu tán tài sản khi kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản.

Theo Báo Nhân Dân

Bạn đang đọc bài viết "Kiểm tra, giám sát kê khai tài sản, ngăn chặn tham nhũng" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin