Kiểm soát xung đột lợi ích trong khu vực công - Quy định và thực tiễn ở Việt Nam

11/11/2016 06:31

Thanh tra Chính phủ phối hợp với Nhóm Ngân hàng Thế giới vừa tổ chức Hội thảo công bố “Kiểm soát xung đột lợi ích trong khu vực công - Quy định và thực tiễn ở Việt Nam”.

Nghiên cứu, khảo sát “Kiểm soát Xung đột lợi ích trong khu vực công -Quy định và thực tiễn ở Việt Nam” do Thanh tra Chính phủ phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam thực hiện nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế trong quy định và thực hiện quy định pháp luật về kiểm soát xung đột lợi ích trong khu vực công; khảo sát “cảm nhận về xung đột lợi ích” được thực hiện dự trên phương pháp phỏng vấn trực tiếp 2.647 cán bộ, công chức, doanh nghiệp và người dân trên phạm vi 10 tỉnh, thành phố, 5 bộ ngành Trung ương và khảo sát trực tuyến qua trang: http://vnexpress.net đối với doanh nghiệp và người dân.

 Quang cảnh Hội thảo
Quang cảnh Hội thảo)

Mục tiêu của nghiên cứu là nhằm đề xuất một số biện pháp giúp Chính phủ và các bên liên quan hiểu rõ hơn và hạn chế các tình huống xung đột lợi ích mà cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước gặp phải khi thực thi công việc của mình, từ đó nâng cao chất lượng thể chế khu vực công và phòng ngừa tham nhũng có hiệu quả hơn. Nghiên cứu này xem xét xung đột lợi ích ở sáu lĩnh vực hoạt động phổ biến trong khu vực công, bao gồm: Cung cấp dịch vụ công; bổ nhiệm và tuyển dụng; quản lý đấu thầu; cấp phép, phê duyệt dự án; thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.

Nhóm nghiên cứu đã khảo sát thông tin từ 2.647 người, trong đó có 570 người dân, 596 doanh nghiệp, 1.411 cán bộ công chức và dữ liệu thu thập ở 10 tỉnh, thành, 5 bộ, ngành. Bốn hình thức xung đột lợi ích phổ biến được nghiên cứu là: tặng/ nhận quà (bằng tiền và không bằng tiền); đầu tư chia sẻ lợi ích; sử dụng lợi thế thông tin để vụ lợi và ra quyết định hoặc tác động có lợi ích cho người thân.

Kết quả cho thấy, gần 70% số doanh nghiệp và cán bộ công chức biết rõ việc tặng, nhận quà, cho rằng mục đích tặng quà chủ yếu là giúp giải quyết công việc. Cán bộ công chức và doanh nghiệp đều cảm nhận chung là tặng quà đã trở thành “trào lưu”, “thông lệ”, thậm chí “luật chơi”. Nhiều doanh nghiệp tặng quà để không bị “phân biệt đối xử”, trong khi cán bộ công chức tặng quà cho cấp trên để thể hiện sự biết điều.

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, đa số các đối tượng được hỏi còn chưa hiểu hoặc hiểu chưa đúng, hiểu chưa đầy đủ về khái niệm xung đột lợi ích. Trên 60% các đối tượng cho rằng xung đột lợi ích là nói tới xung đột giữa các bên. Chỉ có 25% số người được hỏi hiểu xung đột lợi ích theo đúng nghĩa là xung đột giữa lợi ích riêng của cán bộ công chức và lợi ích chung, nảy sinh trong nội tại quyết định của cán bộ công chức.

Đáng chú ý, có từ 25% - 40% cán bộ công chức được hỏi nhận định cơ quan họ không thực hiện các biện pháp kiểm soát xung đột lợi ích theo quy định. Có cán bộ công chức còn khẳng định tại cơ quan mình chỉ tuyển 10 người nhưng đã có tới 100 người là con em trong ngành, từ cấp vụ trở lên gửi gắm.

Các ý kiến phát biểu tại Hội thảo cho rằng, kết quả khảo sát cho thấy các tình huống xung đột lợi ích đang diễn ra tương đối phổ biến ở nhiều khâu của quản lý nhà nước và trên nhiều ngành, lĩnh vực. Tuy nhiên, việc kiểm soát xung đột lợi ích và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về xung đột lợi ích còn khá hạn chế.

Trên cơ sở đó, kiến nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh của các quy định pháp luật về xung đột lợi ích; sửa đổi quy định về tặng và nhận quà. Cần hoàn thiện các quy định về tặng quà nhận quà tặng theo hướng quy định nguyên tắc chung giảm thiểu rui ro xung đột lợi ích trong khu vực công. Điều đó có nghĩa là không cho phép cán bộ, công chức nhận quà tặng dưới mọi hình thức và mọi giá trị, đặc biệt là cán bộ, công chức làm trong những ngành, lĩnh vực dễ xảy ra xung đột lợi ích như: đấu thầu, cấp phép, tuyển dụng cán bộ…

Để bảo đảm tính hiệu quả và khả thi của quy định, các cơ quan nhà nước cần nghiên cứu giảm số lượng cán bộ, công chức có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập và tăng cường kiểm soát biến động tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức. Đồng thời, quy định kê khai tài sản cần phải áp dụng với người thân trong gia đình của cán bộ, công chức.

Theo Báo Điện tử Đảng CSVN

Bạn đang đọc bài viết "Kiểm soát xung đột lợi ích trong khu vực công - Quy định và thực tiễn ở Việt Nam" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin