“Có những lĩnh vực công nghệ Việt Nam đạt mức tiên tiến, tiệm cận và ngang bằng với thế giới nhưng vẫn có những ngành sản xuất dùng công nghệ thế hệ cũ”...
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) Phạm Công Tạc đánh giá như vậy về trình độ công nghệ của Việt Nam tại buổi họp báo thường kỳ vào ngày 6-10 nhằm cung cấp thông tin về hoạt động của bộ này trong 9 tháng đầu năm.
Những lĩnh vực công nghệ nào của Việt Nam đạt mức tiên tiến, tiệm cận và ngang bằng với thế giới như ông Tạc nói thì chưa rõ lắm nhưng điều mà dân chúng cả nước đều thấy là không chỉ có vài ba ngành mà rất nhiều ngành ở nước ta đang sử dụng công nghệ thế hệ cũ, thiết bị đã qua sử dụng, công nghệ thậm chí cũ đến mức khó kiếm ra quốc gia nào còn dùng. Chính ông Đỗ Hoài Nam - Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ (Bộ KH-CN) - cũng thừa nhận tại buổi họp báo rằng công nghệ một số ngành của Việt Nam đang lạc hậu như ngành mía đường, xi măng, xây dựng...
Ông Tạc nói những ngành sản xuất dùng công nghệ thế hệ cũ là do đầu tư của doanh nghiệp (DN). Nói thế thì không ai cãi được vì tiềm lực như đa số DN Việt Nam hỏi đến bao giờ mới thoát cảnh khởi nghiệp từ thiết bị, máy móc cũ. Nhưng ngay cả các nhà đầu tư đến làm ăn ở Việt Nam cũng không thiếu trường hợp mang theo thiết bị, máy móc cũ, công nghệ lạc hậu. Vấn đề là vì sao họ vẫn được “rước” vào Việt Nam thì hẳn Bộ KH-CN phải rõ hơn dân chúng.
Còn nhớ, khi sửa nghị định hướng dẫn Luật Thương mại, Chính phủ giao Bộ KH-CN xây dựng văn bản quản lý hoạt động nhập khẩu máy móc, thiết bị và dây chuyền công nghệ qua sử dụng. Sau đó, ngày 13-11-2015, Bộ KH-CN ban hành Thông tư 23/2015/TT-BKHCN. Bằng văn bản này, Bộ KH-CN nhận xét là đã hạn chế được các DN đưa vào nước ta máy móc, thiết bị dây chuyền công nghệ lạc hậu có nguy cơ gây mất an toàn, tiêu hao nhiều năng lượng và gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, mãi đến ngày 1-7-2016, thông tư này mới có hiệu lực thì rõ là quá muộn so với yêu cầu thực tiễn.
Nói như vậy là bởi trước đó, chính Bộ KH-CN từng có Thông báo số 2527/TB-BKHCN ngày 6-9-2012 (tạm ngừng nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng) và Thông tư số 20/2014/TT-BKHCN ngày 15-7-2014 (quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng). Những văn bản này đều có đủ tính pháp lý để áp dụng vào việc kiểm soát hoạt động nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng nhưng hiệu quả đến mức nào trong thực tiễn? Bao nhiêu nhà đầu tư hay DN vi phạm và phải xử lý? Hiệu lực răn đe đến đâu? Văn bản nào cũng đề cập trách nhiệm của Bộ KH-CN phối hợp các địa phương và ngành chức năng để kiểm soát nhưng kiểm soát đến đâu mà thiết bị cũ hay công nghệ lạc hậu vẫn “lọt lưới”?
Cho nên, cần tổng kết để có những câu trả lời thỏa đáng, nếu không thì văn bản cứ tiếp tục được ban hành, việc kiểm soát thoạt nghe có vẻ càng ngày càng chặt nhưng rốt cuộc vẫn chỉ kiểm soát trên văn bản.
Theo NLD