Kiểm soát quyền lực trong Kiểm toán Nhà nước góp phần phòng, chống tham nhũng

13/04/2019 10:35

Ngày 11-4, tại Hà Nội, Kiểm toán Nhà nước tổ chức Hội thảo "Kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực Kiểm toán Nhà nước góp phần phòng, chống tham nhũng - Thực trạng và giải pháp toàn thiện".

Phát biểu tại hội thảo, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh nhấn mạnh: Tham nhũng không chỉ gây thiệt hại nghiêm trọng đến các nguồn lực công, xâm hại đến hoạt động đúng đắn của bộ máy nhà nước mà còn làm sai lệch công lý, công bằng xã hội, suy giảm niềm tin, cản trở các nỗ lực giảm nghèo và phát triển quốc gia.

 Quang cảnh Hội thảo
Quang cảnh Hội thảo)

Kiểm toán Nhà nước là một trong những cơ quan trực tiếp có trách nhiệm phát hiện và phối hợp xử lý tham nhũng; không có tha hóa quyền lực thì khó có tham nhũng xảy ra, việc kiểm soát được quyền lực là vấn đề rất khó, nhưng nhất thiết phải làm tốt, nếu không thì cuộc đấu tranh chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước sẽ không thể đạt hiệu quả.

"Điều đó đòi hỏi chúng ta phải thực hiện rất nhiều công việc, rất nhiều biện pháp, trước hết cần công phá mạnh vào các vấn đề then chốt, trong đó phải thực hiện nghiêm việc giới hạn quyền lực nhà nước bằng Hiến pháp, pháp luật; kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan nhà nước, gắn với việc nâng cao hiệu quả kiểm tra, giám sát; nâng cao chất lượng và bổ sung cán bộ có phẩm chất đạo đức và nghiệp vụ tốt trong công tác kiểm tra, giám sát...", Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh khẳng định.

Hội thảo nhằm tìm ra những giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm toán, trong đó tập trung vào vấn đề kiểm soát quyền lực, trên cơ sở đó giúp Đảng, Chính phủ, các địa phương kiểm soát quyền lực để để phòng, chống tham nhũng. Mục đích của hội thảo nhằm phân tích, đánh giá, trao đổi quan điểm và làm rõ vai trò của Kiểm toán nhà nước trong kiểm soát quyền lực công, góp phần phòng, chống tham nhũng.

Các đại biểu dự hội thảo đã tập trung thảo luận làm rõ một số vấn đề lý luận về quyền lực và kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, trong đó phải chú ý đến quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền lực và kiểm soát quyền lực; mục tiêu, quan điểm, chủ trương và giải pháp của Đảng về công tác phòng, chống tham nhũng.

Các ý kiến đại biểu tập trung làm rõ vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong kiểm soát quyền lực góp phần phòng, chống tham nhũng, thực trạng việc kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán cũng như thực trạng thi hành các quy định của Đảng về kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng tại Kiểm toán Nhà nước trong thời gian qua.

Các đại biểu cũng chia sẻ các bài học, kinh nghiệm quốc tế về kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng của các cơ quan kiểm toán tối cao và những gợi mở cho Việt Nam; tập trung làm rõ các vướng mắc, bất cập đối với cơ chế giám sát, phối hợp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng.

Theo noichinh.vn

Nguồn bài viết: http://noichinh.vn/cong-tac-phong-chong-tham-nhung/201904/kiem-soat-quyen-luc-trong-kiem-toan-nha-nuoc-gop-phan-phong-chong-tham-nhung-305463/

Bạn đang đọc bài viết "Kiểm soát quyền lực trong Kiểm toán Nhà nước góp phần phòng, chống tham nhũng" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin