Biến chủng Delta đang khiến tình hình dịch bệnh diễn biến rất phức tạp. Nhưng tại Ấn Độ, dù tỷ lệ tiêm chủng chưa cao, quốc gia này vẫn có những cách làm rất hiệu quả để đối phó với đại dịch và làn sóng lây nhiễm. Vậy kinh nghiệm rút ra cho Việt Nam là gì?
Theo số liệu thống kê từ trang Our World in Data, Ấn Độ đã tiến hành tiêm hơn 670 triệu liều vaccine cho người dân, với chỉ hơn 154 triệu người được tiêm đủ hai mũi, chiếm 11,3% dân số nước này.
Ấn Độ đang sử dụng ba loại vaccine là AstraZeneca của Anh, Covaxin do nước này sản xuất và Sputnik V của Nga. Tuy vậy, quốc gia Nam Á có những cách khác để đối phó đại dịch và làn sóng lây nhiễm của biến thể Delta một cách hiệu quả.
Theo đó, một trong những cách nêu trên nằm trong những hướng dẫn của Bộ Y tế Ấn Độ về việc điều trị các ca nhiễm Covid-19 tại nước này.
Hãng tin India Today dẫn thông tin từ Bộ Y tế Ấn Độ cho biết, phác đồ điều trị các bệnh nhân nhiễm Covid-19 được chia ra làm ba mức độ, từ những ca nhẹ cho đến những ca có triệu chứng nặng.
Những ca bệnh nhẹ, không xuất hiện triệu chứng, không bị thiếu oxy và có tỷ lệ SpO2 (nồng độ oxy) trên mức 94%, sẽ được thực hiện cách ly tại nhà, đồng thời có thể tự điều trị với Ivermectin, liều lượng 200 microgram/kg một ngày, sử dụng trong 3-5 ngày.
Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn cần báo cáo ngay với cơ quan y tế khi gặp khó thở, bị tức ngực, mức SpO2 giảm xuống dưới 94% hoặc sốt cao liên tục hơn năm ngày. Đối với bệnh nhân có triệu chứng nặng trung bình có nồng độ SpO2 từ 93% trở xuống hoặc nhịp thở lớn hơn 24 lần/phút, cần được đưa đến bệnh viện và cho thở oxy nhằm duy trì mức SpO2 từ 92-96%.
Nhóm bệnh nhân nặng trung bình có thể được chữa trị bằng thuốc kháng viêm Methylprednisolone dạng tiêm, với liều lượng từ 0,5 đến 1mg/kg, mỗi ngày tiêm hai lần từ 5-10 ngày. Hoặc có thể sử dụng dexamethasome, một loại thuốc dùng để điều trị các vấn đề về thấp khớp, một số bệnh ngoài da, hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, với liều lượng tương đương.
Với những bệnh nhân có triệu chứng nặng, nồng độ SpO2 ở dưới mức 90% hoặc nhịp thở lớn hơn 30 lần/phút, cần được chuyển ngay đến phòng chăm sóc đặc biệt ICU và tiến hành đặt nội khí quản.
Nhóm bệnh nhân này cũng có thể được trị liệu bằng Methylprednisolone, với liều lượng từ 1-2 mg/kg, tiêm hai lần mỗi ngày trong vòng 5-10 ngày và phải tuân theo các chỉ định khác từ bác sĩ.
Có thể thấy, nhiều bang tại Ấn Độ cũng đã mở chiến dịch đến tận nhà dân xét nghiệm như cách Việt Nam đang làm. Ngoài ra, Ấn Độ cũng khuyến cáo người dân sử dụng thuốc Ivermectin.
Theo hãng tin Mỹ The Desert Review, Uttar Pradesh - bang lớn nhất ở Ấn Độ với khoảng 200 triệu dân, đã chứng kiến số ca nhiễm giảm 95%, từ 37.944 xuống còn 2.014 ca mắc mới một ngày. Những bang khác có sử dụng thuốc Ivermectin như Karnataka và Uttarakhand cũng có tỷ lệ ca nhiễm mới giảm mạnh, lần lượt là 60% (từ 50.112 xuống 20.378 ca) và 87% (từ 9.642 xuống còn 1.226 ca).
Các hội đồng chuyên gia từ Anh, Ý, Tây Ban Nha và Nhật, cũng đã ghi nhận mức giảm đáng kể trên số liệu thống kê về tỷ lệ tử vong và thời gian hồi phục, cũng như tác dụng loại bỏ virus ở bệnh nhân nhiễm Covid-19 được điều trị bằng Ivermectin”.
Hiện nay, Việt Nam cũng đang thí điểm điều trị F0 tại nhà. Chương trình được bắt đầu triển khai thí điểm tại TP Hồ Chí Minh từ ngày 16/8. Tuy nhiên, chương trình điều trị tại nhà (home-based care) có kiểm soát với mô hình 3 tại chỗ: xét nghiệm tại chỗ, điều trị tại chỗ và an sinh tại chỗ.
Đồng thời, Bộ Y tế cũng đưa ra 7 nhóm thuốc sẽ được dùng để điều trị bệnh nhân Covid-19 tại nhà gồm: thuốc hạ sốt, giảm đau; cân bằng điện giải; hỗ trợ nâng cao sức khỏe, tăng sức đề kháng; sát khuẩn hầu họng; kháng virus; chống viêm corticosteroid và thuốc chống đông máu.
Theo cafebiz.vn
Nguồn bài viết: https://cafebiz.vn/khong-co-ty-le-tiem-chung-cao-an-do-da-dung-phuong-phap-nao-khac-de-chong-dich-hieu-qua-20210904183207416.chn